Đề thi chọn học sinh giỏi văn 6 Phạm Thị Kim Chi
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm
Kỳ thi chọn học sinh giỏi văn cấp huyện SaPa 2012-2013
NĂM HỌC 2012 – 2013
Thời gian : 120 phút (không kể thời gian chép đề)
GV ra đề : Phạm Thị Kim Chi
Câu 1: ( 1,5 điểm):
Gạch chân dưới chủ ngữ và vị ngữ của các câu sau rồi phân chúng thành 2 nhóm: nhóm câu trần thuật có từ “là” và nhóm câu trần thuật đơn không có từ “là”.
- Ông già và cả dân làng gọi cây ấy là cây Thiên Hương.
( Ngữ Văn Nghệ An)
- Trông thấy tôi, Dế Choắt khóc thảm thiết.
( Tô Hoài)
- “ Đêm nay Bác không ngủ” là một bài thơ hay của Minh Huệ.
Câu 2: ( 2,5 điểm):
Viết một đoạn văn ngắn nói lên suy nghĩ của em về nhân vật Kiều Phương trong “ Bức tranh của em gái tôi” – Tạ Duy Anh.
Câu 3: (1 điểm) :Văn bản “ Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” đã đặt ra một vấn đề cho toàn nhân loại đó là vấn đề gì?
Câu 4: (5 điểm) :
Sau khi về đến nhà, ông lão ( trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng – Ngữ văn 6, tập một) sửng sốt, lâu đài, cung điện biến mất ; trước mặt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ. Ông lão tâm sự với vợ.
Em hãy tưởng tượng và kể lại những lời tâm sự đó.
………………………………………….Hết……………………………………………………….
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI
MÔN NGỮ VĂN 6
- HƯỚNG DẪN CHUNG
– Giám khảo vận dụng Hướng dẫn chấm phải chủ động, linh hoạt, tránh cứng nhắc, máy móc và phải biết cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể, cần khuyến khích những bài làm thể hiện rõ sự sáng tạo.
– Giám khảo cần đánh giá bài làm của thí sinh một cách tổng thể ở từng câu và cả bài, không đếm ý cho điểm nhằm đánh giá bài làm của học sinh trên cả hai phương diện : kiến thức và kỹ năng.
– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý chính và các thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó, giám khảo có thể thống nhất để định ra các ý chi tiết và các thang điểm cụ thể hơn.
– Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lý, có sức thuyết phục giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để đánh giá, cho điểm một cách chính xác, khoa học, khách quan.
– Điểm toàn bài là 10,0 chiết đến 0,25.
- YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (1.5 điểm):
+ Gạch đúng CN và VN của các câu đã cho:
- Ông già và cả dân lànggọi cây ấy là cây Thiên Hương.
CN VN => 0.5 điểm
- Trông thấy tôi,Dế Choắtkhóc thảm thiết.
CN VN => 0.5 điểm
- “ Đêm nay Bác không ngủ”là một bài thơ hay của Minh Huệ.
CN VN => 0.5 điểm
+ Phân nhóm đúng theo yêu cầu:
– Nhóm câu trần thuật có từ “là”: Câu c
– Nhóm câu trần thuật đơn không có từ “là”: Câu a và câu b
Câu 2 (2.5 điểm):
- Đáp án:
Thí sinh cần bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Về kiến thức:
– Viết đúng chủ đề đoạn văn theo yêu cầu: suy nghĩ về nhân vật Kiều Phương trong “ Bức tranh của em gái tôi” – Tạ Duy Anh.
– Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày và có những suy nghĩ khác nhau nhưng cần chỉ ra được:
* Vẻ đẹp ở nhân vật Kiều Phương ( có tài năng hội họa, tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu, độ lượng… ).
* Vẻ đẹp ấy đã tác động mạnh mẽ đến người anh…
* Bộc lộ được tình cảm đối với nhân vật ( trân trọng, cảm phục…).
+ Về kỹ năng:
– Viết được đoạn văn trọn vẹn về ý nghĩa và hoàn chỉnh về hình thức.
– Không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả…
- Biểu điểm:
– Viết được đoạn văn bảo đảm các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng => 2.5 điểm.
– Đoạn văn cơ bản đảm bảo các yêu cầu về nội dung nhưng còn hạn chế về kỹ năng => 2.0 điểm.
– Đoạn văn còn sơ sài => 1.0 điểm
Các mức điểm cụ thể khác giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để xác định.
Lưu ý:
– Trân trọng và khuyến khích những bài viết giàu cảm xúc, có tố chất.
– Nếu thí sinh viết chung chung về truyện ngắn Bức tranh em gái tôi nhưng trong đó vẫn đề cập đến suy nghĩ của bản thân về nhân vật Kiều Phương thì cho không quá 1/ 2 số điểm của câu.
Câu 3: (1 điểm) Văn bản “ Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” đặt ra vấn đề cho toàn nhân loại đó là:
– Con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên
– Con người phải chăm lo bảo vệ môi trường và thiên nhiên như bảo vệ mạng sống của chính mình.
Câu 4: (5 điểm) :
* Yêu cầu về kĩ năng :
Học sinh biết xây dựng một câu chuyện có bố cục đầy đủ, trình bày các sự việc rõ ràng, trình tự hợp lí.
Chọn ngôi kể phù hợp ( ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba). Lời kể tự nhiên, sinh động.
* Yêu cầu về nội dung :
Phải tưởng tượng ra câu chuyện giữa hai vợ chồng ông lão đánh cá dựa trên tình huống đã cho ở đề bài.
Đề bài tương đối tự do, tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của học sinh được phát huy, tuy nhiên các em phải biết xây dựng nhân vật, cốt truyện bám vào nội dung tác phẩm « Ông lão đánh cá và con cá vàng » đã được học.
Bài viết có thể có những sáng tạo riêng song cần theo hướng cơ bản sau :
- Mở bài (0,5 điểm) :
Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh xảy ra câu chuyện :
– Từ biển xanh trở về, ông lão buồn bã, lo sợ vì cá vàng không cho vợ lão được làm Long Vương.
– Đến nơi, ông sửng sốt khi thấy lâu đài, cung điện biến mất, mụ vợ lão đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.
- Thân bài (4,0 điểm) :
Kể lại cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng ông lão.
– Nhắc lại những việc làm của vợ, của cá vàng trước đó đối với họ.
– Ông lão chia sẻ những điều không hợp lí, những yêu cầu quá đáng của vợ.
– Mụ vợ ân hận về sự tham lam quá quắt ; sự bội bạc đến tàn nhẫn của mình với chồng và với cá vàng.
– Ông lão an ủi vợ.
– Vợ ông lão hứa sẽ thay đổi tâm tính, không phạm những sai lầm như trước.
- Kết bài (0,5 điểm):
Hai vợ chồng ông lão cùng nhận thức ra và tâm niệm sẽ sống nhân hậu ; biết ơn những người đã giúp đỡ mình./.