Bình luận về hiện tượng Xuân tóc đỏ trong xã hội ngày nay
Phân tích bài thơ chiều tối của Hồ Chí Minh
Đề bài:
Hiện tượng Xuân Tóc Đỏ có còn trong xã hội ngày nay?
Bài làm:
Nhờ tài năng trào phúng sắc sảo và nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật tuyệt vời của nhà văn hiện thực phê phán Vũ Trọng Phụng mà Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ nổi tiếng đã trở thành một hình tượng bất hủ có ý nghĩa khái quát rất cao và có sức sống lâu dài. Có thể nói rằng thế hệ con cháu của hắn giờ đây vẫn còn tồn tại trong xã hội của chúng ta.
Xuân Tóc Đỏ là một đứa trẻ mồ côi nghèo khổ và vô giáo dục. Hắn lấy hè đường làm nhà, lấy sấu và cá hồ hoàn Kiếm làm cơm. Hắn lăn lóc kiếm ăn bằng nhiều nghề khác nhau như đánh giày, thổi loa rao thuốc lậu, nhặt bóng ở sân quần vợt… Sau khi bị bắt vì tội dám nhòm trộm một cô đầm thay váy áo và bị nhốt vào bót, Xuân Tóc Đỏ đã lọt vào mắt một mụ me Tây lẳng lơ, dâm đãng là mụ Phó Đoan. Mụ ta đã hào phóng bỏ tiền nộp phạt để chuộc hắn ra, nhằm sử dụng vào mục đích xấu xa của mụ.
Xuân Tóc Đỏ được mụ Phó Đoan dẫn đến giới thiệu với vợ chồng Văn Minh, chủ tiệm may Âu hóa. Nhờ láu cá và những kinh nghiệm từng trải trong chốn giang hồ, cộng với sự nhanh mồm nhanh miệng, chẳng mấy chốc hắn đã chiếm được cảm tình của nhiều người trong đại gia đình của cụ cố Hồng – một nhà tư sản ở Hà Nội.
Chính thói bịp bợm, dối trá và lòng tham của lũ người vô liêm sỉ như vợ chồng Văn Minh, mụ Phó Đoan, cô Tuyết… đã biến Xuân Tóc Đỏ từ kẻ bần tiện, hạ đẳng thành “một thanh niên trí thức tài giỏi, cao quý của giới thượng lưu”. Gã Văn Minh muốn ông nội mau chết để được chia gia tài nên đã cố tình nói dối và tâng bốc Xuân Tóc Đỏ là sinh viên trường thuốc, rất giỏi chữa bệnh. Rồi Xuân Tóc Đỏ cả gan chữa bệnh cho cụ cố bằng những thứ bậy bạ khiến cụ phải lìa trần. Như thế là vô tình hắn đã có “công lớn” với đám con cháu bất hiếu đang mong cụ Tổ mau chết để chia gia tài.
Bình luận về hiện tượng Xuân tóc đỏ trong xã hội ngày nay
Xuân Tóc Đỏ phất lên như diều gặp gió: “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ”, “giáo sư quần vợt”, “nhà ái quốc vĩ đại có công cứu nước…” Hắn còn được quan công sứ mời dùng cơm; được nhà nước bảo hộ tặng Bắc đẩu bội tinh và vua Xiêm ban thưởng trọng hậu. Thật không còn gì bi hài hơn cảnh đại diện của hội Khai trí tiến đức phải đến tận nhà chúc tụng và xin phép Xuân Tóc Đỏ cho đưa vào từ điển những từ cửa miệng mà hắn hay dùng nhự Mẹ kiếp hay Nước mẹ gì… để quốc dân học tập(?!).
Nhân vật Xuân Tóc Đỏ là sản phẩm của cái xã hội phong kiến nửa thực dân, dở ta dở Tây đầu thế kỉ XX, khi yếu tố tư bản bắt đầu có những tác động và ảnh hưởng đáng kể đến nếp nghĩ, nếp sống của tầng lớp thị dân khá giả. Nền tảng đạo đức truyền thống bị lung lay, thậm chí đảo lộn trước mãnh lực của đồng tiền, trước trào lưu tư tưởng và văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta…
Xét về bản chất, Xuân Tóc Đỏ chẳng có tài cán gì đáng kể ngoài sự láu cá và liều tĩnh của một kẻ vô học. Hắn “thăng tiến” nhanh như vậy là nhờ “công lao” to lớn của cả một lũ người dối trá, gian manh, tham lam và đểu cáng. Cuối cùng thì những đại diện của cái giai cấp tự xưng là “thượng lưu quý tộc” ấy đã phải quỳ mọp dưới chân của tên đại bịp.
Ngày nay, tuy xã hội mới của chúng ta ưu việt hơn xã hội cũ rất nhiều song không phải là đã hết loại người như Xuân Tóc Đỏ. Vì mối lợi bất chính, chúng có thể bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn xấu xa nhất để làm giàu như gian lận, lừa đảo, buôn lậu, buôn hàng quốc cấm, trốn thuế… Nhờ thế mà chúng giàu lên nhanh chóng, xe hơi, nhà lầu, ăn chơi trác táng. Phong cách chung của đám “Xuân Tóc Đỏ hiện đại” này là hợm tiền hợm của, vênh vênh váo váo, kiêu căng hợm hĩnh đến mức nhố nhăng, lố bịch. Có tiền trong tay, chúng cứ tưởng rằng là có thể mua được tất cả: học thức, danh vọng và sự kính nể, trọng vọng của mọi người.
Không ít kẻ tìm mọi cách lân la, tiếp cận với các vị có chức có quyền ở những nơi công cộng như sân ten-nit hoặc nơi tổ chức các cuộc hội họp… để làm quen, xin chữ kí, rồi xin chụp ảnh chung… để khi cần thiết sẽ sử dụng vào mục đích đen tối. Táo tợn hơn, có kẻ còn dám mạo nhận là con cháu của những vị nổi tiếng ở Trung ương để đi lừa đảo…
Còn hiện tượng “vỏ một đằng ruột một nẻo” thì khá phổ biến ở mọi lĩnh vực, tầng lớp trong xã hội. Những ông “tiến sĩ giấy”, “tiến sĩ một đêm”; những quan chức đầu ngành có tới dăm ba bằng Đại học, kể cả Cao học nhưng thực ra chưa học hết bậc phổ thông… chẳng phải là chuyện hiếm hoi. Những kẻ bất tài nhưng lại giỏi nịnh bợ, luồn lách, đội trên đạp dưới để mưu cầu vinh thân phì gia; những kẻ chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng hoặc có chút gì đó hơn người đã vội nhìn đời bằng đôi mắt hạt đỗ coi trời bằng vung theo kiểu ếch ngồi đáy giếng… đều là hậu duệ của nhân vật Xuân Tóc Đỏ.
Vượt ra ngoài khuôn khổ cái tên của một cá nhân, Xuân Tóc Đỏ đã trở thành cái tên chung dùng để chỉ loại người thăng tiến rất nhanh không phải nhờ tài năng thực sự của bản thân mà là nhờ những may mắn ngẫu nhiên do yếu tố khách quan đem lại và nhờ thói ranh ma, láu cá, cơ hội… Trước sự thanh lọc nghiệt ngã của thời đại, tin chắc rằng đất sống của loại người này sẽ dần dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho những con người chân chính. Với tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã để lại cho đời một hình tượng độc đáo là Xuân Tóc Đỏ có ý nghĩa xã hội vô cùng khái quát.