Cấu trúc các loại virus
Virus gây bệnh và ứng dụng của virus trong thực tiễn
Virus là thực thể chưa có cấu tạo tế bào, có kích thước siêu nhỏ chỉ quan sát được dưới kính hiển vi điện tử. Chúng ký sinh nội bào bắt buộc. Vậy virus có những dạng nào ?
I.Khái niệm virus
1.Thí nghiệm phát hiện virus
Năm 1892, D.I.Ivanopxki, nhà khoa học người Nga khi lấy dịch ép của cây thuốc lá bị bệnh khảm , cho lọc qua nến lọc vi khuẩn nhiễm vào cây thuốc lá không bị bệnh thì thấy lại bị bệnh.
Khi quan sát dưới kính hiển vi quang học thì ông không nhìn thấy mầm bênh, nuôi trên thạch không thấy khuẩn lạc. Ông cho rằng mầm bệnh là 1 vi sinh vật có kích thước nhỏ hơn vi khuẩn, nấm.
Đến năm 1898 người ta gọi nó là virus. Năm 1915 phát hiện ra virus ở vi khuẩn được gọi là thực khuẩn thể ( Bacteriaphage gọi tắt là phage)
Virus ở thực vật có acid nucleic là RNA, còn virus ở động vật acid nucleic có thể là DNA hoặc RNA
2. Khái niệm virus
-Virut là dạng sống chưa có cấu tạo TB.
-Kích thước siêu nhỏ (tính bằng đơn vị nm, chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi điện tử).
-Cấu tạo rất đơn giản (vỏ protein và lõi là 1 loại Axit nucleic: có thể là DNA, RNA kép hoặc đơn)
-Ký sinh nội bào bắt buộc: chỉ có thể nhân lên trong tế bào vật chủ. Ở bên ngoài tế bào vật chủ, virus được gọi là hạt virus hay virion.
II. Hình thái và cấu tạo của virus
1. Hình thái
Dựa vào hình thái ngoài của virus người ta chia virus làm 3 loại: cấu trúc khối, cấu trúc xoắn và cấu trúc hỗn hợp.
– Cấu trúc xoắn ( hình a): Capsome xăp xếp theo chiều xoắn của acid nucleic thường làm cho virus có hình que hoặc xoắn : virus đốm thuốc lá…
– Cấu trúc khối ( hình b): Capsome xắp xếp theo hình khối đa diện, gồm 20 mặt tam giác đều. VD: Virus bại liệt, thủy đậu…
– Cấu trúc hỗn hợp (hình d): Phage có cấu tạo phức tạp nhất, đầu có cấu trúc khối, đuôi có cấu trúc xoắn ,trụ đuôi có đĩa gốc là một hình 6 cạnh , có 1 lỗ ở giữa cho phép trục đuôi đi qua. Đĩa gốc có 6 gai đuôi từ đó mọc ra 6 lông đuôi mảnh và dai , giúp phage bám trên bề mặt vi khuẩn.
– Một số virus có thêm lớp vỏ bên ngoài lớp capsit gọi là vỏ ngoài (hình c) , trên bề mặt vỏ ngoài có các gai glicoprotein làm nhiệm vụ kháng nguyên và giúp virus bám chặt vào tế bào vật chủ.
Cấu tạo
– Lõi acid nucleic của virus chính là bộ gen của chúng. Virus chỉ chứa DNA hoặc RNA ( có thể là mạch đơn hoặc mạch kép)
– Bao bên ngoài lõi acid nucleic là lớp protein : vỏ capsit được cấu tạo từ các capsome
-Một số virus còn có thêm lớp vỏ ngoài được cấu tạo từ lớp kép lipit và protein, bên trên có gai glicoprotein làm nhiệm vụ kháng nguyên đặc trưng cho virus. Lớp vỏ này thực chất là màng tế bào vật chủ được virus cải tạo.
– Thí nghiệm của Franken và Conrat:
+ 2 ông đã tách lõi RNA ra khỏi vỏ protein của chủng A và chủng B ( cả 2 chủng đều gây bệnh trên cây thuốc lá)
+ trộn lõi RNA của chủng A với protein của chủng B để tạo ra virus lai.
+ nhiễm chủng virus lai vào cây thì cây sẽ bị bệnh, sau khi phân lập ta thu được virus chủng A.
Điều này chứng tỏ acid nucleic có vai trò mang thông tin di truyền tổng hợp vỏ capsit và quan trọng nhất.