Bảo vệ rừng là nghĩa vụ của tất cả mọi người
Đề bài: Hãy chứng minh rằng: Bảo vệ rừng là nghĩa vụ của tất cả mọi người.
Hướng dẫn làm bài
I. TÌM HIỂU ĐỀ VÀ CÁCH LÀM BÀI
Yêu cầu chủ yếu của đề là đưa ra những luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng) để chứng minh rằng việc bảo vệ rừng là rất quan trọng vì đó cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Muốn cho bài viết có sức thuyết phục, lập luận phải chặt chẽ, chứng cứ phải rõ ràng, không những thế, bài viết cần có sức biểu cảm, thế’ hiện niềm tin và nhiệt tình đôi với vấn đề mà mình khẳng định.
II. DÀN BÀI
1. Mở bài
Nêu khái quát lợi ích của rừng và sự cần thiết phải bảo vệ rừng.
2. Thân bài
a. Rừng mang lại nhiều lợi ích cho con người
– Rừng từ ngàn xưa là nguồn vật liệu quan trọng cho đời sống con người;
– Rừng là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nền công nghiệp hiện đại;
– Rừng là nơi sinh sông của các loài muông thú có ích cho con người;
– Rừng là nguồn dược liệu;
– Rừng làm trong sạch môi trường sông, điều hoà mưa lũ;
– Rừng là nơi du lịch lí tương, đem lại sức khoẻ cho con người.
b. Con người cần phải hảo vệ rừng
– Con người đang tàn phá rừng, đang làm hại môi trường sống của mình.
– Loài người đang ý thức về trách nhiệm phải bảo vệ rừng.
3. Kết bài
Phải bảo vệ rừng tốt hơn: vừa khai thác một cách hợp lí, vừa tiếp tục trồng rừng.
Bài làm
Rừng xanh ngăn ngắt, rừng bạt ngàn, rừng vô tận… Nhưng đừng nghĩ rằng rừng vô tận rồi khai thác bừa bãi để rồi đến một ngày nào đó, rừng bị tiêu diệt và lúc ấy, tai hoạ sẽ vô cùng. Phải làm sao đế mọi người đều thấm thìa rằng: rừng mang lại nhiều lợi ích cho con người, con người phải bảo vệ rừng.
Ta thường nói: “Rừng vàng biền bạc”, nhưng nói như thế là hình như chí mới nói đến cái trữ lượng tài sản quý giá mà chưa nói hết những lợi ích vô giá của rừng.
Từ thuở xa xưa, rừng đã là nguồn vật liệu vô tận cung ứng cho cuộc sống con người: tre gỗ để làm nhà, than củi đế nấu nướng bữa ăn hằng ngày, đế sưởi ấm qua những đêm đông vừa dài vừa giá lạnh. Từ chiếc nón lá của cô nông dân nơi đồng ruộng đến đôi guốc của cô gái thị thành, cái thước kẻ, cái bàn, cái ghế… có cái gì mà không do rừng đưa lại?
Ngày nay, khi nền công nghiệp đã phát triển đến độ tưởng chừng con người đả thay thế được thiên nhiên, thì rừng lại vẫn tiếp tục hiện diện trong các nhà máy. Rừng cung cấp nguyên liệu đế sản xuất giấy cho các xưởng in, thành tập vở học trò, thành sách báo, tạp chí, thành tiếu thuyết, thành thơ, thành bách khoa từ điển… Rừng cung cấp nguyên liệu để chế tạo ra nhừng sợi tơ tổng hợp, để thành quần áo, thành nhừng bộ sưu tập trên các sàn diễn thời trang. Rừng có mặt trong nội thất các toà nhà lộng lẫy, trong những con tàu xuyên đại dương…
Rừng là nơi trú ngụ của ngàn vạn loài chim chóc và muông thú, từ loài vật bé nhỏ như chú thỏ đến to lớn, như bác voi, từ hiền lành như hươu nai đến hung dữ như hố báo. Tất cả những loài chim muông ấy tạo nên một sự hài hoà tuyệt vời của sự sống trên bề mặt hành tinh của chúng ta.
Rừng là kho thuốc vô tận, từ những cây thuốc chữa bệnh thông thường đến những vị thuốc quý giá. Từ ngày xưa, các vị lương y nổi tiếng như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã hiểu được tác dụng của bao nhiêu thứ động vật, thực vật trong rừng đối với sức khoẻ của con người. Đó là chưa nói đến những khu rừng cho ong làm tổ, với muôn triệu bông hoa kết tinh thành mật ong sóng sánh chứa đầy chất bố dưỡng.
Rừng là chiếc máy lọc khổng lồ và tuyệt diệu luôn luôn cung cấp cho con người bầu không khí trong lành. Công nghiệp càng phát triển, ống khói các nhà máy càng đố vào không trung nhiều thứ khí thải, thì rừng lại nhẫn nại thu lấy thứ khí thải ấy để trả lại thứ không khí nguyên vẹn ban đầu. Thật hoàn toàn chính xác khi người ta đặt cho rừng tên gọi là “lá phổi của các thành phô”. Không có phối, con người làm sao còn sông được. Rồi rừng, với vô vàn những bộ rễ cây chằng chịt hút nước, vô vàn chiếc lá để nước bốc hơi, có tác dụng điều tiết, làm dịu bớt những dòng nước trước khi đổ ra sông ra suối, ngăn bớt sức vội vã và dừ dội của cơn lũ lụt.
Nhịp sống đô thị đang ngày càng trở nên khẩn trương, con người ở các vùng đô thị mỗi ngày càng như sống mà không kịp thở. Những âm thanh ầm ầm trong nhà máy, tốc độ ào ào của những dòng xe, màu xanh màu đỏ chói loà của đủ thứ đèn quảng cáo, tắc nghẽn giao thông trên nhừng ngả đường… tất cả những thứ ây tác động lên thần kinh con người như muốn làm cho nó suy kiệt. Lúc này, không có gì tốt hơn là nghĩ đến những cánh đồng, những dòng sông, những khu rừng. Rừng đang trớ thành những trung tâm du lịch có tác dụng không chỉ bồi bổ sức khoẻ, mà cho cả tinh thần và tình cảm của con người.
Trong đời sống con người, rừng đóng một vai trò thật quan trọng. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đời sống, con người đã huỷ hoại rừng thật ghê gớm. Người ta đốt những cánh rừng để làm rẫy; người ta đốn hạ những cáy cô thụ để làm củi, làm than, làm nhà cửa, bàn ghế. Chỉ trong vài chục năm trở lại đây, diện tích rừng đã bị thu hẹp đến độ hầu như không còn rừng nguyên sinh. Rồi người ta săn bắt các loài chim, loài thú; càng là chim thú quý hiếm thì lại càng bị săn bắt dữ dội, khiến cho không ít loài chim thú đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ở những khu rừng ngập mặn thì người ta chặt phá rừng để làm đìa nuôi tôm… Rồi đôi khi vô tình hay thiếu trách nhiệm, người ta gây ra những trận cháy rừng. Hậu quả của việc phá rừng đối với đời sống con người thật đã rõ ràng: không còn rừng để diều tiết nước, đã xảy ra những trận lũ đột ngột tàn phá cả một vùng; không còn rừng ngập mặn, những trận lở đất và cát vùi xảy ra cho những làng ven biển… Thử tưởng tượng đến một lúc nào đó, trên thế giới không còn ai nói đến rừng, không còn có màu xanh bạt ngàn của rừng, không còn có từ “rừng” trong từ vựng, rồi cùng với chuyện ấy, không còn có hình ảnh các loài chim, các loài thú. Thật là khủng khiếp!
Nhân loại từ lâu đã nhìn thấy nguy cơ của nạn phá rừng, đã lên tiếng cảnh báo con người, đã có nhừng hoạt động để mọi người có thế hưởng được những lợi ích từ rừng một cách lâu dài. Nhà nước ta cũng đã có luật pháp, có những chính sách và những cơ chế để bảo vệ rừng. Đã có những khu rừng được coi là tài sản quý của quốc gia và được bảo vệ nghiêm ngặt, như rừng Cúc Phương, rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, với hàng chục nghìn loài động, thực vật quý. Tuy nhiên, hầu như ngày nào, giờ phút nào, trong những cánh rừng, tiếng búa chặt, tiếng cưa máy của những tên “lâm tặc” vẫn vang lên một cách nhức nhối, những phát đạn, những cạm bẫy của nhừng kẻ săn trộm vẫn giết chết những con thú đế đem về nấu rượu, nấu cao hoặc làm món nhậu cho các nhà hàng “đặc sản”, vẫn còn rất nhiều những kẻ hoặc vì không hiểu biết, hoặc vì tham lam, đang đe doạ màu xanh của rừng. Cơ thề rừng vẫn tiếp tục chảy máu.
Bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của riêng ai. Rừng gắn liền với đời sống của tất cả mọi người. Mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ rừng.