Giải thích câu tục ngữ “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về Bác Hồ
Đề bài:
Hãy giải thích và bình luận ý nghĩa câu tục ngữ:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.
Bài làm:
Tinh thần tự chủ, thái độ tự trọng và niềm tin yêu gắn bó với cội nguồn là những yếu tố cần thiết cho mỗi con người trong cuộc sống. Đất nước Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử đã phải trải qua bao thăng trầm, thử thách nghiệt ngã mà vẫn tồn tại và phát triển là bởi dân ta có lòng tự hào, tự tôn và tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương xứ sở. Ông bà ta xưa thường khuyên con cháu:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.
Ý nghĩa của câu tục ngữ trên là đúng hay sai? Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận.
Trước đây, nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Hình ảnh nông thôn với những mái rạ nghèo, chiếc sân đất nện, mảnh vườn nhỏ và cái ao thả bèo, thả muông… rất quen thuộc trong đời thường cũng như trong ca dao, tục ngữ. Cầu ao là nơi người nông dân rửa rau, vo gạo, tắm táp, giặt giũ… Cầu ao còn là nơi gặp gỡ, trao đổi tâm tình làng xóm và nó đã trở thành người bạn âm thầm chứng kiến bao nỗi buồn vui của con người:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ…
Giã ơn cái cọc cầu ao,
Đêm đêm khuya sớm có tao có mày…
Cái ao gắn bó với người nông dân đến thế nên nó đã trở thành một trong những biểu tượng của hình ảnh quê hương; giống như mái đình, lũy tre, con đò, cây đa, giếng nước… Ta thử hình dung người nông dân sau một ngày làm việc vất vả trên đồng ruộng, được ngồi trên chiếc cầu ao nhà mình, thong thả múc từng gáo nước dội lên thân thể cho trôi đi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn. Cái mát mẻ thấm vào da thịt khiến cho đầu óc thoải mái, thảnh thơi. Thế là sung sướng, là thích thú bởi mình được tự do, tự chủ, chẳng phải phiền lụy đến ai, giữ kẽ với ai.
Một tình huống khác: vào tiết nông nhàn, người nông dân thường rời quê đi làm ăn xa. Cuộc sống tha phương ít ngọt bùi mà nhiều cay đắng nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê càng day dứt không nguôi. Họ phải chịu đựng tất cả vì miếng cơm manh áo, vì sự mưu sinh. Lăn lóc kiếm sống nhưng lòng chỉ mong đến thời vụ để trở về quê hương, sum họp với gia đình, tiếp tục cái cảnh chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa tuy cực nhọc mà đầm ấm. Và nhất là được tắm ở cái ao nhà mình, cái ao cho dù chưa rộng, chưa trong như nhiều ao khác đã gặp trên đường đời nhưng nó gần gũi, thân quen, nông sâu đã tường, nên ta thỏa chí vẫy vùng mà không phải e ngại, đề phòng bất trắc.
Nghĩa hiển ngôn của câu tục ngữ: Ta về ta tắm ao ta… có thể hiểu là như vậy nhưng người xưa đâu chỉ dừng ở đó. Họ muốn mượn cái hình thức đơn giản ấy để gửi gắm tình yêu quê hương sâu nặng và một triết lí sống tự do, tự chủ và tự tin vào chính bản thân mình. Tất cả những gì của mình (dù chưa hoàn hảo) cũng đều đáng quý, đáng trân trọng.
Nhà mình dẫu sang, dẫu hèn vẫn mang đến cho mình tâm thế của người làm chủ. Tâm thế ấy tạo nên sự tự do, thoải mái tinh thần mà ở những nơi khác, nhà khác không sao có được. Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn là vậy.
Ở thời điểm xuất hiện câu tục ngữ này, ý nghĩa trên của nó là đúng là tích cực vì tinh thần tự chủ, tự tin, tự hào là cần thiết và quan trọng đối với mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc trong quá trình tồn tại và phát triển.
Còn ở thời đại ngày nay, liệu câu tục ngữ trên có còn giữ nguyên giá trị?
Có người cho rằng, quan điểm Ta về ta tắm ao ta… là bảo thủ, tiêu cực, là thái độ an phận và tự mãn cần phê phán. Nhận xét như vậy là đã bỏ qua yếu tố khách quan của lịch sử, yếu tố đạo lí và có phần khắt khe.
Hiện nay, khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ và sự giao lưu giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới ngày càng được nâng cao, mở rộng. Để hội nhập với xu thế chung của toàn cầu, chúng ta không thể khư khư giữ mãi quan điểm đóng cửa, tự mãn, tự hào về những gì mình đã có mà phải mở cửa học hỏi cái hay, cái đẹp, cái mới, cái tiến bộ của nhân loại. Trên cơ sở tiếp thu những thành quả khoa học kĩ thuật tiên tiến một cách có chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với bản thân và đất nước, chúng ta sẽ thực hiện được mục đích cao cả là xây dựng một xã hội giàu mạnh và văn minh. Lúc đó, đất nước Việt Nam sẽ tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu như ý muốn của Bác Hồ kính yêu.
Học hỏi nước ngoài không có nghĩa là vọng ngoại, sùng ngoại để rồi đánh mất lòng tin và mất ý thức tự lực, tự cường. Bởi mất những yếu tố quan trọng đó, chúng ta sẽ mất tất cả.