Phân tích chứng minh quan điểm sáng tác của Bác (Hồ Chí Minh)

Đề bài: Nêu tóm tắt quan điểm sáng tác nghệ thuật của Hồ Chí Minh. Chứng minh sự thể hiện quan điểm ấy qua các sáng tác của người.

Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng, là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Bên cạnh sự nghiệp cứu nước vĩ đại, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản văn chương vô cùng quý giá. Bác không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương và chưa bao giờ tự nhận mình là văn nghệ sĩ. Bác viết văn, làm thơ trước hết và chủ yếu do nhận thấy văn chương là vũ khí sắc bén chống quân thù và là phương tiện thuận lợi để tuyên truyền cách mạng. Nhưng cũng có lúc Bác làm thơ để giãi bày xúc cảm trước vẻ đẹp của cảnh vật, con người. Văn thơ Bác có hai loại nhưng thường quy vào một hướng.

Bác coi sáng tác văn học trước hết là một nhiệm vụ chính trị, cách mạng. Cho nên trước khi đặt bút, Bác thường đặt ra những câu hỏi: Viết để làm gì ? Viết cho ai ? Viết như thế nào ? Mỗi bài viết của Bác đều nhằm phục vụ một mục đích cụ thể, một đối tượng cụ thể, vì thế mà văn phong của Bác vô cùng linh hoạt và đa dạng. Trong một bức thư gửi các họa sĩ (1951), Bác viết : Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Đây chính là quan điểm nghệ thuật được thể hiện nhất quán trong toàn bộ sáng tác của Hồ Chí Minh.

Hơn nửa thế kỉ hoạt động cách mạng, Bác đã trải qua nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau, tiếp xúc với nhiều đối tượng. Tùy từng tình huống, từng nhiệm vụ chính trị mà Bác có bài viết cho thích hợp. Do vậy từ nội dung đến hình thức, từ tư tưởng đến phong cách viết, Bác đã luôn luôn thay đổi cho phù hợp. Điều đó tạo nên đặc điểm phong phú, đa dạng trong sự nghiệp văn học của Bác.

Trong những thập kỉ đầu của thế kỉ XX, Bác sống và hoạt động ngay giữa hang ổ kẻ thù (Pari). Bác đã viết một số tác phẩm bằng tiếng Pháp (Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Lời than vãn của bà Trưng Trắc…) theo phong cách văn xuôi hiện đại châu Âu, nhằm mục đích tố cáo những âm mưu thâm độc, xảo quyệt của thực dân Pháp và bản chất xấu xa, hèn hạ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn tay sai bán nước. Đối tượng mà Bác tác động đến là nhân dân Pháp và những người nước ngoài biết tiếng Pháp. Các tác phẩm trên đã gây ra một tiếng vang lớn lúc bấy giờ trong dư luận.

 

quan diem sang tac cua ho chi minh

Bác Hồ thường viết văn chính luận. Những vấn đề Bác nói đến không ngoài nội dung tuyên truyền cách mạng, giáo dục, tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc. Các tác phẩm tiêu biểu như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn Độc lập, Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… đều có đặc điểm là nội dung thiết thực, cụ thể, lí luận chặt chẽ, sắc bén, lối viết ngắn gọn, linh hoạt và thể hiện vốn kiến thức sâu rộng, vững chắc của Người.

Nói về sáng tác của Hồ Chí Minh, chúng ta phải nhắc đến thơ chiếm một số lượng khá lớn. Bác làm thơ bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ và nhiều thể loại khác nhau (tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, song thất lục bát…) tùy theo hoàn cảnh và đối tượng phục vụ. Nhật ký trong tù là cuốn nhật ký viết bằng chữ Hán, dưới dạng thơ, ghi lại cụ thể diễn biến của mười bốn tháng Bác sống trong ngục tù của chính quyền quân phiệt Tưởng Giới Thạch từ năm 1942 đến 1943. Nhật ký trong tù là một tài liệu lịch sử vô giá, đồng thời là một tác phẩm văn chương lớn, nội dung toát lên vẻ đẹp lạ thường của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác sáng tác nhiều bài ca dưới hình thức văn vần để giác ngộ quần chúng: Bài ca binh lính, Bài ca sợi chỉ, Bài ca đoàn kết… Bác viết thật dễ hiểu, dễ nhớ để quần chúng có trình độ thấp dễ tiếp thu. Đó là chủ ý của Bác và Bác đã từng phê phán cách viết cầu kì, sính dùng chữ hoặc dài dòng “dây cà ra dây muống” không phù hợp với quần chúng nhân dân.
Kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp gian khổ, ác liệt là thế; Bác lại phải gánh vác trách nhiệm cứu dân, cứu nước; song không vì vậy mà Người quên văn chương. Trái lại, Bác vẫn coi văn chương là một bộ phận không thể thiếu của đời sống kháng chiến. Thời kì này, Bác sáng tác những bài thơ vừa có tính hiện thực sâu sắc vừa đậm đà chất lãng mạn cách mạng: Cảnh khuya, cảnh rừng Việt Bắc, Tức cảnh Pác Bó, Đi thuyền trên sông Đáy, Rằm tháng Giêng, Tin thắng trận, Lên núi, Tặng cụ Bùi… nội dung chủ yếu là ca ngợi kháng chiến, thể hiện niềm tin tưởng sâu xa vào thắng lợi tất yếu của kháng chiến, ca ngợi nghĩa tình thủy chung, gắn bó giữa quần chúng và cách mạng, đồng thời vẽ nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Rằm tháng Giêng)
Bác khẳng định một cách kín đáo: không có thơ ở ngoài cuộc sống của toàn dân tộc và hiện thực hào hùng của kháng chiến là nguồn thi hứng không bao giờ vơi cạn đối với các nhà thơ:
Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.
(Tin thắng trận)
Những sinh hoạt kháng chiến cũng được Bác đưa vào trong thơ với vẻ đẹp trữ tình hiếm có:
Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi ghé nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài.
(Tặng cụ Bùi)
Quách Mạt Nhược, một nhà phê bình lí luận văn học hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc đã nhận xét: “Thơ trong tập Nhật kí trong tù nhiều bài hay, đẹp chẳng kém gì thơ Đường, thơ Tống”. Ấy thế nhưng tác giả của những vần thơ điêu luyện ấy đã từng viết:
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
(Đề từ)
Văn học không phải là sự nghiệp chính của Chủ tịch    Hồ Chí     Minh. Bác làm văn chương trước hết là để phục vụ cách mạng, nhưng khi sáng tác Bác rất say mê và nghiêm túc, cho nên Người đã vô tình để lại trong kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị lớn lao về nội dung và nghệ thuật.

Thảo luận cho bài: Phân tích chứng minh quan điểm sáng tác của Bác (Hồ Chí Minh)