Nêu suy nghĩ về ý kiến “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta” và “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”

Đề bài: Lê Quý Đôn cho rằng : Thơ phát khởi từ trong lòng người ta, còn Ngô Thì Nhậm thì nhấn mạnh: Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần. Từ những ý kiến trên, anh (chị) hãy nêu lên vai trò quan trọng của tình cảm trong thơ.

Thơ ca xuất hiện từ xa xưa. Lịch sử thơ ca tồn tại và phát triển song song với lịch sử xã hội loài người, ở nước ta, cách đây hàng ngàn năm, thơ ca đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân tộc.

Không phải cho đến đầu thế kỉ XX mới xuất hiện những nhận định về thơ. Trước đây khá lâu, Lê Quý Đôn, một học giả và nhà thơ lớn của nước ta đã cho rằng: Thơ phát khởi từ trong lòng người ta; còn Ngô Thì Nhậm cũng nhấn mạnh : Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần. Ý kiến đó của hai ông nhằm khẳng định vai trò quyết định của cảm xúc trong sáng tác thơ ca.

Thơ thuộc thể loại trữ tình, bởi thế nên yếu tố cơ bản của nó là tình cảm. Khác với thể loại tự sự, thơ không chỉ tái hiện hiện thực khách quan, sao chép, miêu tả những sự kiện bên ngoài của đời sống mà còn đi sâu tìm tòi, khai thác, phát hiện đời sống bên trong của con người trong mối tương quan nhiều chiều với hiện thực xung quanh. Muốn sáng tác thơ, trước hết nhà thơ phải thực sự rung động trước cuộc đời. Trái tim nhà thơ nhạy cảm với mọi buồn vui, sướng khổ của con người, say đắm trước vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên. Chỉ khi nào cảm hứng dạt dào thì khi đó thơ mới tuôn chảy dưới ngòi bút thi nhân. Tứ gọi tứ, tình gọi tình và câu nọ gọi câu kia để kết thành một bài thơ hoàn chỉnh. Nếu trái tim nhà thơ lạnh lùng, vô cảm thì không bao giờ có được thơ hay. Những chữ viết ra trên trang giấy chì là một mớ ngôn từ trống rỗng và nhạt nhẽo.

 

van hoc viet nam hien dai

Không thực sự rung động trước vẻ đẹp của mùa thu, Nguyễn Du không thể viết được những câu thơ mà mỗi từ đều như châu, như ngọc:

 Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
(Truyện Kiều)
Nếu không nhập thân vào nỗi đau muôn thủa của người phụ nữ trong chế độ phong kiến, nhà thơ không thể thốt ra tiếng kêu thương đầy nước mắt xót xa, ai oán :
Đau đớn thay phận đàn bà !
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
(Văn chiêu hồn )
Phải Sống gắn bó, hòa nhập với thiên nhiên đến mức nào thì Nguyễn Khuyến mới có được những bài thơ mùa thu bất hủ – những bức tranh mùa thu mượt mà, tươi tắn của làng quê Bắc Bộ mà ai cũng yêu thích và mến mộ. Phải sống say mê, rạo rực, phải để toàn thân thể và tim óc run rẩy tựa dây đàn thì Xuân Diệu mới có những phút xuất thần để sáng tạo nên những bài thơ tình trác tuyệt cho đời (Vội vàng, Giục giã, Thơ duyên, Nguyệt cầm…).
Sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và lí trí trong thơ là hết sức cần thiết. Đúng như đặc trưng của nó, thơ thiên về tình cảm. Nhà thơ biểu lộ nhận thức, tư tưởng, thái độ trước con người và cuộc đời thông qua hình tượng thơ mà hình tượng ấy lại được xây dựng bằng cảm xúc trữ tình của người cầm bút. Nhưng nếu có thêm chất suy ngẫm trong đó thì thơ sẽ có độ sâu và sức rung động mạnh mẽ hơn.
Cho nên, từ những sự việc rất bình thường của cuộc sống, các nhà thơ thường rút ra được những chiêm nghiệm, triết lí sâu sắc. Trước cảnh đốt pháo ngày Tết, Tú xương chua chát nhận xét: Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo,
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
Sống trong xã hội tôn thờ đồng tiền, Nguyễn Du ghê sợ thay trước ma lực kinh khủng của nó: Trong tay sẵn có đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!
Xưa, ông bà ta nói : Ở đâu âu đấy, Đất lành chim đậu… Nay, dựa trên quy luật tình cảm của con người, Chế Lan Viên khái quát thành những câu thơ triết lí mà vẫn thi vị, trữ tình :
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
hay:
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương…
Bằng thơ, tác giả đã nói giùm chúng ta những suy nghĩ chân thành ẩn chứa tận đáy lòng về quê hương, đất nước:
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông !
Lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, ba mươi năm liên tục thực hiện hai cuộc kháng chiến ác liệt chống Pháp rồi chống Mĩ đã tác động mạnh mẽ tới hồn thơ Tố Hữu. Thơ ông là sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm mãnh liệt và suy nghĩ sâu sắc trước con người, thời đại:
Không nỗi đau nào riêng của ai
Của chung nhân loại chiến công này
Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
Có đủ mai sau thắm những ngày ?
Máu tượng trưng cho sự hi sinh mất mát to lớn của dân tộc Việt Nam trong mấy cuộc chiến tranh giữ nước. Hoa tượng trưng cho chiến công và vinh quang ngời sáng. Máu và hoa là sản phẩm nghệ thuật của óc sáng tạo và cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ để nói về đất nước, dân tộc.
Những hình tượng thơ như trên tác động đến người đời bằng mối giao cảm và cộng hưởng. Quá trình tiếp nhận thông tin trong thơ không đơn thuần bằng sự phân tích lí trí mà chủ yếu là sự đồng tình, đồng điệu của tâm hồn.
Nếu như Lê Quý Đôn nhấn mạnh: Thơ phát khởi từ trong lòng người ta thì Ngô Thi Nhậm cũng có ý kiến tương tự : Mây gió cỏ hoa xinh tươi, kì diệu đến đâu, hết thảy cũng đều từ trong lòng mà ra. Ý ông muốn nói đến cái gốc của tình cảm phải là cái thiện. Cái tâm của thi sĩ phải là thiện tâm, hay nói cách khác, muốn có thơ hay, nhà thơ phải giàu tình cảm, nhân hậu, thực sự yêu thương trân trọng con người và gắn bó với cuộc sống. Nguyễn Du từng nhận định về cối tâm và cái tài của thi nhân :
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
(Truyện Kiều)
Bất cứ cái gì xuất phát từ gốc thiện đều có giá trị lâu bền. Gốc thiện sẽ làm cho thơ ca có tính giáo dục và cảm hóa con người sâu sắc, to lớn và đây cũng là một chức năng cơ bản của văn học.
Trong văn học hiện đại, các nhà thơ vẫn hết sức coi trọng cái gốc tình cảm của thơ. Tố Hữu định nghĩa: Thơ là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu và : Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chỉ. Điều đó cho thấy ý kiến của Lê Quý Đôn và Ngô Thì Nhậm tuy nêu ra cách đây đã mấy trăm năm nhưng vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Thảo luận cho bài: Nêu suy nghĩ về ý kiến “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta” và “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”