Soạn bài Quê Hương – Tế Hanh
Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Sau hai câu thơ mở đầu rất bình dị, tự nhiên, tác giả giới thiệu chung về làng quê của mình, nội dung hầu như chỉ có ý nghĩa thông tin, tiếp đến 6 câu miêu tả cảnh “trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” một buổi “sớm mai hồng” rộng rãi, khoáng đạt.
Đó là những câu thơ đẹp, đã mở ra cảnh tượng bầu trời cao rộng, trong trẻo, nhuốm nắng hồng bình minh: trên đó, nổi bật lên hình ảnh đoàn thuyền bang mình ra khơi:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuần mã
Phăng mái chèo vỗi vã vượt trường giang
Hình ảnh so sánh (con tuấn má) và một loạt từ ngữ: hăng, phăng, vượt… diễn tả đầy ấn tượng khí thế bang tới dũng mãnh của con thuyền ra khơi, toát lên một sức sống mạnh mẽ, một vẻ đẹp hùng tráng bất ngờ. Bốn câu thơ vừa là phong cảnh thiên nhiên tươi sáng, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dào dạt sức sống của người làng chài chinh phục sông nước.
Hai câu tiếp theo miêu tả cánh buồm thuyền chài rất đẹp, một vẻ đẹp đầy lãng mạn với sự so sánh độc đáo bất ngờ:
Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướm thân trắng bao ba thâu góp gió
Hình ảnh cánh buồm trắng căng gió biển khơi quen thuộc bỗng trở nên lớn lao, thiêng liêng, vừa thơ mộng vừa hùng tráng. Tế Hanh như nhận ra đó chính là biểu tượng của linh hồn làng chài. Nhà thơ vừa vẽ ra chính xác cái hình, vừa cảm nhận được cái hồn của sự vật. Sự so sánh ở đây không chỉ làm cho việc miêu tả được cụ thể hơn mà đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng, mang ý nghĩa lớn lao. Liệu có hình ảnh nào diễn tả được chính xác, giàu ý nghĩa và đẹp hơn để biểu hiện linh hồn làng chài bằng hình ảnh cánh buồm trắng trương to no gió biển khơi bao la đó?
Khổ 3 là cảnh dân làng chài đón thuyền cá trở về, một bức tranh lao động náo nhiệt, đầy ắp niềm vui và sự sống: toát ra từ không khí ồn ào, tấp nập đông vui, từ những chiếc ghe đầy cá, từ những con cá tươi ngon thân bạc trắng thật thích mắt, cả từ lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên “biển lặng” che chở người đi chài trở về an toàn với “cá đầy ghe”…
Khổ thơ sau rất đặc sắc, miêu tả người dân chài và con thuyền nằm nghỉ trên bến sau chuyến ra khơi. Câu đầu (Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng) là tả thực, câu sau là sáng tạo độc đáo, gợi tả, rất thú vị: Cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Thể hiện người lao động làng chàu, những đứa con của biển khơi, có những nét: nước da ngăm nhuộm nắng nhuộm gió, thân hình vạm vỡ và thấm đượm vị mặn mòi, nồng tỏa “vị xa xăm” của biển khơi. Hình ảnh người dân chài vừa chân thực vừa lãng mạn và trở nên có tầm vóc.
Hai câu tiếp theo miêu tả chiếc thuyền nằm im trên bến sau khi vật lộn với sóng gió trở về cũng là sáng tạo nghệ thuật độc đáo như vậy. Tác giả không chỉ thấy con thuyền đang nằm im trên bến mà còn “thấy” sự mệt mỏi say sưa (lời Hoài Thanh) của con thuyền. Tác giả còn cảm thấy con thuyền ấy như đang lắng nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ của nó. Con thuyền vô tri vô giác đã trở nên có hồn, một tâm hồn rất tinh tế. Cũng như người dân chài, con thuyền lao động ấy cũng thấm đậm vị muối mặn của biển khơi. Không có một tâm hồn tinh tế, tài hoa và nhất là nếu không có tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động làng chài quê hương thì không thể có những câu thơ xuất thần như vậy.
Câu 2. Trong bài thơ, tác giả đã khắc họa được hình ảnh quê hương mình và người dân làng chài rất gợi cảm thông qua thủ pháp so sánh độc đáo. Ví dụ như:
- Cánh buồm gương to như mảnh hồn làng
Rướm thân trắng bao la thâu góp gió…
- Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.
Cánh buồm trắng khi no gió phồng căng lên đầy gợi cảm. Vóc dáng cường tráng, khoáng đạt của cánh buồm chính là hơi thở của con thuyền, là linh hồn của người điều khiển nó, là biểu tượng của hồn làng chài. Ở đây nhà thơ đã so sánh hình ảnh cánh buồm, vật cụ thể hữu hình với mảnh hồn làng, cái trừu tượng vô hình. Vì vậy, nét tinh thần riêng của làng chài được hình tượng hóa bằng một hình ảnh cụ thể mà bay bổng và giàu ý nghĩa lớn lao. Thể chất cường tráng, mạnh mẽ, tính cách hiên ngang, phóng khoáng, khát khao bay bổng và hùng tráng ở người dân chài đã lộ rõ trong cánh buồm trắng ấy.
Hai câu sau miêu tả hình ảnh người dân chài – người lao động bình thường. Nhưng với sự sáng tạo độc đáo và gợi tả, Tế hanh đã nâng cao tầm vóc của họ ở tư thế của đứa con biển cả kiên cường dũng cảm lập nên những kì công đáng khâm phục. Người dân chài ở đây được khắc tạc như một bức tượng đài có hình khắc, màu sắc và vị đặc trưng của biển cả. Đó là những con người có làn da rám nắng nhuộm gió vật lộn từng trải, thân hình chắc khỏe, nồng tóa “vị xa xăm” của biển khơi. “Vị xa xăm” đó là gì nếu không phải là vị mặn môi, nồng đậm của biển cả, hơn thế, đó còn là mùi vị, là hơi thở của đại dương, của chân trời tít tắp…
Câu 3. Để vẽ ra một bức tranh làng quê miền biển khỏe khoắn, đặc biệt khắc họa chân thực và sinh động hình ảnh người dân chài cũng như sinh hoạt lao động của làng chài như vậy, rõ ràng Tế Hanh phải có một tâm hồn tinh tế và tài hoa, một tấm lòng gắn bó sâu nặng với quê hương, một nỗi nhớ thương da diết, nồng hậu về vùng quê sông nước bao la đó.
Câu 4. Quê hương là bài thơ trữ tình, nhưng 4/5 số khổ thơ lại chủ yếu là phương thức miêu tả. Ngay trong 4 câu khổ thơ kết, phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm, nhưng hai câu giữa cũng là miêu tả. Song đây vẫn là thơ trữ tình, mà phương thức biểu đạt chủ yếu, bao trùm là biểu cảm, bởi lẽ toàn bộ hệ thống hình ảnh miêu tả chỉ là tái hiện phong cảnh, cuộc sống và người dân làng chài quê hương trong nỗi nhớ của chủ thể trữ tình. Như vậy, yếu tố miêu tả ở đây là phục vụ cho biểu cảm, trữ tình, dù chiếm một tỷ lệ lớn trong tác phẩm. Mặt khác, ngòi bút miêu tả của tác giả ở đây không khách quan chủ nghĩa, mà trái lại, bay bổng cảm hứng, cảm xúc chủ quan. Như vậy mới có những so sánh đẹp, bay bổng, mới mẻ, có những chỗ sử dụng biện pháp nhân hóa một cách độc đáo, thổi linh hồn cho sự vật, khiến sự vật có một vẻ đẹp, một ý nghĩa, một tầm vóc bất ngờ.
Có thể nói, nét đặc sắc nghệ thuật nổi bật nhất của bài thơ này là ở sự sáng tạo hình ảnh thơ. Bài thơ khá phong phú hình ảnh. Có những hình ảnh miêu tả chính xác không tô vẻ, chính xác đến từng chi tiết, khiến người đọc như trông rõ mồn một cảnh được miêu tả (khổ một, hai câu đầu khổ 2, khổ 3, hai câu giữa khổ cuối): nhưng lại có những hình ảnh bay bổng, đầy lãng mạn, rất có hồn như trên đã phân tích. Hoài Thanh nhận xét rất tinh: “Tôi thấy Tế Hanh là mộ người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất chân tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm gương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ.
Ngoài ra, nhà thơ sử dụng nghệ thuật so sánh rất tinh tế, góp phần tạo ra những hình ảnh gợi cảm.
Thêm nữa, ngôn từ giản dị mà giàu cảm xúc, khơi gợi được nhiều liên tưởng.
Luyện tập
2. Sưu tầm, chép lại những bài thơ về tình quê hương mà em yêu thích nhất (Gợi ý: Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh, Quê hương – Giang Nam, Mẹ Tơm – Tố Hữu, Bên kia sông Đuống – Hoàng cầm, Việt Bắc – Tố Hữu…).