Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử
Soạn bài Một thời đại trong thi ca ( mẫu 2 )
Thiếu trung thực trong thi cử là vấn đề nhức nhối trong nền giáo dục của nước ta hiện nay, trong mỗi kì thi học kì cho đến thi tốt nghiệp đều xảy ra các hiện tưởng như quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi… điều này làm cho chất lượng giáo dục của chúng ta ngày càng giảm sút. Vậy làm sao để loại bỏ được tiêu cực này, cá bạn cùng tham khảo những bài phân tích mà chún tôi đã tổng hợp dưới đây nhé.
Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh (chị) làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?
Trong thời đại ngày nay, thời đại của nền kinh tế tri thức, giáo dục cần được đặc biệt quan tâm để đào tạo ra tầng lớp tri thức trẻ có đầy đủ kiến thức và năng lực làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, nhằm phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó phải kể đến cuộc vận động hết sức ý nghĩa và hiệu quả: “Hai không” – “Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Tuy nhiên trên thực tế hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử vẫn hoành hành trong các nhà trường, vì vậy chất lượng học tập giảm sút đáng kể. Đây là một vấn đề nhức nhối cần lời giải đáp.
Từ khi mới vào lớp một chúng ta đã được trang bị bài học đạo đức đầu đời: năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Trong đó, điều 5 có viết: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Như vậy, trung thực là một trong những đức tính quý giá mà con người được xây đắp ngay từ nhỏ. Cái gốc, cái nền có sẵn như thế, ấy vậy mà không ít học sinh, sinh viên đã vi phạm bài học đạo đức ấy. Họ, vì thật nhiều lý do, đã thiếu trung thực trong thi cử. Vậy nguyên nhân ở đây là gì?
Theo tôi, việc thiếu trung thực trong thi cử là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là do những yếu tố tác động từ bên ngoài, như là sức ép phải đạt thành tích cao từ phía cha mẹ, thày cô; do hiện tượng này xảy ra phổ biến và trở thành thói quen xấu trong cộng đồng học sinh. Song “thái độ thiếu trung thực trong thi cử” thì chỉ do một nguyên nhân chủ quan, đó là từ chính ý thức của người học sinh. Trong thi cử, thiếu trung thực là quay cóp, sử dụng tài liệu, là chép bài, là ăn trộm kiến thức…Nhiều học sinh do lười học hay học bài chưa kĩ, đến lớp gặp bài kiểm tra, vì muốn được điểm cao nên đã thiếu trung thực, quay cóp, xem bài bạn…Đó là những hành vi sai trái cần lên án và phê bình một cách nghiêm khắc. Bởi gian lận trong thi cử để lại thật nhiều tác hại khó lường. Trước hết, khi bạn quay cóp bạn trở thành một con tù nhân bị lệ thuộc vào những kiến thức ảo. Cái tâm lí dựa dẫm một cách lén lút khiến bạn luôn ở thế bị động trong cuộc chiến và rất khó khăn để thoát ra được. Bạn làm bài phụ thuộc vào sách vở, vào kiến thức của người khác, vì thế kết quả sẽ không thật và không tốt. Hơn thế nữa, gian lận sẽ tạo điều kiện cho bạn mắc vào nhiều thói xấu khác đó là lười nhác, ỷ lại và lừa dối. Nếu gian lận một lần mà trót lọt sẽ khiến bạn có ý định tái phạm thêm một, hai và có thể nhiều lần nữa. Vì bạn thấy: cần gì phải ra sức học làm gì cho mệt người, tốn công. Chỉ cần “khéo léo” một chút thôi thì chẳng học gì vẫn được điểm cao, có khi còn được tuyên dương nữa chứ. Và cứ thế bạn càng lấn sâu hơn vào bùn đen tội lỗi. Bạn chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt (có điểm số cao) mà quên không nghĩ tới tác hại vô cùng to lớn của thái độ thiếu trung thực ấy. Này nhé, bạn gian lận là lừa dối thày cô, bè bạn. Tự bạn đã tha hoá bản thân, biến mình thành con người không trung thực, mất đi đức tính cao quý ngàn đời của cha ông và cả dân tộc Việt Nam. Bạn không cảm thấy day dứt với lòng mình hay sao? Rồi bạn có nghĩ đến việc nếu bị phát hiện bạn sẽ mất hết lòng tin yêu của mọi người, bị đánh giá và nhìn nhận theo một cách khác. Hơn thế bạn sẽ bị khiển trách trước hội đồng kỉ luật, bị nêu gương xấu trước toàn trường. Như vậy có đáng???
Song thiếu trung thực trong thi cử để lại tác hại lớn nhất là không có kiến thức. Khi bạn gian lận, bạn đã tự tạo cho mình một lỗ hổng rất lớn trong kho tri thức. Càng gian lận nhiều thì hố càng sâu và kiến thức càng vơi bớt. Giả dụ khi bạn làm bài sai hay không làm được bài, bạn sẽ được thầy cô chỉ bảo, chữa lỗi để rồi thật nhớ và thêm vốn kiến thức cho mình. Nhưng bạn gian lận thì tất cả chỉ là cơn gió thoáng qua và không ghi lại được chút kiến thức nào. Cứ như thế, thật lo ngại thay khi bước vào đời – Với một kho kiến thức ảo. Càng đáng lo hơn khi những kiến thức ảo ấy tiếp tục hoành hành song song với nhưng tấm bằng vô giá trị mà lại trở thành rất giá trị hiện nay. Tiến sĩ giấy, bằng giả đâu còn là chuyện gì xa lạ trong hiện thực cuộc sống! Bằng giả, bằng thật ai biết đâu mà lần. Nhưng rồi tấm bằng cũng quyết định một phần quan trọng trong việc tìm công ăn việc làm sau này nên nhiều người cứ vin vào đó để tiếp tục gian lận. Hậu quả là giảm sút năng suất, hiệu quả công việc, kinh tế tụt hậu…Bởi không có kiến thức thì làm sao có thể làm việc được…
Buồn thay, trước thực trạng ấy, người có chí đứng ngoài nhìn những kẻ lông bông bước chân vào giảng đường đại học, người có kiến thức không được trọng dụng, đành đứng nhìn những kẻ đeo tấm biển “bằng cấp” ngồi trên ghế lãnh đạo công ty…Thiếu trung thực trong thi cử đã khiến không ít nhân tài nhụt chí, chán nản, làm xã hội trở thành một xã hội bất công. Chúng ta – những người trong cuộc cần đứng lên đấu tranh chống lại hành vi sai trái đó ngay lúc này và ngay từ bây giờ.
Có rất nhiều biện pháp đã được đề ra trong nhà trường và từng lớp học. Song quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người chúng ta. Trung thực trong thi cử không những đem lại kiến thức, khẳng định cái tôi cá nhân trong sáng, mà nó còn thể hiện sự tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Vì vậy, chúng ta – chủ nhân tương lai của đát nước, hãy sống một cách trung thực, lành mạnh, góp phần xây dựng nếp sống đẹp tuổi học trò, để môi trường học đường thật trong sạch và đáng tự hào. Hãy chăm chỉ học tập, trau dồi, nâng cao kho tri thức để thật tự tin trước mỗi bài kiểm tra, nỗ lực rèn luyện đạo đức để có đủ nghị lực tránh khỏi những cạm bẫy trong thi cử. Bên cạnh đó, chúng ta cần tuyên truyền cho các bạn mình cùng thực hiện: tuyên dương, học tập những tấm gương sáng trong cuộc vận động “Hai không”, kiên quyết chống lại hiện tượng gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Sự phối hợp của các cơ quan đầu ngành giáo dục, phụ huynh học sinh và nội quy kỉ luật nhà trường sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi hiện tượng đáng phê phán trên.
Hãy chung tay xây dựng một môi trường học tập thật tốt để đào tạo ra những nhân tài của đất nước. Những việc làm đúng đắn ngày hôm nay sẽ thực sự có ý nghĩa cho một tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam.
Phân tích về tác hại của thiếu trung thực trong thi cử [lớp 11]
Dàn bài tham khảo
1. Mở bài
Nêu ra vấn đề (thực trạng hiện nay là chất lượng dạy và đặc biệt nhấn mạnh là chất lượng học tập của học sinh có chiều hướng giảm sút đi rất nhiều, một trong số những nguyên nhân là thái độ thiếu trung thực trong thi cử, gian lận, quay cóp dẫn đến học giả thi giả…)
2. Thân bài
LĐ1: Giải thích thái độ thiếu trung thực là gì?
– Thiếu trung thực là làm không đúng, không tôn trọng ý kiến của mình , với những gì đã có, đã xảy ra.
-Trong thi cử, thiếu trung thực là gian lận, coi trọng điểm chác mà bỏ qua kiến thức thực ( đoạn này nêu luôn biểu hiện của thái độ thiếu trung thực)
LĐ2: Nguyên nhân của việc thiếu trung thực trong thi cử xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh
– Học trò lười học, học không hết bài mà muốn được điểm cao thì phải gian lận thôi.
-Có những người cũng có kiến thức xong cứ đến giờ kiểm tra là họ không thể tự chủ được bản thân, không tự tin và họ không dám tin rằng mình có thể làm được bài mà không cần đến sách, thế là quay bài.
LĐ3: Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận nguyên nhân cũng một phần xuất phát từ bên ngoài
– Ba mẹ nào cũng muốn con mình học hành giỏi giang nên gây áp lực: nào học thêm, nào con nhất định phải đạt học sinh giỏi… khiến các con cũng phải oằn mình gánh lấy ước muốn lớn lao của cha mẹ cho dù không phải ai cũng “thông minh vốn sắn tính trời.”
– Một số người ưa thành tích ép chỉ tiêu, ép số lượng khiến học giả, thi giả nên đánh phải thiếu trung thực mà vớt được số lượng như mong muốn.
LĐ4: Tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử
– Không có kiến thức khi bước vào đời
-Gian lận được mộ lần mà có thể trót lọt thì lần sau họ sẽ tiếp tục gian lận để vươn tới vị trí cao hơn.
– Người có chí dễ bi quan do nhiều người không bằng họ xong lại có vị trí cao hơn nhờ quay cóp, luồn cúi
-Bằng giả, bằng thật ai biết đâu mà lần. Nhưng rồi tấm bằng cũng quyết định một phần quan trọng trong việc tìm công ăn việc làm sau này nên nhiều người cứ vin vào đó để tiếp tục gian lận.
-Xã hội sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục của đất nước, chất lượng giảm sút không thể nâng cao vị thế nền giáo dục trên trường quốc tế.
LĐ5: Biện pháp khắc phục
– Học bài, cố gắng học thật tốt vào và hãy tự tin vào bản thân, tin rằng thế hệ trẻ chúng ta cóp thể làm được ngay cả những điều mà chúng ta nghĩ mình không làm được, hãy dũng cảm thoát li khỏi cuốn sách, quyển vở trong giờ kiểm tra, không vụ lợi, không vì điểm số, không thành tích giả.
– Kiên quyết chống bệnh thành tích, đề cao nhân tài có thực tài thực chất
– Khen thưởng, động viên kịp thời những đối tượng đầu tàu, gương mẫu trong vấn đề gạt bỏ mặt tiêu cực trong ngành giáo dục hiện nay.
3. Kết bài:
Bày tỏ niềm tin rằng trong tương lai, thái độ thiếu trung thực này sẽ được khắc phục.
Phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử?
Mấy năm gần đây, chuyện gian lận trong các thi cử luôn là vấn đề giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây không phải là vấn đề mới. Có chăng đó là vì Bộ Giáo dục – Đào tạo đã kiên quyết hơn trong xử lí những mặt khuất bấy lâu bị giấu kín của ngành Giáo dục. Điều đó chợt khiến ta phải suy ngẫm về các kì thi và những chuyện sai trái đã trở thành căn bệnh khó chữa trong những kì thi này.
Mọi vấn đề đều có lịch sử riêng. Những sai trái, gian lận trong thi cử cũng vậy. Cách đây mấy nghìn năm, những cuộc thi đầu tiên đã được tổ chức và chuyện gian lận cũng có bằng ấy thời gian lịch sử. Từ thời những cuộc thi Olympic người ta đã biết ám hại đối thủ, dùng những mánh lới, thủ thuật đề làm hại đối phương. Rồi sau, những cuộc thi văn chương, người ta biết dùng “phao”, biết nhòm bài, móc mách với giám khảo,… Những thủ thuật trong thi cử nếu kể ra thì không biết bao giờ mới hết và những thế hệ sau luôn có những “phát kiến” hay ho, ranh ma hơn thế hệ trước, thúc đẩy gian lận ngày càng “tiến lên”.
Trong thực tế ngày nay, những chuyện gian lận trong thi cử khiến không ít người quan tâm, nhức nhối. Bởi thực tế, trong đời mỗi người phải trải qua vài kì thi (ngay một đứa trẻ vài ba tuổi đã thi “Bé khỏe, bé đẹp!”). Vì vậy,chúng ta có thể tận mắt chứng kiến những gian lận, sai trái; hoặc không cũng nghe đài báo, dư luận hàng ngày nhắc đến nó như một căn bệnh khó chữa của xã hội.
Có thể khẳng định rằng: hiếm có kì thi nào không có gian lận, không có sai trái. Những chuyện quay cóp, nhòm bài, trao đổi bài là chuyện thường thấy mà bất kì “sĩ tử” nào cũng biết. Những trò như thế là chuyện nhan nhản, dễ dàng thấy từ những bài kiểm tra mười lăm phút cho đến cả thi đại học. Nhưng, đó là chuyện nhỏ, “con tép” trong những trò sai trái mà thôi.
Báo chí, dư luận gần đây không ít lần xôn xao về những vụ thi hộ, thi thuê theo cả đường dây, rồi những vụ móc nối làm lộ đề thi, “đút” chỗ nọ, “lót” chỗ kia… Những vụ làm ăn như thế có giá trị cả vài triệu, thậm chí vài chục, vài trăm triệu. Học trò là thế nhưng không chỉ có học trò mới liên quan đến gian lận.
Những bài kiểm tra, những kì thi, cả thi tốt nghiệp, nhà trường, thầy cô không phải là không biết những chuyện gian lận, những thái độ sai trái mười mươi của học trò. Nhưng họ vẫn bỏ qua hay làm ngơ! Những kì thi tốt nghiệp luôn tấp nập với mỗi ngôi trường, các thầy cô chỉ bảo học trò làm thế nọ, làm thế kia cốt để “qua”. Thậm chí có trường đã dành cả chiếc máy phôtô để sao bài giải sẵn, “ném” vào cho thí sinh. Còn phụ huynh, họ cũng chẳng “kém cạnh”. Họ chạy ngược, chạy xuôi lo đút chỗ nọ chỗ kia mong cho con em mình thi đỗ. Và tất cả những cái đó đã tạo ra những kì thi “phao” thả trắng trường thi, những vụ gian lận xôn xao dư luận.
Tại sao vậy? Tại sao cứ có thi là có gian lận, có sai trái? Vì một lẽ rất tự nhiên: ai cũng thích thành đạt, ai cũng thích danh tiếng (Rõ ràng điều này liên quan mật thiết đến căn bệnh thành tích của xã hội). Học sinh ai cũng muốn được khen thưởng “Con ngoan trò giỏi”, huống chi sau một lần thi đỗ là một chân trời mới, một tương lai tươi sáng sẽ mở ra trước mắt. Nhưng đâu phải ai cũng chăm chỉ học hành, chưa kể có người lại vô cùng lười nhắc. Vậy là khát vọng được điểm cao đã làm mờ tối những tâm hồn học trò vốn rất đỗi vô tư, trong sáng. Phụ huynh lại có niềm tự hào, sung sướng riêng khi có thể cất cao giọng: “Con tôi nó đỗ trường nọ đỗ trường kia, điểm thế nọ điểm thế kia”. Điều đó trở thành áp lực đối với con cái, tiếp tay gián tiếp cho gian lận. Chưa yên tâm, các bậc phụ huynh còn thể hiện sự tận tâm với công việc học tập của con cái hơn bằng cách “đi thầy”, “chạy điểm”…
Điều đó vô tình tạo thành những cuộc chạy đua gay cấn trước mỗi kì thi của con cái họ. Với nhiều nhà trường, tình hình cũng tương tự như vậy. Gian lận đi từ những chỉ tiêu, kế hoạch những mục đích giáo dục đề ra hàng năm, hàng quý, hàng tháng… Song thay vì chuyên tâm vực dậy phong trào học tập của nhà trường, họ “cấy điểm”, “làm điểm” thậm chí tiếp tay cho những sai trái, gian lận của học sinh.
Thành công sau mỗi kì thi đặc biệt là những kì thi quan trọng: thi tốt nghiệp, thi đại học,… có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó mở ra một trang mới tươi đẹp hơn cho mỗi người: Vinh quang ấy đáng ra phải được đền bù bởi những cố gắng, chăm chỉ học hành nhưng cay đắng thay, chỉ cần một ít tài liệu, một số tiền bỏ ra cộng với một chút mánh lới là bằng thậm chí hơn cả những người chăm chỉ, nghiêm túc học hành? Vậy là không ít “sĩ tử” không chịu được cám dỗ, sẵn sàng đi vào con đường sai trái. Còn với nhà trường, hậu quả của lối “học giả” khiến những học trò hổng kiến thức và hơn ai hết, những thầy cô biết số học trò này “đem chuông đi đấm sứ người” thì chắc chắn sẽ bị “người đấm” lại. Nhưng thế sẽ không đạt chỉ tiêu cấp trên giao cho, sẽ không được khen thưởng, quá tai hại! Vậy là những kinh nghiệm truyền đời được lan ra, những công cụ trợ giúp tận dụng hết mức…
“Tất cả vì con em chúng ta!”.
Song, như quy luật đã được định trước, sai là phải trả giá. Những mơ ước về tương lai sung sướng, đầy đủ đánh đổi bằng gian lận sẽ biến con người ta trở nên tội lỗi, ma mãnh hơn. Những học trò lười nhác, gian lận vô tình đã đánh mất tuổi thơ trong sáng bởi đã phải quá sớm lo nghĩ làm thế nào để qua được mỗi kì thi. Đồng thời, những thái độ sai trái, những hành vi tội lỗi sẽ bị pháp luật trừng trị. Đã từng có biết bao học trò bị cấm thi, đuổi khỏi trường thi vì gian lận. Những câu chuyện đau lòng về một số sinh viên tài năng bị đuổi học vì thi hộ, thi thuê. Tương lai tươi sáng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy cuộc đời sụp đổ trước mắt, thậm chí có người còn rơi vào vòng tù tội, kiện cáo. Và những phụ huynh hám danh thì có được cái danh tiếng lẫy lừng về người con gian lận; những thầy cô hám lợi phải hối hận, bị mọi người trách móc, phạt vì những hành vi sai trái ấy. Những thầy cô, đáng lẽ phải là tấm gương tốt cho học trò noi theo, dạy cho họ những gì tốt đẹp thì…
Hơn tất cả đó chính là nguy cơ tiềm ẩn nơi ung nhọt nằm trong cai vỏ hào nhoáng của các cấp giáo dục mà bấy lâu ta vẫn yên tâm. Trong ấy, những học sinh học mà chẳng có kiến thức (dù vẫn “giỏi” như thường) nên mới có câu chuyện “cười ra nước mắt” học trò học lớp Bảy mà vẫn chưa biết… đánh vần và những kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với nhan nhản điểm không môn Sử. Đau đớn thay, học hành mười mấy năm trời mà có em không biết ai là vị vua đầu tiên của nước ta! Những sai trái, gian lận trong thi cử chẳng qua là hệ quả tất yếu của lối học hình thức rỗng tuếch, làm hỏng đi bao con người, kẻ gian thi đỗ thì chẳng biết, kẻ biết thì trượt, chẳng ai sung sướng cả. Thử hỏi mai đây, anh có bằng thật đấy nhưng anh chẳng làm được gì, anh có sống được không?
Tiếc thay, đó vẫn là sự thật, suốt mấy nghìn năm. Muốn không có sai trái, không có gian lận trong thi cử thì chẳng khác nào mò trăng đáy nước vì thời nào, ở đâu cũng có những kẻ lười biếng, hám danh. Nhưng không thể vì thế mà không ngăn chặn. Mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo ra những biện pháp, chủ trương mới rất được mọi người đồng tình. Muốn có nền giáo dục tốt phải có thế hệ giáo viên tốt, làm gương cho học sinh noi theo kiên quyết xử lí những hành vi gian lận; sẵn sàng cho học sinh học lại để cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh… Có như vậy mới mong sẽ ít đi những hành vi sai trái. Sự thật, kì thi tốt nghiệp THPT mới đây, xấp xỉ 67% thí sinh thi đỗ.
Thấp, rất thấp so với những con số 100%, 99%,… trước đây, song đó là dấu hiệu thể hiện lòng quyết tâm chống gian lận. Thấp nhưng khiến nhiều người vui mừng vì điều đó báo hiệu một sự “bắt đầu lại” có thể sẽ cho một kết quả tốt hơn!
Sai trái trong mọi việc đều đáng bị lên án nhưng sai trái trong thi cử lại ngàn lần đáng lên án hơn nữa. Vậy thì, nếu như giáo dục là sự nghiệp là trách nhiệm của toàn xã hội thì công cuộc chống sai trái, gian lận trong thi cử cũng cần được thúc đẩy nhanh trở thành xã hội hoá. Cả xã hội chung tay,chắc chắn vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết!
Chúc các bạn học giỏi!