Soạn bài: Tập đọc Trống đồng đông sơn

TUẦN 20: TẬP ĐỌC

SOẠN BÀI TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN

 

A. KĨ NĂNG ĐỌC:

Bài văn kể về những nét đặc sắc của trống đồng Đông Sơn, niềm tự hào về nền văn hóa Việt Nam cổ xưa. Vì vậy khi đọc bài này cần đọc lưu loát trôi chảy, âm điệu phấn khởi tự hào. Ngừng nghỉ vào chỗ có dấu câu với ngữ điệu thích hợp. Nhấn giọng ở những từ ngữ ca ngợi vẻ đẹp của trống đồng Đông Sơn.

B. TÌM HIỂU BÀI:

Câu 1. Trống đồng Đông Sơn đa dạng như thế nào?

Gợi ý: Trống đồng Đông Sơn đa dạng về hình dáng, kích thước về phong cách trang trí sắp xếp hoa văn: Thể hiện ở giữa mặt trống bao giờ cũng có hình ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh. Tiếp đến là những hình tròn đồng tâm, hình vũ công nhảy múa, chèo thuyền, chim bay, hươu nai có gạc v.v…

Câu 2. Những hoạt động nào của con người được miêu tả trên trống đồng?

Gợi ý: Đó là những hoạt động: lao động, đánh cá, săn bắn, đánh trống, thổi kèn, cầm vũ khí bảo vệ quê hương, nhảy múa mừng chiến công, cảm tạ thần linh, hình tượng ghép đôi nam nữ.

Câu 3. Vì sao có thể nói hình ảnh con người chiếm vị trí nổi bật trên hoa văn trông đồng?

Gợi ý: Bởi vì con người là chủ nhân của xã hội, con người thuần hậu hiền hòa mang tính nhân bản sâu sắc. Nói đến cuộc sống là nói đến con người, con người làm ra tất cả. Con người lao động là để làm ra của cải vật chất đưa xã hội từng bước đi lên.

Câu 4. Vì sao trống đồng là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam?

Gợi ý: Vì trống đồng ghi lại và phản ánh trình độ văn minh của người Việt cổ xưa. Nó chính là bằng chứng nói lên rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc có một nền văn hóa từ lâu đời.

* Đại ý: Bài trống đồng Đông Sơn thể hiện niềm tự hào của một dân tộc có nền văn hóa lâu đời mà hiện nay con cháu của các thế hệ người Việt Nam cần giữ gìn và phát triển.

Thảo luận cho bài: Soạn bài: Tập đọc Trống đồng đông sơn