Đề Thi Học Sinh Giỏi Môn Sử 12: Đề Số 23
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Học Sinh Giỏi Môn Sử 12: Chính Cương Vắn Tắt, Sách Lược Vắn Tắt ( ĐCS VN )
Câu 1. Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, hãy chứng minh Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là kết quả của 15 năm (1930 – 1945) chuẩn bị lực lượng và lãnh đạo đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương.
a. Chuẩn bị về lực lượng cách mạng:
– Lực lượng chính trị: Đảng thành lập Mặt trận Việt Minh (19 – 5 – 1941) đoàn kết toàn dân tham gia kháng chiến. Mặt trận Việt Minh có thành phần rộng rãi, bao gồm tất cả các giai cấp, các tấng lớp yêu nước trong xã hội; bao gồm nhiều tổ chức quần chúng – Hội cứu quốc – là cơ sở của Mặt trận Việt Minh để đoàn kết quần chúng đấu tranh. Thông qua Tổng bộ Việt Minh, Đảng đã phổ biến chủ trương, chính sách của mình đến quần chúng. Mặt trận Việt Minh tượng trưng cho khối đoàn kết toàn dân, là lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng.
– Lực lượng vũ trang: sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, Đảng ta chủ trương duy trì đội du kích Bắc Sơn, sau đó thành lập đội du kích Thái Nguyên. Đội du kích Bắc Sơn hợp nhất với đội du kích Thái Nguyên thành đội Cứu quốc quân.
Cuối năm 1941, Hồ Chí Minh xây dựng một đội tự vệ chiến đấu ở Cao Bằng, thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944).
Tháng 4 – 1945, Đảng tiệu tập hội nghị Quân sự Bắc Kì, quyết định thành lập Ủy ban quân sự Bắc Kì để chỉ huy các lực lượng vũ trang ở miền Bắc. Quyết định hợp nhất đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Đây là lực lượng vũ trang trực tiếp tiến hành Tổng khởi nghĩa vũ trang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
b. Chuẩn bị lãnh đạo đấu tranh của Đảng:
– Tháng 11 – 1939, Đảng triệu tập Hội nghị Trung ương lần 6, xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông DƯơng, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội dân tộc. Khẩu hiệu tập trung chính quyền Xô viết công, nông, binh được thay thế bàng khẩu hiệu lập chính quyền dân chủ cộng hòa.
Về phương pháp cách mạng, chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp. Thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần 6 (11 – 1939), đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng về chỉ đạo chiến lược, thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực lãnh đạo của Đảng.
– Tháng 5 – 1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã xác định: nhiệm vụ trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc; tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, nêu cao khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia ruộng đất công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng. Chủ trương thành lập Chính phủ nhân dân. Thay tên các hội phản đế thành Hội Cứu quốc, thành lập Mặt trận Việt Minh thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương và giúp đỡ việc lập mặt trận ở Lào, Campuchia.
Xác định khởi nghĩa nước ta đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân. Bầu ra BCH Trung ương mới, do Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Hội nghị Trung ương Đảng lần 8 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng đấu tranh được đề ra từ Hội nghị lần 6 (11 – 1939), nhằm giải quyết mục tiêu hàng đầu của cách mạng là độc lập dân tộc và đề ra nhiều chủ trương sáng tạo thực hiện mục tiêu ấy. Đến Hội nghị Trung ương Đảng lần 8, sự chuển bị về đường lối của Đảng cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã xong.
– Đến khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Đảng họp Hội nghị toàn quốc (từ ngày 13 đến ngày 15 – 8 – 1945) và đại hội Quốc dân ở Tân Trào (từ ngày 16 đến 17 – 8 – 1945) để phát động quần chúng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Câu 2. Vì sao các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản trong những năm 1919 – 1930 lại bị thất bại nhanh chóng?
– Phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản, tuy thể hiện lòng yêu nước nhưng mang tính chất thỏa hiệp, cải lương, giới hạn trong khuôn khổ của chế độ thực dân, phục vụ quyền lợi của tầng lớp trên và nhanh chóng bị phong trào quần chúng vượt qua.
– Thiếu đường lối chính trị đúng đắn, không thể đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng.