Đề bài: Một số bạn trẻ hiện nay cho rằng : Trước hết là phải sống cho mình. Theo anh (chị), trách nhiệm với bản thân khác với tính vị kỉ như thế nào?
Nền kinh tế thị trường đang mở ra những cơ hội hiếm có cho các bạn trẻ tạo dựng sự nghiệp, vươn lên làm giàu, nhưng cũng là mảnh đất nảy sinh lối sống cá nhân ích kĩ. Có một số bạn trẻ hiện nay cho rằng: Trước hết là phải sống cho mình. Phương châm sống nối trên đang gây nhiều tranh cãi trong thanh niên chúng ta.
Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là sống. Sống đúng nghĩa là sự kết hợp hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Nếu chỉ có cống hiến thì con người trở thành khô cứng, máy móc, duy ý chí; nhưng nếu chỉ biết hưởng thụ thì con người sẽ ích kỉ, nhỏ bé, hẹp hòi, xa lạ với cộng đồng. Vậy chúng ta phải hiểu câu nói: Trước hết là phải sống cho mình thế nào cho đúng?
Với ý nghĩa tích cực, sống cho mình là mỗi người phải có trách nhiệm với bản thân, tức là có sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình. Người xưa có câu: Thương người như thể thương thân. Như vậy, mình phải thương thân trước rồi mới thương người. Có khả năng tự lo cho bản thân thì mới lo được cho người khác. Thương thân ở đây đồng nghĩa với có trách nhiệm với bản thân. Người có trách nhiệm với bản thân thường sống có lý tưởng, mục đích đúng đắn, tốt đẹp phù hợp với đạo lí; biết yêu thương gia đình, quê hương, đất nước; luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, sức khỏe để trở thành một công dân hữu ích. Họ có nếp sống nghiêm túc, quy củ; biết kiềm chế những ham muốn vật chất; biết tránh xa các thói hư tật xấu; không cho phép mình có những lời nói và hành động sai lầm. Họ biết kính trên nhường dưới, có lòng tự trọng, có ý chí và nghị lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời để biến ước mơ thành hiện thực, tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định, một tương lai tươi sáng. Đó là những biểu hiện cụ thể của lối sống có trách nhiệm đối với bản thân. Người xưa đề cao tu thân rồi mới lập nghiệp là vậy.
Ngày nay, sự phát triển của xã hội một mặt mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ cho con người nhưng mặt khác nó lại là mảnh đất màu mỡ cho “cái tôi” phát triển. Mặt trái của quan niệm : Trước hết phải sống cho mình là lối sống đề cao “cái tôi” vị kỉ. Đến mức độ cực đoan, “cái tôi” sẽ biến thành thói xấu vị kỉ. Từ điển Tiếng Việt giải thích : Vị kỉ là chỉ biết chăm lo đến lợi ích của cá nhân mình, đặt trên lợi ích của người khác, của xã hội. Người có tính vị kỉ coi trọng “cái tôi”, coi thường “cái ta”, cho nên mọi suy nghĩ, nói năng, hành động của họ đều nhằm vào mục đích vun vén cho lợi ích cá nhân, không đếm xía gì tới quyền lợi của những người xung quanh. Họ tôn thờ lối sống thực dụng, luôn giành phần dễ dàng, thuận tiện cho mình, đẩy phần khó khăn, nguy hiểm cho người khác. Lúc hưởng thụ, họ có mặt đầu tiên. Ngược lại, lúc xã hội cần cống hiến, hi sinh thì chẳng thấy mặt họ đâu. Ông cha chúng ta đã phê phán loại người đó qua những câu tục ngữ, ca dao châm biếm, đả kích, ví dụ như: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau, Ăn thì ăn những miếng ngon, Làm thì chọn việc cỏn con mà làm ; Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa… Đây không phải là cách sống khôn ngoan của con người chân chính mà chỉ là trò láu cá vặt của kẻ tiểu nhân mà thôi.
Sống cho mình đồng nghĩa với vị kỉ là tự tách mình ra khỏi cộng đồng, biến mình thành kẻ cô đơn, cô độc vì không có quan hệ gắn bó với mọi người. Kẻ ích kì sẽ không có người chia sẻ vui buồn, không ai giúp đỡ khi khó khăn, hoạn nạn. Họ luôn ở trong tình trạng: Ăn một mình đau tửc, làm một mình cực thân.
Ở mức độ cao, tính vị kĩ sẽ trở thành thái độ lạnh lùng, vô cảm trước con người và cuộc đời. Những kẻ vị kỉ thường có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, không quan tâm tới những gì không mang lại lợi ích cụ thể cho họ. Trái tim họ không có chỗ dành cho tình thương yêu và đức vị tha. Họ dửng dưng trước nỗi khổ của đồng bào, đồng loại bởi không muốn sứt mẻ quyền lợi, không muốn liên lụy tới mình. Họ luôn muốn thỏa mãn ý thích, dục vọng cá nhân mà không cần biết mọi người xung quanh phản ứng ra sao? Có bị ảnh hưởng hay thiệt hại gì không?
Nhà thơ Tố Hữu đã phê phán lối sống ích kỉ qua những câu thơ:
Một ngôi sao chẳng sáng đêm,
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng.
Một người đâu phải nhân gian,
Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi.
Quan điểm sống tiêu cực như vậy đối lập với quan điểm sống của những người đang gánh vác những công việc nặng nề, những trọng trách mà đất nước giao phó. Đó là những chiến sĩ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương, hải đảo, không hề tiếc máu xương. Đó là những kỹ sư, công nhân trên giàn khoan dầu khí hay những công trình xây dựng thủy điện, phải vượt qua bao gian khổ, khó khăn để làm giàu cho Tổ quốc. Đố là những nhà khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm, trong các nhà máy, xí nghiệp để phát minh, chế tạo, sản xuất ra nhiều hàng hóa phục vụ cuộc sống con người… Quan điểm sống tích cực của họ là: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, có nhiều người tạo dựng được sự nghiệp nhưng cũng có nhiều người vẫn nghèo khổ. Nếu người giàu chỉ biết sống cho mình thì người nghèo biết dựa vào ai ? Các em bé mồ côi không nơi nương tựa hoặc bất hạnh vì bệnh tật, vì chất độc da cam biết trông chờ vào đâu? Mọi người hãy chung tay giúp đỡ các số phận kém may mắn trong xã hội với tấm lòng từ thiện: Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ… Đó là đạo lí, là truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Tuổi trẻ chúng ta cần phải phấn đấu vươn lên làm giàu một cách chính đáng và biết hưởng thụ những thành quả do mình làm ra. Nhà lầu, xe hơi, những cuộc du lịch trong và ngoài nước không còn xa lạ với các bạn trẻ, nhưng xã hội cũng mong muốn các bạn thành đạt trong cuộc đời hãy luôn luôn quan tâm giúp đỡ đến những người xung quanh, nhất là các số phận không được may mắn như mình. Câu nói: Trước hết phải sống cho mình có nhiều ý nghĩa. Bản thân phải lo cho mình thật tốt, thật tử tế thì mới có khả năng lo cho mọi người. Những suy nghĩ, việc làm của mình phải gắn kết, hòa hợp với lợi ích của cả cộng đồng.