Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm(mẫu 2)

Đề bài: Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm

Cảm nhận về bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh

Bài làm 

Đâu chỉ “đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”, bản thân Tống hiệt hành đã sẵn mang bao khó hiểu của riêng mình. Chả thế mà, thời Thơ mới qua đi đến già nửa thế kỉ rồi, thi phẩm vẫn cứ còn gây khó hiểu cho thời đại này. Cuộc tranh luận trên báo Giáo dục & thời đại và báo Văn nghệ những năm 1992 – 1993 chẳng phải là những “bâng khuâng khó hiểu” thế sao!

Điểm nút của cuộc luận chiến ấy là băn khoăn : Người ra đi là ai ? Dựa hoàn toàn vào hoàn cảnh ra đời (Thâm Tâm viết tặng người bạn trong một cuộc chia tay), nhiều người đã khăng khăng : đó là người chiến sĩ cách mạng đang “giã gia đình” lên chiến khu. Nghĩ cũng lạ. Như thế là hoàn toàn dùng ngoài để hiểu trong, đã đành, mà quy trình sáng tạo thi ca có thẳng đuột thế bao giờ đâu. Sự kiện ngoài đời đi vào hồn tác giả để trở thành hình tượng còn phải trải qua nhiều khâu xử lí lắm : nào cảm quan riêng, chuẩn thẩm mĩ riêng, nào chất liệu riêng của nghệ sĩ,…

 

Thế cho nên, ở bài Ngày về, vóc dáng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, khi qua các khâu xử lí của hồn thơ Chính Hữu lúc bấy giờ, đã hiện ra thành hình tượng những chinh phụ, trượng phu y hệt thời trung đại đó thôi ! Đọc văn, căn cứ phải là hình tượng trong tác phẩm chứ khống phải nguyên mẫu ngoài đời. Rồi đọc kĩ, có chi tiết nào trong bài thơ đủ làm bằng cứ để khẳng định đây là chiến sĩ cách mạng đâu ! Vả chăng, việc một nhân vật có là chiến sĩ cách mạng hay không, đâu có quyết định đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm ! Cái quyết định ở đây vẫn là tình người trong tiễn biệt chia li được thể hiện có sâu sắc không, chân thành không, mới mẻ không. Đọc văn bản nghệ thuật, không nên phớt lờ hoàn cảnh sáng tác, nhưng cũng không thể cột chặt nội dung văn bản vào hoàn cảnh sáng tác. Cũng chớ vì độc tôn một phạm trù văn học nào đó mà say sưa dùng nó để quy chiếu tất cả.

Những người quá coi trọng văn bản và thời đại lại nhất quyết : đây chỉ là một khách chinh phụ thời Thơ mới. Bó hẹp thế không thôi, liệu có ổn không ? Đành rằng, Tổng biệt hành thuộc thời Thơ mới. Nhưng có phải chỉ thời Thơ mới mới có cuộc ra đi như thế, người ra đi như thế ? Rồi người ta cũng băn khoăn về “hoàng hôn trong mắt ai”, người đi hay kẻ ở ? Ngay cả ba câu cuối cùng “Mẹ thà coi…/ Chị thà coi…/ Em thà coi…” là thế nào, những người thân ấy là “chủ thể” hay “đối tượng” của thà coi, đều đã là những rắc rối gây lắm bất đồng, v.v.

Những nỗi “bâng khuâng khó hiểu” như thế, đến nay, dường vẫn còn nguyên đó.

Người ra đi là ai ?
Câu hỏi vẫn rất cần lời đáp.

Nhưng không phải để nhận thức phận vị hay diện mạo xã hội của li khách, mà quan trọng hơn : xác định nội dung thẩm mĩ của hình tượng này. Bởi điều đó dường như quyết định đến giọng bi phẫn rất đặc sắc của bài thơ, cũng như các bí ẩn khác của nó.

Như cái tên của thi phẩm, Tống biệt hành viết về một cuộc chia li. Đề tài đâu có mới, vậy mà vẫn cứ độc đáo. Vì sao ? Có lẽ, vì đây là một cuộc chia tay chứa đầy uẩn khúc. Nó vừa tiêu biểu cho thời đại ấy vừa có tính cách muôn thuở.

Người ra đi có một gia cảnh thật nặng nề : mẹ già cả, chị lỡ làng, em bé dại. Là con trai lớn, anh phải ở nhà để phụng dưỡng mẹ, chăm sóc chị, bảo ban em thì mới tròn bổn phận. Nhưng anh lại là một trang nam nhi mang chí lớn, ôm mộng lớn, theo đuổi nghiệp lớn. Thế là anh rơi vào tình thế giằng co giữa bổn phận và khát vọng. Khát vọng giục anh lên đường, bổn phận níu anh ở nhà. Một giằng co đặc thơ mới. Ta thấy ở đó cõi lòng đầy băn khoăn day dứt của một cái tôi, khi ý thức cá nhân trỗi dậy. Nhưng đó cũng chính là mối xung đột giữa tình và chí. Kể mà anh là kẻ phiến diện, chỉ có một trong hai phẩm chất đó thôi, hẳn sẽ không đau khổ. Đằng này, chí thì lớn, tình lại nặng. Vì thế mà day dứt, mà mâu thuẫn. Chẳng phải mâu thuẫn nội tâm này có tính cách muôn thuở đối với một trang nam nhi đó ư ? Để thực hiện chí lớn, hoàn thành nghiệp lớn, có trang nam nhi nào không phải từ giã mái nhà sinh trưởng của mình để dấn thân vào cuộc đời ? Có ai không phải chấp nhận một sự hi sinh nào đấy, nhất là những quan hệ riêng tư ! Vậy là, anh vẫn phải đi, không thể khác. Do đó, xem li khách vô tình hay có tình không phải căn cứ vào việc anh có ra đi hay không. Mà, phải xem li khách ra đi như thế nào. Kẻ vô tình thì dứt áo không hề bận tâm. Người nặng tình thì li biệt đầy khổ tâm.

Li khách, anh thuộc dạng nào ?
Li khách đã ra đi với một tâm thế đầy mâu thuẫn.

Lúc chia phôi là lúc lòng người mềm yếu nhất. Không cứng cỏi thì khó có đủ can đảm để dứt áo ra đi. Lâm vào tình thế ấy, để có thể cất bước, người ta phải tự làm lạnh lòng mình đi, làm rắn lòng mình lại.

Li khách đã quyết lòng dửng dưng, đã dứt khoát giã từ :

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dựng dưng…
Thậm chí, đã có cả những gì thật không phải với mẹ :
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại !
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Có người vội cho li khách phải đóng vai một kẻ lạnh lùng. Có lẽ không hẳn thế. Đóng vai tức là không thật, là chỉ giả làm ra thế. Thực ra, li khách đang phải nỗ lực dùng cả ý chí và lí trí để dằn lòng, để cưỡng chế tình cảm của mình. Và anh đã có được một vẻ ngoài mình muốn. Những người thân có lẽ chỉ thấy vẻ bề ngoài ấy. Họ hẳn đã nghĩ anh Ià kẻ vô tình, vô tâm, bạc bẽo – vì chí mà quên tình.

Duy chỉ có một người hiểu rõ bụng anh – vừa lớn chí vừa nặng tình. Người ấy là tri kỉ của anh. Người ấy là tác giả. Tác giả thầm nói cùng anh mà cũng thành “bật mí” cùng người thân, người đọc :

-Ta biết người buồn chiều hôm trước…

-Ta biết người buồn sáng hôm nay…

Cho đến tận lúc từ biệt ra đi, người vẫn buồn lắm, dù rằng người đã cố tình che giấu :

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Không nặng tình sao có thể buồn da diết đến vậy !
Không nặng tình sao lại nghẹn ngào những tiếng lòng câm :
Hơi thu đầu núi giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Li khách bên trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng lòng câm.

Tống biệt hành vốn kết ở bốn câu ấy. Khi tuyển vào Thi nhân Việt Nam, các tác giả đã cắt bỏ đi. Thế là thi phẩm đã khép lại bằng mấy câu tức tưởi đầy bi phẫn này :

Người đi ? ừ nhỉ, người đi thực !
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

Kết thế, lời thơ súc tích hơn. Nhưng thi phẩm đã bâng khuâng khó hiểu rồi, càng bâng khuâng khó hiểu hơn !

Bài thơ này có một hiện tượng đáng coi là đồng phạm của vẻ khó hiểu : sự nhập nhoà và lưu chuyển giọng phút ngôn. Có lúc là lời người tiễn. Lại có lúc người tiễn nhập thân vào người đi để cùng cất lên tiếng nói bên trong của anh ta. Khổ thơ này chẳng phải là một sự nhập thân thế sao ? Chúng ta đồng thời nghe thấy cả hai giọng không tách bạch được : giọng “nói thay” của kẻ tiễn và giọng dộc thoại của người đi. Tuy nhiên, giọng nói dù có hai, nhưng giọng điệu vẫn chỉ một. Bao trùm lên toàn bô tiếng thơ vẫn chỉ một giọng điệu : bi phẫn.

Đã có cả một cuộc tranh luận thật gay gắt để xác định những người thân của li khách là đối tượng hay chủ thể của thà coi. Cuộc tranh luận bế tắc vì khi tìm ý, người ta chỉ mải soi vào phần nghĩa mà quên mất phần giọng. Trong nghệ thuật ngôn từ, nhiều khi ý không do nghĩa quyết định, mà do giọng quyết định. Giọng bi phần ở đây hiện ra bởi cách nói đau, nói phẫn, nói chua chát. Cách nói này có khi làm cho ý tình ngược hẳn với nghĩa chữ. Cách nói như tự xát muối vào lòng mình. Lời càng lạnh lùng, tình càng chua xót ; nghĩa càng đơn bạc, ý càng đớn đau. Không nắm được giọng điệu đặc thù này của nó, khó lòng hiểu trúng được tình ý thực của lời thơ.

Đề bài: Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm

Đề bài: Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm

Xét đơn thuần về nghĩa và cú pháp, thì đều có quyền hiểu theo hai cách : li khách có thể là đối tượng, cũng có thể là chủ thể của thà coi. Nhưng giọng điệu đã xe kết cả hai làn nghĩa ấy vào một tình điệu, tình ý thống nhất. Bởi thế, mấy câu thơ thà coi ấy mới có một hình thái đặc biệt : hai giọng nói nhưng chỉ một giọng điệu, hai nghĩa nhưng chỉ một ý ! Chẳng phải thế sao ? Dù người đi đang khẩn cầu người thân “thà coi” mình như chiếc lá bay, như là bạt hụi, như hơi rượu say (những thứ tồn tại mà như không tồn tại), hay anh ta đang phải dằn lòng, buộc lòng hi sinh bổn phận của mình, đến nỗi phải “thà coi” người thần như thế, thì ở bề nào cũng là đau đớn, dằn vặt. Bề nào cũng là nỗi phẫn chí vì buộc phải chà đạp lên chữ hiếu, chữ nghĩa ! Cả hai đều chỉ là một tiếng nói nghẹn ngào, đắng chát của mặc cảm hất hiếu, lỗi đạo ở một người con vốn nặng tình mà lại mang cả chí lớn đó thôi!

Có ngẫu nhiên đâu, trong cái trật tự từ chiếc lá qua hạt bụi đến hơi rượu say đã ngầm chứa một nghịch biến : hình càng lúc càng hư ảo, vô nghĩa, tình lại càng lúc càng nặng nề, đắng đót. Nếu không nặng lòng hiếu nghĩa, thì con người liệu có được mặc cảm bất hiếu, lỗi đạo đeo đẳng thế không ? Tất cả chỉ vì trót mang chí lớn, ôm ấp hoài bão lớn mà anh phải đành lòng vậy, cầm lòng vậy trong một lựa chọn nghiệt ngã giữa hổn phận và khát vọng, chứ phải đâu anh là kẻ có trái tim gỗ đá ! Vì thế, mặc cảm bất hiếu, lỗi đạo đang nghẹn ngào trong lòng li khách đã là đỉnh điểm của tình cảm biệt li.

Ngoài, thì dửng dưng, lạnh lùng ; trong, thì buồn sầu, đau khổ. Chính lúc lạnh lùng nhất lại là lúc đau đớn nhất. Một sự tương phản như thế, chẳng phải tự nó đã là thống nhất hay sao ? Có điều, đó là một vẻ thống nhất không dễ hiểu : thống nhất mà uẩn khúc. Những bâng khuâng khó hiểu là từ đó mà ra. Nhưng sức sống độc đáo của hình tượng li khách này, dường như, cũng sinh ra từ đó.

Tất cả những uẩn khúc kia dường như đã hiện ra ngay từ khổ thơ đầu. Và đây cũng là khổ thơ hay hơn cả :

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Cặp từ xưng hô ở đây đã khiến ta chú ý. Thật khó thay bằng một cặp nào khác. “Ta – người” hàm chứa một khẩu khí. Khẩu khí gợi ra dáng điệu ngang tàng, ngạo nghễ của hai trang nam nhi cùng mang chí lớn và những cao vọng. Nó hé cho ta thấy khổ thơ này chỉ nói riêng một phía của cuộc tiễn đưa : phía của tình bằng hữu. Có lẽ vì thế mà khổ thơ được viết rất tương xứng. Bốn câu thành hai cặp, hai câu hỏi, hai nỗi bâng khuâng, băn khoăn.

Hai câu trên nghiêng về nỗi lòng người tiễn, hai câu dưới nghiêng về tâm sự người đi. Không bộc lộ theo lối trực tiếp, tình cảm ở đây được thể hiện gián tiếp thành những băn khoăn, lạ lùng – người trong cuộc như không làm chủ được và không hiểu được điều gì đang diễn ra trong lòng. Mỗi cặp câu ứng với một người, đối xứng nhau, tạo thành cái không gian riêng của tình bầu bạn. Chỉ có họ là hiểu nhau. Lòng người tiễn được diễn tả bằng tiếng sóng (âm thanh), tình người đi được thể hiện bằng hóng hoàng hôn (hình sắc). Cả hai đều sâu kín, thật phù hợp với khí chất nam nhi – những người ít phô bày, biểu lộ tình cảm, trái lại, thường kiềm chế, đè nén tình cảm của minh.

Cách tổ chức khổ thơ thì theo nguyên tắc tương xứng, còn cách khắc hoạ hình tượng thơ lại theo nguyên tắc tương phản. Lời thơ, hình ảnh thơ, tình thơ tuôn chảy khá tự nhiên, giấu kín bên trong hai cặp tương phản lớn. Ấy là tương phán giữa người với cảnh, và tương phản ngay trong con người : bên ngoài và bên trong. Cảnh thì bình thường, dửng dưng (không gian, thời gian đều rất đỗi bình thường – “không đưa qua sông”, “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt”), không hề có tác động, can thiệp gì đến lòng người. Vậy mà nỗi buồn chia phôi đều có đủ. Thế mới biết lòng người quyết định tất cả. Dựng nên cảnh “tống biệt” này, dường như Thâm Tâm muốn chọi lại với người xưa. Cổ nhân quan niệm cảnh và người bao giờ cũng thống nhất, cũng sẻ chia tâm trạng. Còn ở đây không thế. Cảnh thì vô tình, người thì khép kín cõi lòng. Thêm nữa, viết “Đưa người, ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?”, Thâm Tâm còn như muốn chọi lại với cuộc tiễn Kinh Kha nhập Tần trên sông Dịch thuở xưa nữa ! Vì thế mà lời thơ không khỏi có chút giọng ngang tàng !

Thực ra, sự tương phản này không khó thấy.

Sự tương phản ngay trong con người khó nhận thấy hơn ! Mà xem ra nó tụ cả ô câu thứ tư – câu kết của khổ :

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Có ngẫu nhiên không, khi khổ thơ sử dụng âm ong, ông với mật độ khá dày (không, sông, sóng, trong, lòng, hóng, không, không, trong, trong,…) ? Cũng là âm vang, nhưng khác với âm ang – mở rộng, vang vọng ra bên ngoài, thì âm ong – đóng khung, vang vọng vào trong. Nó tạo nên âm hưởng của những cơn sóng đầy xáo động, xao xuyến ở sâu trong cõi lòng. Nhưng, ngoài việc đóng góp cho khổ thơ hai âm thanh như thế, hai chữ “trong” ở câu này còn có một bí ẩn khác. Ấy là nó thể hiện được sự tương phản giữa bề ngoài và bên trong cua người đi. Bề ngoài, anh tỏ ra dửng dưng, ánh mắt làm ra trong veo, cứ thản nhiên như không. Nhưng người bạn tri kỉ của anh lại thấy rõ bóng hoàng hôn ở chính ánh mắt trong ấy. Anh cố cưỡng chế tình cảm, nhưng tình cảm vốn tự nhiên, nó vẫn cứ dâng lên. Dù che giấu thế nào, thì bằng cách này cách khác, nó vẫn cứ hiện ra. Thật là uẩn khúc. Chỉ có người tri kỉ mới có thể cảm thông được nỗi uẩn khúc trong đáy sâu của đôi mắt trong ấy. “Hoàng hôn trong mắt trong”, có hình ảnh nào giàu chất tạo hình mà lại kiệm lời và tinh vi thế không ?

Li khách đã có một tri kỉ. Tống hiệt hành vẫn mong những tri âm.

Thảo luận cho bài: Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm(mẫu 2)