Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm

Bài làm

Câu chuyện được kể “Vào một đêm trời sáng trăng suông, trong một ngôi nhà nhỏ giữa Tháp Mười mà xung quanh nước đã lên đầy…”. Người kể chuyện là “đồng chí già”- một chiến sĩ lão thành từng trải qua biết bao nỗi buồn, niềm vui trong hai cuộc kháng chiến. Ông vừa là người chứng kiến, vừa là nhân vật của câu chuyện. “Chuyện xảy ra cách đây đã hơn một năm rồi, mà mỗi lần nhớ lại, tôi cứ bàng hoàng như vừa thấy một giấc mơ…”. Ông già cất tiếng. Giọng trầm đục, đầu hơi cúi xuống, mặt ngước nhìn mênh mông. Ngay từ mấy dòng đầu ấy của tác phẩm, Nguyễn Quang Sáng đã tạo được không khí cho câu chuyện. Ông không trực tiếp kể mà dùng nhân vật người già với cái giọng trầm ấm dể dẫn dắt bạn đọc. Do đó, truyện ngắn hiện đại mà âm vang như một truyện cố tích, một huyền thoại, với biết bao nhân vật, bao chi tiết, tình huống bất ngờ, kì diệu. Đây là sự sáng tạo của nhà văn hay chính là cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam anh hùng đầy những điều diệu kì, sáng tạo nên ? Xung quanh “chiếc lược ngà” ấy, chúng ta gặp những con người nhân hậu, thông minh, dũng cảm và cũng… sáng tạo biết bao!

 

Tác phẩm khá dài, có nhiều tình huống, sự việc éo le, hấp dẫn diễn ra trong nhiều quãng thời gian, hiện tại, quá khứ đan xen, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Ở đây, chúng ta chỉ đọc hiểu và suy ngẫm về đoạn trích trong sách Ngữ văn 9. Theo lời kể chuyện – nhân vật xưng tôi – chúng ta có thể tóm tắt những tình tiết như sau:

Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi khi con gái lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thâm con. Bé Thu – con gái ông – không nhận cha, trái lại đã đối xử lạnh nhạt, có lúc vô lễ với cha. Điều đó làm cho ông Sáu đau lòng, nhưng ông vẫn yêu thương con bằng tất cả tình cha con ruột thịt. Sau vài ngày ngắn ngủi sum họp gia đình, ông Sáu phải ra đi. Đến lúc ấy bé Thu bỗng thay đổi thái độ. Em ôm chặt lấy cha không muốn cha con phải xa nhau. Mọi người ngỡ ngàng sửng sốt. Thì ra, mấy ngày trước, do nhìn thấy trên mặt ông Sáu có vết sẹo lớn, bé Thu thấy ông không giống cha chụp chung ảnh với mẹ. Nhờ bà ngoại giảng giải, Thu đã hiểu ra mọi chuyện. Em cất tiếng gọi “Ba… ba !..” và hẹn “Ba mua cho con một cây lược nghe”. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm yêu quý nhớ thương con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để mang về tặng cô con gái bé bỏng. Nhưng trong một cuộc chiến đấu ông đã ngã xuống. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược nhờ người bạn, gửi vé tận tay cho con.

Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Xung quanh câu chuyện vể chiếc lược ngà ấy, hai hình tượng nhân vật nổi bật lên. Nhân vật thứ nhất : cô bé Thu – một em gái tám tuổi – có một tình yêu cha đằm thắm và kì lạ. Cha đi chiến đấu biền biệt xa nhà. Đến khi Thu lên tám tuổi, hai cha con mới được gặp mặt nhau. Cô bé tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo hoa đỏ, hồn nhiên, xinh đẹp, mới nhìn, ông Sáu đã nhận ra ngay con gái mình. Vậy mà, trong suốt ba ngày gần gũi, cô bé đã không nhận ra cha của mình. Cô đã nói năng cộc lốc, đã cư xử vùng vằng, ương ngạnh. Tình cảm cha con tưởng chừng không hình thành được. Song đến giây phút cuối cùng, trước khi ông Sáu đi xa, thì tình cảm thiêng liêng ấy bỗng cháy bùng lên. Khi nhìn thẳng, đối diện với người cha “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”. Đằng sau dôi mắt mênh mông, chắc đang xáo động biết bao ý nghĩ, tình cảm. Mấy tiếng gọi “Ba… ba !” cùng cử chỉ ôm chặt lấy cổ ba, hôn khắp mọi nơi, “hôn cả vết thẹo dài trên má của ba”, biểu hiện một tình yêu ruột thịt nồng nàn của đứa con đối với cha. Và khi nghe ông Sáu nói “Ba đi rồi ba về với con”, cô bé hét lên “không”, rồi hai tay siết chặt cổ, dang cả hai chân quặp chặt lấy ba, đôi vai nhỏ run run ! Chắc cô bé khóc ? Phải chăng lúc ấy Thu thực sự thấy xót xa, ân hận về lỗi lầm của minh, thực sự thấy xót thương người cha đau khổ ? Trong trí nhớ ngây thơ của cô, cha cô đẹp lắm. Vì bom đạn quân thù, cha mang sẹo trên mặt. Đấy là điều đau khổ. Vậy mà, cô không hiểu, cô lại xa lánh khiến cha đau khổ thêm. Được bà ngoại giải thích, cô mới hiểu ra mọi lẽ. Khi bé Thu hiểu thì đã… muộn rồi. Cha sắp đi xa, xa mẹ, xa con, và tiếp tục cuộc đời gian khổ. Vì vậy, Thu siết chặt cổ cha, níu chặt lấy người cha, như muốn đền bù những hụt hẫng đã qua. Nhà văn không viết nhiều, song chỉ bằng một chi tiết nhỏ ấy, đủ cho chúng ta xúc động trước những nỗi niềm, tâm trạng của nhân vật. Nỗi niềm, tâm trạng ấy trong tréo, chân thành xiết bao. Vì thế, khi thấu tỏ nguyên cớ khiến bé Thu ương ngạnh, chưa chịu nhận ông Sáu là cha, mọi người và bạn đọc chúng ta đều có thể cảm thông, và lượng thứ cho Thu. Trong lâm hồn cô bé tám tuổi ấy, người cha đẹp lắm, trẻ lắm. Giờ đây, cô lại vỡ thêm một vẽ dẹp nữa là : cha cô thật anh hùng. Cái giây phút “vỡ” ra ấy của nhân vật được nhà văn miêu tả bằng một đoạn văn thật đặc sắc: “Ba…a…a…ba ! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người… tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó,… nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi (người kể chuyện) thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên”. Dường như từ giờ phút thức tỉnh đó, Thu bắt đầu thay đổi. Cô bé không chỉ yêu cha, mà còn thương cha, tự hào về cha. Tình yêu thương và niềm tự hào ấy, phải chăng đã trở thành sức mạnh thôi thúc, rèn giũa để Thu trưởng thành sau này, khi cô trở thành một chiến sĩ giao liên, gan dạ, dũng cảm ? Có thể nói, ở tuổi thiếu nhi, Thu là một em gái có tình cảm thật mạnh mẽ, sâu sắc, hồn nhiên, ngùy thơ,… Tất cả nét cá tính ấy đều tập trung biểu hiện tình cảm con đối với cha thật đằm thắm, bất diệt.

Nhân vật thứ hai : ông Sáu – một người cha hi sinh cả cuộc đời để gìn giữ tình cha con bất diệt. Vì cuộc chiến đấu chung của dân tộc, ông Sáu đã mang vết sẹo trên mặt, đã hi sinh cả vẻ đẹp của một thời trai trẻ. Đấy là nổi đau thể xác. Mấy ngày về thăm nhà, ông lại phải trải qua nỗi đau tinh thần : đứa con gái duy nhất ông hằng mong nhớ, không chịu nhận ông là cha, không một lời gọi “ba”. Cho đến phút cuối cùng trước lúc chia tay, ông mới được hưởng hạnh phúc của người cha. Nhưng phút ấy ngắn ngủi quá. Để rồi cụối cùng ông vĩnh viễn phải xa con. Ông đã ngã xuống trong thầm lặng, không một lời trăng trối, không nấm mồ, không bia mộ : “Các bạn ạ ! Trong những ngày đen tối ấy, người sống phải sống bí mật thì cũng đã đành một lẽ, còn người chết cũng phải chết bí mật nữa”. Lời ông Ba nói với đồng đội khi kể chuyện, hay đấy chính là lời nhấn gửi thiêng liêng của ông Sáu gửi lại người ruột thịt, gửi lại tới chúng ta ? Sống rồi hi sinh, khổ đau và lặng lẽ, song người chiến sĩ ấy không chết. Vì ông là một người cha hết mực yêu thương con. Mang lời hẹn ước của con gái ra đi, ông đã miệt mài, say sưa, cưa giũa, thận trọng, tỉ mỉ như một nghệ nhân, làm chiếc lược bằng ngà voi tặng con gái. “Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng” của ông. Nó trở thành vật thiêng, an ủi ông, nuôi dưỡng trong ông tình cha con và sức mạnh chiến đấu. Hằng đêm, ông đã nhìn ngắm chiếc lược, mài nó lên tóc, cho chiếc lược thêm bóng, thêm mượt. Tác giả không miêu tả rõ, song người đọc vẫn hình dung cái kỉ vật nhỏ bé mà thân thương ấy, mỗi ngày mỗi đẹp lên, trắng ngà, anh ánh, toả sáng lung linh. Đó là biểu tượng trắng trong, quý giá, bất diệt của tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Do đó, trước khi vĩnh biệt con, ông Sáu vẫn nhớ chiếc lược, đã chuyển nó cho người bạn như một cử chỉ chuyển giao sự sống, một ước nguyện gìn giữ muôn đời tình cảm cha con, ruột thịt. Điều đó đúng như ông Ba nói “chỉ có tình cha con là không thể chết được”. Chiếc lược ngà đã tìm được địa chỉ trao lại cho người con gái để “tình cha con không… chết !”. Và hơn thế nữa, nó đang sống lại trong sự sống của người đồng chí già, của bé Thu – nay đã là cô giao liên mười tám tuổi… Câu chuyện về chiếc lược ngà không chỉ ngợi ca tình cha con đậm đà, sâu nặng, bất diệt của hai cha con ông Sáu mà còn gợi cho người đọc thấm thìa những đau thương, mất mát, éo le mà chiến tranh gieo xuống cho bao con người, bao nhiêu gia đình trên đất nước Việt Nam.

Gấp sách lại, chia tay ông Ba, câu chuyện về Chiếc lược ngà với lời nói cuối cùng của ông – giọng trầm ấm khoan thai – cứ âm vang mãi trong bạn đọc chúng la, như sự âm vang của một truyện cổ tích. Truyện cổ tích hiện đại đó đã thành công trong việc tạo tình huống truyện, miêu tả tâm lí, tình cảm nhân vật và một giọng kể nhẹ nhàng, thấm thìa, truyền cảm. Ông Ba – người kể chuyện – hay chính là nhà văn Nguyễn Quang Sáng ? Phải là người từng trải đã sống hết mình với công cuộc kháng chiến của quê hương, gắn bó máu thịt với những con người quê hương giàu tình nghĩa, rất nhân hậu mà kiên cường, bất khuất, bất diệt, nhà văn mới nhập được vào các nhân vật, sáng tạo được nhiều hình tượng, chi tiết sinh động, bất ngờ, có được giọng văn dung dị và cảm động như vậy. Qua cuộc đời mỗi nhân vật, từ cô bé Thu đến ông Sáu, ông Ba, Nguyễn Quang Sáng như muốn nói rằng : trong cuộc kháng chiến gian khổ chống ngoại xâm vừa qua của dân tộc ta, tình nghĩa con người Việt Nam, nhất là tình cha con, đồng dội, sự gắn bó thế hệ già với thế hệ trẻ, người chết và người sống… mãi mãi bất diệt. Như chiếc lược ngà ba tặng lại không bao giờ có thể mất, tình cha con của bé Thu cũng sẽ mãi mãi bất diệt!

Thảo luận cho bài: Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng