Ôn thi bài Hai đứa trẻ

Ôn thi bài Hai đứa trẻ

Thạch Lam đã gián tiếp phản ánh và tố cáo cái xã hội ngột thở, tù đọng, trong đó, cuộc sống con người đang mất hết ý nghĩa, đang bị dồn đến chân tường bế tắc.

Mời các em học sinh tham khảo thêm:

Soạn bài: Thao tác lập luận so sánh ( mẫu 1 )

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả

  • Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân, sinh ra ở Hà Nội.
  • Là em ruột của Nhất Linh và Hoàng Đạo, cả ba đều là thành viên nhóm Tự lực văn đoàn.
  • Thuở nhỏ sống ở quê ngoại: phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

2. Tác phẩm chính

  • Truyện ngắn

+ Gió đầu mùa (1937)

+ Nắng trong vườn (1938)

+ Sợi tóc (1942)

  • Tiểu thuyết: Ngày mới (1939)
  • Tùy bút: Hà Nội băm sáu phố phường (1943)
  • Tiểu luận: Theo dòng (1941)

3. Phong cách sáng tác

  • Có biệt tài về truyện ngắn.
  • Truyện của ông thường không có cốt truyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật và những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày.
  • Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc.
Ôn thi bài Hai đứa trẻ

Ôn thi bài Hai đứa trẻ

II. Tác phẩm ” Hai đứa trẻ”

1. Xuất xứ

  • Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam.
  • Rút ra từ tập Nắng trong vườn.

2. Thể loại

  • Hai đứa trẻ là truyện ngắn đậm chất trữ tình.

Đặc điểm truyện:

  • Không có cốt truyện với tình huống gay cấn, éo le, mâu thuẫn xung đột.
  • Không có những bước xoay chuyển số phận nhân vật.
  • Truyện giống như một bài thơ không vần đậm chất thơ, dễ tác động vào tình cảm.

Kết cấu

  • Theo sự vận động của thời gian: chiều ® đêm ®
  • Theo diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên: buồn man mác ® buồn khắc khoải ® buồn thấm thía, lắng sâu.
    1. Đọc – hiểu văn bản
    2. Đọc: Giọng đọc chậm rãi, nhẹ nhàng, gợi được không khí làng quê toát ra từ các câu văn của Thạch Lam. Từ đó nêu cảm nhận về không khí nơi phố huyện: Đó là một không khí lụi tàn, mòn mỏi. Nó toát lên từ không gian đến thời gian, từ nhân vật đến các đồ vật hiện hữu xung quanh con người, từ giọng điệu đến nhịp điệu của thiên truyện này.
    3. Tóm tắt
  • Hai đứa trẻ tên là Liên và An được mẹ giao trông coi một hàng quán nhỏ. Chiều nào cũng vậy, sau khi dọn hàng xong, hai đứa trẻ lại cố thức để đợi chuyến tàu đêm qua phố huyện.
  • Phố huyện hiện lên trong tác phẩm qua ba thời điểm: chiều tối, đêm khuya và khi chuyến tàu đến rồi đi.
  • Nhân vật chính: hai chị em Liên, nhất là Liên. Nhân vật phụ: mẹ con chị Tí, gia đình bác xẩm, bác Siêu, cụ Thi điên.

3.Tìm hiểu nội dung tác phẩm.

a/ Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn.

* Bức tranh cảnh vật

  • Âm thanh: tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve.
  • Hình ảnh, màu sắc: phương tây đỏ rực như lửa cháy, những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn, dãy tre làng đen lại..

-> Buổi chiều quê êm ả, gần gũi, bình dị như bao buổi chiều quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Tuy nhiên buổi chiều này cũng gợi lên chút gì hiu hắt.

Mở rộng thêm: Trong câu: Chiều, chiều rồi, phải chăng Thạch Lam đã viết thừa một chữ chiều?

Không. Vì:

  • Ngoài nội dung thông báo về thông tin: buổi chiều đã đến, thì còn có thông tin về tâm trạng mà nếu bỏ mất một chữ chiều thì câu văn sẽ chưa truyền tải được (do thiếu nhịp điệu).
  • Nếu không có chữ chiều tưởng như là thừa ra đó, sự buông lơi êm đềm của câu sau sẽ ít có hiệu quả hơn.
  • Hai chữ chiều lặp lại gợi lên một sự lặp lại quen thuộc, tẻ nhạt.

Nghệ thuật:

  • Nhịp điệu câu văn: chậm rãi
  • Hình ảnh: giàu hình ảnh và nhạc điệu.
  • Câu văn mộc mạc, giản dị nhưng khơi dậy được cái hồn của cảnh vật, làm người đọc bị cuốn theo những cảm xúc lắng sâu của nhân vật.

* Bức tranh con người

  • Cảnh chợ: người về hết, tiếng ồn ào cũng mất, trên mặt đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị…
  • Con người: lầm lũi trong bóng tối.
  • Bao quanh những con người này là những đồ vật tàn: một ngôi quán ọp ẹp, cái chõng sắp gãy, một cái đàn còm, manh chiếu rách…

-> Cuộc sống tàn tạ, nghèo đói.

* Nổi bật lên trong bức tranh phố huyện ấy là chị em Liên:

  • Lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.
  • Động lòng thương đối với lũ trẻ nhà nghèo nhưng chính chị cũng không có tiền để cho chúng.
  • Xót thương cho mẹ con chị Tí (thể hiện qua lời văn, giọng văn: Ngày, chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này [..]. Để bán cho ai?[…]Chị Tí chả kiếm được bao nhiêu….).

-> Là người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người.

Thái độ, tình cảm của nhà văn:

  • Tình cảm yêu mến, gắn bó đối với thiên nhiên, quê hương, đất nước.
  • Niềm xót thương đối với những kiếp người nghèo khổ.

b/ Phố huyện lúc đêm khuya.

* Ý nghĩa biểu tượng của bóng tối và ánh sáng.

  • Miêu tả bằng hai cách:

+ Miêu tả trực tiếp bóng tối;

+ Thông qua ánh sáng để nói về bóng tối.

Bóng tối Ánh sáng
–      Trong cửa hàng hơi tối–         Đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần

–      Những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối

–       Trời nhá nhem tối

–       Một đêm mùa hạ êm như nhung

–       Đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tối

–        Tối hết cả, con đường thăm thẳm…, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa.

 

–         Đèn hoa kỳ leo lét–         Đèn dây sáng xanh

–         Cửa hé một khe ánh sáng

–         Vòm trời hàng ngàn ngôi sao  sáng lấp lánh

–         Quầng sáng thân mật xung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tý.

–         Một chấm lửa nhỏ, vàng lơ lửng đi trong đêm tối

–       Ngọn đèn của Liên, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa.

->Bóng tối đậm đặc dường như bao phủ toàn bộ không gian, nhìn đâu cũng thấy một màu tối. Không gian tối tăm nên càng trở nên tịch mịch.

Các loại ánh sáng

+ Thiên tạo: đom đóm, vì sao

+ Nhân tạo: ánh sáng ngọn đèn nơi hàng nước chị Tý, bếp lửa của bác Siêu, ngọn đèn của Liên…

+ Đoàn tàu

Trong số ánh sáng được nói đến, nhà văn đặc biệt quan tâm đến hai loại ánh sáng:

+ Ánh sáng ngọn đèn nơi hàng nước của chị Tý

+ Ánh sáng đoàn tàu.

Tương quan giữa ánh sáng và bóng tối:

+ Bóng tối bao trùm cảnh vật.

+ Ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt.

-> Ánh sáng xuất hiện chỉ nhằm tô đậm thêm cho bóng tối.

->Biểu tượng cho những con người bé nhỏ, vô danh đang sống âm thầm, lặng lẽ trong đêm tối mênh mông của xã hội.

* Đời sống của những kiếp người nghèo khổ trong bóng tối.

  • Hình ảnh mẹ con chị Tí: ;là nhân vật điển hình nhất cho cuộc sống lay lắt, ngoi ngóp, quẩn quanh của phố huyện. Ngày thì mò cua, bắt tép, tối đến lại đội cái chõng tre tàn ra sân ga bày hàng nước bán. Dẫu biết rằng cũng chẳng ăn thua gì những vẫn phải đi.

-> Đó không phải là sống mà chỉ như một sự cầm chừng, cầm cự, một việc làm theo thói quen.

  • Bác phở Siêu, gia đình bác xẩm:

+ Bác phở Siêu, lưng vốn có vẻ khá hơn, nhưng lại là mối hàng nhiều nguy cơ nhất, vì ở nơi phố huyện này món hàng của bác được coi như một món hàng xa xỉ mà chị em Liên cũng chỉ dám mơ tới.

+ Vợ chồng bác xẩm rách rưới, tiếng đàn run lên bần bật.

  • Cụ Thi điên:

+ Cụ như là kết quả của cái hoàn cảnh sống tù đọng, quẩn quanh ở đây. Cụ là hiện thân của một kiếp người đã tàn lụi quá nhiều.

+ Con người ấy là người duy nhất có tiếng cười to trong phố huyện này. Những tưởng tiếng cười ấy sẽ đem lại hơi ấm và sinh khí cho phố huyện, nhưng đáng buồn thay đó chỉ là tiếng cười của một người hơi điên và hơi say. Do đó câu truyện chỉ càng thêm giá lạnh.

  • Đối thoại giữa các nhân vật:

+ Hỏi:

  • Em thắp đèn lên chị Liên nhé?
  • Cái chõng này sắp gẫy rồi chị nhỉ?
  • Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế?
  • Còn cô chưa dọn hàng à?
  • Có phải buổi trưa em bán cho bà Lực hai bánh xà phòng không?
  • A, cô bé làm gì thế?
  • Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?
  • Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?

-> Hỏi chỉ để hỏi, chứ không nhất thiết cần có câu trả lời, bởi lẽ ngay cả người hỏi và người được hỏi đều biết câu trả lời là gì. Hỏi chỉ nhằm phụ họa, thậm chí là chứng tỏ cho sự tồn tại của mình.

+ Người được hỏi thường là mãi rồi mới chép miệng trả lời, ngẫm nghĩ rồi đáp, mà có đáp cũng chỉ đáp vẩn vơ.

-> Những mẩu đối thoại vừa cực kỳ thưa thớt, vừa gián đoạn, ngắt quãng.

-> Ấn tượng buồn nản, xót thương thậm chí bực bội trước những câu hỏi tủn mủn, bâng quơ không cần thiết phải trả lời và những câu trả lời nhát gừng, nhạt nhẽo.

  • Tiếng reo:

+ Kìa hàng phở của Bác Siêu đã đến kia rồi.

+ Đèn ghi đã ra kia rồi.

-> Không những không vui, mà ngược lại nó càng hiu hắt và buồn hơn. Niềm vui vừa mới được nhen nhóm lên đã vội vàng bị dập tắt. Món phở đối với chị em Liên là một món hàng xa xỉ mà “hai chị em không bao giờ mua được”, còn đoàn tàu hôm nay thì kém sáng và ít người hơn mọi hôm.

-> Mong đợi vẫn chỉ là mong đợi, reo lên để rồi chỉ thêm buồn và thất vọng.

-> Nhịp sống của người dân nơi phố huyện: Nhịp sống quẩn quanh, tù đọng, lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.

c/ Hình ảnh đoàn tàu và tâm trạng của Liên lúc chuyến tàu đến và đi qua.

* Hình ảnh đoàn tàu.

  • Là hoạt động sống cuối cùng của phố huyện.
  • Đoàn tàu là hình ảnh của một thế giới khác, hoàn toàn tương phản với phố huyện.

+ Từ xa: tiếng dồn dập, tiếng rít mạnh vào ghi, một làn khói bừng sáng lên đằng xa, tiếng hành khách ồn ào, khe khẽ.

+ Đến gần: các toa đèn sáng trưng, chiếu cả xuống đường, các toa hạng sang đồng và kền lấp lánh, cửa kính sáng.

+ Lúc đoàn tàu đi qua: để lại những đốm than nhỏ bay tung trên đường sắt, chấm nhỏ của cái đèn xanh treo trên toa sau cùng.

-> Chuyến tàu mang về một chút ánh sáng của một thế giới khác, ánh sáng của hoài niệm quá khứ và cũng là ánh sáng của niềm mong ước tương lai. Dù chỉ là trong ít phút ngắn ngủi nhưng phố huyện cũng đã có những giây phút tươi vui hơn.

Đặc biệt với Liên, ánh sáng của đoàn tàu đã đem tới cho cô những khát vọng, mơ ước về sự thay đổi.

* Cuộc sống của phố huyện sau khi đoàn tàu đi qua.

  • Phố huyện: cả phố huyện giờ chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn.
  • Con người: chị Tý sửa soạn đồ đạc, bác Siêu đã gánh hàng đi vào trong làng, vợ chồng bác Sẩm ngủ gục trên manh chiếu tự bao giờ, An ngủ say, Liên cũng dần ngập vào giấc ngủ.

-> Phố huyện yên tĩnh, tịch mịch đầy bóng tối khi đoàn tàu đã đi qua.

* Tâm trạng của Liên khi đoàn tàu đến và đi qua.

  • Đợi tàu như một nhu cầu bức thiết để hai chị em có thể tạm thoát ra khỏi cái không khí tịch mịch, u tối của phố huyện.
  • Đợi tàu còn có ý nghĩa như một thú vui, một trò chơi tuổi nhỏ.
  • Đợi tàu để được nhìn, được mơ tưởng, được nuôi dưỡng kỷ niệm đẹp và mơ một một thế giới khác, nhiều ánh sáng và niềm vui.

*Diễn biến tâm trạng Liên

– Tâm trạng của Liên khi đoàn tàu tới:

+ Hồi tưởng lại Hà Nội: một Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo.

+ Mơ ước về một thế giới khác: một thế giới tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn, sôi động hơn cuộc sống bình lặng, ngày ngày lặp đi lặp lại nơi phố huyện này.

  • Tâm trạng Liên khi đoàn tàu đi qua:

+ Những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên.

+ Hình ảnh thế giới quanh mình mờ đi trong mắt chị.

+ Liên thấy mình sống giữa bao sự xa xôi không biết.

-> Nỗi buồn thấm thía, sâu sắc.

-> Tác giả muốn thức tỉnh những tâm hồn đang uể oải, đang lụi tàn dần đi trong một cuộc sống cũng đang cùn đi, đang gỉ ra, nhà văn mong họ hãy sống có hi vọng và ước mơ vì một khi còn những thứ đó thì còn sự sống.

Tác giả cũng đã thể hiện niềm xót xa, thương cảm đối với những người dân nơi đây.

III. Tổng kết

  1. Nội dung
  • Niềm xót thương đối với những con người nghèo đói, quẩn quanh và sự cảm thông, trân trọng trước mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn của họ.
  1. Nghệ thuật
  • Cốt truyện đơn giản.
  • Giọng văn nhẹ nhàng, trầm tĩnh; lời văn bình dị, tinh tế.
  • Có sự kết hợp giữa hiện thực và trữ tình.
  • Tập trung miêu tả nội tâm nhân vật.

Thảo luận cho bài: Ôn thi bài Hai đứa trẻ