Lời tiễn dặn ( trích Tiễn dặn người yêu )
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
I – GỢI DẪN
1. Thể loại
Truyện thơ các dân tộc thiểu số là những sáng tác dân gian truyền miệng mang đậm bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, phản ánh tâm hồn tình cảm của đồng bào các dân tộc. Truyện thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai phương thức tự sự và trữ tình. Đặc điểm này làm nên những giá trị riêng rất đặc sắc cho truyện thơ, nó vừa có khả năng phản ánh hiện thực sâu sắc, vừa thể hiện một cách tinh tế tâm trạng và suy nghĩ của con người – điều mà truyện cổ tích chưa thể hiện rõ.
Lời tiễn dặn ( trích Tiễn dặn người yêu )
2. Tác phẩm
Tiễn dặn người yêu (do Mạc Phi dịch, gồm 1846 câu thơ) là một truyện thơ dân gian nổi tiếng, là niềm tự hào của dân tộc Thái. Tác phẩm nói về một tấn bi kịch tình yêu. Và nguyên nhân dẫn tới bi kịch ấy là quan niệm lạc hậu về hôn nhân của người Thái xưa. Đây là câu chuyện bi thương nhưng có hậu về tình yêu tha thiết của một đôi trai gái, họ yêu nhau từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ, nhưng khi lớn lên tình yêu của họ lại bị ngăn trở và họ đã phải trải qua bao đau đớn vì chia li.
Lời tiễn dặn là đoạn thơ xúc động nhất và tiêu biểu cho tác phẩm về cả nội dung và nghệ thuật. Nó thể hiện tình yêu tha thiết của đôi trai gái và tấm lòng nhân đạo của tác giả dân gian. Đoạn thơ là khúc hát chia li đau thương và là lời tố cáo hiện thực gay gắt nhất. Nghệ thuật miêu tả nội tâm đặc sắc của truyện thơ đã đạt đến đỉnh cao ở đoạn trích này.
3. Tóm tắt
Đoạn trích bao gồm hai phần, đều là hai lời tiễn của chàng trai dành cho cô gái : Lời đầu, khi anh chạy theo tiễn cô về tận nhà chồng ; lời thứ hai, khi anh chứng kiến cảnh cô bị nhà chồng đánh đập, hành hạ.
4. Cách đọc
– Phần một : giọng đọc trầm lắng, thể hiện tình cảm quyến luyến của chàng trai khi anh chạy theo tiễn cô gái về tận nhà chồng. Nhấn giọng ở các câu :
Vừa đi vừa ngoảnh lại,
Vừa đi vừa ngoái trông,
Chân bước xa lòng càng đau càng nhớ.
Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,
Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,
Tới rừng lá ngón ngóng trông.
Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi,
Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,
Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi.
Từ “Đôi ta yêu nhau” đến “ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già” đọc giọng cao hơn, thể hiện niềm tin ở lời thề hẹn.
– Phần hai : đọc giọng trầm, tha thiết, khẳng định tình yêu bền chặt và mãnh liệt của chàng trai.
II – KIẾN THỨC CƠ BẢN
Quảy gánh qua đồng rộng
Người đẹp anh yêu cất bước theo chồng…
Bắt đầu bằng một tiếng lòng nghẹn ngào thổn thức của chàng trai trước cảnh chia lìa. Hình ảnh “người đẹp anh yêu” rời bước như cận cảnh, trớ trêu.
Trong phần thứ nhất đoạn trích Lời tiễn dặn, tác giả dân gian thể hiện đặc sắc diễn biến tâm trạng, tình cảm của chàng trai khi tiễn đưa người yêu về nhà chồng – đó là tình cảm quyến luyến, tha thiết qua lời nói với những ước muốn cảm động (xin được nhủ đôi câu, được dặn đôi lời, kề vóc mảnh, ủ lấy hương người,…), qua hành động săn sóc trìu mến, nhiệt thành, cao thượng (Con nhỏ hãy đưa anh ẵm – Bé xinh hãy đưa anh bồng).
Trong lời dặn dò của chàng trai, chữ “chờ”, chữ “đợi” trở đi trở lại vừa như thầm hi vọng, vừa như lắng đọng nỗi bất lực, buộc lòng chấp nhận tập tục, chấp nhận hôn ước do cha mẹ định đoạt. Thời gian chờ đợi được diễn đạt theo cách của người dân tộc, đó là lối diễn đạt bằng những hình ảnh gần gũi, mộc mạc :
Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,
Đợi mùa nước đỏ cá về,
Đợi chim tăng ló hót gọi hè,
Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già.
Thời gian chờ đợi ở đây ước tính bằng mùa, bằng vụ, thậm chí tính bằng cả đời người, nhưng trước tình yêu, thời gian sẽ trở nên vô nghĩa. Trong tâm trạng rối bời, đầy mâu thuẫn khi tiễn biệt người yêu về nhà chồng ấy, chàng trai vẫn thiết tha khẳng định một tình yêu thuỷ chung, son sắt, không thể phai nhạt, khẳng định một nguyện ước về tình yêu đôi lứa không thể chia lìa.
Trong đoạn trích, nỗi đau khổ của cô gái được thể hiện bằng những hình ảnh nặng nề :
Vừa đi vừa ngoảnh lại
Vừa đi vừa ngoái trông
Nỗi niềm dồn nghẹt con tim, chân bước trong thẫn thờ, khiến “Chân bước xa lòng càng đau càng nhớ”. Các cụm từ “tới rừng ớt”, “tới rừng cà”, “tới rừng lá ngón” kết hợp với các động từ “chờ”, “đợi”, “ngóng”, “trông” vừa khắc hoạ con đường dài dặc, xa ngái vừa lột tả tâm trạng dùng dằng, tủi khổ của cô gái bị ép duyên. Các hình ảnh “ớt”, “cà”, “lá ngón” trùng điệp, tăng tiến dần là những hình ảnh giàu màu sắc dân tộc, gợi tả trạng thái cay đắng, bẽ bàng trong lòng cô gái.
Đến phần thứ hai của đoạn trích, trước cử chỉ ân cần (anh chải đầu, anh búi tóc, anh sắc thuốc), lời lay gọi ấm áp thiết tha :
Dậy đi em, dậy đi em ơi !
Dậy rũ áo kẻo bọ,
Dậy phủi áo kẻo lấm !…
dường như với cô gái, nỗi đau vùi cũng được xoa dịu phần nào ! Lời thơ vang lên những điệp khúc da diết, vang lên lời nguyện thề keo sơn gắn bó :
Chết ba năm hình còn treo đó ;
Chết thành sông, vục nước uống mát lòng,
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,
Chết thành hồn, chung một mái, song song.
… Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,
Bền chắc như vàng, như đá.
Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển
Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe.
Lời thơ ánh lên vẻ đẹp thiêng liêng, bất diệt của tình yêu. Có thể nói : những lời tiễn dặn tha thiết của chàng trai trong truyện chính là những lời phản kháng tập tục hôn nhân của người Thái ngày xưa. Tập tục hôn nhân gả bán, cha mẹ định đoạt duyên phận của con cái là nguyên nhân tình cảnh chia lìa, lỡ dở tình duyên giữa chàng trai và cô gái. Cho nên, tình cảm giữa chàng trai và cô gái càng tha thiết, nồng nàn bao nhiêu, những lời tiễn dặn càng xót xa, đau khổ bao nhiêu thì ý nghĩa về sự phản kháng tập tục, lề thói vô lí, phi nhân tính ngăn cản quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân của con người càng được nhấn mạnh bấy nhiêu.
III – LIÊN HỆ
Tiễn dặn người yêu đã chắt lọc được tinh hoa của dân ca dân tộc Thái trong Tản chụ xiết xương, Tản chụ xống xương và cảQuặm Ổn Ók. Nhờ thế, giá trị nổi bật của Tiễn dặn người yêu là tính chất trữ tình tinh tế và đa dạng.
Ngoài ra, Tiễn dặn người yêu cũng có tính chất tự sự. Lấy “tiễn dặn” làm trung tâm, Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) đã trở về quá khứ, kể lại chuyện từ ngày hai người mới còn ở trong bụng mẹ, với ý thức là để nêu lên bài học cho đời sau :
Nay hãy kể từ trước đến sau
Kể chuyện qua về bù chuyện tới
Kể từ ngày ấy thời xưa…
Như thế là Xống chụ cùng với các thứ Tản chụ đều chung một nguồn gốc, nhưng Xống chụ không còn là từng mảng tâm trạng chung của mọi người trong tình yêu nữa mà bắt đầu đi vào hệ thống sự việc và tâm lí của những nhân vật cụ thể theo một trật tự thời gian nhất định. Tuy vậy, chúng ta cũng chưa thể đòi hỏi trật tự này phù hợp với lôgíc một cách thật chặt chẽ, và ở đây nhân vật cũng còn có phần phiếm chỉ với tên gọi “Anh” và “Chị”.
Tất cả những giá trị nói trên tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của Tiễn dặn người yêu mà từ xưa nhân dân Thái đã diễn đạt trong câu ví : “Hát Tiễn dặn lên, gà ấp phải bỏ ổ, cô gái quên hái rau, chàng trai quên cày ruộng”. Tiễn dặn người yêu xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc trong kho tàng thơ ca trữ tình cổ truyền các dân tộc thiểu số.
(Nông Quốc Chấn – Phan Đăng Nhật,Lịch sử văn học Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, 1978)