So sánh văn bản Trong lòng mẹ, Tức nước vỡ bờ, lão Hạc
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Đề Thi Học Sinh Giỏi Ngữ Văn 8
Câu 1: Qua ba văn bản truyện ký Việt Nam: “Trong lòng mẹ”, “Tức nước vỡ bờ” và “Lão Hạc”, em thấy có những đặc điểm gì giống và khác nhau ? Hãy phân tích để làm sáng tỏ.
Câu 2: Cho đoạn văn:
“Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”.
(Trích Lão Hạc, Nam Cao)
a. Tìm câu ghép trong đoạn văn trên. Xác định quan hệ ý nghĩa giữa các vế trong câu đó.
b. Chỉ rõ từ tượng hình, từ tượng thanh và phân tích giá trị biểu hiện (tác dụng) của các từ tượng hình, tượng thanh trong đoạn văn đó.
Câu 3: Tóm tắt phần trích Lão Hạc bằng một đoạn văn khoảng từ 8 đến 10 dòng.
Hướng dẫn làm bài:
Câu 1:
Giống nhau:
– Thời gian sáng tác: Cùng giai đoạn 1930 – 1945.
– Phương thức biểu đạt: tự sự.
– Nội dung: Cả 3 văn bản đều phản ánh cuộc sống khổ cực của con người trong xã hội đương thời chứa chan tinh thần nhân đạo.
– Nghệ thuật: Đều có lối viết chân thực, gần gũi, sinh động.
Khác nhau:
– Thể loại: Mỗi văn bản viết theo một thể loại: Trong lòng mẹ (Hồi kí), Lão Hạc (Truyện ngắn), Tức nước vỡ bờ (Tiểu thuyết)
– Đều biểu đạt phương thức tự sự nhưng mỗi văn bản yếu tố miêu tả, biểu cảm có sự đậm nhạt khác nhau.
Câu 2:
a/ – Câu ghép: Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. (0,5 điểm)
– Quan hệ ý nghĩa giữa 2 vế câu: quan hệ bổ sung hoặc đồng thời. (0,5 điểm)
b/ – Từ tượng hình: móm mém (0,25 điểm)
– Từ tượng thanh: hu hu (0,25 điểm)
– Giá trị biểu hiện (tác dụng): Gợi tả hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động có giá trị biểu cảm cao. (0,5 điểm)
Câu 3:
Đoạn văn tham khảo:
Lão Hạc có một người con trai, một mảnh vườn và một con chó vàng. Con trai lão phải đi phu đồn điền cao su, lão chỉ còn lại con chó vàng làm bạn tâm tình. Vì muốn giữ lại mảnh vườn cho con, lão đã gạt nước mắt bán cậu vàng. Tất cả số tiền dành dụm được lão gửi ông giáo và nhờ ông giáo trông coi mảnh vườn. Cuộc sống ngày một khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy và khéo léo từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo. Một hôm, lão xin Binh Tư ít bã chó, nói là sẽ đánh bả một con chó và ngỏ ý rủ Binh Tư uống rượu. Ông giáo rất ngạc nhiên và rất buồn khi nghe Binh Tư kể lại. Nhưng khi tận mắt chứng kiến cái chết đau đớn, quằn quại của lão Hạc thì ông giáo mới hiểu. Cả làng đều bất ngờ trước cái chết đó. Chỉ có Binh Tư và ông giáo hiểu vì sao lão Hạc chết tức tưởi như vậy!