Phân tích hình tượng người lái đò trên sông Đà
Hướng dẫn phân tích:
I.Mở bài
Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa , uyên bác , cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống . Ông có sở trường về thể loại tuỳ bút . Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tuỳ bút “ Người lái đò sông Đà” .
Tác phẩm đã không chỉ khắc hoạ vẻ đẹp đa dạng vừa hung bạo vừa trữ tình của con sông Đà mà đặc biệt còn ca ngợi vẻ đẹp của hình tượng người lái đò giản dị mà kì vĩ trên dòng Đà giang.
- Thân bài
1.Giới thiệu chung .
Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” ddược in trong tập tuỳ bút “Sông Đà” (1960), gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp,đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958.
2.Phân tích nhân vật người lái đò .
– Người lái đò hiện lên trước hết là một người lao động từng trải , có nhiều kinh nghiệm đò giang , có lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, nhanh nhẹn và cả sự quyết đoán nữa. Nguyễn Tuân đưa nhân vật của mình vào ngay hoàn cảnh khốc liệt mà ở đó, tất cả những phẩm chất ấy được bộc lộ, nếu không phải trả giá bằngchính mạng sống của mình. Nhà văn gọi đây là cuộc chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên một quãng thuỷ chiến ở mặt trận sông Đà. Đó chính là cuộc vựơt thác đầy nguy hiểm chết người, diễn ra nhiều hồi, nhiều đợt như một trận đánh mà đối phương đã hiện ra diện mạo và tâm địa của kẻ thù số một : “Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong dòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này… Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền , một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn… Trong thạch trận ấy, người lái đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Khi sông Đà tung ra miếng đòn hiểm độc nhất là nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng đặng lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt, ông lão vẫn không hề nao núng, bình tĩnh, đầy mưu trí như một vị chỉ huy, lái con thuyền vượt qua ghềnh thác. Ngay cả khi bị thương, người lái đò vẫn cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. “Phá xong cái trùng vi thạch trận thứ nhất”, người lái đò “phá luôn vòng vây thứ hai”. Ông lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá.Đến vòng thứ ba, ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả, nhưng người lái đã chủ động “tấn công”: Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Trong cuộc chiến không cân sức ấy , người lái đò chỉ có một cán chèo , một con thuyền không có đường lùi còn dòng sông dường như mang sức mạnh siêu nhiên của loài thuỷ quái . Tuy nhiên , kết cục cuối cùng , người lái đò vẫn chiến thắng , khiến cho bọn đá tướng tiu nghỉu bộ mặt xanh lè vì phải chịu thua một con thuyền nhỏ bé .
– Người lái đò trong tác phẩm là một người lao động vô danh , làm lụng âm thầm , giản dị , nhờ lao động mà chinh phục được dòng sông dữ , trở nên lớn lao , kì vĩ , trở thành đại diện của CON NGƯỜI . Người lao động nhờ ý chí kiên cường , bền bỉ , quyết tâm mà chiến thắng sức mạnh thần thánh của thiên nhiên . Đó chính là yếu tố làm nên chất vàng mười của nhân dân Tây Bắc .
– Nổi bật nhất, độc đáo nhất ở người lái đò sông Đà là phong thái của một nghệ sĩ tài hoa… ( các bạn tự phân tích thêm ý này nhé)
III . Kết bài
Tuỳ bút “ Người lái đò sông Đà” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tài hoa uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân . Tác phẩm không chỉ ngợi ca vẻ đẹp kì vĩ thơ mộng của thiên nhiên Tây bắc mà còn ca ngợi vẻ đẹp bình dị , anh hùng mà tài hoa của người dân lao động nơi đây . Qua đó , nhà văn Nguyễn Tuân bộc lộ tình yêu đất nước , niềm tự hào hứng khởi , gắn bó tha thiết với non sông Việt Nam