Bình giảng hai câu thơ đầu trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Phân tích tình yêu quê hương đất nước qua Đây thôn Vĩ Dạ, Đây mùa thu tới, Thơ duyên…
Đề bài:
Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Bài làm:
Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945 có nhiều bài viết về chủ đề thiên nhiên, đất nước. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là bức tranh phong cảnh tuyệt vời của xứ Huế mộng mơ và thanh lịch. Thi nhân gửi gắm trong đó niềm khao khát được hòa hợp, gắn bó với cảnh vật cùng con người của đất cố đô.
Thôn Vĩ Dạ nằm ven thành cổ, ngay bên bờ sông Hương, nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và những vườn cây xanh tốt, hoa thơm trái ngọt bốn mùa. Những thiếu nữ duyên dáng, đoan trang với chiếc nón bài thơ che nghiêng trên mái tóc thề cùng với tà áo dài trắng tinh khôi hay màu tím thủy chung rất Huế, khiến cho du khách ngẩn ngơ.
Trong khổ thơ đầu, ngọn bút tài hoa của Hàn Mặc Tử đã phác họa nên những nét đặc trưng nhất của cảnh vật và con người thôn Vĩ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Câu thơ thứ nhất như một lời hờn trách nhẹ nhàng: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Trách mà ngụ ý mời mọc ân cần, lại bằng cái giọng ngọt lịm của người con gái Huế nên chỉ mới nghe qua, khách đã thấy lòng xao xuyến. Xao xuyến bởi tấm chân tình cùng với nỗi khắc khoải đợi mong của người con gái thôn Vĩ ẩn chứa trong lời mời ấy.
Bình giảng hai câu thơ đầu trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Điều kì diệu là cả một khung trời kỉ niệm về Vĩ Dạ đột nhiên sống dậy trong kí ức và thi sĩ đã tái tạo vẻ đẹp của cảnh vật cùng con người thôn Vĩ qua cái nhìn tâm tưởng rất lãng mạn, trữ tình.
Thuở còn là học sinh trường Pellerin ở Huế, Hàn Mặc Tử đã quá quen thuộc với mảnh đất này. Vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên thôn Vĩ giờ đây cộng hưởng với nỗi nhớ niềm yêu đang thổn thức trong lòng thi nhân nên càng hiện nên lung linh, đẹp đẽ bội phần.
Có thể hiểu câu thơ thứ nhất là một lời mời tinh tế: Anh hãy về thăm thôn Vĩ và thăm em. Anh về đây để cùng em: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Cô gái gửi gắm lòng mình vào màu nắng mới lên tinh khôi trên hàng cau cao vút. Từ hình ảnh rất thực, ta có thể liên tưởng hàng cau kia thay cho ai ngóng đợi người về, để được đón lấy cái nhìn thiết tha trìu mến sau bao ngày xa cách. Hình ảnh thân thương này gợi lên trong lòng mỗi chúng ta một nỗi niềm nhớ nhung làng mạc quê hương sâu sắc.
Câu 3 và 4 là cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của vườn cây thôn Vĩ. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc là lời trầm trồ thán phục trước bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ. Trái tim thi sĩ nhạy cảm và con mắt họa sĩ tinh tường của Hàn Mặc Tử đã nhận ra độ mướt mỡ màng, non tươi của lá. So sánh màu lá xanh như ngọc là một so sánh độc đáo, sáng tạo và giàu tính thẩm mĩ. Tất cả cảnh vật đều rạo rực, tưng bừng sức sống. Tưởng như nghe thấy cả tiếng nhựa chuyển lên cành, lên lá. Tâm hồn con người trước khung cảnh ấy cũng phơi phới một diệu tươi vui.
Vườn ai thể là vườn nhà cô gái. Cây đã đẹp, người lại đẹp hơn: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Cô gái thấp thoáng ẩn hiện sau khóm trúc. Đường nét thanh mảnh của lá trúc tôn thêm vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của gương mặt chữ điền. Câu thơ đặc tả nét e ấp, dịu dàng rất đáng yêu của cô gái Huế.
Ý nghĩa của khổ thơ này là vậy. Người ở thôn Vĩ thiết tha mời mọc bằng lời trách khéo rất dễ thương và qua đó giới thiệu nét đẹp dân dã quê mình. Người về thăm thì khen ngợi, say mê. Cảnh đẹp màu, người đẹp nết, tất cả hài hòa thành một bức tranh quê tươi mát, quyến rũ lạ lùng. Trên cái nền phong cảnh đầy hương sắc ấy có một cuộc hội ngộ tuy không nói ra mà niềm vui thấm vào cảnh vật, nghe như có tiếng thì thầm mơ hồ, hư ảo của tình yêu.