Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đôi mắt.

YÊU CẦU
Trên cơ sở nắm chắc truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao (cốt truyện, giá trị tư tưởng…), biết cách chọn lọc các chi tiết, có năng lực khái quát… để làm sáng tỏ những đặc sắc nghệ, thuật của tác giả trong truyện ngắn này. Cụ thể, ít nhất cần nêu được hai thành công cơ bản:

–    Nghệ thuật xây dựng nhân vật có giá trị điển hình (nhân vật Hoàng),

–     Nghệ thuật kể chuyện biến hóa linh hoạt, hết sức tự nhiên.

Tuy đề bài chỉ yêu cầu “phân tích những đặc sắc nghệ thuật”, nhưng suy cho cùng, để làm được việc này cần phải thấy rõ nội dung tư tưởng của tác phẩm, phải phân tích cho được những thành công về phương diện nghệ thuật đã có tác dụng như thế nào trong việc khắc họa nội dung từ tưởng ấy.

BÀI LÀM

Trước Cách mạng, Nam Cao được coi là cây bút tiêu biểu, kết tinh những thành tựu của trào lưu văn học hiện thực ở giai đoạn cuối (1940 – 1945). Sau Cách mạng, với truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao trở thành một trong những gương mặt xuất sắc nhất của nền văn học mới những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Đôi mắt được sáng tác vào năm 1948. Lúc đầu nó có tên là Tiên sư thằng Tào Tháo, nhưng sau, Nam Cao đã đặt cho nó một cái tên khác “giản dị và đúng đắn: Đôi mắt” điều này đã được chính nhà văn ghi lại trong Nhật kí ở rừng. Như vậy, tác giả đã có sự lựa chọn cân nhắc kĩ lưỡng để đặt nhan đề cho tác phẩm, nhằm qua nhan dề làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của truyện ngắn này. Theo nhà văn Tô Hoài, có thể coi “Đôi mắt” là một “tuyên ngôn nghệ thuật” hết sức nghiêm túc vồ cách nhìn đời, nhìn người (nhất là nhìn người nông dân) của giới trí thức văn nghệ sĩ. Nội dung sâu sắc nêu trên đã được Nam Cao thể hiện bằng nghệ thuật viết văn bậc thầy. “Đôi mắt” vừa phát huy được sở trường của nhà văn trong những sáng tác trước cách mạng, vừa ít nhiều có sự cách tân mới mẻ, hấp dẫn người đọc.

 

 nghe thuat dac sac trong doi mat nam cao

Đọc truyện Đôi mắt, chúng ta không thể quên được nhân vật Hoàng và “đôi mắt” nhìn đời, nhìn người của anh ta. Về phương diện nghệ thuật..Hoàng sống động không kém gì những nhân vật Chí Phèo, hay Bá Kiến của Nam Cao trước Cách mạng, mặc dù đây thực chất là nhân vật – tư tưởng, nhân vật – vấn đề như trong lí luận văn học thường gọi.

Nam Cao chính thức để cho văn sĩ Hoàng xuất hiện sau những suy nghĩ của Độ. Hoàng có dáng dấp của người no đủ, nhàn hạ. Nếu người đọc nhớ lại cuộc sống vô cùng thiếu thốn và gian khổ của dân tộc những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nếu chúng ta thừa nhận trong thực tế đôi khi vẫn có những nhà văn mập mạp, nhưng nhiều người vẫn thường quan niệm đã là nghệ sĩ thì thường là mảnh mai, gầy yếu, thì quả thật nhân vật Hoàng, ngay về hình thức đã lạc lõng với những người cùng giới. Nam Cao tả hình dáng của Hoàng khá tỉ mỉ, bằng giọng văn pha chút hài hước: “Anh bước đi khệnh khạng, thong thả bởi vì người anh khí to béo quá, vừa bước vừa bơi hai cánh tay kềnh kệnh ra hai bên, những khối thịt ở hai bên dưới nách kềnh ra trông tủn ngủn như ngắn quá…”. Trong con mắt của Độ, tuy đi tản cư nhưng ngoại hình của Hoàng chẳng khác gì hồi còn ở Hà Nội, trừ việc trên mép Hoàng có thêm “một cái vành móng ngựa ria, như một bàn chải nhỏ”. Gặp Độ, anh ta sững người ra một lúc rồi mới “lâm li kêu lên một tiếng ở trong cổ họng:
–    Ối giời ơi! Anh! Quý hóa quá!”
Như vậy, chỉ qua một số chi tiết tưởng như ngẫu nhiên nhưng kì thực rất chọn lọc, Nam Cao đã tìm cho nhân vật Hoàng hiện lên khá sinh động, khá cụ thể ngay ở những trang đầu tiên của truyện ngắn này. Tiếp theo, nhà văn để cho tính cách của Hoàng tiếp tục hiện lên qua dòng hồi tưởng của Độ. Hoàng “là một nhà văn, nhưng đồng thời là một tay chợ đen rất tài tình”. Giữa trận đói khủng khiếp, bạn bè “chỉ còn một dúm xương”, Hoàng vẫn kiếm nổi “mấy lạng thịt bò” cho chó bécgiê ăn. Anh ta còn có tật hay “đá bạn”, do tính đố kị với ai nổi hơn mình… Còn tài văn chương của nhân vật này, Nam Cao chỉ tóm gọn trong một câu qua suy nghĩ của Độ: “Có lẽ anh Hoàng biêt cái giới văn nghệ sĩ Hà Nội chửi anh nhiều quá”. Bằng dòng hồi tưởng của Độ, Nam Cao cho người đọc thấy sự nhất quán trong tính cách nhân vật Hoàng và giải thích thái độ sống lạc lõng của nhân vật này trong bối cảnh những năm đầu kháng chiến chông Pháp một cách rất tự nhiên, chân thật.
Nhân vật Hoàng đặc biệt sống động thể hiện rõ bản chất và cá tính qua những trang Nam Cao để cho Độ và vợ chồng Hoàng đối thoại, bình giá về người nông dân. Thực ra, Hoàng không có ý xuyên tạc hay vu cáo người nông dân. Những hiện tượng đại khái như lúc chị dâu đẻ em chồng không cho ở trong nhà, bắt ra cái lều ngoài vườn, “viết chữ sai vần mà cứ hay nói chuyện chính trị hoàn toàn có thể xảy ra ở nông thôn, một khi tuyệt đại đa số nông dân không biết chữ, nhưng ghét Tây, ủng hộ Việt Minh. Nhà văn này cơ bản không phải là một kẻ “phản động”. Điều đó khiến cho văn sĩ Độ trong câu chuyện với Hoàng, nhiều khi không những không phản bác anh ta, mà còn cung cấp thêm một số chi tiết về nhược điểm của nông dân như nhút nhát, nói ngọng, hát Tiến quân ca như buồn ngủ cầu kinh. Hoàng cũng có những nét khả thủ như dám bỏ nhà cao cửa rộng đi tản cư, tiếp đãi Độ rất niềm nở, thể hiện quan điểm một cách thẳng thắn… Nhắc tới những điều này để thấy rõ bản lĩnh nghệ thuật của Nam Cao; ông phát hiện miêu tả nhân vật này từ nhiều góc độ, không hề đơn giản một chiều (cái tốt, cái xấu đan chen vào nhau). Điều nổi bật là tuy sống gần nông dân, nhưng vợ chồng Hoàng không chịu nhìn, không chịu thấy phía cơ bản nhất của họ mà chỉ nhằm vào phía hài hước, phía đáng ghét của những người lam lũ này. Hoàng nói về nông dân một cách thật “nghệ sĩ”. Tiêu biểu nhất có lẽ là đoạn Hoàng kể cho Độ nghe về chuyện người thanh niên vác tre chỉ đường cho Hoàng đến chợ huyện. Từ cách gọi tên (“ông thanh niên”) đến lối miêu tả (“nghễu nghện vác bó tre đi tới”) đến cách trần thuật (một thanh niên ít học thật thà không biết cách chỉ đường khiến người hỏi lúng túng không biết đi ngã nào, nhưng lại có thể đọc thuộc lòng cả một bài “dài đến năm trang giấy về cuộc trường kì kháng chiến)… Rõ ràng, đây là một nghệ sĩ có tài quan sát phát hiện rất nhanh các chi tiết đặc biệt ở đối tượng, có khiếu kể chuyện sinh động, hài hước, có năng lực lố bịch hóa những nhân vật và hiện tượng mà anh ta không ưa. Đồng thời, đây cũng là một con người vừa kiêu ngạo, vừa ích kỉ, luôn nhìn người nông dân vói con mắt của kẻ bề trên. Trong không khí sôi sục của cuộc kháng chiến, khi cả dân tộc chấp nhận mọi hi sinh gian khổ vì sự nghiệp cứu nước, thì Hoàng vẫn sống một cách an nhàn no đủ, hút thuốc lá thơm, ăn mía ướp hoa bưởi, đọc Tam Quốc, tức là vẫn hoàn toàn đứng ngoài cuộc, vô trách nhiệm, Tóm lại, từ hình dáng đến ngôn ngữ cử chỉ… nhân vật này vừa có nhừng nét riêng biệt độc đáo vừa đại diện cho một lớp người mà có lẽ ở thời nào cũng có. Đọc truyện Đôi mắt, nhiều người cứ tưởng như mình đã gặp nhân vật Hoàng ở đâu đó trong giới văn nghệ sĩ thượng lưu, trưởng giả, sống cách biệt với nhân dân, thừa sự sắc sảo, nhưng thiếu cội rễ nhân ái cần thiết. Điều này chứng tỏ sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình của Nam Cao.
Ngoài ra, ở truyện ngắn này, Nam Cao đã thành công trong phép tương phản. Có thể nói toàn bộ tác phẩm được hình thành dựa trên sự tương phản của hai nhân vật Độ và Hoàng. Độ, gầy yếu, xoàng xĩnh, điềm đạm, rụt rè; Hoàng béo tốt, sang trọng, sắc sảo mạnh bạo, luôn lấn lướt Độ. Hoàng chỉ nhìn thấy mặt xấu của nông dân, còn Độ đánh giá họ một cách đúng đắn với tình cảm ưu ái, đôn hậu; Hoàng không thèm cộng tác với họ, chỉ giao lưu với đám “cặn bã của giới thượng lưu trí thức” (“Một ông tuần phủ về hưu, một ông đốc học bị thải hồi,… một cụ phán già”), còn Độ lại “mê mải đi sâu vào quần chúng để học hỏi và dạy họ, đồng thời tìm những cảm hứng mới cho văn nghệ”. Thực ra, bên trong vẻ “rụt rè” của Độ là một sự nhận thức vô cùng đúng đắn và sắc sảo. Độ nhìn Hoàng bằng con mắt tinh tường, anh thấu hiểu bản chất sâu xa của con người này và phê phán một cách nghiêm khắc: “Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản”. Độ vượt Hoàng ở cách nhìn, mà trước hết ở trách nhiệm của một công dân đối với vận mệnh của đất nước. Nam Cao đã xây dựng Độ – đại diện cho những nhà văn tiến bộ để phủ nhận nhân vật Hoàng – đại diện cho một số văn nghệ sĩ cũ kĩ, lạc hậu. Sự phủ nhận này được thể hiện một cách hết sức âm thầm lặng lẽ nhưng triệt để và sâu sắc. Ở đây, bút pháp tương phản đã mang lại hiệu quả đáng kể, khắc sâu nội dung tư tưởng của thiên truyện.
Bên cạnh nghệ thuật xây dựng nhân vật và bút pháp tương phản đã nêu ở trên, ở truyện ngắn này, Nam Cao đã phát huy cao độ một trong những sở trường của cây bút hiện thực trước Cách mạng: kết hợp tài tình thái độ điềm đạm khách quan với khuynh hướng châm biếm sắc sảo, kín đáo. Tiêu biểu nhất có lẽ là đoạn Nam Cao dẫn lời nói và tả cách nói của vợ chồng Hoàng về những mặt hạn chế của nống dân. Hoàng kể về họ với giọng mỉa mai chế giễu: “Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài, theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối”. Nói đến họ là Hoàng “tức tối”, “cười gằn”, “trợn mắt”…, ngay cách gọi của nhân vật này đôi với nông dân cũng đầy vẻ khinh thi, ác cầm “các ông ủy ban, các bố tự vệ”, “các ông thanh niên, các bà phụ nữ”… Mặc dù cặp vợ chồng này thay nhau chế nhạo nông dân (và dường như Nam Cao đã phản ánh điều đó trung thực với thái độ khách quan lạnh lùng) nhưng qua đấy, người đọc vẫn cảm nhận được những người thiển cận, hiện lên một cách lố bịch, không phải là những người nông dân “dốt nát”, “nhặng xị”, “lỗ mãng, ích kĩ, tham lam, bần tiện”… mà chính là vợ chồng Hoàng sống phong lưu, nhàn hạ có vẻ rất “trí thức”.
Cũng như một số tác phẩm như Chí Phèo, Đời thừa và Sống mòn trước Cách mạng; trong truyện Đôi mắt, Nam Cao chứng tỏ tài năng dựng truyện của một cây bút bậc thầy. Các chi tiết luôn được phát triển, luôn được biến hóa có vẻ như hết sức phóng túng, nhưng kì thực chúng đều tuân thủ theo một lôgíc chặt chẽ nhằm tập trung khắc họa đậm nét chủ đề tư tưởng. Chẳng hạn, ngay ở đoạn đầu, Độ đến cổng nhà Hoàng, anh định vào, nhưng liền bị anh thanh niên vội ngăn lại vì biết nhà Hoàng nuôi “con chó to và dữ lắm”. Từ chi tiết này, Độ nhớ tới “những lần đến chơi nhà anh Hoàng ở Hà Nội”, nhớ tới con chó “to bằng con bê” mà Hoàng nuôi. Và tiếp theo qua hồi tưởng của Độ dần dần một phần tính cách của Hoàng được miêu tả một cách hết sức tự nhiên, Thái độ ân cần, vồn vã đặc biệt của Hoàng lại khiến Độ nhớ tới tình cảm lạnh nhạt của anh ta đối với mình hồi ở Hà Nội. Tiếp theo, Độ nghĩ đến cái tật “đá bạn”, nghĩ tới việc anh ta ra tờ báo với mục đích đê tiện… Có thể nói quá khứ và hiện tại của Hoàng cứ đan xen vào nhau cùng hiển hiện trên giấy chi tiết trước gọi chi tiết sau, không có chi tiết nào thừa, không có chi tiết nào khiến người dọc có thể đặt câu hỏi nghi ngờ về ý nghĩa chân thực của nó. Và dường như, toàn bộ “đôi mắt” lệch lạc của Hoàng nói riêng, và tính cách của anh ta nói chung đã được mô tả, đã được lí giải một cách hết sức chặt chẽ và nhất quán bằng những dòng hồi tưởng của Độ ở đầu truyện. Gần đây, có người nhân danh đổi mới, thanh minh cho Hoàng, trong đó phần nào có một vài chi tiết có thể chấp nhận được, nhưng nhìn chung chứng tỏ chưa hiểu đầy đủ dụng ý nghệ thuật của Nam Cao.
Ngoài ra, Đôi mắt cũng có thể coi là một truyện ngắn không có chuyện. Cốt truyện tác phẩm này thật đơn giản, xoay quanh việc Độ – một nhà văn đang làm công tác tuyên truyền kháng chiến đến nhà Hoàng – một nhà văn đàn anh, giàu có, vốn sống ở Hà Nội, nay đang cùng gia đình tản cư về nông thôn, sông gần gũi với người “nhà quê”. Độ đến thăm Hoàng với mục đích vận động nhà văn này cộng tác với mình. Anh đã được gia đình Hoàng tiếp đãi cởi mở, chu đáo. Nhưng sau khi thấy được bản chất “đôi mắt” của Hoàng (thông qua cách nhìn, cách nghĩ và cách sống của nhà văn này), Độ không dám nói ra dụng ý đến thăm của mình, mà “đành giữ kín trong lòng”… Không gian và thời gian của truyện cũng rất hạn hẹp. Tuy vậy, từ những chi tiết bình thường, từ một truyện hầu như không có chuyện, bằng tài năng của mình, Nam Cao đã thể hiện được một nội dung tư tưởng sâu sắc, có giá trị khái quát rộng lớn không những đối với các nhà văn trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp mà đối với giới nghệ sĩ sau này: “Đôi mắt” là cách nhìn đời, nhìn người và bao giờ cũng hết sức quan trọng đối với những nghệ sĩ chân chính. Phải có chỗ đứng đúng, thì mới có cách nhìn nhận đúng. Nếu như trước Cách mạng, Nam Cao hay đi vào bi kịch tâm hồn của người trí thức, mong muốn có sự thay đổi hoàn cảnh để họ được phát triển, thì nay ông đặt vấn đề trách nhiệm của trí thức trước sự nghiệp chung của dân tộc. Điều này chứng tỏ sự chuyển biến của một nhà văn lớn ở những giai đoạn khác nhau của văn học và lịch sử.
Tóm lại, truyện ngắn Đôi mắt thể hiện khá rõ nghệ thuật đặc sắc của nhà văn lớn Nam Cao. Từ việc xây dựng nhân vật điển hình đến bút pháp tương phản, từ cách xây dựng truyện đến nghệ thuật trần thuật, đến việc đặt nhan đề tác phẩm… nhà văn đều có thành công ở các mức độ khác nhau. Tất cả những điều này khiến cho ý tưởng sâu sắc của tác phẩm được khắc họa một cách sinh động hấp dẫn. Đôi mắt xứng đáng được xếp vào loại những truyện ngắn hay nhất sáng tác sau Cách mạng tháng Tám.

Thảo luận cho bài: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đôi mắt.