Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo qua hình tượng nhân vật Chí Phèo của Nam Cao

Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo qua hình tượng nhân vật Chí Phèo của Nam Cao

Thuật lại cảnh Chí Phèo đến nhà Bá Kiến

Đề bài:

Từ hình tượng nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, anh (chị) hãy nêu rõ giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Bài làm:

Truyện ngắn Chí Phèo in lần đầu có tên là Cái lò gạch cũ (Nhà xuất bản Đời mới, Hà Nội, 1941). Sau đó đổi thành Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (Hội văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), tác giả đặt lại tên truyện là Chí Phèo. Đây”là thành công tiêu biểu của Nam Cao về đề tài nông dân, được đánh giá là một kiệt tác trong giai đoạn văn học trước cách mạng tháng Tám. Nội dung truyện Chí Phèo phản ánh xã hội nông thôn ở khía cạnh đấu tranh giai cấp.

Qua hình tượng Chí Phèo – một nông dân bị lưu manh hóa – Nam Cao đã miêu tả chân thực và sinh động cuộc sống bị đè nén, bóc lột đến cùng cực của người nông dân và khẳng định nhân phẩm của họ không bạo lực nào tiêu diệt được.

Suy nghĩ về số phận bi thảm của nhân vật Chí Phèo, người ta thường nói đó là tấn bi kịch của một nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội cũ. Cuộc đời Chí Phèo là cuộc đời khốn khổ của kẻ cùng đinh ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ở phần đầu truyện, tác giả kể về tuổi thơ của Chí. Từ lúc lọt lòng, Chí đã bị mẹ bỏ rơi trong cái lò gạch cũ giữa đồng. Rồi nó lớn lên như cây cỏ, bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Không người thân thích, không một tấc đất cắm dùi, nó không được ai ban cho một chút tình thương.

 

Nhưng điều bất hạnh lớn nhất của Chí Phèo là không được sống bình thường một đời sống dù nghèo khổ nhưng lương thiện như bao người khác. Chí vốn là chàng trai nông dân khỏe mạnh, hiền lành. Chỉ vì những cơn ghen bóng gió của lí Kiến mà Chí bị đẩy vào tù. Bảy, tám năm đoạ đày trong tù, chung đụng với lớp người dưới đáy xã hội, tâm hồn Chí đã bị nhuộm đen. Từ mặt mũi đến tính cách hắn đều trở nên dị dạng, đáng sợ. Chí Phèo đã bị xã hội đương thời rạch nát cả bộ mặt người, cướp đi linh hồn người, biến thành con quỷ dữ để rồi bị gạt bỏ không thương tiếc ra khỏi cộng đồng làng Vũ Đại.

Chí Phèo là hiện thân của nỗi khổ đau khôn cùng: sinh ra là người mà không được làm người. Để quên đi nỗi bất hạnh ấy, Chí Phèo uống rượu. Hắn say triền miên, bởi thế hầu như hắn bị tê liệt về ý thức, sống mù tối trong kiếp sống thú vật. Nhưng đến khi tỉnh rượu thì hắn lại cảm nhận sâu sắc thân phận bi đát của mình. Dường như trong những cơn say triền miên, Chí Phèo vẫn tỉnh. Chí luôn ở trạng thái say – tỉnh bất phân. Sự độc đáo của hình tượng Chí Phèo chính là ở chỗ đó.

Mở đầu tác phẩm, tác giả không chỉ giới thiệu nét độc đáo, hấp dẫn trong tính cách nhân vật mà còn hé mở cho người đọc thấy tình trạng bất hạnh của một số phận. Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi… Chính lúc điên rồ nhất cũng là lúc Chí Phèo tỉnh nhất. Cách thu hẹp dần đối tượng chửi cho thấy hắn tỉnh chứ không say. Từ đối tượng xa xôi, vu vơ, không đụng chạm đến ai là trời: Bắt đầu hắn chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào ? Đến đối tượng gần hơn là đời: Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức quá, hắn chửi tất cả làng Vũ Đại, chửi tất cả những ai không chửi nhau với hắn và hắn giận dữ điên cuồng khi không ai lên tiếng cả. Trong cơn say, hắn vẫn cảm thấy tuy mơ hồ mà thấm thìa nỗi khốn khổ của thân phận mình. Đó là nỗi khổ bị khinh bỉ, né tránh, ghẻ lạnh. Không có người nào chịu chửi nhau với hắn. Không có ai thèm dây vào hắn. Có nghĩa là dân làng Vũ Đại đã dứt khoát không coi hắn là người. Chửi lại là còn chịu giao tiếp, đối thoại với hắn. Chí Phèo chửi cả làng với hi vọng được nghe người nào đó chửi lại, nhưng hắn chi nhận được sự im lặng đáng sợ. Hắn cô độc, chửi rồi lại nghe, chi có ba con chỏ dữ với một thằng say rượu.

Nam Cao đau xót nhận xét: Giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi. Nếu hát được thì đau khổ sẽ vơi bớt. Khổ cho hắn và khổ cho mọi người là trời không phú cho hắn giọng hát. Không biết hát thì hắn chửi, vậy những tiếng chửi rủa kia cũng là một bài hát đặc biệt của riêng Chí Phèo chứ sao? Bài hát lộn ngược của một linh hồn méo mó và đau khổ.

Trong cách chửi của Chí Phèo có cái lôgic của một tâm lí tỉnh táo – tỉnh táo trong đau khổ cùng cực. Chí Phèo muốn cạy miệng thiên hạ nhưng không được. Hắn đau khổ vì bị tẩy chay trong khi muốn hòa đồng với mọi người. Cuộc đời Chí Phèo có thể chia làm hai chặng lớn: trước và sau khi gặp Thị Nở. Trước khi gặp Thị Nở, đời Chí cũng diễn ra hai chặng nhỏ mà cái mốc của nó là nhà tù. Nhà tù thực dân đã biến một chàng trai lương thiện thành một tên lưu manh. Sau khi ra tù, Chí về làng thì cả thế lực hắc ám như bá Kiến đã hoàn thành nốt cái công đoạn cuối cùng của quy trình tha hóa là biến một tên lưu manh thành con quỷ dữ.

Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo qua hình tượng nhân vật Chí Phèo của Nam Cao

Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo qua hình tượng nhân vật Chí Phèo của Nam Cao

Nam Cao miêu tả cuộc đời Chí Phèo là một cơn say dài, và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở trên đời. Chí Phèo rơi vào một tình huống bi thảm. Lúc bấy giờ, nếu sự tỉnh táo có hiện ra thấp thoáng sau những cơn say thì đấy mới là tỉnh rượu chứ chưa phải tỉnh ngộ. Mà tỉnh rượu thì chưa mấy ý nghĩa. Chỉ sau khi gặp Thị Nở, Chí Phèo mới có sự bừng tỉnh của lương tri. Hắn thực sự đau đớn vì đã ý thức được về nỗi khổ của mình. Ý thức càng sâu sắc thì nỗi khổ càng thấm thía. Thị Nở đóng vai trò là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mà trước nhất là trong tâm lí của Chí Phèo.

Trong một lần say rượu, vô tình Chí Phèo gặp Thị Nở – một người đàn bà xấu xí đần độn và quá lứa lỡ thì. Chút tình yêu thương mộc mạc của Thị Nở đã khơi lên ngọn lửa lương tri còn leo lét nơi đáy lòng Chí. Đoạn miêu tả tâm trạng Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở chứng tỏ Nam Cao là bậc thầy về phân tích tâm lí nhân vật.

Sớm hôm ấy, Chí Phèo bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài, lòng mơ hồ buồn. Bên ngoài là tiếng chim hót ríu rít, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng cười nói của những người đi chợ… Những tiếng quen thuộc đó hôm nào chẳng có nhưng bấy lâu nay, Chí Phèo đâu có nghe thấy, bởi hắn luôn chìm ngập trong những cơn say. Giờ đây, những âm thanh ấy vọng đến tai hắn, bỗng trở thành tiếng gọi thiết tha của sự sống, gợi dậy cái ước mơ chính đáng một thời: Hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm… Đó cũng là mong muốn một cuộc sống hạnh phúc giản đơn của bao nông dân nghèo trong xã hội cũ.

Khi thấy Thị Nở bưng nồi cháo hành nóng hổi đến, Chí Phèo ngạc nhiên và xúc động. Ăn bát cháo từ tay Thị Nở, hắn bỗng nhận ra rằng cháo hành rất ngon; bát cháo của Thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chi gây thù? Hương vị cháo hành lúc này chính là hương vị của tình yêu thương chân chất, của hạnh phúc giản dị mà lần đầu tiên trong đời Chí Phèo được hưởng.

Lần đầu tiên, mắt hắn như ươn ướt. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chi Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người? Lúc này, Chí Phèo đã trở tại con người thật của mình, trở lại là anh canh điền chất phác, thật thà năm xưa.
Trái tim tưởng chừng như chai đá của Chí Phèo đã dần dần sống dậy. Cái phần người trong Chí cũng hồi sinh. Hắn khao khát được trở lại với cuộc đời bình thường: Trời ơi Ị Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao Ị Thị Nở sẽ mở đường cho hắn, sẽ là cây cầu nối giữa hắn với dân làng Vũ Đại… Chí băn khoăn, háo hức nghỉ tới một tương tai tốt đẹp: mọi người sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện.
Vậy Thị Nở là ai? Đó là hiện thân của tình người. Chỉ có tình người mới cứu được tính người. Tình người là một sức mạnh nhưng tình người cùng thật mong manh. Đối diện với một định kiến hà khắc, tình người rất dễ tiêu tan, Chút tình thương yêu của Thị Nở không đủ khả năng để cứu Chí Phèo. Con đường trở lại làm người của Chí Phèo vừa hé mở đã bị đóng sầm lại. Định kiến ghê gớm của xã hội (thông qua bà cô Thị Nở) không cho hắn đặt chân lên nhịp cầu hi vọng. Chí Phèo một lần nữa lại bị hắt hủi, ruồng bỏ phũ phàng. Bị từ chối, bị bỏ rơi, Chí Phèo đau đớn, uất ức cùng cực và lại mang rượu ra uống.
Trạng thái tâm lí phức tạp của Chí Phèo ở đoạn này được Nam Cao miêu tả thật sống động với những diễn biến tinh vi nhất bằng độc thoại bên trong, bằng hành động bên ngoài, bằng lời bình trực tiếp của người kể chuyện… Tuy nhiên, độc đáo nhất vẫn là dùng chi tiết. Đó là chi tiết hơi cháo hành. Hơi cháo hành là dư vị của tình thương ít ỏi mà Chí Phèo đang rất cần, rất khát khao: Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoáng hơi cháo hành…

Lần này khác mọi lần, càng uống vào Chí Phèo lại càng tỉnh ra. Rượu cũng bất lực, không thể làm lương tri đau đớn của Chí Phèo tê liệt được. Hắn cứ ôm mặt khóc rưng rức. Đã bao lâu nay hắn mới có được cử chi và những giọt nước mắt của con người?! Từ hi vọng đến tuyệt vọng, khởi đầu là nước mắt cảm động khi hắn bưng bát cháo hành trên tay và kết thúc lại là nước mắt đau khổ vì bị Thị Nở bỏ rơi. Vào lúc tuyệt vọng nhất, hơi cháo hành cứ thoang thoáng khiến cho hắn chìm sâu hơn vào nỗi tuyệt vọng. Sang bên kia dốc cuộc đời rồi mà lần đầu tiên hắn mới được ăn cháo hành. Muộn màng, nhưng còn là có. Cháo hành tuy được nấu bằng bàn tay Thị Nở… nhưng dẫu sao có còn hơn không. Đã tưởng đời mình từ nay đã có hơi cháo hành của riêng mình rồi, nào ngờ Chí Phèo không có quyền được hưởng. Cuộc đời nhẫn tâm cướp nốt của hắn. Mất Thị Nở, Chí mất luôn hơi cháo hành. Mất hơi cháo hành là mất cái hi vọng cuối cùng của hắn vào cuộc đời này. Nhưng tại sao nó lại thoang thoáng hiện lên vào lúc này? Để trêu ngươi, để chọc tức Chí Phèo chăng?! Nó cứ chờn vờn đâu đó. Hạnh phúc nhỏ bé ấy, hắn ngỡ trong tầm tay nhưng không sao giữ được vì nó quá đỗi mong manh. Nó cứ thoang thoáng hiện lên để làm cho Chí Phèo thêm tủi, thêm đau; để đẩy tấn bi kịch của hắn lên đến tột cùng. Mất hơi cháo hành – tình thương đồng nghĩa với sự bấu víu cuối cùng cũng hết. Chẳng còn gì để hi vọng nữa. Lòng Chí tan hoang!

Không gì bình thường đến vô nghĩa như hơi cháo hành, vậy mà qua cái nhìn và tấm lòng nhân hậu sâu thẳm của Nam Cao, hơi cháo hành thoáng qua ấy đã hằn như một vết cứa rớm máu trong tâm linh con người. Viết được như vậy chỉ có thể là bút lực tài hoa của một thiên tài!

Bản chất lương thiện của Chí Phèo bị vùi lấp bấy lâu nay giờ đã trỗi dậy lương tri con người đã trở về. Nhưng sự trở về của lương tri, trớ trêu thay, lại nhanh chóng đẩy bi kịch tha hóa của Chí Phèo lên đến điểm đỉnh của nó. Từ tận cùng tuyệt vọng, Chí Phèo đã chuyển sang tột cùng căm uất và hắn đã giắt dao đi… Cũng như mọi lần, Chí Phèo vừa đi vừa chửi… Chí Phèo đau đớn vì tuyệt vọng, đồng thời hiểu rõ hơn bao giờ hết tội ác của kẻ đã huỷ hoại đời hắn. Chí Phèo đã đến thẳng nhà bá Kiến, trợn mắt, chi tay vào mặt lão, dõng dạc đòi quyền làm người, đòi lại bộ mặt người đã bị vằm nát của mình. Thống thiết thay là tiếng kêu của Chí Phèo ở cuối tác phẩm: Tao muốn làm người lương thiện!… Ai cho tao lương thiện ?… Tao không thể là người lương thiện được nữa! Biết không! Chi có một cách… biết không… Lời nói của Chí Phèo đanh thép và phẫn nộ, âm điệu bi thống đầy ám ảnh, làm người đọc sững sờ và day dứt.

Kẻ thù đã bị đền tội nhưng ngay sau đó, Chí Phèo tự sát. Chí Phèo phải chết vì ý thức nhân phẩm đã trở về, Chí không thể chấp nhận trở lại kiếp sống thú hoang. Chí Phèo đã chết trước ngưỡng cửa trở về cuộc sống bình thường, chết trong tâm trạng bi kịch đau đớn. Trước đây, để được tồn tại, Chí Phèo phải từ bỏ nhân phẩm, phải bán linh hồn cho quỷ dữ. Giờ đây, khi ý thức nhân phẩm thức dậy, linh hồn trở về thì Chí Phèo lại phải từ bỏ cuộc sống của mình. Chí Phèo chết quằn quại giữa vũng máu trong niềm đau thương tột độ vì mong ước giản dị, chính đáng và được làm người lương thiện không thể trở thành hiện thực.

Chí Phèo chết nhưng chưa hết chuyện. Khi nghe tin hắn chết, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không xa nhà cửa và vắng người lại qua… Một “Chí Phèo con” sắp ra đời?! Nam Cao đã gióng một hồi chuông cảnh báo: Còn những “cái lò gạch cũ” trong xã hội ấy thì vẫn còn có những Chí Phèo khác ra đời. Nghĩa là tuy Chí Phèo đã chết nhưng bi kịch Chí Phèo vẫn còn, nếu không xoá bỏ cái xã hội thối nát ấy đi.

Từ hình tượng Chí Phèo, tác phẩm toát lên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

Thứ nhất là giá trị hiện thực. Câu chuyện là bức tranh phản ánh sự tha hoá của người nông dân nghèo khổ dưới ách thống trị của thực dân phong kiến thời Pháp thuộc. Phản ánh nỗi khổ của nông dân, Nam Cao không đi sâu vào nạn sưu thuế, nạn chiếm đoạt ruộng đất, nạn tô tức, quan lại tham nhũng, thiên tai địch hoạ,..

mà ở truyện ngắn Chí Phèo, tác giả tập trung khai thác trên phương diện người, nông dân nghèo bị bạo lực đen tối tàn phá về tâm hồn, huỷ hoại nhân tính, phu định giá trị và tư cách làm người.

Chí Phèo phản ứng quyết liệt, gay gắt bằng thái độ ngang ngược, liều mạng, gây gổ, chửi bới… Lúc nào hắn cũng say, lúc nào cũng sẵn sàng rạch mặt ăn vạ, kêu làng. Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm. Hắn biết đâu vì hắn làm tất cả lúc say, hắn say thì hắn làm bất cứ thứ gì người ta sai hắn làm. Dân làng sợ hãi xa lánh và ghê tởm hắn. Từ anh Chí lương thiện, bị hai thế lực cường quyền và định kiến làm cho tha hoá, đã biến thành Chí Phèo, con quỷ làng Vũ Đại. Chí Phèo sống cũng như chết. Sinh ra ở làng Vũ Đại nhưng hắn lại bị chính dân làng Vũ Đại từ chối, ruồng bỏ. Không những Chí Phèo khổ về vật chất mà còn phải sống kiếp sống tối tăm như thú vật. Chí Phèo đã bị xã hội rạch nát cả bộ mặt người, bị cướp đi linh hồn người để rồi bị loại khỏi cộng đồng xã hội.

Quá trình biến đổi dữ dội trong tính cách của nhân vật Chí Phèo có ý nghĩa tố cáo sự huỷ hoại ghê gớm của cái xã hội suy đồi đối với phẩm chất, nhân cách của người nông dân cùng khổ.

Tác phẩm Chi Phèo là bức tranh phản ánh chân thực và sâu sắc bộ mặt nông thôn Việt Nam trong xã hội thực dân, phong kiến trên bình diện đấu tranh giai cấp. Hành động Chí Phèo vung dao đâm chết bá Kiến không phải là vô thức, càng không phải là vụ giết người của gã Chí Phèo lưu manh mà cao hơn thế, đó là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân cùng khổ đã thức tỉnh về quyền sống, uất ức vùng lên. Nhà văn Nam Cao đã khẳng định tính chất khốc liệt của mối xung đột giai cấp ở nông thôn là không thể hòa giải được. Xung đột ấy càng nén xuống càng dễ bùng nổ. Mâu thuẫn giai cấp dường như đã lên tới đỉnh điểm, cần phải được giải quyết theo chiều hướng tích cực nhất.

Hình tượng Chí Phèo còn thể hiện giá trị nhân đạo to lớn của tác phẩm. Nhà văn Nam Cao đã phản ánh sự cùng cực không lối thoát của nông dân trong xã hội đương thời bằng ngòi bút hiện thực sắc sảo và sự thông cảm, thương xót chân thành. Nam Cao đi sâu thể hiện tình cảnh khốn khổ của người nông dân nghèo bị áp bức, mà Chí Phèo là đại diện.

Hổi trẻ, Chí là người thấp cổ bé họng nhất và cũng bị ức hiếp nhiều nhất ở làng Vũ Đại. Càng ở hiền thì càng không gặp lành, Chí bị hắt hủi, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị lăng nhục một cách bất công. Chí khốn cùng hơn cả hạng cùng đinh. Vốn hiền như đất, nhưng càng hiền thì hắn lại càng bị đạp sâu xuống bùn đen và cuối cùng thì không còn được coi là con người, phải sống kiếp thú hoang. Tuy nhiên, Chí Phèo vẫn mong muốn được sống một cuộc đời bình thường, được hưởng hạnh phúc đơn sơ như mọi người. Chất nhân văn thấm đẫm trong ngòi bút của nhà văn toát lên từ những chi tiết ấy .

Đoạn viết về sự thức tỉnh của tính người trong lương tri Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở là một đoạn tuyệt bút đầy chất thơ, thể hiện tư tưởng nhân đạo cao cả của ngòi bút Nam Cao: khi cái ác gặp tình thương thì nó sẽ được hoá giải và bản tính lương thiện sẽ trở về.

Tư tưởng nhân đạo còn thể hiện ở đoạn văn miêu tả điểm đỉnh tấn bi kịch tinh thần của Chí Phèo. Tuy là con quỷ của làng Vũ Đại nhưng tính thiện trong con người Chí Phèo chưa chết hẳn. Chí Phèo thà chết chứ quyết không chịu quay về kiếp sống thú vật nữa. Qua hình tượng Chí Phèo, Nam Cao muốn đặt ra một vấn đề lớn về quyền sống của con người: Làm thế nào để con người được sống đúng nghĩa là người trong cái xã hội tàn bạo, phi nhân tính đương thời? Đó là câu hỏi mà xã hội khi ấy chưa thể có lời giải đáp.

Nam Cao đã thành công xuất sắc trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để diễn tả quá trình tâm lí phức tạp và khắc hoạ tính cách nhân vật vừa độc đáo vừa có ý nghĩa điển hình cao độ. Với giá trị nội dung sâu sắc và giá trị nghệ thuật độc đáo, truyện ngắn Chí Phèo được coi là một trong những tác phẩm hay nhất của nền văn xuôi hiện đại và Nam Cao xứng đáng là nhà văn hiện thực nổi tiếng của giai đoạn văn học trước Cách mạng tháng Tám.

Thảo luận cho bài: Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo qua hình tượng nhân vật Chí Phèo của Nam Cao