Soạn bài chuyện người con gái Nam Xương
Bài viết số 1 lớp 9 (thuyết minh về cây lúa)
I. Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Đại ý và bố cục của văn bản Chuyện người con gái Nam Xương.
a. Đại ý: Truyện viết về số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phong kiến, chỉ vì lời nói ngây thơ của một đứa trẻ mà bị chồng nghi ngờ, xỉ nhục, bị đẩy đến chỗ chọn cái chết để giãi bày tấm lòng trong sạch. Truyện cũng đề cao ước mơ ngàn đời của nhân dân là người tốt bao giờ cũng được đền trả xứng đáng, dù chỉ là ở một thế giới huyền bí.
b. Bố cục của truyện.
Đoạn 1: Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh, phẩm hạnh của Vũ Nương trong thời gian xa cách (từ đầu đến “cha mẹ đẻ mình”).
Đoạn 2: Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương (Qua năm sau… trót đã qua rồi).
Đoạn 3: Vũ Nương được giải oang (còn lại).
Câu 2. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ở mỗi hoàn cảnh, Vũ Nương lại bộc lộ những đức tính tốt đẹp.
Trong cuộc sống vợ chồng bình thường nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không lúc nào để vợ chồng phải đến thất hòa”. Lời dặn dò khi chồng đi lính thật ân tình, đằm thắm, làm mọi người xúc động.
Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung yêu chồng tha thiết. Nỗi buồn nhớ của nàng cứ dài theo năm tháng. Nàng còn là người mẹ hiền, dâu thảo, một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa tận tình chăm sóc mẹ chồng yếu đau. Lời trăng trối của bà mẹ chồng trước khi chết thể hiện sự ghi nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình.
Khi bị chồng nghi oan, Vũ Nương đã cố phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình. Vũ Nương nói đến tình nghĩa vợ chồng, khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng, cầu xin chồng đừng nghi oan. Lúc bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đành mượn dòng nước sông quê để giãi tỏ tấm lòng trong trắng. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự.
Như vây, Vũ Nương rõ ràng là một người phụ nữ nết na, hiền thục, lại đảm đang tháo vát, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nàng mang những phẩm hạnh tốt đẹp, cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Một con người như thể đáng ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, vậy mà lại phải chết một cách oan uổng đau đớn.
Câu 3. Qua cách xử sự của Trương Sinh ta thấy Trương Sinh là một người hồ đồ, độc đoán, chỉ nghe một đứa trẻ lên ba mà không phán đoán phân tích, bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, không tin cả những nhân chứng bênh vực cho nàng, nhất quyết không nói ra duyên cớ để có cơ hội minh oan, mắng nhiếc và đuổi nàng đi. Trương Sinh đã trở thành một kẻ vũ phu thô bạo đã bức tử Vũ Nương. Nỗi oan khuất của Vũ Nương do nhiều nguyên nhân đưa đến. Nhưng tựu chung là do xã hội phong kiến – Một xã hội gây ra bao bất công ấy, thân phận người phụ nữ thật bấp bênh, mong manh, bi thảm. Họ không được bênh vực chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lí, chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, vì sự hồ đồ, ghen tuông của người chồng mà đến nỗi phải kết liễu cuộc đời mình.
Câu 4. Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện tạo kịch tính, lôi cuốn. Từ những chi tiết hé mở, chuẩn bị thắt nút đến khi nút thắt ngày một chặt hơn đã tạo cho truyện trở nên hấp dẫn, sinh động.
Những đoạn đối thoại, độc thoại của nhân vật được sắp xếp rất đúng chỗ, làm cho câu chuyện kể trở nên sinh động, góp phần khắc họa tâm lý nhân vật, tính cách nhân vật (lời nói của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, có tình có lý, lời đứa trẻ hồn nhiên, thật thà…).
Câu 5. Những yếu tố truyền kỳ trong truyện là: chuyện Phan Lang nằm mộng, gặp Vũ Nương, hình ảnh Vũ Nương thể hiện ở bên Hoàng Giang…
Các yếu tố truyền kỳ được kể đan xen với những yếu tốt thực (địa danh, thời điểm, sự kiện lịch sử, trang phục mĩ nhân, tinh cảnh nhà Vũ Nương…) khiến cho thế giới kỳ ảo, lung linh, mơ hồ trở nên gần với đời thực hơn.
Những yếu tố truyền kỳ được đưa vào truyện làm hoàn chỉnh thêm những nét đẹp phẩm giá của nhân vật Vũ Nương: dù đã ở thế giới khác vẫn quan tâm đến chồng con, khao khát được phục hồi danh dự. Những yếu tố truyền kỳ cũng tạo cho truyện một kết thúc có hậu, thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân về lẽ công bằng, về sự chiến thắng cuối cùng của cái thiện. Tuy vậy tính bi kịch vẫn tiềm ẩn ở ngay trong các yếu tố hoang đường kỳ ảo này.