Phân tích về bài Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi
Phân tích bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten
Bài làm
Trong cuộc sống của con người, cùng với sự hưởng thụ vật chất như ăn, uống, mặc, ở,… không thể thiếu sự hưởng thụ tinh thần : nghe ca nhạc, xem tranh tượng, đọc vãn thơ,… Một khúc nhạc du dương, trầm bổng chúng ta được nghe, một bức tranh, một pho tượng đẹp chúng ta được nhìn ngắm, một câu chuyện, một bài thơ đặc sắc chúng ta được đọc – hiểu – suy ngẫm,… tất cả gọi là văn nghệ. Đó là những sản phẩm tinh thần cao quý mang lại cho chúng ta bao điều bổ ích. Vậy những điếu bổ ích mà văn nghệ đem lại cho chúng ta là gì ? Bài Tiếng nói của văn nghệ – một tác phẩm nghị luận sâu sắc, chặt chẽ và giàu hình ảnh của nhà văn Nguyễn Đình Thi – sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy.
1. Mỗi tác phẩm văn nghệ là một lá thư, một lời nhắn nhủ.
Để lí giải nội dung những lá thư, những lời nhắn nhủ của văn nghệ, tác giả Nguyễn Đình Thi đã trình bày một hệ thống luận điểm bằng các lí lẽ và dẫn chứng rành mạch, cụ thể:
a) Một câu thơ, đoạn thơ, số phận một nhân vật trong truyện hay tác phẩm văn học, một bài hát, một diệu múa, bức tranh,… đặc sắc sẽ đánh thức trong chúng ta những bâng khuâng, suy nghĩ, khiến ta vương vấn những buồn vui về cuộc sống, về con người. Có người nói: văn học nghệ thuật luôn ám ảnh chúng ta để hướng chúng ta tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là lời nhắn gửi thứ nhất của văn nghệ. Trước khi nêu luận điểm ấy nhà văn phân tích ngắn gọn câu thơ của Nguyễn Du, nhân vật trong tiểu thuyết của Lép Tôn-xtôi.
b) Lời nhắn gửi thứ hai : tác phẩm nghệ thuật gợi cho ta những bài học luân lí, hay một triết lí về đời người, những lời khuyên xử thế,… Minh hoạ luận điểm này, Nguyễn Đình Thi dẫn hai câu Kiều đáng nhớ :
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Nhà văn bổ sung bằng những lí lẽ và dẫn chứng về tác phẩm của Nguyễn Du, của Tôn-xtôi rồi nhấn mạnh : mỗi tác phẩm lớn “rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng…”. Những nghệ sĩ lớn “đem tới được cho thời đại họ một cách sống của tâm hồn”. Lời gửi cua văn nghệ kì diệu biết bao !
c) Không chỉ như vậy, văn nghệ còn buộc chặt chúng ta với cuộc đời. Văn nghệ giúp cho ta được sống vui vẻ, lạc quan, tin yêu và hi vọng. Tương tự cách lập luận ở hai luận điểm trên, nhà văn kể những câu chuyện cụ thể, cảm động về các chiến sĩ cách mạng tiền bối bị cầm tù, cận kề cái chết vẫn “kể Kiều”, đọc cho nhau nghe Truyện Kiều, những người nông dân quanh năm vất vả vẫn ham thích hát dân ca, xem tuồng, chèo,… Từ dẫn chứng cụ thể, người viết sơ kết bằng hai câu văn thật sâu sắc : “Văn nghệ đã làm cho tâm hổn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống”.
Như vậy, với các luận điểm trên, nhà văn Nguyễn Đình Thi giúp chúng ta hiểu rõ sức mạnh, khả năng kì diệu của văn học nghệ thuật đối với cuộc sống con người. Các nhà lí luận gọi đó là chức năng, tác dụng của văn nghệ. Nguyễn Đình Thi không dùng từ ngữ mang tính khái quát ấy mà nói giản dị bằng những từ ngữ gợi cảm, dễ hiểu, “…một lời nhắn nhủ…lời gửi của văn nghệ”, kết hợp những dộng từ nhấn mạnh : “chúng ta nghe thấy…tác phẩm rọi một ánh sáng… câu Kiều, tiếng hát buộc chặt lấy cuộc đời…truyền lại, gieo vào…”. Cùng sự lựa chọn ngôn từ chính xác, gợi cảm, nhà văn sử dụng cách lập luận quy nạp khiến cho những luận điểm vốn là những khái niệm khó, trở nên dễ hiểu, đầy sức thuyết phục.
2. Cách nói, cách nhắn nhủ của văn nghệ
Đọc đoạn văn từ câu “Có lẽ văn nghệ…” đến câu “… khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy”, chúng ta có thể hiểu cách nói, cách nhắn gửi của văn nghệ trong ba ý chính sau.
Thứ nhất : Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Những câu thơ đẹp, những hình tượng nhân vật sống động, lời ca tiếng hát hay,… lay động con tim chúng ta, khiến ta xúc động, trào dâng niềm vui, lòng thương xót, mến yêu, niềm hi vọng,… trong cuộc sống.
Thứ hai : Tác phẩm khơi dậy trong trí óc tư những vấn đề suy nghĩ. Điều đó nghĩa là cùng với tình cảm, con đường đi tới của nghộ thuật là trí tuệ, là tư tưởng. Nhưng “cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng”.
Nó không nêu những nội dung tư tưởng, không giáo huấn trực tiếp, khô khan, áp đặt, nó “náu mình, yên lặng” để bằng sự khơi gợi của tình cảm, sự lay động từ con tim, truyền những dư ba, những nguồn sóng ngầm lên trí óc, đánh thức suy nghĩ, lắng sâu trong tư tưởng con người. Con đường đi và hướng đi của nghệ thuật thật tinh tế như thế đấy.
Thứ ba : Cách nói, đường đi của nghệ thuật tinh tế và kì diệu hơn nữa là nghệ thuật đốt lửa trong lòng chúng ta. Đi từ tình cảm đến tư tưởng, từ cách lay động con tim đến sự thức tỉnh trí óc,… mỗi tác phẩm nghệ thuật thực đã tác động đến những nơi tinh nhạy, linh thiêng nhất trong sự sống của con người.
Ba cách nói, ba phương thức tác động của văn học nghệ thuật đối với con người kì diệu và màu nhiệm xiết bao. Trình bày những luận điểm ấy, Nguyễn Đình Thi ít dùng những dẫn chứng cụ thể như ở phần trên mà chủ yếu giảng giải, phân tích bằng lí lẽ. Song lí lẽ của ông không trừu tượng, khô khan vì ngôn từ trong đoạn văn rất uyển chuyển, cụ thể, sinh động. Đồng thời nhà văn dùng nhiểu phép so sánh, ẩn dụ bằng những hình ảnh gần gũi, chẳng hạn “chỗ đứng của văn nghộ chính là chỗ giao nhau của tâm hồn con người với cuộc sống”… “tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng… trỏ vẽ cho ta đường đi… đốt lửa trong lòng chúng ta…”. Viết văn nghị luận như thế thật tài hoa, đáng học tập.
3. Mục đích của văn nghệ
Đến phần kết thúc của văn bản (từ câu “Bắt rễ ở cuộc đời”… đến hết), tác giả tiếp tục dùng lí lẽ và những từ ngữ sinh động để khái quát cội nguồn và thiên chức vẻ vang, khả năng kì diệu của văn học nghệ thuật đối với con người, đối với cuộc sống. Nguyên lí cơ bản : Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, để rồi trở lại phục vụ cuộc sống được nhà văn nhấn mạnh bằng những luận điểm đầy ấn tượng như “văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn người… Nghệ thuật giải phóng được cho con người khỏi những biên giới của chính mình, nghệ thuật xây dựng con người,… làm cho con người tự xây dựng được”.
Tóm lại, đọc văn bản Tiếng nói của văn nghệ chúng ta nghe được, hiểu được những lời nhắn gửi kì diệu của văn học nghệ thuật đối với cuộc sống con người. Văn nghệ là mối dây đồng cảm giữa nghệ sĩ với bạn đọc qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp cho chúng ta được sống phong phú hơn, để tự hoàn thiện nhân cách, để biết sống trong sạch, cao thượng theo tiêu chuẩn của chân, thiên, mĩ (sự thật, điều tốt và cái đẹp). Đồng thời qua áng văn này, chúng ta học tập được ở nhà văn Nguyễn Đình Thi thao tác phân tích bằng lí lẽ, kết hợp nhiều dẫn chứng sinh động, những lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh và cảm xúc, đạt tới chuẩn mực của một văn bản nghị luận sâu sắc có tính thuyết phục cao. Nói cách khác, nội dung và những giá trị nghệ thuật dặc sắc ấy của bài viết đã nhắn gửi cho chúng ta bao điều kì diệu, đốt nóng trong chúng ta tình yêu văn chương nghệ thuật, khích lệ thêm cho chúng ta niềm hứng khởi và quyết tâm học tập, thực hành văn chương, nghệ thuật ở trường lớp, trong gia đình cũng như ngoài cuộc sống. Cám ơn nhà văn Nguyễn Đình Thi đã cho chúng ta thưởng thức một món ăn tinh thần cao quý và bổ ích.