Bài 23: Các Vùng Kinh Tế Trọng Điểm
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Bài 22: Vấn Đề Biển Đông Và Các Đảo, Quần Đảo
1- Đặc điểm của vùng kinh tế trọng điểm. Tại sao nước ta phải hình thành các vùng kinh tế trọng điểm.
a- Đặc điểm:
Đây là vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế cả nước. Nó đặc trưng bằng những đặc điểm kinh tế sau:
- Bao gồm phạm vi của nhiều tỉnh, thành phố và ranh giới có thể thay đổi theo thời gian tuỳ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước.
- Hội tụ đẩy đủ các thế mạnh, tập trung nhiều tiềm lực kinh tế và hấp dẫn các nhà đầu tư.
- Có tỷ trọng lớn trong GDP của quốc gia, tạo ra tốc độ phát triển nhanh cho cả nước và có thể hỗ trợ các vùng khác.
- Có khả năng thu hút các ngành mới về CN và dịch vụ để từ đó nhân rộng trong cả nước.
b- Nước ta phải hình thành các vùng kinh tế trọng điểm là do:
- Nước ta đi nên từ điểm xuất phát thấp, cần phải có các đầu tầu thúc đẩy sự phát triển.
- Nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đa dạng, phong phú nhưng lại có sự phân hoá theo vùng. Trong điều kiện hiện nay, nước ta chưa có đủ điều kiện để tập trung cho tất cả các vùng. Vì vậy cần phải đầu tư có trọng điểm.
- Sự đầu tư của nước ngoài là rất cần thiết, song muốn thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài, cần phải tạo ra các vùng thuận lợi.
2- Quá trình hình thành và thực trạng của các vùng kinh tế trọng điểm?
a- Quá trình hình thành:
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX bao gồm có Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Sau năm 2000 thêm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây.
- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX bao gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau năm 2000 thêm Bình Định.
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương. Sau năm 2000 thêm 4 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
b- Thực trạng phát triển:
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2001-2005 là 11.2%; GDP so với cả nước là 18.9%, cơ cấu GDP phân theo ngành (Nông, Lâm, Ngư nghiệp 12.6%; công nghiệp và xây dựng 42.2%, dịch vụ 45.2%) kim ngạch xuất khẩu so với cả nước là 27%.
- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm 2001- 2005 là 10.7%; GDP so với cả nước là 5.3%, cơ cấu GDP phân theo ngành (Nông, Lâm, Ngư nghiệp 25.0%; công nghiệp và xây dựng 36.6% dịch vụ 38.4%) kim ngạch xuất khẩu so với cả nước là 2.2%.
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm 2001- 2005 là 11.9%; GDP so với cả nước là 42.7%, cơ cấu GDP phân theo ngành (Nông, Lâm, Ngư nghiệp 7.8%; công nghiệp và xây dựng 59.0% dịch vụ 33.2%) kim ngạch xuất khẩu so với cả nước là 35.3%.
3- Trình bày 3 vùng kinh tế trọng điểm?
a- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc:
Có diện tích 15.3 nghìn km2, dân số 13.7 triệu người (2006) bao gồm 7 tỉnh, thành phố chủ yếu thuộc ĐBSH (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh).
* Các thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội:
- Vị trí địa lý của vùng thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế ở trong nước và quốc tế.
- Hà Nội là thủ đô đồng thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá thuộc loại lớn nhất cả nước.
- Hai quốc lộ 5 và 18 là hai tuyến giao thông huyết mạch gắn kết cả Bắc Bộ nói chung với cụm cảng Hải Phòng – Cái Lân.
- Nguồn lao động số lượng lớn, chất lượng vào loại hàng đầu cả nước.
- Có lịch sử khai thác lâu đời nhất nước ta.
- Các ngành công nghiệp phát triển rất sớm và nhiều ngành có ý nghĩa quốc gia.
- Các ngành dịch vụ du lịch có nhiều điều kiện để phát triển.
* Các vấn đề giải quyết (Phương hướng):
- Công nghiệp: Đẩy mạnh các ngành công nghiệp trọng điểm, nhanh chóng phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường đồng thời với việc phát triển các khu CN tập trung.
- Dịch vụ:Chú trọng đến thương mại và các hoạt động dịch vụ khác nhất là du lịch.
- Về nông nghiệp: Cần chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hoá có chất lượng cao.
b- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:
Với diện tích 28 nghìn km2, dân số 6.3 triệu người (2006) bao gồm 5 tỉnh (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
* Các thế mạnh để phát triển kinh tế, xã hội:
- Vị trí chuyển tiếp giữa các vùng phía Bắc và phía Nam, là cửa ngõ quan trọng thông ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu hàng hoá.
- Thế mạnh hàng đầu là khai thác tài tổng hợp tài nguyên biển và khoáng sản, rừng để phát triển dịch vụ du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp chế biến N-L- TS và một số ngành khác.
* Phương hướng:
- Trên lãnh thổ của vùng hiện nay đang triển khai những dự án lớn có tầm cỡ quốc gia. Trong tương lai sẽ hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm, phát triển các vùng chuyên sản xuất hàng hoá nông nghiệp, thuỷ sản và các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch.
c- Vùng kinh tế trọng điểm phía nam:
Với diện tích 30.6 nghìn km2, dân số 15.2 triệu người (2006) bao gồm 8 tỉnh và thành phố chủ yếu thuộc Đông Nam Bộ (TP, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang).
* Các thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội:
- Tài nguyên thiên nhiên nổi trội hàng đầu là các mỏ dầu khí ở các thềm lục địa.
- Dân cư đông, nguồn lao động dồi dào, có chất lượng.
- Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối tốt và đồng bộ.
- Tập trung tiềm lực kinh tế mạnh nhất và có trình độ phát triển kinh tế cao nhất so với các vùng khác trong cả nước.
* Phương hướng:
– Trong những năm tới công nghiệp vẫn là động lực của vùng với các ngành CN cơ bản, CN trọng điểm, công nghệ cao và hình thành hàng loạt khu CN tập trung để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các ngành thương mại, tín dụng, ngân hàng, du lịch tiếp tục được đẩy mạnh.