Đề bài:
Viết bài văn kể về những việc làm, những lời dạy bảo giản dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động.
Bài làm:
Chuông đồng hồ đều dặn buông chín tiếng. Màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Chỉ còn âm thanh của gió nghe xào xạc trong khu vườn trước nhà. Em rời bàn học bước ra sân, vươn vai hít thở không khí trong lành để cố xua đi cơn buồn ngủ. Còn hai bài tập Toán nữa, phải cố làm cho hết. Từ giường bên, có tiếng trở mình khe khẽ. Bà nội vẫn thức để chờ em…
Bà nội em năm nay hơn bảy mươi tuổi, dáng gầy guộc và lưng đã hơi còng. Dấu ấn thời gian in rõ trên mái tóc bạc phơ và trên gương mặt nâu rám hằn sâu những vết nhăn của bà. Gương mặt bà phúc hậu, ánh mắt thật hiền từ. Tuy mắt đã hơi mờ nhưng đôi tai bà vẫn còn tinh lắm. Chỉ nghe bước chân hay giọng hói từ xa là bà đã nhận ra đúng từng người trong gia đình.
Bố mẹ em suốt ngày bận rộn với công việc đồng áng. Bà thay bố mẹ em chăm sóc chúng em, từ việc ăn ở đến việc học hành. Sáng sáng, bà đánh thức em và bé Thắng dậy, giục đánh răng, rửa mặt, thay quần áo sạch sẽ, gọn gàng. Rồi bà cho hai chị em ăn sáng. Trước khi các cháu đi học, bà không quên khuyên nhủ các cháu phải chăm ngoan.
Bà dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, chu tất. Xong xuôi, bà xách giỏ đi chợ. Số tiền chi tiêu hằng ngày tuy ít ỏi nhưng do bà khéo thu xếp nên bữa nào chúng em cũng được ăn cơm dẻo, canh ngon. Buổi trưa đi học về, bà cháu, mẹ con quây quần bên mâm cơm, đầm ấm biết chừng nào! Suốt ngày, bà chẳng lúc nào ngơi tay. Việc nhà tạm ổn, bà lại lúi húi bên thúng đồ may. Bà khâu lại cho em chiếc áo sứt chỉ, đính lại cho bé Thắng chiếc khuy…
Cũng vì quen với công việc nhà nông quanh năm vất vả từ thời trẻ nên cho đến nay, bà vẫn còn khỏe mạnh, dẻo dai. Những lúc bố mẹ em ra đồng, một mình bà lo đi chợ, nấu cơm, chăm sóc bầy gà, bầy lợn. Ít khi em thấy bà ngồi yên một chỗ. Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác cuốc ra vườn, cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, bón phân cho mấy luống rau và hơn chục gốc na, gốc bưởi.
Bà hay kể chuyện. Em rất phục trí nhớ của bà. Ngày xưa bà chỉ được học ở trường làng, thế nhưng bà lại thuộc lòng Truyện Kiều, Nhị độ mai, Phạm Công Cúc Hoa, Đồng tiền Vạn Lịch… cùng với bao nhiêu là ca dao và truyện cổ. Những trưa hè gió nồm nam mát lộng, bà mắc võng ở chái nhà, nằm đung đưa vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ngâm nga hát. Mấy cụ già bảo rằng hồi con gái, bà nội em là một “liền chị” quan họ nổi tiếng trong vùng.
Đêm nào trước khi đi ngủ, bà cũng dành mười lăm, hai mươi phút kể chuyện cổ tích cho em nghe. Giọng kể của bà ấm áp và truyền cảm lạ thường. Bà đưa em vào thế giới huyền ảo của những chuyện như Tấm Cám, chú Cuội… Nơi cái thiện không ngừng đấu tranh đẩy lùi và chiến thắng cái ác, để cuộc đời ngày một đẹp hơn. Qua lời bà kể, em càng thương cô Tấm xinh đẹp, dịu hiền và thương chú Cuội phải sống một mình dưới gốc đa trên cung Quảng.
Con cháu, họ hàng và làng xóm rất quý bà vì bà hiền lành, phúc hậu. Ai gặp khó khăn cần đến bà là bà sẵn sàng giúp đỡ, chẳng quản sớm khuya. Bà thường khuyên con cháu thương người như thể thương thân và đối xử với láng giềng phải có tình có nghĩa.
Thỉnh thoảng, bố em nói lời chân thành cảm ơn thì bà chỉ mỉm cười hiền hậu: – Có gì đâu! Mẹ cố gắng giúp để các con đỡ vất vả thôi mà! Mẹ em quý bà lắm! Mẹ thường bảo nếu không có bà thì gia đình em gặp không ít khó khăn…
Em và bé Thắng luôn nghe theo lời bà dạy để bà vui lòng. Mỗi khi được điểm mười, đem khoe bà, bà lại âu yếm xoa đầu em khen: – Cháu bà giỏi lắm! Rồi bà mỉm cười, trông bà hiền như một bà tiên trong cổ tích. Em yêu quý và biết ơn bà biết chừng nào!
Học bài xong, em thu xếp sách vở cho vào cặp, cài cửa, tắt đèn rồi nhẹ nhàng chui vào màn. Bà nằm dịch sang bên nhường chỗ cho em. Hơi ấm toả ra từ người bà rất dễ chịu. Em vòng tay ôm lấy lưng bà, thủ thỉ:
– Bà ơi! Cháu đấm lưng cho bà nhé!
Bà mắng yêu:
– Bố chị! Để bà chờ mãi! Thôi, ngủ đi, mai dậy sớm mà đi học!
Em yêu bà lắm và mong bà mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu.