Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2017 – tác phẩm Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2017 – Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Đọc và trả lời

Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Theo Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 2010)

1 Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.
  • Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.
2 Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng đầu của đoạn thơ trên.
  • Hai biện pháp tu từ: lặp cấu trúc (ở hai dòng thơ bao giờ cho tới…), nhân hóa (trong câu trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm).
3 Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên.
  • Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ thể hiện hồi tưởng của tác giả về thời ấu thơ bên mẹ với những náo nức, khát khao và niềm vui bé nhỏ, giản dị; đồng thời, cho thấy công lao của mẹ, ý nghĩa lời ru của mẹ và nhắn nhủ thế hệ sau phải ghi nhớ công lao ấy
4 Anh/chị hãy nhận xét quan niệm của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Mẹ ru cái lẽ ở đời – sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.
  • Nêu quan niệm của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Lời ru của mẹ chứa đựng những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm, bài học về cách ứng xử, cách sống đẹp ở đời; sữa mẹ nuôi dưỡng thể xác, lời ru của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Đó là ơn nghĩa, là tình cảm, là công lao to lớn của mẹ. Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Từ đó, nhận xét về quan niệm của tác giả (đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp…).

Thảo luận cho bài: Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2017 – tác phẩm Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa