Đề thi học sinh giỏi ngữ văn 11 cấp trường Lê Viết Thuật

Đề thi học sinh giỏi ngữ văn 11 cấp trường Lê Viết Thuật

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 11 trường Quỳnh Lưu 2 năm 2012-2013

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG

Năm học 2008 – 2009

Môn thi: NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1:  (6 điểm)

Khi bàn về bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ chỉ là sự cổ động cho lối sống gấp, tiêu cực, vị kỉ và hưởng lạc”

Anh, chị hãy viết một bài nghị luận ngắn trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên (Bài viết không quá 1 trang)

Đề thi học sinh giỏi ngữ văn 11 cấp trường Lê Viết Thuật

Đề thi học sinh giỏi ngữ văn 11 cấp trường Lê Viết Thuật

Câu 2: (7 điểm)

Hình tượng đám tang trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng.

Câu 3: (7 điểm)

Đánh giá về bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận có ý kiến cho rằng: “Tràng giang” đã nối tiếp mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực.

Anh/ chị hãy làm rõ “sự cách tân đích thực” của Huy Cận trong bài thơ này.

HƯỚNG DẪN CHẤM THI

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG

Năm học 2008 – 2009

Môn Ngữ Văn 11

( Đáp án và biểu điểm gồm 03 trang)

I.Yêu cầu chung.

  1. Có kĩ năng làm văn nghị luận tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, ít mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Thí sinh có thể lựa chọn nhiều cách trình bày, nhiều phương thức: thuyết minh, phân tích, nghị luận, phát biểu cảm nghĩ…
  2.  Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, định hướng, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng Hướng dẫn chấm. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể; trân trọng những bài có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong Hướng dẫn chấm, miễn là hợp lý, có sức thuyết phục.
  3. Tổng điểm toàn bài: 20,0, chiết đến 0,5. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số thang điểm chính; trên cơ sở đó, giám khảo có thể bàn bạc thống nhất định ra các thang điểm chi tiết.

II.Yêu cầu cụ thể:

Câu 1: (6điểm)

  1. a) Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận sử dụng thao tác bác bỏ để phản bác một ý kiến chưa  đúng đắn về bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

  1. b) Yêu cầu về kiến thức:
  2. Thế nào là lối sống gấp, tiêu cực, vị kỉ và hưởng lạc?

– Đó là một lối sống khẩn trương, gấp gáp, đua tranh với thời gian để tận hưởng những lạc thú vật chất ở đời vì lợi ích của cá nhân thấp hèn…

  1. Bài thơ Vội vàng có phải đã thể hiện lối sống gấp, tiêu cực, vị kỉ và hưởng lạc?

– Xuân Diệu cũng đã có lần khuyên người ta đến với những thú vui tầm thường: “Say đi em cho lơi lả ánh đèn”, để con người ngập ngụa trong đắm say xác thịt, đưa người ta đến cuối xứ mê li, cùng trời khoáng đãng, để quên hết tất cả? Nhưng không, đó không phải là toàn bộ sự nghiệp thơ Xuân Diệu ! Thơ Xuân Diệu không như vậy!

– Xuân Diệu qua bài thơ Vội vàng thể hiện một khát khao tận hưởng mọi hương sắc diệu kì của cuộc sống nơi trần thế nên đã níu giữ thời gian, đoạt quyền của tạo hóa, muốn tắt nắng, buộc gió… “Tôi muốn tắt nắng đi…bay đi…”

– Nhà thơ phát hiện một thiên đường trên mặt đất: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật…Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Nếu Thế Lữ khuyên người ta lên tiên mà ở… thì Xuân Diệu lại đẩy người ta về với trần gian, cõi tục…Hạnh phúc ở ngay nơi trần thế…

– Vì thế Xuân Diệu muốn chúng ta hãy chạy đua với thời gian, tận hưởng cái đẹp của mùa xuân và tuổi trẻ, nhà thơ không muốn chúng ta tiêu phí cuộc đời vào những trò cuồng say vô nghĩa mà phải hiến dâng đến tận cùng tuổi xuân… “Ta muốn ôm…riết…say…thâu…cắn…”

  1. Kết luận

– Vì vậy không thể coi bài thơ Vội vàng là bài thơ cổ động cho lối sống gấp, vị kỉ và tiêu cực.                –   Bài thơ là sự khao khát sống mãnh liệt, tận dâng, tận hiến, rất đáng đề cao.

  1. c) Cách cho điểm:

– Điểm 6: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

– Điểm 4: Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi diễn đạt.

– Điểm 2: Nội dung sơ sài, diễn đạt kém.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

Câu 2:

  1. a) Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận văn học phân tích một hình tượng. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

  1. b) Yêu cầu về kiến thức:
  2. Giới thiệu vài nét về tác giả Vũ Trọng Phụng, tác phẩm Số đỏ, đặc biệt là đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” và hình tượng đám tang cụ tổ.
  3. Hình tượng đám tang được thể hiện trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”:

– Đó là một đám ma sang trọng: Kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu… thi nhau rộn lên…

– Đó là một đám tang theo ba hình thức Tây, Tàu, ta: có 300 câu đối, vài trăm người đi đưa, cậu Tú Tân chỉ huy đám tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ, những ông tai to mặt lớn đi sát bên linh cữu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn khi nghe tiếng kèn xuân nữ ai oán não nùng…

– Đó là một đám tang mà chính tác giả viết: “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật gù cái đầu… Đó là một đám tang của người chết trở thành ngày hội của người sống…

– Đó là một đám tang “đưa đến đâu huyên náo đến đấy. Cả thành phố nhốn nháo cả lên khen đám ma to, đúng với ý muốn của cụ cố Hồng”

– Đó là một cuộc diễu hành “Đám cứ đi”, nhưng tự nó đã phơi bày tất cả sự xấu xa, kệch cỡm của xã hội thị dân… Họ đi đưa đám nhưng là để “bàn về chuyện vợ con, nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may…” Họ đi đưa đám là để “chim nhau”, cười tình với nhau, để được khoe râu ria các kiểu, để được trưng bày các kiểu huân huy chương…với một “vẻ mặt buồn rầu của người đi đưa đám ma”…

  1. 3. Bút pháp xây dựng hình tượng

– Hình tượng được xây dựng chủ yếu băng bút pháp hiện thực: tả bao quát toàn cảnh và tả chi tiết, cụ thể từng sự việc, cử chỉ, hành động…

– Hình tượng còn được xây dựng bằng bút pháp trào phúng với các thủ pháp: cường điệu, châm biếm giễu nhại, nói ngược, tương phản đối lập, xây dựng mâu thuẫn trào phúng…

  1. Ý nghĩa của hình tượng:

– Phản ánh thực trạng xã hội thối nát, giả dối, đạo lí suy đồi…

– Bằng bút pháp trào phúng, bản chất hình tượng đã phơi bày những trò hề vĩ đại của cái xã hội “khốn nạn”, “chó đểu”, “vô nghĩa lí”: đám tang Cụ cố tổ.

– Hình tượng đã góp phần hình thành phong cách nhà văn, tạo nên một Vũ Trọng Phụng xứng đáng là “Ông vua phóng sự đất Bắc kì”

  1. c) Cách cho điểm:

– Điểm 7: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

– Điểm 4: Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi diễn đạt.

– Điểm 2: Nội dung sơ sài, diễn đạt kém.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

Câu 3:

  1. Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm

– Huy Cận là một nhà thơ xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào Thơ mới 1932 – 1945.

– “Tràng giang” (sáng tác 1939, in trong tập “Lửa thiêng”) là bài thơ nổi tiếng và tiêu biểu nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. “Tràng giang” đã tiếp nối mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực.

  1. Giải thích nhận định

–  Mạch thi cảm truyền thống: cảm hứng sáng tác của văn học truyền thống thường thiên về nỗi buồn: Nỗi buồn về thế thái nhân tình; buồn về cái nhỏ bé hữu hạn của đời người trước cái vô hạn, vô biên của đất trời – “nỗi sầu vũ trụ”; buồn về quê hương đất nước, về thân phận người lữ khách xa quê, cái buồn biệt ly, xa cách…

– Sự cách tân đích thực: Đó là sự đổi mới trong thi ca hiện đại ở cách nhìn, cách cảm, quan niệm thẩm mỹ và những phương thức biểu đạt rất mới.

  1. Phân tích bài thơ “Tràng giang” để làm nổi bật một vế của nhận định: Sự cách tân đích thực của Huy Cận trong bài thơ

– Hình ảnh thơ không hề sử dụng những ước lệ, tượng trưng truyền thống… mà rất giản dị, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của con người Việt Nam…

– Huy Cận đến với không gian truyền thống nhưng lại mở rộng không gian ấy ra ba chiều tít tắp, vô tận đến mênh mông (dài, rộng, cao):

“Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Đó là không gian ta thường thấy trong những bức hoạ Phục hưng phương Tây hay trong những bài thơ lãng mạn Pháp.

– Nhưng câu thơ Nắng xuống trời lên sâu chót vót mới thực sự gây ấn tượng mạnh bởi lối dùng từ mới mẻ, táo bạo ( cách dùng hình dung từ sâu chót vót thay cho cách diễn đạt thông thường cao chót vót ) vừa mở ra chiều cao mênh mang đến thăm thẳm của bầu trời vừa diễn tả nỗi cô đơn của cái tôi trữ tình, đặc biệt là cảm giác rợn ngợp của con người hữu hạn trước một vũ trụ vô biên.

– “Tràng giang” còn là sự cách tân trong cách thể hiện cảm xúc. Khi đến với nỗi cô đơn bé nhỏ của con người, Huy Cận đưa nỗi buồn từ xa về gần, là cõi con người bằng hình ảnh cụ thể, dung dị, sáng tạo: “Củi một cành khô”, “bèo dạt hàng nối hàng”, “bến cô liêu”… Đó là nỗi niềm, là tâm sự của cả một thế hệ trước thời đại.

– Sự cách tân còn thể hiện ở việc sáng tạo, đưa vào những cảm xúc mới khi muợn tứ thơ của Thôi Hiệu:

Xưa Thôi Hiệu nhìn khói sóng trên sông mà chạnh nỗi nhớ nhà; nhưng nay đến Huy Cận nỗi nhớ ấy thường trực, có sẵn trong lòng, được dâng lên cao độ hơn, cùng cách diễn đạt cũng tân kỳ, sáng tạo hơn: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

– Thể thơ thất ngôn nhưng bị gò ó trong niêm luật của thơ trung đại mà với nhạc điệu phong phú, từ ngữ giản dị, hàm súc, tinh tế đã đem lại cho “Tràng giang” một sự hài hoà giữa ý và tình, giữa cổ điển và hiện đại.

  1. Nêu những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân về giá trị và sự đóng  góp tích cực của Huy Cận trong phong  trào Thơ mới nói riêng và cho thơ ca Việt Nam nói chung qua bài thơ “Tràng giang”
  2. c) Cách cho điểm:

– Điểm 7: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

– Điểm 4: Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi diễn đạt.

– Điểm 2: Nội dung sơ sài, diễn đạt kém.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

Thảo luận cho bài: Đề thi học sinh giỏi ngữ văn 11 cấp trường Lê Viết Thuật