TUẦN 26: LUYỆN TỪ VÀ CÂU
TIẾT 2: DŨNG CẢM
Câu 1: Tìm những từ cùng nghĩa và những từ trái nghĩa với từ “dũng cảm”
Gợi ý: Dựa vào mẫu đã cho, em tìm những từ thuộc hai nhóm theo yêu cầu của câu hỏi:
a. Từ cùng nghĩa: Gan dạ, gan góc, gan lì, anh dũng, anh hùng, quả cảm, can đảm, can trường, bạo gan, táo bạo..,
b. Từ trái nghĩa: Hèn nhát, nhát gan, nhút nhát, bạc nhược, nhát, hèn, nhát như cáy v.v…
Câu 2: Đặt câu với một trong các từ vừa tìm được.
Gợi ý: Em đặt như sau:
– Cậu phải can đảm nói lên sự thật, không ngại gì cả.
– Sao mày nhát gan thế!
– Cậu phải mạnh dạn lên đừng nhút nhát quá.
Câu 3: Chọn từ thích hợp sau đây để điền vào chỗ trống: anh dũng, dũng cảm, dũng mãnh
– … bênh vực lẽ phải.
– Khí thế…
– Hy sinh…
Gợi ý: Em điền như sau:
– Dũng cảm bênh vực lẽ phải
– Khí thế dũng mãnh
– Hy sinh anh dũng
Câu 4: Trong các thành ngữ sau, nhừng thành ngữ nào nói về lòng dũng cảm?
– Ba chìm bảy nổi, vào sinh ra tử, cày sâu cuốc bẫm, gan vàng dạ sắt, nhường cơm sẻ áo, chân lấm tay bùn.
Gợi ý: Để xác định thành ngữ nào nói về lòng dũng cảm, em cần hiểu nghĩa của từng thành ngữ. Thành ngữ nào có nghĩa biểu đạt tinh thần, hành động dũng cảm của con người thì em chọn thành ngữ đó.
– Đó là các thành ngữ:
Vào sinh ra tử, gan vàng dạ sắt.
Câu 5: Đặt câu với các thành ngữ vừa tìm được.
Gợi ý: Em có thể đặt như sau:
– Chú Tùng ở xóm em – trước đây là bộ đội đặc công – là người đã từng “vào sinh ra tử”.
– Anh Nguyễn Văn Trỗi là một con người “gan vàng dạ sắt”.