Soạn bài Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Soạn bài tư duy hệ thống – nguồn sức sống mới của đổi mới tư duy
I. Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Nhân vật Mị
a. Giới thiệu nhân vật
– Trước nhà thống lí Pá Tra, người ta lúc nào cũng thấy Mị ngồi quay sợi bên tảng đá cạnh tàu ngựa.
– Lúc nào cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.
– > Vị trí ngồi ấy cho thấy cuộc đời Mị như bị thắt chặt trong kiếp ngựa trâu và khuôn mặt lột tả cỏi lòng luôn mang nỗi đau buồn thầm lặng dai dẳng, triền miên. Nỗi buồn đông cứng như tảng đá vô tri và đè nặng lên đôi vai,lên cuộc đời Mị. Tác giả đã thể hiện nỗi buồn của Mị với giọng văn ngậm ngùi và chiều sâu cảm thông hiếm thấy. Đoạn văn mở đầu giúp người đọc chứng kiến cảnh đời bi thương của nhân vật Mị.
b. Nỗi khổ nhục của Mị khi ở nhà thống lí.
– Mị không phải là con thống lí mà là đứa con dâu gạt nợ. Vì món nợ từ ngày cưới mà bố mẹ không trả nổi nên Mị bị bắt về nhà Pá Tra, làm vợ A Sử để trừ nợ.
– > Đây là thủ đoạn cho vay nặng lãi của bọn phong kiến thống trị, là cách bóc lột sức lao động của người nghèo và chúng đã giam hãm người nông dân trong sự lệ thuộc suốt đời.
– Chúng còn lợi dụng tập quán của người Mèo: đời cha không trả hết nợ thì đến đời con, đời cháu. Bắt Mị về là cha con Pá Tra liền cúng ma nhà nó.
– > Vĩnh viễn Mị là người nhà thống lí, là người ở trừ nợ suốt đời, là có thể chết rũ ở xó nhà này mà không thể hi vọng vào sự giải thoát. Thống lí Pá Tra đã lợi dụng óc mê tín dị đoan của người Mèo để giam hãm Mị, để tăng sức mạnh và vươn xa hơn bàn tay tội ác. Bọn thống trị độc ác đã tước đi quyền sống tự do của Mị, cướp mất tình yêu, tuổi trẻ và hạnh phúc của Mị.
– Hàng tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc. Mị đã nghĩ đến cái chết như là phương cách giải thoát. Nhưng vì bố mà Mị cam chịu kiếp sống đọa đày. Mị làm việc như cái máy, bị vắt kiệt sức ra để trừ nợ. Tác giả so sánh Mị khổ hơn con ngựa nhà thống lí. Mị như cái xác không hồn. Mị sống trong căn buồng kín mít không ánh sáng, chẳng hương người, chỉ có cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.
– > Không gian ấy cho biết đời Mị sẽ héo dần trong tăm tối, nô lệ, trong kiếp sống ngục tù. Không biết gì thế giới xung quanh mình, Mị dần dần tê dại về cảm giác và tê liệt về ý thức, khác gì một đóa hoa tàn. Nếu đem so sánh với đoạn đời tươi đẹp hồn nhiên khi còn ở nhà với bố mẹ thì hiện trạng kia gợi biết bao xót thương trong lòng nhà văn và độc giả. Và chi tiết ấy cũng mang ý nghĩa tố cáo tội ác bọn thống trị đã vùi dập biết bao thân phận. Chúng đọa đày, áp chế mặt tinh thần đến mức làm tê liệt ý thức phản kháng.
– Không chỉ là nạn nhân của đồng tiền, của thần linh ma quái, của ách thống trị, Mị còn là nạn nhân của thới độ ác vũ phu, nam quyền. Không thích Mị đi chơi xuân, A Sử chỉ hỏi một câu : Mày muốn đi chơi à ?, rồi trói đứng Mị vào cột nhà, quấn cả tóc Mị vào cột. Mị bị đối xử tàn tệ chẳng khác một con vật. Hành động của A Sử lạnh lùng như dã thú. Nó bị A Phủ trừng trị, Mị phai vào rừng hái thuốc về ngồi thoa suốt đêm. Quá mệt, nằm thiếp đi một lúc, nó liền đạp chân vào mặt Mị. Có những đêm, Mị ngồi hơ lửa bên bếp, A Sử đi chơi về buồn tay đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp.
– > Là một con người nhưng Mị bị đối xử tàn tệ như súc vật bởi thói độc ác, hống hách của bọn thống trị, bọn nhà giàu. Cái đau đớn nhất của Mị không phải là thể xác bị hành hạ mà là bị xúc phạm nhân phẩm, bị chà đạp giá trị con người. Tác giả vừa tố cáo vừa bộc lộ niềm đồng cảm, đau xót vô hạn.
Sơ kết : Thể hiện mảng đời đau khổ, tăm tối của Mị, tác phẩm đã khái quát hóa hiện thực đau khổ, tủi nhục bị bóc lột của người lao động miền núi. Qua đó, tố cáo tội ác bọn phong kiến thống trị. Đồng thời dành cho người lao động tình cảm nhân đạo cao quý : niềm đồng cảm sẻ chia, thương xót.
c. Những phẩm chất cao đẹp của Mị.
– Khi còn ở nhà với bố mẹ, Mị sống rất hồn nhiên và vui vẻ. Nhưng khi nghe tin Pá Tra muốn bắt Mị về làm con dâu gạt nợ, Mị nói với bố : con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô trả nợ cho bố, bố đừng bán con cho bọn nhà giàu.
– > Lời nói ấy chứng tỏ Mị là người giàu lòng tự trọng, có ý thức về nhân phẩm, danh dự và tự do. Tâm hồn Mị trong sáng, hồn nhiên, cao khiết như đóa hoa giữa gió núi mây ngàn.
– Khi sống cảnh trâu ngựa ở nhà thống lí, đêm nào Mị cũng khóc và Mị uất ức vùng lên bằng cach hái lá ngón ăn để tự vẫn.
– > Dù ý định không thành vì chữ hiếu nhưng hành vi ấy biểu hiện tính cách mạnh mẽ, tinh thần chống đối lại số phận. Đó chính là lúc sức sống tiềm tàng trong Mị đã trỗi dậy. Từ bỏ ý định tự vẫn vì bố cho thấy Mị là cô con gái hiếu thảo và tràn đầy tinh thần hi sinh.
– Vẻ đẹp của Mị còn được thể hiện qua lòng ham sống, khát vọng sống tự do, tâm hồn giàu sức sống. Kể từ ngày bố mất, Mị cũng không còn nghĩ đến cái chết, cô đã chôn vùi đời mình trong khô đau và quên lãng. Thế nhưng lòng ham sống vẫn còn le lói. Đến khi mùa xuân về thì ngọn lửa ham sống chợt bùng lên. Tiếng sáo gọi bạn tình đêm xuân đã đánh thức tâm hồn Mị, lòng Mị cảm thấy bồi hồi xao xuyến, thiết tha muốn sống lại như những đêm xuân ngày xưa cũ. Mị ngồi nhẩm thầm hát theo tiếng sáo với những bản tình ca ngày trước, Mị lén lấy rượu uống, uống ừng ực từng bát, uống như nuốt hận, uống để quên đi cay đắng đoạn trường. Trong khi ấy, tiếng sáo ngoài đường, từ phía đời tự do cứ lửng lơ, mời gọi giục giã. Mị thấy lòng phơi phới trẻ lại. Mị muốn đi chơi. Sức sống bấy nay bị đè nén nay bật trào dậy thành khát vọng tự do mạnh mẽ. Nhưng vẻ đẹp sức sống tâm hồn ấy bị A Sử vùi dập tàn bạo.
– Thế rồi sức sống ấy bật dậy lần nữa trong hành động cứu A Phủ. A Phủ là đứa ở gạt nợ của nhà thống lí. Đi chăn bò, sơ ý để hổ ăn mất bò nên bị Pá Tra bắt trói đứng vào cột và bỏ đói gần chết. Bỗng đêm khuya hôm ấy, Mị đang sưởi lửa thì ngọn lửa bếp bỗng bùng sáng lên. Nhờ đó mà Mịn nhìn thấy dòng nước mắt tuyệt vọng của con người bất hạnh ấy. Vừa xót thương người cùng cảnh ngộ vừa căm thù thống lí Pá Tra nên Mị dám đứng dậy cắt dây trói cứu A Phủ. Khi A Phủ thoát rồi, Mị đứng lặng trong bóng tối và nỗi sợ hãi bị chết thay chợt ập về khiến Mị vùng bỏ chạy theo A Phủ. Thế là ngẫu nhiên Mị lại cứu được đời mình.
– Hành động cứu người rồi cứu mình của Mị được thôi thúc bởi lòng ham sống, lòng khát khao tự do, biểu hiện tính cách ngoan cường. Hành động của Mị thật mạnh mẽ vì cô dám đứng lên chống đối lại số phận, chống lại thế lực bảo quyền và cả thế lực thần quyền : vì Mị đã hết sợ ma nhà thống lí rồi. Hành động giải phóng của Mị dù tự phát nhưng phù hợp với quy luật tình cảm, quy luật xã hội và thể hiện đúng quy luật phát triển của tính cách. Đó chính là lúc sức sống nội tại đã bùng lên một cách mạnh mẽ nên đã có một kết quả rực rỡ. Nó khép lại quãng đời nô lệ tăm tối ở Hồng Ngài, mở ra một cuộc đời tự do và ánh sáng ở Phiền Sa. Hành động cứu người của Mị không chỉ thể hiện vẻ đẹp tính cách mạnh mẽ, khát vọng sống, lòng ham sống còn là biểu hiện của tình thương thân tương ái.
Tóm lại, nhờ sức sống tiềm tàng, tính cách mạnh mẽ, lòng ham sống mà những người lao động miền núi đã có khả năng đứng lên để tự giải phóng. Họ biết tự cứu đời mình trước khi tìm đến với cách mạng. Do đó, qua tình tiết này, truyện còn phản ánh hiện thực đời sống của người dân miền núi là khả năng tự đứng lên giải phóng cuộc đời. Đây là cơ sở tốt để sau này gặp cán bộ A Châu họ nhanh chóng được giác ngộ cách mạng.
Câu 2. Nhân vật A Phủ.
a. Giới thiệu nhân vật.
A Phủ xuất hiện đột ngột trong cuộc đấu tranh với A Sử. Tác giả mô tẩ hàng loạt động tác qua những động từ mạnh, nhịp văn nhanh : chạy vụt ra, vung tay ném con quay, xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo, xé, đánh tới tấp.
– > Hành động mạnh mẽ, quyết liệt ấy đã bộc lộ lòng căm thù kẻ cậy thế hống hách, yêu chuộng công lí và tính cách can trường, bất khuất.
b. Lai lịch
– A Phủ là đứa trẻ mồ côi. Khi làng đói, có người đã bắt A Phủ đem đi đổi lúa người Thái. Mới mười tuổi không chịu ở dưới thấp, A Phủ trốn lên núi cao rồi lưu lạc đến Hồng Ngài.
– > Tuổi thơ bất hạnh nhưng tính cách cứng cỏi, ham tự do.
– Lớn lên A Phủ rất khéo léo, tháo vát và khỏe mạnh : cày giỏi và săn bò tót rất bạo, chạy nhanh như ngựa, nhiều cô gái trong làng mê nhưng A Phủ vẫn không lấy được vợ, vì A Phủ không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc.
– > A Phủ sinh ra có sức vóc để bươn chải với đời, gánh vác hết thải mọi công việc khó khăn cho người, đạp bằng mọi sóng gió và bất công. A Phủ như là một biểu tượng về người con của núi rừng tự do.
Nhân vật A Phu có tính cách tiêu biểu của người Mông : gan góc, ham tự do, hồn nhiên, chất phác.
c. Tình cảnh đau khổ, tụi nhục.
– Vì đánh nhau với A Sử nên A Phủ bị bắt về nhà thống lí Pá Tra. Trong vụ xử kiện quái gở đó, A Phủ bị đánh đập tàn nhẫn nhưng vẫn im như cái tượng đá.
– > Ở đoạn này, nhà văn đã thành công khi mô tả những tập tục lạc hậu của đồng bào miền núi Tây Bắc.
– Bao nhiêu tội lỗi, A Phủ phải chịu hết và bị biến thành nô lệ – đứa ở gạt nợ cho nhà thống lí.
– Khi chăn bò, vì để hổ ăn mất bò, A Phủ bị phạt, trói đứng vào cột và bỏ đói suốt mất ngày đêm, mắt cứ mở trừng trừng.
– > A Phủ rơi vào tình cảnh khổ nhục tột cùng.
– > Là con người gan góc, là cánh chim bằng của núi rừng tự do nhưng A Phủ vẫn không tránh khỏi tấm lưới oan khiên, cái xiềng xích bạo tàn của bọn thống trị phong kiến. A Phủ hết bị nhục hình rồi bị chà đạp áp bức bốc lột bất công, cuối cùng là rơi vào tình cảnh thế cô, cùng đường tuyệt vọng. Cùng với Mị, nỗi đau khổ của A Phủ càng tô đậm thêm y nghĩa tố cáo của tác phẩm. Trong khi nỗi đau khổ của Mị thiên về tinh thần thì nỗi đau khổ của A Phủ thiên về thể xác, do đó bút pháp xây dựng nhân vật có điểm khác nhau. Tác giả dùng bút pháp tả nội tâm để khắc họa tâm trạng và sức sống tiềm tàng của Mị ; Còn đối với A Phủ, tác giả tả ngoại hình, tả hành động để làm bổi bật tính cách bộc trực, hồn nhiên, ưa hoạt động.
– Khi được Mị cắt giúp dây trói cứu thoát, A Phủ đổ ập xuống nhưng anh liền quật sức vùng lên. Sức sống tiềm tàng và lòng khát khao được sống giúp A Phủ chiến thắng nỗi đau thể xác và cả số phận nghiệt ngã để trở thành người tự do.
Câu 3. Thành công nghệ thuật.
– Nghệ thuật kể chuyện thành công. Truyện có kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lí ; dẫn dắt những tình tiết đan xen kết hợp một cách khéo léo tạo sức lôi cuốn.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Mỗi nhân vật được sử dụng bút pháp khác nhau để khắc họa tính cách khác nhau trong khi họ có số phận giống nhau. Tác giả tả ngoại hình, tả tâm lí với dòng kí ức chập chờn, những suy nghĩ thầm lặng để khắc họa nỗi đau khổ và sức sống của Mị, còn A Phủ thì tả ngoại hình, hành động và những mẫu đối thoại ngắn để thấy tính cách giản đơn.
– Ngòi bút tả cảnh rất đặc sắc : cảnh mùa xuân, cảnh trai gái đi chơi ngày Tết, cảnh xử kiện… từ không khí, con người đến phong tục đều mang đậm bản sắc miền núi.
– Ngôn ngữ tạo hình cao, giàu chất điện ảnh. Giọng điệu trần thuật có sự pha trộn giữa giọng người kể với giọng nhân vật nên tạo ra chất trữ tình.
II. Luyện tập
HS tự làm