Đề thi về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà

Đề thi về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu

Chứng minh chị Dậu là linh hồn của tác phẩm Tắt Đèn

Đề bài: Đọc bài ca dao sau rồi thực hiện yêu cầu bên dưới :

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

Câu 1. ( 1,25 điểm)

Bài ca dao trên đã lược bỏ một số dấu câu cần thiết. Em hãy chép lại bài ca dao, điền các dấu câu bị lược bỏ và cho biết công dụng của các dấu câu đó.

Câu 2. (1,25 điểm)

1. Xét về cấu tạo ngữ pháp, bài ca dao trên gồm mấy câu ?

2. Hãy phân tích ngữ pháp và cho biết đó là câu đơn hay câu ghép ?  Nếu là câu ghép, em hãy chỉ rõ quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép đó.

Câu 3. ( 2 điểm)

Trình bày cảm nhận của em về bài ca dao trên.

Câu 4. ( 5,5 điểm)

Bài ca dao được viết theo thể thơ nào? Hãy viết bài văn thuyết minh về thể thơ đó.

********************************

Đề thi về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1. ( 1,25 diểm)

1. Học sinh điền đúng, đủ các dấu câu cần thiết cho 0,5 điểm

Anh đi, anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương,

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

2. Công dụng các dấu câu :

Dấu câu Công dụng
Dấu phẩy 1 Phân tách các vế trong một câu ghép           0,25 điểm
Dấu phẩy 2,3,4,5 Phân tách các thành phần có cùng chức vụ ngữ pháp trong câu. ( Vị ngữ)                                     0,25 điểm
Dấu chấm Kết thúc câu trần thuật                                0,25 điểm

Câu 2. ( 1,25 điểm)

1. Xét về cấu tạo ngữ pháp, bài ca dao trên gồm 1 câu. ( 0,25 điểm)

2. Phân tích cấu tạo ngữ pháp : ( 0,5 điểm )

Anh  /  đi,     anh  /  nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương,

CN1 / VN1 , CN2  /                                      VN2

nhớ ai dãi nắng dầm sương, nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

  • Câu trên là câu ghép. ( 0,25 điểm)
  • Quan hệ giữa hai vế câu là quan hệ nối tiếp. ( 0,25 điểm) 

Câu 3. ( 2 điểm)

1. Yêu cầu về hình thức: Phải viết thành bài có bố cục   Mở – Thân – Kết, diễn đạt rõ ràng, lưu loát. ( 0,5 điểm)

2. Yêu cầu về nội dung: Cần chỉ ra và phân tích tác dụng của những dấu hiệu nghệ thuật có trong bài ca dao

* Các dấu hiệu nghệ thuật( 0,5 điểm)

– Điệp ngữ  “nhớ” nhắc lại 5 lần

– Liệt kê

* Tác dụng( 1 điểm)  Khắc hoạ nỗi nhớ da diết của người xa quê.

– Anh đi, đi vì việc lớn, vì sự nghiệp chung, cho nên nỗi nhớ đầu tiên anh dành cho quê nhà. Đó là quê hương, chiếc nôi cuộc đời của mỗi con người, nơi ta cất tiếng khóc chào đời, nơi tất cả tuổi thơ ta lớn lên từ đó. Nơi ấy có bát canh rau muống, có món cà dầm tương . Những món ăn hết sức dân dã của quê nhà đã nuôi anh khôn lớn, trưởng thành…Và cái hương vị quê hương ấy đã hoà vào máu thịt, hoà vào hơi thở của anh.

Đề thi về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà

Đề thi về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà

– Có sản phẩm ắt có bàn tay người trồng tỉa, bón chăm, dãi dầu một nắng hai sương. Có lẽ vì thế, từ nỗi nhớ những món ăn dân dã, món ăn được tạo ra từ bàn tay và giọt mồ hôi của mẹ cha, của những người thân thiết  anh lại nhớ tới con người quê hương. Ban đầu là nỗi nhớ chung chung.Thế nhưng đến cuối bài ca, nỗi nhớ ấy hướng vào một con người cụ thể hơn : Cô thôn nữ dịu dàng, duyên dáng trong công việc lao động : tát nước.

– Điệp từ “nhớ”, phép liệt kê  và thể thơ lục bát nhẹ nhàng đã khắc hoạ nỗi nhớ sâu xa, da diết , dồn dập của người xa quê. Nỗi nhớ nọ bao trùm nỗi nhớ kia, hoá thành những lời dặn dò, những lời tâm sự, giúp người ở nhà giữ vững niềm tin, giúp người đi xa có thêm sức mạnh. Bài ca dao đã gợi tình yêu quê hương đất nước trong trái tim mỗi người.

Câu 4 : ( 5,5 điểm)

1. Bài ca dao được viết theo thể thơ lục bát ( 0,25 điểm)

2. Bài văn thuyết minh cần đảm bảo những yêu cầu sau

a. Yêu cầu chung :

– Kiểu bài : Thuyết minh ( nhóm bài thuyết minh về một thể loại văn học).

– Đối tượng : thể thơ lục bát

b. Yêu cầu cụ thể :

Mở bài:    Giới thiệu khái quát về thể thơ lục bát. ( 0,5 điểm)

Thân bài : Cần đảm bảo những ý cơ bản sau :

  • Nguồn gốc : (0,5 điểm) Thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc, do chính cha ông chúng ta sáng tác. Trước kia, hầu hết các bài ca dao đều được sáng tác bằng thể thơ này.Sau này, lục bát được hoàn thiện dần và đỉnh cao là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với 3254 câu lục bát.
  • Đặc điểm :

* Nhận diện câu chữ : (0,5 điểm)  Gọi là lục bát căn cứ vào số tiếng trong mỗi câu. Thơ lục bát tồn tại thành từng cặp : câu trên 6 tiếng được gọi là câu lục, câu dưới 8 tiếng được gọi là câu bát. Thơ LB không hạn định về số câu trong một bài . Như thế, một bài lục bát có thể rất dài nhưng cũng có khi chỉ là một cặp câu LB.

* Cách gieo vần( 0,5 điểm)

– Tiếng thứ 6  câu lục vần với tiềng thứ 6 câu bát, tiếng thứ 8 câu bát lại vần với tiếng thứ 6 câu lục tiếp theo. Cứ thế luân phiên nhau cho đến hết bài thơ.

* Luật B-T : ( 0,75 điểm)

– Các tiếng 1,3,5,7 không bắt buộc phải theo luật B-T

– Các tiếng 2,6,8 trong dòng thơ thường là thanh B, còn tiếng thứ 4 là thanh T.

– Luật trầm – bổng :  Trong câu bát, nếu tiếng thứ sáu là bổng ( thanh ngang) thì tiếng thứ 8 là trầm (thanh huyền) và ngược lại.

*Đối : ( 0,25 điểm)   Đối trong thơ lục bát là tiểu đối ( đối trong một dòng thơ)

* Nhịp điệu : ( 0,25 điểm)   Thơ LB chủ yếu ngắt nhịp chẵn : 4/4, 2/2/2, 2/4, 4/2…Tuy nhiên cách ngắt nhịp này cũng rất linh hoạt, có khi ngắt nhịp lẻ 3/3.

* Lục bát biến thể : ( 0,5 điểm)

– Số chữ trong một câu tăng lên hoặc giảm đi ( thường là tăng lên).

– Tiếng cuối là thanh T.

– Xê dịch trong cách hiệp vần tạo nên sự thay đổi luật B-T : Tiếng thứ 4 là thanh B

  • Ưu điểm : ( 0,5 điểm)

– Âm hưởng của lục bát khi thì thiết tha sâu lắng, khi thì dữ dội, dồn dập. Vì thế , thể thơ này có thể diễn tả được mọi cung bậc tình cảm của con người.

– Dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng ngườido đó cũng dễ sáng tác hơn các thể thơ khác.

* Lưu ý : Khi thuyết minh, bắt buộc HS phải đưa ra ví dụ minh hoạ. Nếu bài viết không có ví dụ thì không cho quá 1/2  số điểm.

Kết bài : ( 0,5 điểm) Khẳng định lại giá trị của thể thơ lục bát.

Hình thức trình bày, diễn đạt : 0,5 điểm

Đề thi về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà

Thảo luận cho bài: Đề thi về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà