Soạn bài phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận
Soạn bài thao tác lập luận phân tích
I. Kiến thức cơ bản
Phân tích đề: Tìm hiểu các đề bài sau đây để nắm được mục đích và cách thức phân tích một đề văn nghị luận.
Đề 1: Từ ý kiến dưới đây, em hãy suy nghĩ về việc “chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”?
“Cái mạnh của con người Việt Nam chúng ta là ở sự thông minh và nhạy bén với cái mới… nhưng bên cạnh cái mạnh đó vẫn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành, sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề…”.
(Theo Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới,
Tạp chí Tia Sáng, số Xuân 2001)
Đề 2: Tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự Tình II.
Đề 3: Về một vẻ đẹp của bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến.
Về hiểu đề: Đề 1 thuộc dạng đề có định hướng cụ thể. Đề 2 và 3 là những dạng đề mở, yêu cầu người viết phải tự tìm tòi và xác định hướng triển khai.
Xác định yêu cầu nội dung:
- Đề 1: Vấn đề nghị luận là việc “chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”. Vấn đề được định hướng rõ trong lời nhận xét của Vũ Khoan về “cái mạnh” và “cái yếu” của con người Việt Nam.
- Đề 2: Chỉ yêu cầu bàn về một khía cạnh nội dung của bài thơ Tự tình – đó là tâm sự của Hồ Xuân Hương. Với yêu cầu theo dạng đề này, người viết cần cụ thể hóa được nội dung tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ thành các luận điểm.
- Đề 3: Nội dung nghị luận còn để mở hơn vì trong đề bài mở chỉ có đối tượng nghị luận (bài thơ Thu điếu). Với dạng đề này, người viết phải tự xác định được một vấn đề hẹp liên quan đến tác phẩm để triển khai.
Yêu cầu về hình thức:
- Đề 1 là kiểu bài văn nghị luận xã hội
- Đề 2 và 3 là kiểu đề nghị luận văn học
- Phạm vi, giới hạn của bài viết:
- Đề 1: Phạm vi bài viết xoay quanh việc “chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”. Dẫn chứng, tư liệu là những hiểu biết trong cuộc sống.
- Đề 2: Giới hạn và phạm vi tư liệu của bài viết là tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình II. Tất nhiên để giải quyết vấn đề cũng không hạn chế sử dụng những hiểu biết về cuộc đời, nhất là những truân chuyên về chuyện duyên tình của nhà thơ.
- Đề 3: Giới hạn và phạm vi tư liệu của bài viết là các vấn đề thuộc về nội dung và nghệ thuật của bài Thu điếu.
Như vậy, phân tích đề là công việc trước tiên trong quá trình viết một bài văn nghị luận. Khi phân tích đề cần đọc kĩ đề bài, chú ý những từ ngữ quan trọng để xác định yêu cầu về nội dung, hình thức và phạm vi tư liệu cần sử dụng.
Lập dàn ý: Lập dàn ý là quá trình tìm và lựa chọn ý cho bài viết, sắp xếp các ý theo một bố cục và trình tự hợp lí nhất định tạo điều kiện thuận lợi cho việc trình bày và tiếp thu văn bản. Việc lập dàn ý giúp người viết loại trừ được những thông tin cần thiết cũng như không bỏ sót những ý quan trọng. Quá trình lập dàn ý bao gồm: xác lập các ý lớn, xác lập các ý nhỏ, sắp xếp các ý theo một trình tự logic chặt chẽ. Cần lưu ý sử dụng các kí hiệu khác nhau đặc trước các đề mục để biểu thị các phần, các ý trong dàn bài.
II. Rèn kĩ năng
Phân tích đề và lập dàn ý cho đề bài sau:
Cảm nghĩ của em về giá trị hiện thực trong đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” (Trích “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác).
Gợi ý
Phân tích đề:
- Đây là dạng đề định hướng rõ về nội dung và thao tác nghị luận.
- Yêu cầu về nội dung: Giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.
- Yêu cầu về hình thức: Đây là đề bài thuộc kiểu bài nghị luận văn học, phát biểu cảm nghĩ về giá trị hiện thực của văn bản. Dẫn chứng chủ yếu lấy trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.
Lập dàn ý: Các ý cần trình bày là:
- Bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:
- Quang cảnh nơi phủ chúa hiện thực lên cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần thâm nghiêm. Quang cảnh nói lên uy quyền tột bậc của nhà chút.
- CÙng với sự xa hoa trong quanh cảnh là cung cách sinh hoạt thượng lưu, quyền quý đầy kiểu cách.
- Từ bức tranh này, ta nhận thấy thái độ phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả; đồng thời dự cảm được sự suy tàn đang tới gần của giai cấp thống trị Lê – Trịnh thế kỉ XVIII.
Phân tích đề và lập dàn ý cho đề bài sau:
Tài năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc của nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua hai bài thơ Nôm “Bánh trôi nước” và “Tự tình II”.
Phân tích đề: Đề bài này thuộc dạng đề định hướng rõ ràng về nội dung và thao tác nghị luận.
Yêu cầu về nội dung: Ngôn ngữ dân tộc trong hai bài thơ Bánh trôi nước và Tự tình của Hồ Xuân Hương.
Yêu cầu về cách thức: Phạm vi dẫn chứng là những từ ngữ giản dị, thuần Việt, những câu thơ sáng tạo, thành ngữ, ca dao trong hai bài thơ. Thao tác nghị luận là phân tich, cảm nghĩ, khái quát.
Lập dàn ý: Các ý cần trình bày là:
- Ngôn ngữ dân tộc trong hai bài thơ Bánh trôi nước và Tự tình II được thể hiện một cách tự nhiên, linh hoạt, khái quát.
- Việc nâng cao một bước khả năng biểu đạt của chữ Nôm trong sáng tạo văn học.
- Sử dụng nhiều từ ngữ thuần Việt.
- Vận dung nhiều ý thơ trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao…
- Cảm nghĩ: Sự sáng tạo táo bạo góp phần khẳng định vị thế rất đáng trân trọng của Hồ Xuân Hương trong làng thơ Nôm nói riêng và trong văn học trung đại nói chung. Phải chăng chính bởi vậy mà Xuân Diệu đã mệnh danh cho Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm.