Soạn bài: Chuyện người con gái Nam Xương
Trong văn học trung đại, một trong những biểu hiện của tinh thần nhân đạo là tấm lòng nhân ái đối với số phận mong manh, nhiều bất hạnh của người phụ nữ.
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
Một số thể loại văn học – Kịch, Nghị luận
I/ Vài nét về tác giả, tác phẩm.
– Nguyễn Dữ là nhà văn tiêu biểu của VHVN nửa đầu thế kỉ XVI. Đây là thời kì xã hội phong kiến Việt Nam có nhiều biến động và khủng hoảng. Những giá trị chính thống của Nho giáo bị nghi ngờ, đảo lộn. Đặc biệt chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh – Mạc gây ra những loạn lạc, rối ren liên miên trong đời sống xã hội. Giống như nhiều tri thức khác của thời đại mình. Nguyễn Dữ chán nản và bi phẫn trước thời cuộc. Chính vì thế, sau khi đỗ Hương Cống, ông chỉ làm quan một năm rồi cáo quan về ở ẩn.
Thể loại truyền kì
+ Truyền kì: là thể loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ Trung Quốc, thịnh hành từ thời Đường. Truyền kì thường dựa vào những cốt truyện dân gian hoặc dã sử. Trên cơ sở đó, nhà văn hư cấu, sắp xếp lại các tình tiết, tô đâm thêm các nhân vật… ở truyền kì, có sự đan xen giữa thực và ảo. Đặc biệt, các yếu tố kì ảo trở thành phương thức không thể thiếu để phản ánh hiện thực và kí thác những tâm sự, những trải nghiệm của nhà văn. “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn dữ là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyền kì ở Việt Nam.
Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”
– Là một trong 20 tác phẩm của “Truyền kì mạn lục”. Qua cuộc đời của Vũ Nương, Nguyễn Dữ tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm vỡ tan hạnh phúc lứa đôi, đồng thời thể hiện sự cảm thông sâu sắc với khát vọng hạnh phúc cũng như bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa. Tác phẩm cũng là sự suy ngẫm, day dứt trước sự mong manh của hạnh phúc trong kiếp người đầy bất trắc.
– Tác phẩm cho thấy nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật già dặn. Sự đan xen thực ảo một cách nghệ thuật, mang tính thẩm mĩ cao.
II/ Hướng dẫn tiếp nhận.
Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện ngắn đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện đã thể hiện được sự phối hợp hài hoà giữa chất hiện thực (câu chuyện được lưu truyền trong dân gian) với những nét nghệ thuật đặc trưng của thể loại truyền kì (yếu tố kì lạ hoang đường).
1. Giá trị của tác phẩm :
1.1Giá trị hiện thực
a. Tác phẩm đã đề cập tới số phận bi kịch của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương.
Vốn là người con gái xuất thân từ tầng lớp bình dân thuỳ mị, nết na ; tư dung tốt đẹp. Khi chồng đi lính. Vũ Nương một mình vừa chăm sóc, thuốc thang ma chay cho mẹ chồng vừa nuôi con, đảm đang, tận tình, chu đáo. Để rồi khi chàng Trương trở về, chỉ vì câu nói ngây thơ của bé Đản mà trương Sinh đã nghi ngờ lòng thuỷ chung của vợ. Từ chỗ nói bóng gió xa xôi, rồi mắng chửi, hắt hủi và cuối cùng là đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà, Trương Sinh đã đẩy Vũ Nương tới bước đường cùng quẫn và bế tắc, phải chọn cái chết để tự minh oan cho mình.
b. Truyện còn phản ánh hiện thực về XHPKN với những biểu hiện bất công vô lí.
Đó là một xã hội dung túng cho quan niệm trọng nam khinh nữ, để cho Trương Sinh – một kẻ thất học, vũ phu ngang nhiên chà đạp lên giá trị nhân phẩm của người vợ hiền thục nết na.
– Xét trong quan hệ gia đình, thái độ và hành động của Trương Sinh chỉ là sự ghen tuông mù quáng, thiếu căn cứ (chỉ dựa vào câu nói vô tình của đứa trẻ 3 tuổi, bỏ ngoài tai mọi lời thanh minh của vợ và lời can ngăn của hàng xóm).
– Nhưng xét trong quan hệ xã hội : hành động ghen tuông của Trương Sinh không phải là một trạng thái tâm lí bột phát trong cơn nóng giận bất thường mà là hệ quả của một loại tính cách – sản phẩm của xã hội đương thời.
Nguyên nhân của cái chết Vũ Nương:
Nếu Trương Sinh là thủ phạm trực tiếp gây nên cái chết của Vũ Nương thì nguyên nhân sâu xa là do chính XHPK bất công – xã hội mà ở đó người phụ nữ không thể đứng ra để bảo vệ cho giá trị nhân phẩm của mình, và lời buộc tội, gỡ tội cho người phụ nữ bất hạnh ấy lại phụ thuộc vào những câu nói ngây thơ của đứa trẻ 3 tuổi (lời bé Đản).
Đó là chưa kể tới một nguyên nhân khác nữa : do CTPK – dù không được miêu tả trực tiếp, nhưng cuộc CT ấy đã tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tới số phận từng nhân vật trong tác phẩm :
+ Người mẹ sầu nhớ con mà chết
+ VN và TS phải sống cảnh chia lìa
+ Bé Đản sinh ra đã thiếu thốn tình cảm của người cha và khi cha trở về thì mất mẹ
Đây là một câu chuyện diễn ra đầu thế kỉ XV (cuộc chiến tranh xảy ra thời nhà Hồ) được truyền tụng trong dân gian, nhưng phải chăng qua đó, tác phẩm còn ngầm phê phán cuộc nội chiến đẫm máu trong xã hội đương thời (thế kỉ XVI).
Nêu giá trị nhân đạo:
* Khái niệm nhân đạo: lòng yêu thương, sự ngợi ca, tôn trọng giá trị, phẩm chất, vẻ đẹp, tài năng… và quyền lợi của con người.
1.2. Giá trịnhân đạo:
Biểu hiện trước hết là:
a. Thái độ ngợi ca, tôn trọng vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương.
– Xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng ở Vũ Nương đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người PNVN theo quan điểm Nho giáo (có đủ tam tòng, tứ đức).
– Đặc biệt tác giả đã đặt nhân vật trong các mối quan hệ để làm toát lên vẻ đẹp ấy.
+ Với chồng: nàng là người vợ hiền thục luôn biết “Giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”.
+ Với con: nàng là người mẹ dịu dàng, giàu tình yêu thương (chi tiết nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản cũng xuất phát từ tấm lòng người mẹ, để con trai mình bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha)
+ Với mẹ chồng: nàng đã làm tròn bổn phận của một người con dâu hiếu thảo (thay chồng chăm sóc mẹ, động viên khi mẹ buồn, thuốc thang khi mẹ ốm, lo ma chay chu đáo khi mẹ qua đời)
– Những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương còn được thể hiện ngay cả khi nàng sống cuộc sống của một cung nữ dưới thuỷ cung.
+ Sẵn sàng tha thứ cho Trương Sinh
+ Một mực thương nhớ chồng con nhưng không thể trở về vì đã nặng ơn nghĩa đối với Linh Phi…
-> Ta thấy, Nguyễn Dữ đã dành cho nhân vật một thái độ yêu mến, trân trọng qua từng trang truyện, từ đó khắc hoạ thành công hình tượng nhân vật người phụ nữ với đầy đủ những phẩm chất đẹp.
b. Câu chuyện còn đề cao triết lí nhân nghĩa ở hiền gặp lành qua phần kết thúc có hậu giống như rất nhiều những câu chuyện cổ tích Việt Nam.
– Với đặc trưng riêng của thể loại truyện truyền kì, Nguyễn dữ đã sáng tạo thêm phần cuối của câu chuyện. VN đã không chết, hay nói đúng hơn, nàng được sống khác bình yên và tốt đẹp hơn ở chón thuỷ cung. Qua đó có thể thấy rõ ước mơ của người xưa (cũng là của tác giả) về một xã hội công bằng, tốt đẹp mà ở đó, con người sống và đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, ở đó nhân phẩm của con người được tôn trọng đúng mức. Oan thì phải được giải, người hiền lành lương thiện như Vũ Nương phải được hưởng hạnh phúc.
Nêu giá trị nghệ thuật của tác phẩm
1.3 Giá trị nghệ thuật:
– Đây là một tác phẩm được viết theo lối truyện truyền kì tính chất truyền kì được thể hiện qua kết cấu hai phần:
+ Vũ nương ở trần gian
+ Vũ Nương ở thuỷ cung
Với kết câu hai phần này, tác giả đã khắc hoạ được một cách hoàn thiên vẻ đẹp hình tượng nhân vật Vũ Nương.
Mặt khác, cũng như kết cấu của truyện cổ tích Tấm Cám Kết câu hai phần ở “Chuyện người con gái Nam Xương” đã góp phần thể hiện khát vọng về lẽ công bằng trong cuộc đời (ở hiền gặp lành). Tuy nhiên, nếu cô Tấm sau những lần hoá thân đã được trở về vị trí hoàng hậu, sống hạnh phúc trọn đời thì Vũ nương lại chỉ thoáng hiện về rồi vĩnh viễn biến mất.
– Chất hoang đường kì ảo cuối truyện hình như cũng làm tăng thêm ý nghĩa phê phán đối với hiện thực: dù oan đã được giải nhưng người đã chết thì không thể sống lại được Do đó, bài học giáo dục đối với những kẻ như Trương Sinh càng thêm sâu sắc hơn. Ngoài ra còn phải kể đến nghệ thuật tạo tính kịch trong câu chuyện mà yếu tố thắt nút và gỡ nút của tấn kịch ấy chỉ là câu nói của một đứa trẻ 3 tuổi (Bé Đản). Qua đó thể hiện sự bất công vô lí đối với người phụ nữ trong xã hội ấy.