Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
Phân tích tác phẩm Bắt Sấu rừng U Minh Hạ của Sơn Nam
Đề bài: Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.
Bài làm
1. Nguyễn Thi tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca (bút danh khác : Nguyễn Ngọc Tấn) quê ở miền Bắc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) nhưng vào Nam từ năm 1943, tham gia Cách mạng tháng Tám, tiếp đó sung vào lực lượng vũ trang, vừa cầm súng chiến đấu, vừa hoạt động văn nghệ. Ông có một cuộc đời vất vả, éo le, nhiều bất hạnh : sớm mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, xa quê hương từ nhỏ, vừa làm vừa tự học. Năm 1954, Nguyễn Thi tập kết ra Bắc công tác một thời gian rồi lại tình nguyện vào Nam chiến đấu. Ông hi sinh dũng cảm trong chiến dịch Mậu Thân, mùa xuân 1968.
Cuộc đời và số phận đã rèn đúc nên ở Nguyễn Thi nhiều phẩm chất đáng quý :
– Tinh thần một nhà văn – chiến sĩ với đầy đủ hai nghĩa : cầm bút và cầm súng ;
– Một tâm hồn giàu suy tư, hiểu đời, hiểu người sâu sắc ;
– Gắn bó máu thịt với miền Nam, am hiểu sâu sắc từ cảnh vật, phong tục, con người đến lời ăn tiếng nói của đồng bào nơi Thành đồng Tổ quốc. Tuy quê miền Bầc nhưng Nguyễn Thi xứng đáng hơn ai hết với danh hiệu : nhà văn tiêu biểu của người nông dân Nam Bộ trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ ác liệt.
Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình là một trong những bằng chứng nổi bật nhất về những phẩm chất ấy của Nguyễn Thi.
Truyện ngắn, nói chung, phải giải quyết những yêu cầu nghệ thuật quan trọng sau đây :
– Sáng tạo tình huống truyện độc đáo. Mỗi truyện ngắn thường xoay quanh một tình huống, giống như cái tứ của một bài thơ ;
– Diễn tả tâm lí, khắc hoạ tính cách nhân vật;
– Trần thuật hấp dẫn với những chi tiết chọn lọc một cách nghiêm ngặt. Chi tiết trong truyện ngắn nhiều khi có sức nặng như những “nhãn tự” trong một bài thơ tứ tuyệt.
– Ngôn ngữ tinh luyện, không được có câu thừa, chữ lép.
Trong thực tế, không phải truyện ngắn nào cũng giải quyết được tốt mọi khâu nghệ thuật. Có truyện hay ở khâu này, có truyện trội lên ở khâu khác.
Nhưng Những đứa con trong gia đình, có thể nói, đã đạt được phẩm chất xuất sắc ở mọi khâu nghộ thuật nói trên.
Tác phẩm kể cũng hơi dài. Nhưng dung lượng của nó quá lớn – tuy chỉ kể chuyện một gia đình mà muốn bao quát nhiều thế hộ miền Nam đứng lên đánh giặc, thậm chí cả truyền thống chống xâm lược của dân tộc qua bao thế kỉ – nên tuy không ngắn mà vẫn cô đặc, súc tích.
2. Thiên truyện được kể như lời tự thuật của nhân vật chính tên là Việt. Nói cho đúng, người thuật truyện là tác giả, nhưng kể theo quan điểm, tâm lí và ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật. Người ta gọi thế là lời trần thuật nửa trực tiếp. Lợi thế của lối trần thuật này là, cùng với câu chuyện được thuật lại, tính cách nhân vật cũng được khắc hoạ đậm nét. Mặt khác câu chuyện dù không có gì đặc biệt cũng trở nên mới lạ, hấp dẫn vì được kể qua lăng kính của tư tưởng và tâm lí, cá tính nhân vật.
Phần chủ chốt của thiên truyện được thuật kể khi Việt rơi vào tình huống bị trọng thương, lạc đồng đội, phải nằm lại giữa chiến trường còn mịt mù khói súng và xác giặc ngổn ngang. Lời thuật kể không liền mạch, mà khi đứt (Việt ngất đi), khi nối (Việt tỉnh dậy). Ta biết đây là một anh tân binh rất trẻ xuất thân từ một gia đình nng dân nghèo vùng đồng bằng Nam Bộ : “Việt tỉnh dậy lần thứ hai khi trời lất phất mưa. Tiếng máy bay tắt hẳn, chỉ còn hơi gió lạnh đang lùa trên má. Ếch nhái kêu dậy lên. Việt lắng nghe, đúng là những con ếch nái bụng tròn vo, mắt thổi lồi, hay ngồi liếm mép kêu uôm uôm… Có ai đi soi ếch gần đây không ? Ở quê Việt, những đêm như đêm nay, đèn soi nhấp nháy đầy đồng”.
Ta còn biết anh vừa dùng thủ pháo diệt được một xe tăng địch, sau đó bị trọng thương, phải nằm lại một mình giữa chiến trường. Tuy thân thể sưng tấy, đau nhức : “Chín ngón tay bị thương, chỉ còn một ngón cái hơi nhúc nhích”, anh cũng cố lấy răng giật mạnh cơ bẩm, đưa được một viên đạn lên nòng và đẩy họng súng về hướng dịch, sẵn lòng tiêu diệt thằng giặc Mĩ nào mò tới.
Nhưng hồi ức cúa Việt không chỉ xoay quanh cảnh ngộ hiện tại của bản thân mình mà mở ra không gian, thời gian khá dài rộng, làm hiện lên nhiều khuôn mặt, nhiều cuộc đời, nhiều số phận, từ chị Chiến, chú Năm, đến ba, má, rồi ngược lên tới ông nội, bà nội,… Biết bao cái tang đau đớn và những mối thù chồng chất được chú Năm ghi chép tỉ mỉ trong một cuốn sổ gia đình : thím Năm bị ca nông Mỏ Cày bắn chết, ông nội bị lính tổng Phòng bắn vào giữa bụng, má Việt đi đấu tranh về bị trúng đạn trái phá ở đầu xóm, tía Việt đi du kích, đêm ngủ ngoài bờ sông, bị lính Tây bót Kinh Ngang bắt chật đầu,… Một cuốn sổ gia đình mà như tập trung oán thù của cả miền Nam dưới ách Mĩ – nguy, đồng thời phản ánh cuộc đấu tranh tiếp nối của bao thế hệ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ, đúng như các câu thơ Tố Hữu : “Lớp cha trước, lớp con sau – Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.
3. Qua dòng hồị ức của Việt, thấy nổi bật lên mấy nhân vật thật là khoẻ khoắn, lực lưỡng và đầy góc cạnh.
Trước hết là nhân vật mà Việt gọi là chú Năm. Một nhân vật rất Nam Bộ. Cuộc đời, khi đi bè, khi chèo ghe mướn, khiến chú hiểu rộng, biết nhiều. Những hiểu biết của chú là chiếc cầu nối giữa số phận một gia đình với số phận đất nước, giữa truyển thống một gia đình với truyền thống dân tộc : “Chú thường ví chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẻ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó. Chú kể chuyên con sông nào ở nước ta cũng đẹp, lắm nước bạc, nhiều phù sa, vườn ruộng mát mẻ cũng sinh ra từ đó, lòng tốt của con người cũng sinh ra từ đó. Trăm sông đổ vào một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm, chị em Việt lớn lên rồi sẽ biết, rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.
Mỗi lần “nhậu vào ba hột” chú lại cao hứng cất tiếng hò. Lúc đó, cùng với tiếng hò, trong “đôi mắt mở to, đọng nước” của chú lại hiện lên, khi là “tấm áo vá quàng” hay “con sông dài cá lội”, khi thì “người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công hoặc ngôi sao sáng Tháp Mười”. Đúng là tiếng hò đã nối dài “con sông gia đình” với biển cả mênh mông của đất nước,…
Má Việt là người đàn bà gan góc từ thời con gái. “Đôi vai lực lưỡng”, “đôi bắp chân tròn vo lúc nào cũng dính sình đất”, má lội hết đồng này sang bưng khác, vừa đi làm mướn nuôi con, vừa hoạt động cách mạng. Có một hình ảnh thật dữ dội của người đàn bà này : một tay bồng con, một tay cắp rổ, cứ đuổi riết theo thằng lính quận, vừa chửi vừa đòi đầu chồng bị nó chặt và xách đi.
Còn chị Chiến và Việt cũng rất xứng đáng là những đứa con của một gia đình cách mạng. Đúng như chú Năm nói : “Việt là thằng nhỏ gan, chị Chiến là đứa con gái không khác mẹ một chút nào”. Hai chị em đều xung phong đi bộ đội để trả thù cho ba má.
Nhìn chung các nhân vật đều có một tính cách rất thống nhất, có thể nói là rất Nguyễn Thi : giàu tình nghĩa với gia đình và Tổ quốc, trên vai mang nặng thù nhà nợ nước, lòng căm thù ngùn ngụt đối với quân xâm lược, gan góc vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt nhất của chiến tranh, quyết hi sinh đến cùng cho cách mạng. Tiêu chí đạo đức cao nhất của họ là cầm súng giết giặc – chú Năm nói dứt khoát như thế : “thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”. Và tất cả đều có một cái gì rất Nam Bộ : thật thà bộc trực, chất phác, hồn nhiên.
Tuy vậy, mỗi người đồng thời lại là một cá tính riêng không lẫn với nhau được, gắn liền với lứa tuổi và giới tính.
Chú Năm có cuộc đời cơ cực và từng trải, là con người của một gia đình, đồng thời là con người của bốn phương.
Má Việt là một bà mẹ thương con vô cùng. Trước kẻ địch, má giống như gà mẹ xoè cánh bảo vệ con mình. Giặc bắn doạ, “hai bàn tay to bản của má phủ lên đầu đàn con”, mắt “sắc ánh lên nhìn lại bọn lính, đôi mắt của người đã từng vượt sông vượt biển”. Đây là một người mẹ, đồng thời là một chiến sĩ. Má trông ngày trông đêm mong cho con mau lớn để trả thù cho ba nó. Má có một ý nghĩ độc đáo và đúng là ý nghĩ của người mẹ khi nghĩ đến cái chết : “người chết có cái vui của người chết, nếu không người ta sanh ra còn làm gì ?”.
Chiến và Việt tuy là hai chị em nhưng tuổi xấp xỉ nhau nên đều chưa hết chất con nít. Cái gì cũng giành nhau. Đi bắt ếch thì giành nhau phần nhiều hơn ; bắn chết được một thằng Mĩ thì giành công cho mình ; vào bộ đội cũng giành nhau đi trước,… khiến chú Năm lần nào cũng phải đứng ra phân xử. Nhưng chị vẫn là chị, em vẫn là em. Những lần giành nhau hơn thua, cuối cùng bao giờ chị cũng nhường em. Có những chi tiết nhỏ mà phân biệt ngay được giới tính : chị đi đánh giặc, trong túi vẫn có một cái kiếng, còn em thì đi đâu cũng giắt theo một cái ná thun,…
Nhưng ý thức về vai trò làm chị của Chiến phát triển hẳn lên trong cái đêm trước ngày chị em nhập ngũ. Đây là giây phút người chị phải tỏ ra có trách nhiệm thật sự với gia đình, với các em, với nhà cửa, ruộng vườn, với bàn thờ của má. Lời chị khuyên em bỗng trở nên nghiêm trang, già dặn hẳn lên :
– “Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”.
– “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu : Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à !”.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt thấy “chị Chiến bữa nay nói in như má vậy !”.
Chiến bàn với em thu xếp nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc, gửi lại ruộng vườn, chuyển bàn thờ má,… Mọi sự tính toán đâu ra đấy khiến chú Năm cũng phải thán phục : “Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”,…
Cuộc đối thoại của hai chị em, phải nói là một đoạn văn rất đặc sắc. Một đằng là giọng điệu nghiêm trang, thể hiện ý thức trách nhiệm của người chị, một đằng vẫn quen thói nghịch ngợm, vô tâm vô tính như con nít, phát ra những câu rất ngớ ngẩn :
Bây giờ chị Hai ở xa. Chị em mình đi thì thằng út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Chú Nãm nói có con nít học ê a có gì nó quét dọn cho. Thằng út cũng học ở đây. Mầy chịu không ?
Việt chụp một con đom đóm úp trong lòng tay :
– Sao không chịu ?
– Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học, nghen ?
– Hồi đó má dặn chị làm sao, giờ chị cứ làm y vậy, tôi chịu hết”.
4. Thiên truyện đầy ắp những chi tiết sống động, không có một chi tiết nào thừa : nếu không góp phần thổ hiện một khía cạnh tư tướng của tác phẩm thì cũng tô đậm thêm một đặc điểm tính cách, một nét cá tính nào đấy.
Chẳng hạn, cái chi tiết má Việt xin giang xuồng mà ba Việt nhất định không cho. “Má liền phóng xuống sông lội…”. Một hành động tỏ rõ cái gan góc khác thường của má ngay từ thời con gái. “Vậy mà nên vợ nên chồng. Bởi vì chiều hôm đó má gánh cơm đi tặng bộ đội “tẩm vông” thì lại gặp ba trong hàng ngũ đó”. Chi tiết này nói rằng, có một thời, tình yêu, tình vợ chồng hầu như thống nhất làm một với tình đồng chí, tình đồng đội.
Cuốn sổ gia đình luôn trong tay chú Năm cũng là một chi tiết nhiều ý nghía : đó là một thứ gia phả thiêng liêng muốn truyền cho con cháu muôn đời sau, đừng có giây phút nào được quên thù nhà nợ nước, và phải làm sao xứng đáng với dòng máu anh hùng của tổ tiên.
Nhưng mang sức nặng đặc biột là cái chi tiết chị em Việt, trước khi nhập ngũ, khiêng bàn thờ má sang gửi nhờ bên chú Năm : “Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”. Mối thù thằng giặc Mĩ trở thành một hình khối cụ thể, một trọng lượng thật sự “có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai” hai đứa con chuẩn bị lên đường giết giặc. “Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế”. Một chi tiết gợi biết bao xúc cảm. Nó nói rất nhiều vể tấm lòng của Việt – một cậu thiếu niên tính tình còn hết sức trẻ con, hầu như chưa bao giờ biết sống với nội tâm mình. Nay bỏng lắng nghe lòng mình và “thấy thương chị lạ”. Có lẽ trong giờ phút thiêng liêng, cùng chị gánh mối thù của má trên vai, nghĩ đến má bao nhiêu, càng thương chị bấy nhiêu, cũng “bước chân bịch bịch”, vất vả như đời má ngày xưa…
Nguyễn Thi đã hi sinh anh dũng trên chiến trường miền Nam. Ông cũng xuất thân trong một gia đình cách mạng. Ông viết Những đứa con trong gia đình cũng bằng một dòng máu mang truyền thống đó.