Câu 63: Yếu Tố Thúc Đẩy Mĩ, Nhật, Tây Âu Trở Thành Trung Tâm Kinh Tế Thế Giới

Yếu Tố Thúc Đẩy Mĩ, Nhật, Tây Âu Trở Thành Trung Tâm KTTG
Mời các bạn tham khảo thêm:
Câu 63. Phân tích những yếu tố thúc đẩy Mĩ, Nhật Bản và Tây Âu trở thành ba trung tâm kinh tế – tài chính hàng đầu thế giới nửa sau thế kỉ XX. Từ đấy, anh/chị hãy cho biết nhận thức của mình về bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại. 

Hướng dẫn làm bài 

1. Những yếu tố thúc đẩy Mĩ, Nhật Bản và Tây Âu trở thành ba trung tâm kinh tế – tài chính hàng đầu thế giới nửa sau thế kỉ XX. 

a. Mĩ : Trong khoảng 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ vươn lên trở thành trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới. Sở dĩ kinh tế Mĩ có được sự phát triển và sức mạnh to lớn như vậy là do một số yếu tố sau :
– Lãnh thổ nước Mĩ rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu khá thuận lơi, nguồn nhân lực dồi dào, trình độ kĩ thuật cao.
– Mĩ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai muộn hơn, tổn thất ít hơn so với các nước khác. Hơn nữa, Mĩ còn lợi dụng chiến tranh, thu nhiều lợi nhuận từ việc buôn bán vũ khí.
– Mĩ là nước khởi đầu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại của thế giới. Việc áp dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng này đã cho phép Mĩ nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và điều chỉnh hợp lí cơ cấu sản xuất.
– Trong chiến tranh, đất nước có điều kiện hoà bình, không bị chiến tranh tàn phá, đồng thời Mĩ đã có nhiều biện pháp để thu hút những nhà khoa học – kĩ thuật lỗi lạc trên thế giới làm xảy ra hiện tượng “chảy chất xám” ở các nước nghèo Á, Phi, Mĩ Latinh. Vì vậy, nhiều nhà khoa học và phát minh khoa học được tiến hành nghiên cứu và ứng dụng tại Mĩ.
– Trình độ tập trung tư bản và sản xuất cao. Các tổ hợp công nghiệp – quân sự, các công ty và tập đoàn tư bản lũng đoạn Mĩ (như Giênêran, Môtơ, Pho, Rốccơphelơ…) có sức sản xuất, cạnh tranh lớn và hiệu quả ở cả trong và ngoài nước.
– Các chính sách và biện pháp điều tiết của Nhà nước có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế Mĩ phát triển.

b. Nhật Bản : Về tự nhiên Nhật Bản không được ưu đãi như Mĩ, hơn nữa sau Thế chiến thứ hai lại là nước bại trận, kinh tế kiệt quệ nhưng đã vươn lên đứng vững và ngày càng phát triển vì:

– Người dân Nhật Bản với truyền thống văn hóa giáo dục, đạo đức lao động tốt, tiết kiệm, tay nghề cao và có nhiều khả năng sảng tạo là nhân tố hàng đầu của sự phát triển kinh tế. Con người được coi là vốn quý nhật, đồng thời là “công nghệ cao nhất”.
– Nhà nước quản lý kinh tế một cách hiệu quả, có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô.
– Các công ty Nhật Bản năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt. Chế độ làm việc suốt đời, chế độ lương theo thâm niên và chủ nghĩa nghiệp đoàn xí nghiệp là “ba kho báu thiêng liêng” làm cho các công ty Nhật có sức mạnh và tính cạnh tranh cao.
– Nhật luôn luôn áp dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại, không ngừng nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm.
– Chi phí quốc phòng của Nhật Bản ít (Hiến háp quy định không vượt quá 1% GDP), nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư kinh tế.
– Nhật Bản biết tận dụng các yếu tố bên ngoài như tranh thủ các nguồn viện trở của Mĩ sau chiến tranh, dựa vào Mĩ về mặt quân sự (nằm trong “ô bảo vệ hạt nhân” của Mĩ), lợi dụng các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950 – 1953) và Việt Nam (1954 – 1975) để làm giàu.
c. Tây Âu : Từ năm 1950 – 1970, kinh tế Tây Âu phát triển nhanh chóng. Đến đầu thập niên 70, trở thành một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn của thế giới với trình độ khoa học – kĩ thuật cao. Sở dĩ các nước Tây Âu phát triển kinh tế nhanh như vậy là dO một số yếu tố sau :
– Các nước Tây Âu đã phát triển và áp dụng thành công những thành tựu khoa học – kĩ thuật để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
– Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của nhà nước có hiệu quả.
– Sự nỗ lực của nhân dân lao động trong từng nước.
– Các nước tư bản ở Tây Âu đã biết tận dụng tốt các cơ hội bên ngoài như: viện trợ Mĩ; nguồn nguyên liệu rẻ của các nước thế giới thứ ba, hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ EC…
Yếu Tố Thúc Đẩy Mĩ, Nhật, Tây Âu Trở Thành Trung Tâm KTTG

Yếu Tố Thúc Đẩy Mĩ, Nhật, Tây Âu Trở Thành Trung Tâm KTTG

2. Bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại : Qua việc tìm hiểu những yếu tố dẫn đến sự phát triển kinh tế Mĩ, Nhật và Tây Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể nhận thức một số nét cơ bản về bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại :
* Mặt tiến bộ : Cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đạt nhiều thành tựu to lớn dẫn đến bước nhảy vọt về năng suất lao động và trình độ sản xuất xã hội , làm cho đời sống vật chất, tinh thần của con người không ngừng được nâng cao…Văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật có sự phát triển đáng kể…
* Mặt hạn chế : Luôn tồn tại những mâu thuẫn xã hội và những tệ nạn xã hội mà chủ nghĩa tư bản không thể nào khắc phục được…
* Nhận xét : Chủ nghĩa tư bản hiện đại – bên cạnh sự phồn vinh, phát triển về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật vẫn tồn tại những hạn chế không sao khắc phục được… CNTB hiện đại thay đổi về hình thái nhưng không thay đổi về bản chất bóc lột, do đó vẫn chưa phải là một hình thái xã hội lý tưởng và mẫu mực cho nhân loại…
 Dạng câu hỏi tương tự :
Trình bày và phân tích nguyên nhân của sự phát triển kinh tế của Mĩ và Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ đấy, anh/chị hãy phát biểu nhận thức của mình về bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
(Đề thi HSG Quốc gia, bảng A, năm 1997)

Thảo luận cho bài: Câu 63: Yếu Tố Thúc Đẩy Mĩ, Nhật, Tây Âu Trở Thành Trung Tâm Kinh Tế Thế Giới