Đề Thi Học Sinh Giỏi Môn Sử :Đề Số 22
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Đề Thi Học Sinh Giỏi Môn Sử 12: Đề Số 23
Câu 1. Tại sao trong 3 năm liên tiếp 1939, 1940, 1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều triệu tập hội nghị? Từ việc trình bày nội dung chính của các Hội nghị, hãy cho biết vấn đề quan trọng nhất được các hội nghị đề cập đến là gì ?
a. Trong 3 năm liên tiếp 1939, 1940, 1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều triệu tập hội nghị, vì:
– Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước thời gian này đã đặt ra cho Đảng nhiệm phải nắm bắt và đánh giá chính xác, kịp thời tình hình đề ra đường lối đấu tranh phù hợp. Các hội nghị được BCH Trung ương Đảng triệu tập thời gian này là nhằm giải quyết nhiệm vụ đó.
– Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đó là do cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và Pháp là một trong những nước tham chiến. Chính quyền của thực dân Pháp ở Đông Dương phụ thuộc vào tình hình nước Pháp. Khi chiến tranh bùng nổ, chính quyền thực dân đã tăng cường đàn áp, khủng bố lực lượng cách mạng, vơ vét sức người sức của của Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh.
– Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương được triệu tập (11 – 1939), đã xác định mục tiêu chiến lược trước mắt là đánh đổ đế quốc và tay sai, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, Đảng quyết định rút vào hoạt động bí mật, quyết định dùng hình thức đấu tranh vũ trang để giành chính quyền.
– Tháng 9 – 1940, quân đội Nhật Bản vào Đông Dương, Đảng đã họp Hội nghị BCH Trung ương Đảng (11 – 1940), khẳng định nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng (11 – 1939) vẫn đúng đắn. Xác định kẻ thù của cách mạng Việt Nam là Pháp – Nhật.
– Năm 1941, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có sự biến chuyển, cho thấy thời cơ giành chính quyền đã đến gần. Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng (5 – 1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã hoàn chỉnh chủ trương được đề ra từ hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (11 – 1939) của Đảng.
b. Vấn đề quan trọng nhất được các hội nghị đề cập đến là:
Từ hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (11 – 1939) đến hội nghị tháng 5 – 1941 đã hoàn chỉnh về chủ trương chuyển hướng của Đảng ta. Nhằm giải quyết mục tiêu hàng đầu của cách mạng là độc lập dân tộc (giải phóng dân tộc) từ đó đề ra những chủ trương sáng tạo để thực hiện mục tiêu ấy.
Câu 2. Nêu những thắng lợi chung của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên các mặt quân sự, chính trị và ngoại giao trong cuộc chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của đế quốc Mĩ (1969 – 1973).
– Chiến đấu chống “Việt Nam hóa chiến tranh” là chống lại cuộc chiến tranh toàn diện được tăng cường và mở rộng ra toàn Đông Dương. Ta vừa chiến đấu trên chiến trường vừa đấu tranh trên bàn đàm phán với địch. Năm 1969, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, cả nước đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
– Thắng lợi về chính trị, ngoại giao:
+ Ngày 6 – 6 – 1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, được 23 nước công nhận, 21 nước đặt quan hệ ngoại giao.
+ Trong hai năm 1970 – 1971, nhân dân ta cùng với nhân dân hai nước Campuchia và Lào đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên mặt trận quân sự và chính trị.
+ Ngày 24 đến 25 – 4 – 1970: Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương họp nhằm đối phó việc Mĩ chỉ đạo bị tay sai làm đảo chính lật đổ Chính phủ trung lập của Xihanúc (18 – 3 – 1970) để chuẩn bị cho bước phiêu lưu quân sự mới; biểu thị quyết tâm đoàn kết chống Mĩ.
+ Ở các nơi khác, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân và sinh viên, học sinh nổ ra liên tục.
+ Quần chúng nổi dậy phá “Ấp chiến lược”, chống “bình định”. Đầu năm 1971, cách mạng làm chủ thêm 3.600 ấp với 3 triệu dân.
– Thắng lợi quân sự:
+ Từ ngày 30 – 4 đến 30 – 6 – 1970, quân dân Việt – Campuchia đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến 17.000 địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với 4,5 triệu dân.
+ Từ 12 – 2 đến 23 – 3 – 1971, quân dân Việt – Lào đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ và quân Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến 22.000 địch, giữ vững hành lang chiến lược của cách mạng Đông Dương.
Câu 3. Nêu những điểm giống và khác nhau giữa Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương và Hiệp định Pari năm 1973 về Việt Nam: hoàn cảnh kí kết, nội dung cơ bản và tương quan lực lượng ở miền Nam Việt Nam sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Về hoàn cảnh:
– Giống nhau: Đều có thắng lợi về chính trị và quân sự trên chiến trường,có trận thắng quyết định là Điện Biên Phủ năm 1954 và “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
– Khác nhau: Hội nghị GiơneVơ là hội nghị quốc tế,có sự chi phối của các nước lớn.Hội nghị Pa ri là Hội nghị hai bên (VN Và Hoa Kì) được quyết định bởi hai bên.
–Nội dung:
– Giống nhau:
+ Đều buộc các nước ĐQ công nhận các quyền dân tộc cơ bản của VN
+ Đều đưa đến chấm dứt chiến tranh,lập lại hòa bình ở VN
+ Đều đưa đến Việc ĐQ xâm lược phải rút quân về nước
– Khác nhau:
+ Hiệp định Giơnevơ là hiệp định về ĐD; Hiệp định Pa ri là hiệp định về VN
+ Thời hạn rút quân của đế quốc: Hiệp định Giơnevơ Pháp rút quân từng bước sau 2 năm; Theo hiệp định Pari, Mĩ rút quân 1 lần sau 2 tháng
+ Vùng tập kết quân đội 2 bên : Hiệp định Giơnevơ, quân đội 2 bên tập kết ở 2 vùng hoàn chỉnh ở 2 miền; Hiệp định Pa ri quân đội 2 bên ở nguyên tại chỗ
Ý nghĩa:
– Giống nhau:
+ Đều là sự phản ánh,sự ghi nhận thắng lợi giành được trên chiến trường
+ Đều là hiệp định hòa hoãn đưa đến chấm dứt chiến tranh,lập lại hòa bình; là cơ sở pháp lý để ta tiếp tục đấu tranh.
– Khác nhau:
+ Hiệp định Giơnevơ phản ánh không đầy đủ thắng lợi của ta trên chiến trường; Hiệp định Pa ri phản ánh đúng thắng lợi của ta trên chiến trường
+ So sánh lực lượng giữa ta và địch sau 2 hiệp định khác nhau: sau Hiệp định Giơnevơ, so sánh lực lượng không có lợi cho ta; sau Hiệp định Pa ri, so sánh lực lượng có lợi cho ta.