Bài viết số 2 lớp 9 (bài tổng hợp)

Bài viết số 2 lớp 9 (bài tổng hợp)

Soạn bài viếng lăng bác

Bài viết số 2 lớp 9 đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau về thăm trường xưa vào 1 ngày hè, hãy viết thư cho 1 bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.

Nam Hải thân mến !

Đã lâu rồi không gặp lại cậu . Thời gian vun vút như thoi đưa, mới gặp nhau kỳ Tết vậy mà bây giờ hè đã sang. Hải có khỏe không? Cuộc sống gia đình bạn thế nào? Thùy và hai cháu vẫn ổn cả chứ ? Còn gia đình mình vẫn bình thường. Hai cháu Anh Dũng và Đỗ Uyên vẩn khỏe, ngoan và học giỏi.

Nam Hải à! Thời gian này bạn hay về quê không? Bạn có biết tin gì về tập thể lớp 9E ngày xưa không? Tháng trước, sau khi đã chuẩn bị xong công việc cho buổi hội thảo ngày mai ở công ty, mình bật Ti-vi theo dõi chương trình buổi tối, mình vô cùng ngạc nhiên khi mình thấy chuyên mục Văn hóa – Xã hội đang giới thiệu về trường THCS Hòa Phú, nơi chúng mình học ngày xưa. Vẫn còn những quang cảnh ấy nhưng khi ngắm nhìn trên màn ảnh nhỏ, mình thấy vừa quen vừa lạ. Kỷ niệm cũ bỗng được đánh thức sau một thời gian dài ngủ yên trong tiềm thức. Vừa qua, sau khi bàn bạc với gia đình, mình quyết định cùng người thân về thăm quê và trên hết là để thăm lại mái trường thân yêu mà ngày nào chúng mình đã học.

Những tia nắng rực rỡ của mùa hè như theo bước mình tới trường. Trường nằm cạnh đường quốc lộ, nhưng cổng lại cách trường khá xa. Con đường rải đá vụn đến cổng trường ngày xưa nay đã được rải nhựa. Thấp thoáng sau những rặng cây um tùm, ngôi trường thân yêu sừng sững như một vị thần khổng lồ hiện ra trước mắt người học trò cũ. Trước cổng trường, hàng cây hoa sữa vẫn còn đó, trang nghiêm như nhũng người gác cổng trung thành với ngôi trường mến yêu. Khi đi dưới hàng hoa sữa mùi hương của nó làm mình buâng khuâng, cái mùi bùi bùi khiến mình nhớ lại rất nhiều kỷ niệm của tuổi học trò đầy ước vọng và khao khát đó. Nhưng nay hàng cây này đã lớn dần theo năm tháng và nó cũng mang theo bao ước mơ của chúng mình Hải nhỉ! Phía sau dãy hoa sữa là hai cột cổng khá cao, được xây vững chắc, đỡ tấm biển màu trắng với hàng chữ ngay ngắn, sắc nét : “Trường trung học cơ sở Hòa Phú”.

Nam Hải à! Bước vào sân, điều gây ấn tượng với mình đầu tiên đó là dãy bàng ngày xưa tụi mình trồng nhân ngày khai trường , giờ đã xòe tán rộng giữa sân giang tay chào đón bạn bè xưa trở lại. Phía hai đầu sân là những cây phượng, với từng chùm hoa đỏ thắm khoe sắc giữa vòm trời xanh biếc. Màu hoa phượng, màu sắc của tuổi học trò. Nó làm mình nhớ khi ngày xưa tụi mình thi nhau trèo lên bứt nhụy của hoa phượng để chơi trọi gà. À mà này! Hải ơi, trên một cành phượng mình vô tình phát hiện ra một tổ ong với những chú ong thợ tất tả bay đi bay lại, chăm chỉ làm việc. Đó cũng là một kỉ niệm đẹp phải không? Khi mình bị ong đốt vào má sưng vù lên, còn bạn thì bị đốt vào cổ trông to như cái bướu. Chẳng lẽ thời gian trôi nhanh vậy sao? Mình không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại kỷ niệm của ngày xưa. Vậy mà giờ đây mỗi người mỗi ngã với những số phận, những công việc, những môi trường khác nhau.

Ngoài dãy lớp học ba tầng cũ, trường xây thêm hai dãy lớp ba tầng nữa được xếp theo hình chữ U ôm lấy chiếc sân được đổ bê tông. Giữa sân là cột cờ cao chót vót với lá quốc kỳ uốn mình trong gió. Trường vừa được sơn lại màu hồng phấn còn mới. Dọc theo hành lang trước các phòng học ở tầng một vẫn là những bồn hoa, được bao bọc bởi hàng tóc tiên, bên trong là những đám hoa mười giờ xen lẫn với những đám bông nhỏ như những chiếc cúc áo sặc sỡ. Trước mỗi lớp học đều có bảng ghi tên lớp với nền màu xanh và chữ trắng. Tầng ba của khu mới xâycó những phòng vi tính, phòng thiết bị, thư viện, căng-tin…cửa kính sáng choang. Tất cả tạo nên khung cảnh vừa hiện đại vừa cổ kính. Và mình cũng biết được thầy hiệu trưởng năm xưa dìu dắt lớp mình, trước khi về hưu đã cố gắng xây dựng được một ngôi trường khang trang và đầy đủ tiện nghi như bây giờ cho các học sinh thân yêu của mình được học tập trong một môi trường tốt đẹp nhất.

Sân trường vắng lặng và yên tĩnh khiến cho mình nhớ đến khi xưa khoảng cuối tiết ba bỗng ba tiếng trống vang lên không khí ồn ào bắt đầu nổi lên từ các lớp. Rồi từng đợt, từng đợt học sinh chạy ra như ong vỡ tổ. Sân trường im lặng bổng trở nên nhộn nhịp, giá như bây giờ tụi mình được trở về thời học trò ngày xưa thì tốt biết mấy nhỉ ?

Nam Hải à! Khi lên phòng hiệu trưởng, mình nói chuyện với thầy Minh hiệu trưởng mới. Nghe thầy nói, mình mới biết phần lớn các thầy cô dạy chúng mình ngày xưa giờ đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển trường. Cô chủ nhiệm lớp mình đã chuyển về quê cùng gia đình.

Hải à! Bây giờ nhớ lại những kỷ niệm về cô thì mình lại ân hận vì đã nhiều lần làm cô buồn, nhưng cô không một lời trách mắng mà còn ân cần như một người mẹ hiền nhắc nhở con của mình đừng nên mắc lỗi nữa, mà hãy cố gắng học tập để không phụ lòng thầy cô và cha mẹ. Cũng vì những lời đó mà mình đã cố gắng học tập và có được như ngày hôm nay. Ước gì bây giờ được gặp lại cô, mình sẽ cảm ơn cô rất nhiều vì đã rộng lượng bỏ qua nhưng lỗi lầm trước đây của mình. Mặc dù không gặp được cô nhưng mình mong cô có một cuộc sống hạnh phúc và an dưỡng tuổi già bên người thân của mình.

Sau một hồi trò chuyện, thầy Minh cho mình biết, nhiều năm qua trường mình đứng đầu toàn thành phố về kết quả học tập và còn được công nhận là lá cờ đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Mặc dù trường mình chỉ là trường ven thành phố nhưng cũng đã có nhiều anh chị đi trước thi đỗ vào những trường danh giá của tỉnh như: trường chuyên Nguyễn Du, THPT Buôn Ma Thuột, trường thực hành Cao Nguyên…Cậu có thấy tự hào không ?

Tạm biệt ngôi trường để trở về với cuộc sống và công việc thường ngày, mình luôn nhớ lại những kỷ niệm đẹp về nó. Trong cuộc đời mỗi con người, thời học trò là quãng đời đẹp nhất và trong sáng nhất. Vì vậy chúng mình cần nâng niu và trân trọng nó Hải nhé!

Cuối thư mình mong bạn và gia đình gặp nhiều điều tốt lành trong cuộc sống. Nhớ hồi âm cho mình sớm nhé.

Bài viết số 2 lớp 9 (bài tổng hợp)

Bài viết số 2 lớp 9 (bài tổng hợp)

Bài viết số 2 lớp 9 đề 2: Kể lại 1 giấc mơ, trong đó em gặp lại người thân lâu ngày xa cách.

 

Đã bao giờ bạn tin rằng sau một giấc mơ những điều bạn hằng mong ước bấy lâu nay sẽ biến thành sự thật, y như một câu chuyện cổ tích chưa? Đã có lúc tôi rất tin vào điều đó và rồi lại phải thất vọng. Nhưng tôi luôn nhớ khoảnh khắc mà chỉ giấc mơ kì diệu mới đem đến cho tôi, như vừa mới xảy ra đây thôi.
Năm tôi học lớp năm, vào Tết năm ấy cũng là lúc ông tôi qua đời. Người ông mà tôi hằng kính yêu đã vĩnh biệt tôi trước khi kịp đón Tết cùng tôi. Tôi buồn bã vô cùng và tự nhủ sẽ không bao giờ tôi được đón một cai tết có ông bên cạnh nữa. Mấy năm sau vào lúc sắp sửa bốc mộ ông tôi và gần đến tết, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ đến cái tết năm nào. Tôi thắp một nén hương lên bàn thờ ông, hi vọng cháy bỏng được nhìn lại ông bên mâm cơm giao thừa lại bùng lên trong tôi, y như hồi còn nhỏ. Hôm đó là ngày 29 Tết, trước đúng một ngày vào cái năm buồn bã ấy, ông tôi mất. Tôi nghe mẹ đi ngủ sớm để ngày mai còn theo mẹ đi chợ. Lòng tôi chộn rộn mãi không sao ngủ được. Mắt tôi nhòa đi.
Tôi đang nằm trên chính chiếc giường mà ông tôi đã nằm ngày trước. Đến khi mẹ tôi tắt đèn đầu giường, tôi mới thiếp đi.
Một lúc sau có tiếng bước chân bên giường tôi, tôi choàng tỉnh dậy. Thật hay mơ đây, trước mắt tôi là người ông hiền hậu đã xa cách tôi bấy lâu nay. Ông bảo tôi dậy rửa mặt để đi cùng mẹ, sáng đó đã là ngày 30 Tết. Tôi ôm lấy ông, bảo sao ông đi lâu thế. Ông chỉ mỉm cười, lấy tay lau nước mắt cho tôi. Tôi nhìn ông không chớp mắt, vẫn dáng người cao cao như thế, vẫn khuôn mặt hồng hào, phúc hậu như xưa. Mái tóc ông bạc trắng, tôi còn nhớ lúc ông ra đi tóc ông mới chỉ lốm đốrn bạc. Ông tôi bận bộ com-lê màu ghi, tuy cũ mà phẳng phiu, trông ông thật đẹp lão. Tôi chưa được ngồi cùng ông lâu thì nghe tiếng mẹ gọi: “Con ơi mau đi chợ với mẹ, Tết đến rồi mà còn ngủ à?” – Tôi dạ và vội nói với ông: “Ông ơi ông ở nhà nhé! Ông chờ cháu về rồi dẫn cháu đi chơi ông nhé!”. Ông gật đầu, bảo tôi đi kẻo mẹ chờ.
Sau khi đi chợ xong, tôi chạy ù té vào phòng quên cả đặt thức ăn vào bếp. Nhìn thấy ông đang đọc sách, tôi mừng lắm. Ông bảo với tôi rằng ông sẽ dẫn tôi đi chợ Tết, chọn một cành đào thật đẹp về cắm trong nhà. Tôi mừng rỡ, tíu tít giục ông đi ngay. Ông vẫn nhớ ý thích của tôi như hồi tôi còn nhỏ. Ông chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch ông vẫn thường đi. Trên chiếc xe đạp này, đã bao lần ông đèo tôi đến nhà trẻ. Tôi sẽ nhớ mãi những giây phút ấy. Tôi cùng ông đi giữa phố phường, cảm thấy Tết năm nav nhộn nhịp hơn các năm trước. Phố xá đông nghìn nghịt, dường như ai ai cũng muốn ra đường để sắm sửa cho Tết.
Rồi hai ông cháu cũng đến được chợ hoa ngày Tết. Mới từ đầu vào tôi đã thấy tấp nập bao nhiêu là người, từ những cô gái đến những người phụ nữ lớn tuổi. Phải một lúc lâu sau, ông tôi mới gửi được xe và dẫn tôi đi xem cây cảnh. Chợ hoa ngày Tết mở ra trước mắt tôi vô số loài hoa rực rỡ khoe sắc. Nào là hoa lay-ơn, hoa thược dược, nào hoa cúc, hoa vi ô- lét. Có những loài hoa tôi chưa biết tên, có những loài hoa tôi không hề biết. Ông tôi vốn là thầy giáo dạy Sinh học nên chỉ cho tôi biết bao nhiêu là hoa thật độc đáo. Vừa nghe ông nói vừa ngắm các loại hoa, tôi bỗng thấy mở mang thêm nhiều điều. Nhiều điều trước đây tôi thờ ơ giờ hiện lên rõ ràng trong trí óc tôi tựa như những bông hoa ngày càng tươi tắn, đầy sức sống hơn. Ông dẫn tôi xem hoa một lúc rồi cùng tôi chọn một cành đào ưng ý. Tôi rất thích cành đào với đầy hoa màu hồng nở rộ. Nhưng ông tôi chỉ chọn một cành đào mới chớm nở vài ba bông hoa, còn lại là biết bao nụ hoa xanh mướt và những lá non. Ông bảo với tôi rằng, tuy bây giờ cành đào không đẹp nhưng chỉ một hai hôm sau Tết đào sẽ nở đầy hoa rất đẹp và lâu tan. Tôi mới vỡ lẽ cành đào ấy bây giờ đây ẩn chứa bao điều đẹp đẽ với tôi và ông trở thành một ông tiên hiểu tất cá những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tôi giữ sự ngưỡng mộ ấy như hồi thơ bé, ông như người thầy giáo mở ra cho tôi bao điều lí thú để tôi khám phá. Và ông đã thay mẹ tôi dạy tôi học khi còn tiểu học. Ông cháu tôi ra về. Tôi ngồi sau giữ cành đào còn ông mải miết đạp xe về đến nhà, tôi khoe ngay cánh đào, bà bảo có cành đào nhiều lộc này, Tết năm nay sẽ vui lắm đây. Ông chỉ mỉm cười, nụ cười đồng tình lẫn niềm vui rạng rỡ. Đêm đến, gia đình tôi sum họp quanh mâm cơm giao thừa. Tôi hạnh phúc biết nhường nào bởi có ông tôi bên cạnh, ông không xa tôi nữa. Chỉ còn ba tiếng nữa là đến giao thừa, tôi chỉ mong được sống mãi những giờ phút này, mong thời gian đừng trôi quá nhanh để luôn có tình yêu thương của mọi người trọn vẹn bên tôi. Tôi cũng thầm hứa với bản thân sẽ mãi ngoan ngoãn như hôm nay để ông khỏi phiền lòng. Vậy mà sao ngày hôm nay qua thật mau. Đã đến giao thừa rồi. ông vuốt lên mái tóc tôi, bảo tôi ở nhà, ông sẽ hái lộc đầu năm mới cho tôi. Tôi dạ và hứa sẽ thức đợi ông về.
Ông đi rồi tôi cố thức, nhưng sao cơn buồn ngủ cứ kéo đến, kéo sụp hai mí mắt tôi lại. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tôi nghe thấy những tiếng gọi rồi tiếng lịch kịch. Tôi mở mát choàng dậy. Bây giờ đã sáng rồi sao? Tôi ngạc nhiên quá. Tôi nháo nhác tìm ông mà không thấy đâu Thật kì lạ, mới lúc trước tôi còn mường tượng bàn tay khẳng khiu ông đặt lên đầu tôi cơ mà. Tôi xem lại lịch, hôm nay là ngày ba rnươi Tết. Tôi òa khóc, vậy đó chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ quá thực khiến tôi hụt hẫng và buồn rầu. Ông tôi đã ra đi thật chứ không về lại với tôi như tôi tưởng. Tôi nuối tiếc giấc mơ hạnh phúc. Tôi thầm tự hỏi: Liệu trong mơ nếu tôi thức chờ ông, tôi có gặp lại ông không? Nhưng cuộc sống không dừng lại để tôi nuối tiếc, tôi chuẩn bị quần áo đi chợ cùng mẹ. Tôi có kể lại cho mẹ giấc mơ, mẹ chỉ im lặng, chắc tâm trạng mẹ khó có thể nói thành lời.
Giấc mơ chỉ là sự mong ước tưởng tượng, chuyện cổ tích vẫn là chuyện cổ tích. Tôi sẽ vẫn nuối tiếc nhưng chỉ là nhỏ nhoi thôi. Tôi đã học được nhiều điều từ giấc mơ ấy, học được niềm tin và hi vọng và cả nỗ lực cố gắng cho giấc mơ của chính mình.

 Bài viết số 2 lớp 9 đề 3: Kể lại một việc làm khiến em rất ân hận.

Năm nay tôi học lớp 8. Nhà tôi tuy nghèo nhưng tôi luôn được cha mẹ quan tâm và cũng luôn cố gắng là con ngoan trò giỏi. Ấy vậy mà, cuối năm học lớp 7 tôi đã một lần làm mẹ buồn.
Hôm đó, tôi dậy sớm để đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi học. Hàng sáng, mẹ tôi thường để chảo cơm trên bếp, sao hôm nay lại chẳng thấy đâu. Tôi lên hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao mẹ vẫn chưa rang cơm cho bọn con ăn hả mẹ?”. Mẹ nhẹ nhàng nói: “Hôm nay nhà mình hết tiền mua gạo, phải đợi tiền lương của bố và chị con, hay con chịu khó bỏ ăn sáng một buổi có làm sao đâu?”. Tôi bực mình dậm chân dậm tay tỏ vẻ không bằng lòng. Tôi thoáng nhìn thấy nét mặt mẹ rất buồn. Mẹ bảo: “Thôi đi học đi con, mẹ phải đi làm việc của mẹ”. Tôi tức quá phát khóc lên, bỏ cả cặp sách lên giường ngủ tiếp. Tôi không nhớ là hôm nay có bài để chuẩn bị cho tiết kiểm tra ngày mai, thú thực lúc đấy tôi rất bực nên chỉ vì chuyện nhỏ mà quên hết mọi thứ. Tôi chỉ khóc và lẳng lặng lấy chăn ra đắp. Lúc mẹ tôi đánh răng rửa mặt song mẹ lên nhà khoá cửa để đi làm, mẹ có biết đâu là tôi ở trong nhà. Thế là tôi nằm trong chăn ấm áp, chiếc chăn ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Đến khi thức dậy thì đã quá muộn. Tôi giật mình, bổ chổng bổ choảng vùng dậy thì chao ôi, cửa nhà đã khoá. Tôi ngồi trong nhà kêu ầm ĩ lên nhưng vô hiệu, mọi người đều đi làm hết. Nhà tôi là nhà tập thể, xung quanh lúc đó chỉ có mấy đứa trẻ con. Tôi gọi chúng và bảo: “Các em giúp chị mở cửa ra với”. Một đứa nhanh nhảu nói: “Thế chìa khoá nhà chị để đâu thì chúng em mới mở được chứ!”. Tôi đứng ngẩn người ra, quay lại nhìn đồng hồ thì thấy đã mời giờ rưỡi. Bụng tôi lúc này như có móng tay sắc nào cào vào. Mắt tôi hoa lên vì đói. Tôi lục hết mọi thứ trong nhà xem có cái gì ăn không nhưng vô hiệu, chả có gì cả. Tôi nhìn ra ô cửa sổ thì thấy bạn Lan nhà bên bảo: “Nguyệt ơi sao hôm nay bạn không đi học? Thầy giáo phê bình bạn đấy”. Tôi liền nói: “Lan ơi, hôm nay có bài nào không cho tớ mượn để tớ chép?”. Lan rút trong cặp ra đưa cho tôi bài chuẩn bị cho tiết kiểm tra. Tôi học vẹt được vài bài nhưng không chịu nổi cơn đói. Vừa hay lúc đó mẹ tôi về bảo: ”ơ, sao hôm nay con không đi học?”. Tôi bảo: “Mẹ nhốt con trong nhà thì làm sao con đi được”. Mẹ bảo: “Mẹ không biết, cho mẹ xin lỗi”. Rồi mẹ rút trong túi ra gói mỳ. Tôi không kịp bỏ vào bát mà vơ lấy vơ để ăn sống. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi ăn, chảy cả nước mắt. Tôi nhìn mẹ cũng cảm thấy mẹ không có lỗi trong chuyện này mà chính là mình đã làm mẹ lo. Sáng hôm sau đi học, tôi cố gắng làm bài kiểm tra một tiết, may sao được 5 điểm. Tôi ngượng quá vì mình làm lớp phó học tập mà điểm kém như thế.
Tôi rất ân hận vì đã làm đau lòng mẹ, và phí công thầy cô đã bỏ sức ra để dạy tôi. Tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
 Bài viết số 2 lớp 9 đề 4: Đã có lần em cùng bố mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, Tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm mộ đáng nhớ đó.
Sắp Tết rồi! Phải, sắp Tết! Đã hơn hai năm trôi qua, không có bà ở bên chăm sóc, vỗ về, bà chỉ hiện lên trong những dòng kí ức, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi. Và năm nay sẽ là lần đầu tiên tôi đi tảo mộ bà. Trong tôi rộn lên bao nỗi niềm cảm xúc…
Chớm xuân! Trời đất, vạn vật choàng tỉnh khỏi giấc ngủ mùa đông, khoác tấm áo mới tươi tắn mừng xuân về. Những giọt nắng đầu tiên đã xuất hiện, rơi xuống con đường đất nâu sậm thành từng vùng nắng ấm áp, dìu dịu, làm tan đi cái lạnh lẽo, u ám vốn thấy ở mùa đông. Bên vệ đường, những bông lau, những vạt cỏ mới mọc, khẽ đưa mình trước làn gió thoảng, gợn sóng mềm mại. Trời đất như rộng thêm ra! Cái phong vị mùa xuân đang lan tỏa khắp nơi.
Đường vắng vẻ, mọi người rảo bước đi nhanh hơn. Còn tôi, tôi thấy mình thật lạ! Tôi đã rất muốn gặp, rất muốn thăm bà nhưng thực tình tôi không muốn bước chân vào khu nghĩa trang này, nó như cho tôi cái cảm giác phải tin là bà đã mãi đi xa vậy. Dòng suy nghĩ vẩn vơ, chân bước tiếp, rồi tự bao giờ tôi đã đứng trước nơi bà yên nghỉ.. Mọi thứ xung quanh chợt mờ đi trước mắt tôi, tôi muốn dùng nước mắt như cố để phủ nhòa đi cái cảnh tượng trước mắt. Mẹ tôi đã chuẩn bị đầy đủ trong chiếc làn nặng trĩu những thứ cần thiết: nào nhang, hoa và cả đồ lễ nữa. Mẹ cùng chị sửa sang phần mộ chu đáo, cẩn thận, nhổ cỏ quanh bia đá. Đưa tôi mấy nén nhang thơm đã đốt sẵn, mẹ bảo hai chị em đi thắp nhang cho các ngôi mộ xung quanh. Mẹ tôi vẫn đang sửa cỗ. Xa xa nơi một góc nghĩa trang, một nhà đang hóa vàng và lục tục chuẩn bị ra về. Lũ trẻ nhà đó chạy lăng xăng đi trước, người lớn sửa soạn đi sau.
… Tôi giờ đang đứng lặng ở đây, trước mộ bà, chắp tay làm lễ như mẹ và chị tôi. Những kỉ niệm chợt ùa về với tôi thật rõ nét, tất cả chỉ như vừa mới qua thôi. Tôi nhớ những ngày bà bế tôi rong chơi khắp làng, nhớ cả hơi ấm đặc biệt của bà nữa. Quên sao được hình bóng bà chập chờn trên vách bếp mỗi sớm tinh sương, bà nấu những nồi chè nóng, nướng những củ khoai thơm phức cho chị em tôi. Lúc nào bà cũng dành cho tôi phần hơn, phần ngon. Tôi cũng là đứa thường hay thích chải tóc cho bà, mái tóc bà dài, xòa ngang lưng, lốm đốm những sợi bạc và thoang thoảng mùi sả thơm. Tôi nhớ khôn nguôi cái mùi hương nồng ấm làm cay cay sống mũi ấy! Tôi cũng biết rằng hồi đó tôi chỉ là đứa trò hậu đậu, vụng về, làm đâu đổ đấy. Nhưng bà chẳng bao giờ quở trách tôi, cũng chẳng bao giờ bảo tôi hậu đậu cả. Bà dạy tôi mọi thứ, bà cho tôi niềm tin ở những việc mình làm, cho tôi cả những niềm hạnh phúc lớn lao. Bây giờ, tôi đã khôn lớn hơn, đã bớt hậu đậu, vụng về thì tôi chẳng còn có dip cho bà thấy những việc mình làm nữa. Bây giờ, ông cũng vẫn thường cho tôi những quả lộc nhưng cái cảm giác ngày xưa đã mãi không còn nữa, nó không phải là cảm giác thích thú, hớn hở khi được bà cho quà… Ngày trước, cứ mỗi đợt đông về, bà luôn nhắc tôi phái mặc áo cho ấm, sợ tôi ho và ốm, bà sợ tôi lạnh. Vậy mà bây giờ bà nằm đây, trong đất lạnh, cô đơn và trống trải. Bà có cảm nhận được không một mùa xuân ấm áp sắp về.
Một làn gió thoảng qua kéo tôi trở lại với thực tại, đưa tôi ra khỏi thế giới của tuổi thơ tràn ngập bóng bà. Chị và mẹ đang gọi tôi. Mẹ đang hóa vàng, những tro tiền giấy theo gió bay khắp cả một khoảng không trước mộ.
Tôi nhận ra ràng, bà đi thật rồi… Tôi trở về khi ánh hoàng hôn dán buông, cảnh vật nhuốm một màu vàng nhàn nhạt, ảm đạm. Tôi quay gót, ngước nhìn phía sau con đường vừa bước. Dường như tôi mong chờ một hình bóng ai đó hay một điều kì diệu làm phai bớt di gam màu buồn này, có thể gạt đi trong tôi bao ý nghĩ miên man ùa về.
Cho đến bây giờ, tôi mới thực sự hiểu câu nói: “Hoa tàn đi nở lại sẽ đẹp hơn, người chết đi sẽ mãi sống trong lòng mọi người”. Có thể bà đã đi xa nhưng bà vẫn đang và sẽ mãi mãi sống trong lòng lôi, trong lòng tất cả những người thân trong gia đình. Tôi tin bà đang dõi theo từng bước của tôi trên đường đời dài rộng, tôi nhất định sẽ khiến bà mỉm cười và tự hào về tôi.

Thảo luận cho bài: Bài viết số 2 lớp 9 (bài tổng hợp)