Bình luận ý kiến của Nam Cao “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối ….”

Bình luận ý kiến của Nam Cao “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối ….”

Nhập vai Bê-li-cốp để kể lại truyện ngắn Người trong bao của A.P.Sê-khốp

Đề bài:

Trong truyện ngắn Trăng sáng, nhà văn Nam Cao viết: Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.
Anh (chị) hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.

Bài làm:

Nam Cao là cây bút xuất sắc của trào lưu hiện thực giai đoạn văn học 1930 – 1945. Phần lớn tác phẩm của ông viết về số phận những con người cùng khổ trong xã hội thực dân, phong kiến thối nát, bất công. Nam Cao xót thương, thông cảm chân thành trước cảnh sống mòn của giới trí thức, văn nghệ sĩ nghèo thường bị gánh nặng cơm áo ghì sát đất; đau khổ, bất bình trước kiếp sống lầm than, cơ cực, bị dồn đẩy vào bước đường cùng của nông dân trước Cách mạng.

Giữa lúc trên văn đàn xuất hiện những quan điểm khác biệt, thậm chí đối lập về văn chương, Nam Cao đã bày tỏ quan điểm của mình trong truyện ngắn Trăng sáng: Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.

Có thể coi đây chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao.

Nhân vật chính trong truyện là Điền, một trí thức nghèo đang thất nghiệp. Điền ôm ấp một giấc mộng văn chương rất lớn nhưng chưa có điều kiện biến giấc mộng ấy thành hiện thực. Đã vậy, cuộc sống vật chất túng quẫn hằng ngày ràng buộc, khiến con người anh trở nên tầm thường bởi những tính toán vụn vặt, nhỏ nhoi. Tuy thế, ước mơ trở thành văn sĩ nổi tiếng trong anh chưa tắt. Nhân một đêm trăng sáng, sau bữa cơm rau dưa đạm bạc, Điền mang ghế ra sân ngồi ngắm trăng lên. Dưới ánh trăng xanh huyền ảo, mọi vật trở nên đẹp đẽ bội phần> thôi thúc mộng văn chương trong lòng Điền. Anh tự nhủ sẽ viết ra những tác phẩm lời phải đẹp, ý phải thanh cao, khơi nguồn cho những tình cảm đầy thơ mộng… Mọi người sẽ đọc văn anh, mê văn anh. Các quý bà, quý cô sẽ gửi cho anh những bức thư tỏ tình sực nức mùi nước hoa đắt tiền và anh sẽ thành văn sĩ nổi tiếng…

Đôi cánh kì diệu của trí tưởng tượng không biết sẽ đưa Điền bay bổng đến đâu nếu không có tiếng càu nhàu gắt gỏng của vợ anh, tiếng khóc lóc rên rĩ của con anh vì đau bụng mà không có thuốc uống. Những âm thanh trần tục ấy kéo anh trở về với thực tế phũ phàng: vợ yếu, con đau, hết tiền, hết gạo: Vụt cái, trăng mất đẹp. Điền cúi mặt bẽn lẽn như bị bắt quả tang làm việc xấu… Anh bừng tỉnh nhận ra rằng tất cả những điều mình mới nghĩ đây thôi chỉ là phù phiếm, vô vị trước thực tại này: Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối…

Tác giả mượn lời Điền để bày tỏ thái độ phủ định của mình đối với quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, ông cho rằng loại văn chương mơ mộng hão huyền cũng giống như ánh trăng xanh huyền ảo chứa đầy dối lừa bởi ánh trăng làm đẹp cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa. Có biết đâu trong những căn lều nát… biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp người.

Cùng thời với Nam Cao, một số nhà văn lãng mạn đã thêu dệt nên những bức tranh hoa gấm trong tác phẩm của mình. Nhân vật của họ là những chàng, những nàng sống giữa lụa là, vàng ngọc, trong một thế giới đầy âm nhạc và tràn trề ánh sáng, chỉ biết vui chơi, hưởng lạc với những mối tình thơ mộng vơ vẩn, rẻ tiền. Loại “văn chương ướp nước hoa” ấy chỉ phục vụ một số ít kẻ giàu sang trong xã hội, những người đàn bà nhàn rỗi chỉ có một việc là chăm sửa thịt da và chẳng làm gì cả. Nó không đem lại chút lợi ích thiết thực nào cho số đông quần chúng đang sống quằn quại trong lầm than, cơ cực

Bình luận ý kiến của Nam Cao “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối ….”

Bình luận ý kiến của Nam Cao “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối ….”

.

Cũng vẫn mượn tâm trạng của Điền, Nam Cao phê phán mục đích vụ lợi, ích kỉ của một số nhà văn muốn dùng thứ văn chương lừa dối, điêu trá ấy làm cây cầu, làm bậc thang đưa họ đến với danh vọng, với thế giới thượng lưu trong xã hội, đến với những người đàn bà mặc áo lụa xanh, ngả tấm thân mềm trên ghế xích đu và đưa đẩy đôi chân thưỡn thẹo… hoặc những cuộc tình tay ba, tay tư cùng các tiểu thư khuê các.

Rõ ràng, những người muốn trở thành nhà văn chân chính không chấp nhận thứ văn chương quấy loãng. Con đường duy nhất mà Điền có thể chọn cho mình là quay về với hiện thực, dùng ngòi bút phản ánh thực trạng cuộc sống, phơi bày nỗi đau khổ triền miên của kiếp người trên giấy trắng mực đen, giúp mọi người nhận thức được nguyên nhân sâu xa của mọi bất công xã hội.

Nói rộng hơn, nhà văn chân chính không thể thoát li, quay lưng nhắm mắt làm ngơ trước hiện thực cuộc sống. Tiếng nói nhà văn phải là tiếng nói của hàng triệu con người đang sống lầm than.

Nghệ thuật không thể nhân danh cái đẹp để ẩn vào tháp ngà văn chương, trốn tránh trách nhiệm với đời. Càng không thể hạ mình, bán mình cho đồng tiền để làm hại xã hội. Ngược lại, văn chương nghệ thuật phải đi sâu vào hiện thực và theo cách này hoặc cách khác, nêu ra được những vấn đề bức thiết lớn lao của cuộc sống. Như vậy thì những nhà văn như Điền việc gì phải đi tìm cảm hứng ở tận nơi đâu ? Hãy cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời.

Lúc đầu, mớ âm thanh ồn ã, lộn xộn của đời thường làm cho Điền khó chịu. Nhưng chính những âm thanh ấy đã giữ Điền lại trước vực thẳm sa ngã tinh thần. Kết thúc truyện, nhà văn tả Điền ngồi viết giữa tiếng cằn nhằn của vợ, tiếng kêu khóc của con và tiếng chửi của hàng xóm ban đêm mất gà. Đây cũng là một cách khẳng định quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của Nam Cao.

Bên cạnh quan điểm nghệ thuật phải nói lên sự thực, không được thi vị hóa cuộc sống, đừng làm ánh trăng lừa dối trên những đau khổ của con người. Nam Cao còn cho rằng văn chương có giá trị phải là những tác phẩm có nội dung nhân đạo sâu sắc. Ông viết: Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. (Đời thừa). Ý này bổ sung ý kiến trên kia, như thế quan điểm nghệ thuật của Nam Cao mới hoàn chỉnh.

Qua hàng loạt tác phẩm của mình, Nam Cao muốn khẳng định rằng nhà văn chân chính không thể dửng dưng trước số phận của con người và nghệ thuật chân chính phải nói lên nỗi đau ngàn đời đó. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nam Cao là những dẫn chứng hùng hồn, có sức thuyết phục mạnh mẽ, minh họa sinh động cho quan điểm đúng đắn và tiến bộ này.

Thảo luận cho bài: Bình luận ý kiến của Nam Cao “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối ….”