Phân tích đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán của Nguyễn Du

Phân tích đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán của Nguyễn Du

Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Bài làm 

Về bố cục của đoạn thơ, có hai phần rõ rệt. Mười hai câu đầu: Thuý Kiều báo ân, còn hai mươi hai câu tiếp theo : Thuý Kiều báo oán. Ân, oán là hai khái niệm đối lập nhau nhưng con người hành động vẫn chỉ là một. Nguyễn Du vừa phải xây dựng một nhân vật đại diện cho công lí, cho lẽ công bàng, vừa phải cá tính hoá đến mức tối đa. Nói khác đi, phải nhìn nhân vật bằng “con mắt tinh đời” (như lời Từ Hải khen Kiều ngay lần đầu gặp mặt), ta mới thấy thành công và dụng ý của Nguyễn Du trong một tình huống.

1. Cảnh báo ân:

Cảnh báo ân tuy chỉ là cảnh phụ, nhưng ngoài ý nghĩa dọn đường cho cảnh chính tiếp theo, ngoài ý nghĩa độc lập tương đối, nó vẫn làm ta hiểu được một người, người ấy không phải là Thúc Sinh mà lại là Thuý Kiều. Thúc Sinh là người như thế nào, chúng ta đã biết, Thuý Kiều càng biết rõ hơn khi bản thân trả giá “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”. Cảnh ghen tuông trong nhà Hoạn Thư mà Kiều là nạn nhân, tuy Thúc Sinh không phải là thủ phạm nhưng chàng cũng là một nguyên nhân gián tiếp. Điều này, chính chàng thú nhận “Vì ta cho luỵ đến người”. Vậy nên, trước phiên toà, khi “cho gươm mời đến”, Thúc Sinh đinh ninh là người có tội, mà tội không nhỏ với Kiều. Đã đành là người yếu bóng vía “Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run” chàng khiếp sợ. Đó là một thái độ tự nhiên vốn có của người biết lẽ phải đã hối hận, ăn năn. Chàng vốn là người như thế chứ không có chủ định làm ra như thế để nghĩ rằng : “Hình ảnh tội nghiệp của Thúc Sinh có thể làm Kiều động lòng trắc ẩn không nỡ đánh người yếu thế” như có người đã hiểu. Hiểu như thế không phải là cách để cao mà là hạ thấp nhân vật Thuý Kiều, biến một tầm suy nghĩ rộng sâu thành con người hời hợt. Gọi Thúc Sinh lên trước để đền ơn, và việc đền ơn rất hậu cho chàng là dụng ý, là chủ trương của người xử án. Tuy đối thoại với chàng chỉ có sáu câu nhứng là sáu câu đáng nói. Nó hàm súc lại bao nhiêu nghĩa nặng tình sâu mà kẻ chịu ơn chưa một dịp đáp đền:

Nàng rằng : “Nghĩa nặng nghìn non,
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không ?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân

Cần chú ý đến lời nói và giọng nói ở đây về lời nói, một tổ hợp từ gốc Hán phù hợp với sự trang trọng của kẻ đền ơn là một khía cạnh (khác hẳn với hệ thống từ ngữ sau đó nàng đối thoại với Hoạn Thư). Song, còn một khía cạnh thứ hai (mà ít người chú ý), ấy là ngôn ngữ gợi đến tình yêu, một tình yêu dang dở với chàng. Trong tiếng Việt tình vốn đi liền với nghĩa (tình nghĩa – tình chồng vợ nghĩa tao khang). Tinh (đồng nghĩa với duyên) với chàng Thúc tuy không còn, nhưng cái nghĩa dù chỉ một ngày thì làm sao mất được. Nghĩa ấy tương đương với nghĩa sinh thành, vì vậy mới có câu “Nghĩa nặng nghìn non” nghĩa mà rộng như biển Đông, cao như núi Thái Sơn, cách nói ấy tuy có ước lệ, hoa mĩ về hình thức diễn đạt nhưng tình cảm của nàng đâu phải là hời hợt. Đó là cách duy nhất mà nàng cho là phù hợp. Những từ Hán Việt nhằm cố định hoá, vĩnh viễn hoá tình yêu ấy : “Sâm Thương”, “chữ tòng”, “cố nhân” nhằm vào dụng ý ấy. Còn về giọng nói, Kiều vốn có một chất giọng “mặn mà”, “sắc sảo” (“Kiều càng sắc sảo mặn mà”). Mặn mà với mối tình mà nàng đã một thời tự nguyện gắn bó, dù sự gắn bó ấy chỉ là một thứ bến đợi mong manh đối với con thuyền giữa mênh mông trôi dạt. Câu nói của Kiều có sự gợi khơi hơn là kể, tả. “Lâm Tri người cũ…” là một giọng nói vừa như một kí ức hiện về, vừa như một nỗi nhó xa xôi xao xuyến, bâng khuâng khó tả. Bao nhiêu là vương vấn đến nao lòng trong một câu nói đơn sơ của một người từng trải, từng trải mà vẫn hồn nhiên. Còn cái sắc sảo của Kiều chính là sự giải thoát cho Thúc Sinh ra khỏi mặc cảm của tội lỗi đã và đang hành hạ, giày vò : “Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân ?”. Kiều đã hiểu cho Thúc Sinh, cho tấm lòng “cố nhân” vì dó là một cách nhìn đã “gạn đục khơi trong” của người tri kỉ. Tóm lại qua việc ứng xử với Thúc Sinh, ta có thể thấy Kiều là con người hiểu đời và hiểu người với tấm lòng vị tha chứ không bao giờ vị kỉ.

Phân tích đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán của Nguyễn Du

Phân tích đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán của Nguyễn Du

2. Cánh báo oán:

Về hình thức phân đoạn thì khá rạch ròi hai cảnh. Nhưng bốn câu cuối nói với Thúc Sinh trong cảnh báo ân nên dành cho phần báo oán. Bởi lẽ minh oan cho Thúc Sinh khi đề cập đến vợ chàng là không chỉ trò chuyện với chàng mà để dọn đường cho cảnh tiếp theo: báo oán (có người đưa nó lên phần báo án là khiên cưỡng).

Như ở trên đã phân tích, nếu việc trả nghĩa Thúc Sinh là nằm trong ý định của nàng Kiều, thì việc trừng phạt đối với Hoạn Thư còn hơn một ý định. Vì hơn một ý định, không chỉ “ăn miếng trả miếng” với Hoạn Thư, tâm sự với Thúc Sinh phải chăng nàng còn tạo sự đồng cảm sẻ chia giữa hai người “trong cuộc”. Nói thì nói với chàng Thúc, mà thực chất là đối thoại với kẻ vô hình, với nhân vật thứ ba còn chưa xuất hiện. Trong đối thoại ngắn này, ý định của Thuý Kiều dường như không gì lay chuyển được. Bởi ý định ấy, cơn dông bão ấy đâu chí hình thành từ ngày một ngày hai. Nó đã nung nấu trong sự sắc nhọn ngôn từ, một phong cách lời thơ khác hẳn :

“…Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp, bà già gặp nhau.
Kiến hò miệng chén chưa lâu,
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”.

Chỉ nội bốn câu thơ mà đã có đến hai thành ngữ dân gian : “kẻ cắp bà già”, “kiến bò miệng chén”, một lặp ý “quỷ quái, tinh ma”, một đối lập giữa “mưu sâu” với “nghĩa sâu”… nghĩa là toàn ngôn ngữ đời thường mang tính chất văn xuôi (phá vỡ mọi ước lệ, công thức của văn chương bác học) nhằm bóc trần ý định, rạch ròi, dứt khoát, không do dự, quanh co giấu giếm cùng với cách dùng từ, giọng nói của nhân vật vừa nói với người (Thúc Sinh) vừa như tự nói với mình về cơn sấm sét do nắng hạn lâu ngày, nó phải bùng lên đầy phẫn nộ. Việc làm ấy không chỉ thế, không chí trong ý định, nó còn ở trong tầm tay với “gươm lớn giáo dài”, giữa thanh thiên bạch nhật. Và việc làm ấy nếu diễn ra, nó chỉ như trong một nháy mắt, hơn nữa được sự đồng tình của bất kì ai nếu hiểu nàng và đứng về công lí.

Lúc cho gọi Hoạn Thư lên, ý định ấy vẫn là ý định. Nó còn được củng cố, bổ sung trong cái tình cảm hận thù khi phải đối mặt với kẻ đã đày đoạ nàng, một con người vô tội. Đối thoại với Hoạn Thư lúc này, nàng lại dùng một phong cách ngôn ngữ khác thường chứ không thể bình thường như với bất kì ai trong truyện. Mạch thơ được đẩy lên đến cao trào nhưng tạm thời nó đi vào một lối khác theo kiểu “vờn mồi”. Hoàn cảnh găp nhau giữa hai người tuy hoàn toàn đã khác, đã thay bậc đổi ngôi, nhưng Kiều cố tinh làm như nó không hề khác, Kiều vẫn như còn ở trong nhà “Họ Hoạn danh gia” với tư cách con ở, con đòi :

Thoắt trông nàng đã chào thưa :

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây !”.

Giả vờ đon đả, cung kính, thân tình nhưng đằng sau cái ngọt ngào hình thức là hàm chứa tích tụ bao nhiêu cay đắng bên trong. Cho mời gọi chủ động mà Kiều cứ làm như một kẻ vô tình bất ngờ gặp mặt. Tuy trước mặt Kiều, Hoạn Thư là một tên tội phạm sẽ bị trừng trị đáng dời nhưng miệng lưỡi nàng vẫn chào thưa, vẫn “trân trọng” gọi đúng cái danh xưng ngày trước vẫn gọi (tiểu thư). Cách tạo lại bối cảnh, không gian, ngôn từ “thưa gửi” ấy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Hoạn Thư hẳn cũng biết thân phận của mình, kẻ “gieo gió” thì “gặt bão” ấy là một lẽ đương nhiên. Có trong đó chút mỉa mai, châm chọc cũng là sự nén lại bao uất ức, xót xa mà lúc này đây Kiều mới tự giải toả được cho mình. Nhưng dù sao, đấy cũng mới chỉ là phút giáo đầu “văn vẻ”. Đây mới là giọng nói thực (chứ không phải “nói nhại” như trên) của nàng :

“…Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan !
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Cũng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.

Bốn câu thơ nói bằng chất giọng răn đe, ít mang tính chất cá thể, cá nhân như mấy câu trước đó. Bởi lẽ Kiều tuy là nạn nhân nhưng đang ở vào vị trí cao hơn vị thế nạn nhân, nàng là một quan toà, đại diện cho công lí. Tuy là tiếng nói của công lí, nhưng từ một người bị oan ức, bị đè nén nói ra, nó vẫn có một giọng điệu riêng, ở đó có sự pha trộn công tư không dễ dàng tách bạch. Tính cụ thể của nghệ thuật, ở đây là nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du cần hiểu trong văn cảnh ấy, trong quan hộ ấy mà nó không thể trừu tượng, chung chung. Gây hận thì sẽ chuốc thù. Nhưng “gây hận” theo kiểu Hoạn Thư thì xưa nay chưa có (“Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan !”). Phải tối tăm tâm địa đến mức nào, phải tàn ác đến mức nào, người ta mới có thể đoạ đày con người đến thế. Kẻ “ra tay” ấy vẻ giới tính lại là đàn bà. Ý nghĩa điển hình cho tội ác của Hoạn Thư là ở cả trên hai phương diện ấy. Sự trừng phạt của Thuý Kiều theo quy luật “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều” là hợp lô gích, được nhân tâm và lẽ phải dồng tình.

Nhưng ta biết sau đó, Kiều không làm theo ý định ban đầu, Hoạn Thư được tha, thì đấy lại là một thứ lô gích khác, đối lập mà thống nhất trong một nhân vật nàng Kiều. Kết cục này gây một bất ngờ lớn, một sự xôn xao trong dư luận người đọc từ đó đến nay, và biết đâu, nó cũng nằm ngoài ý định của chính Nguyễn Du vì ông trong một chừng mực nào đó đã hoá thân vào nhân vật nàng Kiều, phải giải quyết vấn đề theo quy luật khách quan vói tư cách là một người ngoài cuộc ?

Theo dõi diễn biến phiên toà, ta thấy gì ? Trước hết là sự tham sống sợ chết của kẻ tội phạm ở vào bước cùng đường, không có cách gì tránh được cái chết. Điều này không lạ, vì dù ở vào hoàn cảnh nào, Hoạn Thư cũng tham sống như ai. Sau đó là van nài, năn nỉ. Đến lúc này đây, sau phút hoảng sợ ban đầu, Hoạn Thư mới chính là Hoạn Thư. Lấy lại sự tĩnh tâm (trong hoàn cảnh khó mà tĩnh tâm), từ thế bị động, y đã chuyên sang chủ động. Chủ động nhưng phải biết điều, Hoạn Thư biết người biết mình là trong cái chừng mực tinh vi ấy “Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca”. Hoạn Thư “kêu ca” những gì mà sau đó đã đảo ngược tình thế, mà Kiều phải tấm tắc : “Khen cho : thật đã nên rằng – Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời” ? Trong tám câu gỡ tội và thanh minh của Hoạn Thư – theo cách nói hiện đại bây giờ – là lập luận theo kiểu tư biện, nhưng ở vào văn cảnh ấy, nó lại rất thấu lí đạt tình. Tình, lí ở đây xen kẽ nhau khi thắt khi cởi, khi nắm khi buông rất khó rạch ròi. Cái lí ghen tuông tuy không là luật lệ nhưng lại là một thực tế vì cảnh “chồng chung” xưa nay vẫn thế (“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung” – Hồ Xuân Hương). Nhưng ngay khi ở vào hoàn cảnh “chồng chung”, Hoạn Thư cũng dã có thiện chí mở đường :

Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

“Tình” như thế là rõ. Rõ rồi mà Hoạn Thư vẫn khiêm nhường nhũn nhặn xin được “nghĩ cho” thì làm sao Thuý Kiều không “nghĩ” ? Rồi cái lí được lặp lại lần thứ hai, vẫn cái lí “chồng chung” (“Chồng chung chưa dễ ai chiểu cho ai”). Rồi kèm với cái tình nhằm kêu gọi sự bao dung, che chở cho một kẻ đáng thương :

Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

Theo cách nói của Hoạn Thư thì việc xưa đã lỡ, đã “trót”, nay chỉ còn hi vọng ở tình thương mà người y nhờ lại là “lượng bể”. Ấy là chưa nói cái “khôn ngoan đến mực” của Hoạn Thư trên hai khía cạnh : một là mụ không nói gì đến tội ác nói chung, chỉ tự khoanh vùng trong một phạm vi hẹp : tội ghen tuông mà “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Ghen tuông do đàn bà mà ra, nhưng thương người çùng cảnh thì cũng chỉ đàn bà mới có. Gửi gắm kín đáo hai khía cạnh trên vào lời cầu xin, phải chăng Hoạn Thư đã là người dàn bà trong muôn một “Đàn bà dễ có mấy tay”. Đánh vào tình thương của một người vị tha, tình thương trong hoàn cảnh có thể còn thương một kẻ ăn năn hối lỗi, Hoạn Thư dã khơi đậy ở Kiều sự bao dung, che chở, cả sự mang tiếng vị kỉ, “nhỏ nhen”. Tâm thế của Kiều trước lúc tha cho Hoạn Thư tuy có cân nhắc, lưỡng lự vài giây giữa sự trừng phạt hay không trừng phạt kẻ có tội cũng dáng “thương tình”. Sức mạnh của lòng tự ái và tự trọng đã dẫn nàng đi đến kết cục cuối cùng như ta đã biết.

Trừng phạt Hoạn Thư là một khả năng rất dễ xảy ra vì điều kiện khách quan và chủ quan đã đủ. Đó là nguyện vọng của mọi người chứ không chỉ của một nạn nhân. Tiếng nói của công lí phải minh bạch, rõ ràng. Nhưng không trừng phạt Hoạn Thư, tuy công lí không được thực hiện ở cái mức thoả đáng, song kẻ phạm tội đã biết cúi đầu, lẽ phải ít nhất một lần cũng đã dõng dạc vang lên. Điều chủ yếu, cách xử lí của nàng Kiều giữ lại nơi chúng ta: một nhân vật, một con người như hiện ra bằng xương bằng thịt. Một nhân vật như Thuý Kiều không có một cách giải quyết nào cho khác hon trong hoàn cảnh đó.

Thảo luận cho bài: Phân tích đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán của Nguyễn Du