Bình luận câu nói Rượu nặng trắng nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự

Đề bài:

Em hãy viết bài văn bình luận câu nói Rượu nặng trắng nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự.

Bài làm:
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, rượu có mặt mọi nơi, mọi lúc. Từ những buổi tiếp tân long trọng đến những nghi lễ như cưới hỏi, tiệc tùng, ma chay hoặc những bữa cơm gặp gỡ thân mật, sum vầy… người ta đều dùng đến rượu. Người xưa nói: Vô tửu bất thành lễ. Có lẽ rượu đã xuất hiện mấy ngàn năm nay và loài người không xa lạ gì với nó. Rượu có ích nhưng cũng rất có hại nếu ta không biết sử dụng đúng cách. Bàn về tác hại ghê gớm của việc uống rượu vô điều độ, A.Tsêkhốp, nhà văn Nga nổi tiếng thế kỉ XIX đã nói: Rượu nặng trắng nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự. Điều thú vị là nhận xét của Tsêkhốp dí dỏm, hài hước mà cũng thật xác đáng. Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận về vấn đề này.

Rượu nặng mà Tsêkhốp nói chính là loại rượu mạnh có nồng độ cao, uống vào rất mau say. Rượu vốtka của Nga, úyt-xki của các nước châu Âu và rượu nếp, rượu đế Việt Nam… là rượu nặng, chúng thường có màu trắng.

Những người uống rượu say thường hay đỏ mặt vì rượu là chất kích thích thần kinh, làm tăng nhịp đập của tim, đẩy nhanh sự tuần hoàn của máu. Say rượu, tưởng chừng như bao nhiêu máu dồn cả lên mặt nên mặt mũi đỏ phừng phừng trông thật dễ sợ.

Khi say rượu, lí trí con người sẽ bị rối loạn dẫn đến mất sáng suốt, không điều khiển nổi các hoạt động bình thường của cơ thể. Do đó, người say không còn làm chủ được ngôn ngữ, hành vi. Họ nói năng lung tung, hành động liều lĩnh, điên cuồng. Và lúc đó, họ đã tự bồi đen danh dự. Hậu quả tất yếu của việc uống rượu quá độ là như thế, Nhận xét trên của Tsêkhốp hoàn toàn đúng với thực tế.

 

Ruou nang trang nhung lam do mat mui va lam den danh du

Như trên đã nói, rượu có mặt thường xuyên trong cuộc sống của con người. Trong các nghi lễ, rượu làm cho không khí thêm phần trang trọng và vui vẻ, Trong sinh hoạt hàng ngày, ly rượu nhẹ khai vị trước bữa cơm làm cho người ta ăn thêm ngon miệng. Li rượu thuốc giúp ta chữa bệnh hay bồi bổ sức khỏe sau một ngày làm việc. Trong buổi chia tay hay sum họp với người thân, li rượu làm cho tình cảm thêm đậm đà, thắm thiết… Đó là mặt tích cực, mặt có ích của rượu, nếu chúng ta sử dụng nó đúng lúc, đúng nơi và có điều độ.

Ngược lại, nếu lạm dụng rượu, uống rượu không điều độ sẽ dẫn đến tác hại không thể lường trước được. Cái quan niệm: sáng say, chiều xỉn, tối lai rai là quan niệm đáng phê phán cần dẹp bỏ. Uống nhiều rượu, người ta sẽ giảm khả năng suy nghĩ và làm việc, dễ dẫn đến những quyết định sai lầm, những hành động đáng tiếc. Nhẹ thì gây ồn ào, lộn xộn trong gia đình, nơi công cộng; nặng thì chửi bới, ẩu đả, thậm chí đâm chém nhau… Có kẻ say rượu ngông cuồng đã đánh đập vợ con dã man, dọa đốt nhà, giết người… Không ít kẻ phạm pháp trong khi say, lúc tỉnh rượu ân hận thì đã quá muộn.
Nghiện rượu dễ đẩy người ta đến chỗ bê tha, bệ rạc, mất tư cách; làm cho mọi người khinh bỉ, ghê sợ và xa lánh. Những kẻ cho rằng có thể tìm vui trong rượu, giải sầu bằng rượu là sai lầm. Uống rượu quá độ sẽ tổn hại đến sức khỏe, suy sụp tinh thần. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình và xã hội.
Thực tế cho thấy những ông cha, bà mẹ nghiện rượu không bao giờ làm tròn bổn phận với con cái. Rượu đã tước đi khả năng làm việc cùng trách nhiệm, phẩm giá của họ. Họ trở thành gánh nặng, thành gương xấu cho gia đình, xã hội.
Tác hại của rượu như thế nào, người ta đã thấy rõ từ lâu. Cách đây ba ngàn năm, vua Vũ nhà Chu ở Trung Quốc đã đày người chế tạo ra thứ rượu nếp đi xa và truyền lệnh cấm dân chúng uống rượu.
Đời nhà Lê ở nước ta, bộ luật Hồng Đức quy định phạt nặng những kẻ say rượu nói bậy, làm bậy, gây ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục, bất kể là quan hay là dân. Gần đây, nhà nước ta đã ra chỉ thị về việc cấm say rượu đối với tất cả mọi người vì thấy rõ tác hại của rượu. Say rượu, nghiện rượu là cội nguồn của những hành vị tiêu cực như tham ô, hối lộ, lừa đảo, gây rối trật tự an ninh công cộng, phạm pháp…
Câu nói của Tsêkhốp: Rượu nặng trắng nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự thật dí dỏm và giàu hình ảnh. Nhà văn nói đến giá trị của con người bị hạ thấp do tác dụng xấu của rượu bằng sự biến đổi màu sắc từ trắng đến đỏ rồi đen.
Tác hại của rượu ghê gớm như vậy nên chúng ta càng cần phải biết cách kiềm chế bản thân trước sự hấp dẫn, cuốn hút của nó. Nhận xét của Tsêkhốp vô cùng chính xác. Chúng ta nhất trí với ông rằng: say rượu, nghiện rượu là một tật xấu cần phải loại trừ để góp phần giữ gìn đạo đức, danh dự và làm trong sạch xã hội.

Thảo luận cho bài: Bình luận câu nói Rượu nặng trắng nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự