Phân tích thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến qua thơ Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương
Nghị luận xã hội về ý chí nghị lực của con người
Đề bài:
Tiếng nói chung của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương về thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến và ý nghĩa của tiếng nói ấy đối với cuộc sống hôm nay.
Bài làm:
Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, người phụ nữ là đối tượng của áp bức bất công, của nhiều ràng buộc khắt khe đến phi lí. Thấu hiểu, thông cảm và thương xót họ, không ít nhà thơ, nhà văn thời trung đại đã lên tiếng ca ngợi và bênh vực.
Đại thi hào Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương là hai tác giả có những tác phẩm nổi tiếng viết về thân phận nhỏ nhoi, bất hạnh của người phụ nữ. Truyện Kiều hay còn gọi là đoạn trường tân thanh (tiếng kêu đứt ruột mới) mãi mãi còn làm cho người đọc xót xa rơi lệ. Nguyễn Du đã khái quát bi kịch ngàn đời của phái đẹp qua hai câu thơ:
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!
Bi kịch ấy được ngòi bút tài hoa của thi hào thể hiện vô cùng sinh động qua số phận ba chìm bảy nổi của nhân vật Thúy Kiều. Đang sống trong cảnh đầy đủ, êm ấm trong giữa vòng tay bao bọc yêu thương của mẹ cha; sau cơn vạ gió tai bay bất kì do thằng bán tơ vu oan gây ra, nàng đành phải ngậm ngùi trao duyên lại cho em gái để bán mình chuộc cha và em trai ra khỏi chốn ngục tù. Người con gái vừa tuổi trăng tròn với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành và tài năng có một không hai ấy đã cay đắng chấp nhận sự bất công của số phận dành cho những kẻ tài hoa bạc mệnh. Nàng gạt nước mắt giã biệt gia đình để bước chân lên cỗ xe định mệnh, lao đi trên con đường mịt mù vô định.
Mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều bị sóng gió cuộc đời vùi dập bao phen đến chết đi sống lại. Rơi vào hang ổ của lũ quỷ mặt người Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh…, Thúy Kiều bị chúng coi như một món hàng vô tri vô giác: Thoắt mua về thoắt bán đi, Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi. Ngay lúc tên ma cô Mã Giám Sinh mua nàng với danh nghĩa cưới về làm vợ lẽ thì hắn đã Đắn đo cân sắc cân tài… để rồi Cò kè bớt một thêm hai như mua một món hàng ngoài chợ. Lời thơ của Nguyễn Du khi tả cảnh này ngậm ngùi, chua xót mà cũng ai oán xiết bao.
Phân tích thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến qua thơ Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương
Rõ ràng ở cái xã hội mà: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì như cái xã hội mà Thúy Kiều đang sống thì nhân phẩm của phụ nữ bị coi rẻ, bị chà đạp phũ phàng. Ma lực đồng tiền khiến những kẻ xấu xa sẵn sàng nhúng tay vào tội ác, gây ra bao đau khổ cho người dân lương thiện.Chính sự tương phản gay gắt giữa vẻ đẹp trong sáng, thiết tha của mối tình đầu Thúy Kiều – Kim Trọng với hiện thực đen tối, phũ phàng đã là lời tố cáo đanh thép cái xã hội vạn ác được che giấu bởi hình thức tưởng như thái bình thịnh trị.
Một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều mà không được sống yên ổn, hạnh phúc. Tệ hại hơn nữa, nàng bị xô đẩy vào hết cảnh ngộ éo le này đến cảnh ngộ éo le khác: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. Muốn thoát khỏi kiếp sống nhục nhã Đưa người cửa trước, rước người cửa sau, nàng đành chấp nhận thân phận lẽ mọn Sắn bìm chút phận cỏn con mà lòng luôn mang nặng mặc cảm tội lỗi và lo sợ Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng? Bởi vì nàng thừa hiểu Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng. Quả nhiên, nàng đã bị vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư đày đọa đến mức cất đầu chẳng lên, phải đang đêm bỏ trốn khỏi Quan Âm Các.
Mười lăm năm tha phương của Thúy Kiều là mười lăm năm sống trong địa ngục. Chỉ đến khi gặp được người anh hùng Từ Hải thì số phận nàng mới đột ngột đổi thay như bởi một phép màu kì lạ. Từ Hải đã cứu Thúy Kiều ra khỏi chốn bùn nhơ, đưa nàng lên địa vị của một bậc phu nhân quyền quý. Tưởng chừng như sau bao đau khổ, li tan, giờ đây hạnh phúc đã mỉm cười trở lại với nàng; nhưng ngờ đâu phút vui không dài, tên tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến đã dùng mưu chước thâm hiểm đẩy Từ Hải vào chỗ chết và Thúy Kiều buộc phải nhảy xuống sông Tiền Đường để rửa mối hờn, mối nhục mà nàng vô tình mắc phải. Màn đêm đen đặc lại phủ chụp xuống đời nàng như trước và hơn trước. Dù được vãi Giác Duyên cứu sống, được đoàn tụ với gia đình với người yêu nhưng điều quý giá nhất của con người là tình yêu và hạnh phúc thì Thúy Kiều đã bị tước đoạt tàn nhẫn. Nàng còn sống mà như đã chết. Đoạn vĩ thanh của Truyện Kiều là một khúc ca buồn làm cho bao người nức nở. Chính vì thế mà giá trị hiện thực, giá trị tố cáo của tác phẩm càng thêm sâu sắc.
Viết về nỗi đau thân phận của phụ nữ, thi hào Nguyễn Du muốn thông qua đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người hãy quan tâm đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của một nửa nhân loại. Tính nhân đạo đặc biệt đã khiến Truyện Kiều của ông trở thành một kiệt tác bất hủ của Việt Nam và thế giới.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người được nhà thơ Xuân Diệu trân trọng và kính phục đặt cho danh hiệu là “bà chúa thơ Nôm” cũng rất nổi tiếng với những bài thơ viết về đề tài phụ nữ. Mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước quen thuộc trong dân gian, nữ sĩ gửi gắm những suy ngẫm của mình về thân phận nhỏ bé và phụ thuộc của người phụ nữ:
Thân em thì trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Nhưng dù có phải sống kiếp ba chìm bảy nổi chín lênh đênh thì người phụ nữ vẫn giữ được nguyên vẹn phẩm chất tốt đẹp vốn có. Trong những lời tự thán đầy xót xa, cay đắng vẫn ẩn chứa niềm tự hào chính đáng của họ.
Ở bài thơ Tự tình, nữ sĩ Xuân Hương đã bộc bạch tâm trạng bức xúc cao độ của bản thân và cũng là tâm trạng của bao phụ nữ cùng cảnh ngộ trong xã hội phong kiến:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Những ước mơ, khao khát tình yêu, hạnh phúc của người phụ nữ cũng được Hồ Xuân Hương thể hiện qua bài thơ Mời trầu:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi!
Giữa cuộc đời xanh lá bạc vôi, người phụ nữ chỉ cầu mong được hưởng những tình nghĩa chân thành, ấm áp để có thêm nguồn vui, nguồn an ủi. Lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng mà thấm thía ẩn chứa trong bài thơ có sức lay động lòng người.
Điểm tương đồng lớn nhất giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương chính là mối quan tâm thực sự tới bi kịch của người phụ nữ kéo dài qua bao thế kỉ. Thơ Nguyễn Du, thơ Xuân Hương mãi mãi là tiếng kêu thương đứt ruột xé lòng, nhắc nhở mọi người nên tôn trọng quyền sống tự do và bình đẳng của phụ nữ – những người duy trì sự sống trên trái đất này. Ở đâu mà người phụ nữ chưa được thực sự giải phóng và thực sự tôn trọng thì tiếng kêu khẩn thiết hãy bênh vực và bảo vệ phụ nữ vẫn còn tính thời sự nóng hổi của nó, cho dù nó đã được các thi sĩ cất lên cách đây đã mấy trăm năm.