Soạn bài bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát
(Sa hành đoản ca)
Bài thơ tả thực nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng và mang tính triết lí. Qua con đường đi thi nhà thơ bàn đến con đường đời của con người thời đại phong kiến bị chế độ khoa cử danh lợi phù phiếm đương thời vây riết khiến thui chột bao tài năng.
I. Tác giả và tác phẩm
Soạn bài bài ca ngắn đi trên bãi cát
1. Tác giả
Cao Bá Quát chưa rõ năm sinh, mất vào năm 1855 sau thất bại của cuộc khởi nghĩa do chính ông lãnh đạo chống lại triều Nguyễn. Ông là một nhà thơ có tài năng và bản lĩnh.
Là người có tài nhưng Cao Bá Quát chỉ đỗ đến cử nhân. Sau một thời gian làm quan dưới triều Nguyễn, Cao Bá Quát bị đưa đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây.
Do bất bình với triều đình, năm 1854, Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Cao Bá Quát và dòng họ Cao bị triều đình tàn sát dã man.
Tài văn học của Cao Bá Quát được những người đương thời đánh giá rất cao. Ông để loại khoảng 1353 bài thơ và 21 bài văn chữ Hán. Thơ văn ông thể hiện thái độ phê phán xã hội phong kiến Nguyễn trì trệ, bảo thủ, chứa đựng tư tưởng khai sáng, muốn thay đổi thực tại.
2. Tác phẩm
Soạn bài bài ca ngắn đi trên bãi cát
Bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát được Cao Bá Quát sáng tác khi đi qua vùng đất đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị để về kinh đô dự thi. Trong bài thơ, tác giả mượn hình ảnh người đi trên bãi cát khó nhọc để hình dung con đường mưu cầu danh lợi đáng ghét mà ông buộc phải theo đuổi, cũng như sự bế tắc của xã hội nhà Nguyễn lúc đó.
II. Đọc – hiểu tác phẩm
Soạn bài bài ca ngắn đi trên bãi cát
Câu 1. Hình tượng bãi cát ẩn dụ trong bài thơ
Tác giả viết bài thơ ngắn nhưng lại nói về một bãi cát dài và hình ảnh khó nhọc của người đi trên bãi cát đó.
Bãi cát là hình ảnh tả thực gợi lên một không gian khó khăn, nhọc nhằn. Trên bãi cát ấy là con đường rộng lớn nhưng mờ mịt, không xác định được phương hướng. Đó không phải là con đường thực mà là con đường theo nghĩa tượng trưng.
Trên con đường ấy là hình ảnh nhà thơ với giấc mộng danh lợi thôi thúc bước đi. Tuy nhiên, đi trên cát là một việc làm khó khăn, con đường danh lợi của tác giả cũng khó khăn như chính việc đi trên cát vậy. Bước một bước thì lùi lại một bước, nhưng con người ấy vẫn cứ bước đi, hành động ấy xuất phát từ giấc mơ danh vọng của người đi trên cát.
Nhà thơ không dừng lại ở việc thực mà các hình ảnh trong bài thơ luôn mang tính khái quát cao. Đó chính là ý nghĩa biểu tượng của bãi cát và người đi trên cát. Bãi cát dài ở đây chính là con đường khó khăn mà con người phải vượt qua để đi đến danh lợi; người đi trên bãi cát mặc dù nhận ra khó khăn nhưng vẫn bước tới vì mồi danh lợi. Từ con đường thực nhiều lần đi qua để về kinh ứng thí, Cao Bá Quát đã sáng tạo thành một con đường đến danh lợi với nhiều khó khăn trong bài thơ. Con đường thực đi trên cát đã thành con đường theo danh lợi trong bài ca.
Câu 2. Nhận thức về con đường danh lợi của tác giả
Nhận thức về con đường danh lợi của Cao Bá Quát được thể hiện qua sáu câu thơ:
Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!
Xưa nay phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số, tỉnh bao người?
Tâm trạng chán nản của tác giả được thể hiện khá rõ qua sáu câu thơ. Sự chán nản bắt nguồn từ sự tự hành hạ mình vì con đường danh lợi. Nhịp điệu trong câu thơ đã thể hiện sự chán nản đó. Tác giả khái quát con đường danh lợi một cách độc đáo trong bốn câu thơ sau. Danh lợi có tác dụng cám dỗ ghê gớm mà không ai có thể cưỡng lại được. Tác giả biết là con đường danh lợi rất khó khăn “tất cả”, nhưng cũng phải theo vì hơi men của nó. Chính vì vậy, tác giả là một trong những người say hơi men.
Hình ảnh say men thật đáng để cho người đời suy nghĩ. Đó không chỉ là lời ca thán của tác giả mà con là lời đánh giá đúng bản chất của xã hội đương thời.
Tầm tư tưởng của tác giả đã thể hiện rất rõ qua bài thơ. Khi nhận thức ra con đường danh lợi khó khăn, tác giả như đặt ra cho mình một chọn lựa: phải thoát ra khỏi con đường danh lợi. Tác giả đã nhận ra tính chất vô nghĩa của con đường khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ. Tuy tác giả chưa tìm ra cho mình một con đường nào khác, song cũng cho thấy ông không thể bước mãi trên bãi cát đầy khó khăn và vô vị đó.
Câu 3. Nhịp điệu của bài thơ
Nhịp điệu của bài thơ lúc nhanh, lúc chậm, lúc dàn trải, lúc dứt khoát. Nhịp điệu ấy có ý nghĩa rất lớn trong việc miêu tả bước đi của người đi trên bãi cát, đầy khó khăn, vất vả. Nhịp điệu ấy cũng thể hiện được tâm tư trĩu nặng suy tư của nhà thơ về con đường danh lợi mà nhà thơ đang đi.
Bài thơ khắc họa hình tượng cô đúc, nhỏ nhoi nhưng hết sức kì vĩ của con người vừa quả quyết, vừa tuyệt vọng trên con đường đi tìm chân lí đầy gian truân, mờ mịt. Lời thơ xuất hiện những âm thanh hết sức bi tráng nhưng lại có cả những âm thanh u buồn. Nó chứa đựng sự phản kháng âm thầm đối với trật tự hiện hành, cảnh báo một sự thay đổi tất yếu trong tương lai.