Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 8 thị xã Buôn Hồ
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
Đề học sinh giỏi Ngữ Văn 8 năm 2014-2015 trường Hưng Yên
Đề ra
Câu 1 : (3 điểm)
Hãy phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ sau
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.
(Quê hương – Tế Hanh)
Câu 2 : (3 điểm)
Có ý kiến cho rằng: bài thơ “Sông núi nước Nam” của Lí Thường Kiệt là bản tuyên ngôn độc lập em hãy viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên?
Câu 3 (4 điểm) Cho nhan đề “ Không thầy đố mày làm nên”, em hãy viết một văn bản ngắn ( từ 15 đến 20 câu) nói lên cảm nghĩ của em về mối quan hệ thầy trò.
Câu 4: (10 điểm)
Nhận xét về người nông dân trong văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng 8-1945 có ý kiến cho rằng: “Người nông dân tuy nghèo khổ, lam lũ, ít học nhưng không ít tấm lòng”.
Bằng hiểu biết của em về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
****************** HẾT ********************
UBND THỊ XÃ BUÔN HỒ Đáp án: Năm học 2014-2015
PHÒNG GD&ĐT Môn : Ngữ Văn Lớp 8
Câu 1 : (3điểm)
Tác giả sử dụng dụng biện pháp so sánh hùng tráng, bất ngờ ví “chiếc thuyền” như“con tuấn mã” và “cánh buồm” như “mảnh hồn làng” đã tạo nên hình ảnh độc đáo; sự vật như được thổi thêm linh hồn trở nên đẹp đẽ. (1 điểm)
– Phép so sánh đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng, mang ý nghĩa lớn lao thiêng liêng, vừa thơ mộng, vừa hùng tráng. Cánh buồm còn được nhân hóa như một chàng trai lực lưỡng đang “rướn” tấm thân vạm vỡ chống chọi với sóng gió. (1 điểm)
– Một loạt từ : Hăng, phăng, rướn, vượt… được diễn tả đầy ấn tượng khí thế hăng hái, dũng mãnh của con thuyền ra khơi. (0.5 điểm)
– Việc kết hợp linh hoạt và độc đáo các biện pháp so sánh, nhân hóa , sử dụng các động từ mạnh đã gợi ra trước mắt người đọc một phong cảch thiên nhiên tươi sáng, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống của người dân làng chài. (0.5 điểm)
Câu 2 : (3điểm)
Học sinh viết đoạn văn bảo đảm được các ý sau:
– Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc chiến chống lại quân Tống xâm lược. (0.5 điểm)
– Bài thơ tuyên bố rõ chủ quyền lãnh thổ của nước nam là của vua Nam ở, điều đó đã được khẳng định rõ bởi sách trời. (1 điểm)
– Bài thơ còn là lời cảnh báo về sự thất bại thảm hại của quân giặc nếu chúng cố tình xâm phạm. (1 điểm)
– Với những ý thơ trên rõ ràng bài thơ có giá trị như một bản tuyên ngôn về chủ quyền của dân tộc .(0.5 điểm)
Câu 3( 4 điểm)
– Yêu cầu chung: Học sinh viết được đoạn văn biểu cảm trong giới hạn cho phép (từ 15 đến 20 câu). Cảm xúc tự nhiên. Lời văn trong sáng, sâu sắc. Bố cục rõ ràng. Không sai lỗi chính tả.
– Yêu cầu cụ thể: Bài viết cần làm nổi bật một số ý sau:
+ Kính trọng thầy cô giáo là nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam từ xưa đến nay ( Một năm có riêng một ngày lễ của thầy cô 20/11). Câu tục ngữ ( nhan đề) đã nhấn mạnh được vai trò của người thầy đối với cuộc đời của mỗi người. ( 1 điểm)
+ Khẳng định công lao của người thầy đối với sự phát triển của xã hội nói chung và cá nhân mỗi học sinh nói riêng. Lòng biết ơn của em đối với công lao to lớn của thầy cô giáo ( lời thầy cô dạy bảo, những giờ học bổ ích, sự hi sinh, … của thầy cô dành cho học sinh thân yêu) ( có thể minh họa bằng thơ ca, danh ngôn) (1.5 điểm)
+ Mở rộng vấn đề: Dù ở đâu đó vẫn có những hành vi vô ơn đối với thầy cô giáo của không ít các bạn học sinh hiện nay tạo ra những nhức nhối trong ngành giáo dục nhưng lòng biết ơn thầy cô vẫn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam cần được duy trì để xã hội phát triển. ( 1.5 điểm)
Câu 4(10điểm)
Học sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo những yêu cầu sau
- Về hình thức
– Bài làm có bố cục rõ ràng, luận điểm đầy đủ chính xác
– Lời văn chuẩn xác, không sai lỗi chính tả, cảm xúc sâu sắc
- Về nội dung.
Học sinh cần làm sáng tỏ hai luận điểm cơ bản:
* Lão Hạc là người nông dân nghèo khổ lam lũ ít học.
– Cảnh ngộ của Lão Hạc thật bi thảm: Nhà nghèo, vợ chết, hai cha con lão sống lay lắt rau cháo qua ngày.
– Vì nghèo nên lão cũng không đủ tiền cưới vợ cho con nên khiến con trai lão phải bỏ đi làm ở đồn điền cao su.
– Chính vì nghèo khổ nên ông không có điều kiện học hành vì thế mà lão không biết chữ, mỗi lần con trai viết thư về lão lại phải nhờ ông giáo đọc hộ và cả đến khi muốn giữ mảnh vườn cũng lại nhờ ông giáo viết văn tự hộ.
– Sự túng quẫn ngày càng đe dọa lão nên sau trận ốm kéo dài, không có việc, rồi bão ập đến phá sạch hoa màu…không lấy tiền đâu để nuôi con Vàng nên lão đã phải dằn lòng quyết định bán cậu Vàng – kỉ vật mà đứa con trai lão để lại.
– Lão sống đã khổ chết cũng khổ.
Hs lấy dẫn chứng phân tích, chứng minh
* Lão Hạc là người nông dân giàu có ở tấm lòng yêu con và lòng nhân hậu.
– Lão Hạc cả đời yêu con một cách thầm lặng, chả thế mà từ ngày vợ chết lão ở vậy nuôi con đến khi trưởng thành. Lão chắt chiu dè sẻn để có tiền lo cưới vợ cho con ấy vậy mà cả đời dành dụm cũng không đủ vì thế mà khi chứng kiến nỗi buồn nỗi đau của con lão luôn day dứt đau khổ.
HS lấy dẫn chứng chứng minh
– Yêu và thương con nên khi xa con tình yêu con của lão được thể hiện gián tiếp qua việc chăm sóc con chó- kỉ vật mà đứa con để lại. Lão vô cùng đau đớn dằn vặt khi bán con chó vàng. Qua đó thấy được tấm lòng nhân hậu của lão.
HS lấy dẫn chứng chứng minh
– Thương con lão chọn cho mình một cách hi sinh, đặc biệt là hi sinh cả mạng sống của mình cho con.
HS lấy dẫn chứng chứng minh
Qua cuộc đời khốn khổ và phẩm chất cao quý của lão Hạc nhà văn đã thể hiện tấm lòng yêu thương trân trọng đối với người nông dân.
* Nghệ thuật
– Truyện được kể ở ngôi thứ nhất người kể chuyện là ông Giáo làm câu chuyện dẫn dắt tự nhiên sinh động hấp dẫn
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm.
- Cách cho điểm.
– Từ 9-10 điểm với bài viết có đủ nội dung, bài viết mạch lạc và cảm xúc sâu sắc.
– Từ 7-8 điểm cho bài còn thiếu một số ý song cảm xúc chưa sâu.
– Từ 5-6 điểm cho bài tỏ ra hiểu đề song còn chưa trọn vẹn về nội dung, còn mắc nhiều lỗi chính tả
– Từ 1-3 điểm cho bài viết yếu.
* Chú ý: Trên đây là định hướng chấm, trong quá trình chấm giám khảo cần linh hoạt vận dụng biểu điểm, trân trọng những sáng tạo của học sinh.