Phân tích bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu để nhận xét về cấu trúc triết lí độc đáo của tác phẩm.
Bài thơ khai thác đề tài tình bạn, là cảm xúc về một cuộc chia tay trong cảm nhận của người ở lại. Lấy cảm hứng từ cuộc chia tay với Mạnh Hạo Nhiên – một tri âm tri kỉ, nhà thơ đã thể hiện nỗi niềm day dứt của mình về cuộc đời.
Tham khảo bài làm của bạn Đỗ Minh Nhật lớp 10A1 trường THPT Marie Curie – Hà Nội
Mạch thơ « Hoàng Hạc Lâu » được triển khai theo đúng đường đi của mọi triết thuyết nói chung – cái đường đi xin tạm được đơn giản hóa như sau : thoạt đầu là sự ghi nhận về một hiện thực ; bước tiếp theo : triết lí về hiện thực đó, rút ra những vấn đề có ý nghĩa quy luật ; cuối cùng là việc đề nghị với nhân quần một thái độ ứng xử thích hợp.
Tính nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Bài thơ mở ra với những nét ghi nhận về cái tiêu vong. Như đối với mọi bài thơ Đường khác, cái gây ấn tượng mạnh ở đây không phải là những hình ảnh cụ thể cảm tính. Điều đáng chú ý là tác giả đã liên hệ đối sách hai thì của thời gian lịch sử. Ở thì hiện tại, quan cảnh không phải hoàn toàn hoang phế. Còn đó lầu Hoàng Hạc bên bờ sông,, vẫn thường đón du khách từ muôn phương đến viếng thăm. Nhưng thật lạ, cái còn này lại nói lên rất rõ cái mất. Thì ra Hoàng Hạc Lâu chỉ là một vế của phương trình đã được cân bằng thuở trước, vì thế, nửa còn lại chơi vơi này cứ khêu tâm trí người ta nghĩ đến một nửa nào đã chìm khuất trong thời gian chảy xiết vô địch.
Hoàng Hạc Lâu
Hai câu này được Tản Đà dịch :
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Lời dịch thuật hay, nhưng so với nguyên tác, sắc thái biểu cảm có khác. Ở đây, tâm trạng hụt hẫng và bâng khuâng của nhà thơ có vẻ nổi lộ hơn qua câu thơ có màu sắc nghi vẫn (ai, đi đâu) và qua chữ « trơ » đầy ấn tượng, tách đứng cuối câu với sức nặng riêng của sự cô lập. Trong khi đó, lời thơ nguyên tác thể hiện một sự tiết chế những biểu hiện quá mạnh của cảm xúc, tỏ ra điềm tĩnh để cảm nhận cho thấu triệt ý nghĩa của tâm trạng. Đây chính là một vấn đề thuộc về thi pháp của thơ Đường. Hai câu sau bắt đầu đi vào triết lý trực tiếp qua việc nêu lên một sự đối lập mới :
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
(Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay)
Đó là sự đối lập giữa một bên là cái tiêu trầm không thể vãn hồi (của những kiếp người hữu hạn của những triều đại thuộc về dĩ vãng chăng ?), với một bên là cái trường tồn của thiên nhiên, cái mạnh mẽ và vô tình của quy luật cuộc sống. Những thanh trắc dày đặc ở câu thứ ba đã dựng nên trập trùng những trở ngại để chẳng đường về của quá khứ. Âm điệu câu thơ gọi cảm giác ấm ức, không thanh thản. Thoắt đến câu thứ tư, mấy thanh bằng liên tiếp dẫn tâm tư người đọc theo áng mây trắng nghìn năm trôi nhẹ vào cái xa xăm của miền suy tưởng. Sự chuyển điệu của bài thơ cũng ngụ tính triết lí. Nhập vào nó, người đọc sẽ có cảm tưởng như vừa trải qua một tiến trình nhận thức có đột biến. Từ chỗ vật vã với những sự kiện thực tế, cõi lòng bỗng chốc đã tìm được sự thanh thản trong việc nhận thức ra quy luật, trong việc xác lập một chỗ đứng mới để thẩm định các giá trị ở đời :
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Song, ngẫm cho cùng, đây chỉ là một bức phon cảnh triết học, cũng như câu thơ thứ tư không chỉ có ý nghĩa ở phương diện gợi tả. Vấn đề là nhà thơ đã không triết lí bằng ngôn ngữ luận lí khô khan, mà bằng ngôn ngữ thiên nhiên, hay nói cách khác là đã bố trí cho thiên nhiên tự phát biểu triết lí của mình. Điều này làm tăng sức thuyết phục cho vấn đề có giá trị như sự khám phá quy luật đã được nói rõ ở các câu trước. Nó cũng làm cho điệu thơ trở nên mềm hoạt và gợi cảm hơn. Quả đây là một cách «luận » độc đáo và có hiệu quả, nếu đúng thuở xưa các nhà thơ ý định dành riêng hai câu năm, sáu để « luận ».
Khi dịch hai câu thơ này, nhất quán với phong cách thơ mình và phon cách thơ của thời đại mới, Tản Đà đã đưa thêm vào bức tranh những đặc tính cá biệt :
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Những từ « bày », « xa », « dày », « non » đã làm tăng tính chất tri giác cảm quan của câu thơ, trong khi theo thi pháp của thơ Đường, những « tình xuyên », « phương thảo », « lịch lịch », « thê thê » rất ít màu sắc cụ thể mà lại nặng tính chất khái quát.
Ba phần tư bài thơ nói chung quanh chuyện ngôi lầu. Đến câu thứ bảy, một câu hỏi xuất hiện, khá lạ là :
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
Sao ở chỗ này lại có băn khoăn ấy ? (Chiều tối rồi, quê hương ở nơi đâu ?). Rõ ràng ở đây nhà thơ không phải đang lâm vào tình cảnh như của Đỗ Phủ khi ông ta viết « Cô chu nhất hệ cố viên tâm », cũng không phải có tâm trạng như tâm trạng của Lí Bạch khi vị « thi tiên » này « Đăng Kim Lăng Phương Hoàng đài » để ngóng vọng Trường An và than « Trường An bất kiến sử nhân sầu ».
Thực ra, như đã nói ở trên, hai câu cuối này chủ yếu xuất hiện theo logic của việc lập thuyết. Càng nhận thức được cái khắc nghiệt ngã của quy luật, cái khoảnh khắc phù du của đời người trên cái nền trường cửu của thiên nhiên, người ta càng có cảm giác ớn lạnh, cô đơn. Đây chính là lúc hình ảnh quê hương hiện lên, xoáy vào tâm trí một nỗi niềm da diết. Tất nhiên, quê hương ở đây không phải chỉ giới hạn trong ý nghĩa là nơi chôn rau cắt rốn, nơi có gia đình, có mồ mả tổ tiên… mà chính là một điểm tựa của cõi lòng, là nơi trú ẩn cuối cùng của những tâm hồn không tìm được sự bình an khi hướng ngoại và là đối cựu của những cái vạn biến trong cuộc đời. Ý nghĩa của vấn đề càng được khẳng định mãnh mẽ qua việc tác giả nêu lên một hoàn cảnh không thuận chiếu : hoàn hôn đã xuống mà hình bóng quê hương chẳng thấy. Trên sông, khói sóng nổi lên…
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Trên sông khói sóng cho vừa lòng ai)
Có thể xem hai câu cuối của bài thơ là lời đề nghị về một thái độ sống (ở cấp triết học). Sở dĩ thấm thía vì nó được nói ra như là sự bộc lộ một xúc cảm riêng tư trong một hoàn cảnh thật xác định và cá biệt.
Bài thơ nguyên tác thật tuyệt diệu. Bản dịch Việt văn của Tản Đà cũng thường được ca tụng mà một tuyệt tác dịch thuật. Tuy nhiên, không vì thế mà khi tìm hiểu « Hoàng Hạc lâu », là có thể bỏ rơi nguyên tác. Quả thực như người ta thường nói, bản dịch rất Tản Đà. Chính vì rất Tản Đà nên một sự đối chiếu thường xuyên giữa hai bài lại là một công việc có ý nghĩa, giúp ích cho việc tìm hiểu chẳng những nguyên tác của Thôi Hiệu mà còn cả cá tính thơ của Tản Đà cùng sự khác biệt trong phong cách thơ của hai thời đại. Một bên tính chất biểu cảm chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ một khi ta đã nắm được toàn bộ triết lí của bài thơ.