Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc Ở Châu Phi
Câu 41. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những nhân tố nào đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi ? Nêu những thành quả đạt được trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân châu Phi và những khó khăn mà châu lục này đang phải đối mặt.
Hướng dẫn làm bài.
1. Những nhân tố thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai:
– Nhân tố khách quan: Sự kết thúc Thế chiến thứ hai cũng như những thay đổi về tình hình quốc tế sau chiến tranh đã thúc đẩy phong trào độc lập dân tộc tại châu Phi…
Thất bại của chủ nghĩa phát xít, sự suy yếu của Anh và Pháp, hai quốc gia thống trị nhiều vùng thuộc địa tại châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân châu Phi.
Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, trước hết là của Việt Nam và Trung Quốc đã cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng ở châu Phi.
– Nhân tố chủ quan: Sau chiến tranh, lực lượng cách mạng ở châu Phi đã có sự trưởng thành vượt bậc…
Châu Phi đã thành lập được tổ chức lãnh đạo là “Tổ chức thống nhất châu Phi” (OAU) năm 1963; giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp hoạt động và thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các nước châu Phi…
Giai cấp tư sản châu Phi ngày càng trưởng thành, nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng thông qua các chính đảng hoặc các tổ chức chính trị của mình.
Nhân dân châu Phi đã tận dụng mọi thời cơ tổ chức đấu tranh với nhiều hình thức phong phú nhưng chủ yếu vẫn là đấu tranh chính trị để gây áp lực với kẻ thù…. Mọi đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ to lớn của các tầng lớp nhân dân…
-> Với các nhân tố khách quan và chủ quan trên, phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đã diễn ra sôi nổi ở châu lục này, được mệnh danh là “lục địa mới trỗi dậy”.
2. Những thành quả đạt được trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai:
a. Giai đoạn từ năm 1945 đến 1954 : Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giành độc lập ở châu Phi bùng nổ mạnh trước hết là ở Bắc Phi : mở đầu là cuộc binh biến của binh lính và sĩ quan yêu nước Ai Cập (1952), lật đổ vương triều Pharúc, chỗ dựa của thực dân Anh, lập ra nước Cộng hòa Ai Cập (18 – 6 – 1953). Tiếp theO là Libi (1952), Angiêri (1954 – 1962).
b. Giai đoạn từ năm 1954 đến 1960 : Nửa sau thập niên 50, hệ thống thuộc địa của thực dân ở châu Phi tan rã, nhiều quốc gia giành được độc lập như :
+ Năm 1956 : Tuynidi, Marốc, Xuđăng,
+ Năm 1957 : Gana…
+ Năm 1958 : Ghinê .
c. Giai đoạn từ năm 1960 đến 1975 :
+ Năm 1960 được ghi nhận là “Năm châu Phi” với 17 nước được trao trả độc lập.
+ Năm 1975, thắng lợi của cách mạng Ănggôla và Môdămbích trong cuộc đấu tranh chống thực dân Bồ Đào Nha, đã đánh đổ nền thống trị chủ nghĩa thực dân cũ ở châu Phi cùng hệ thống thuộc địa của nó.
e. Từ năm 1975 đến nay: Giai đoạn hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi.
– Sau nhiều thập kỉ đấu tranh, nhân dân Nam Rôđêdia đã tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Dimbabuê (18 – 4 – 1980).
– Trước sức ép của nhân dân và Liên hợp quốc, chính quyền Nam Phi đã trao trả độc lập cho Namibia; tháng 3 – 1990, Namibia tuyên bố độc lập.
– Tại Nam Phi : Đại hội dân tộc (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc được nhân loại tiến bộ ủng hộ. Phong trào chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi phát triển mạnh mẽ trở thành cao trào cách mạng mang tính chất quần chúng rộng rãi.
Năm 1990, giành được nhiều thắng lợi quan trọng: chủ tịch Nenxơn Manđêla được trả tự do, ANC và Đảng Cộng sản Nam Phi được tự do hoạt động hợp tác. Trước áp lực đấu tranh của người da màu, bản Hiến pháp 11 – 1993, chế độ phân biệt chủng tộc (Aphácthai) bị xóa bỏ.
Tháng 4 – 1994, nhân dân Nam Phi thắng lợi trong cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên.
Kết quả là Nenxơn Manđêla – Chủ tịch ANC trở thành Tổng thống Cộng hòa Nam Phi, một nước Nam Phi mới, dân chủ và không phân biệt chủng tộc. Sự kiện này đánh dấu việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc dã man, đầy bất công đã từng tồn tại ba thế kỉ ở nước này.
3. Những khó khăn của các nước châu Phi trên bước đường phát triển :
– Sau khi giành được độc lập, các nước châu Phi bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển kinh tế – xã hội, gặt hái được những thành tựu bước đầu song không đủ để thay đổi bộ mặt của châu lục này.
– Mặc dù vậy, nhiều nước châu Phi còn nằm trong tình trạng lạc hậu, không ổn định và khó khăn do xung đột, đảo chính, nội chiến diễn ra liên miên, nhân dân nghèo đói, bệnh tật, mù chữ, bùng nổ dân số, nợ nần và sự phụ thuộc vào nước ngoài…Tất cả những khó khăn đó đã và đang là thách thức lớn đối với nhân dân các nước châu Phi. Chẳng hạn :
+ Từ năm 1952 – 1985, tại châu Phi xảy ra 241 đảo chính quân sự.
+ Từ năm 1987 – 1997, châu Phi có tới 14 cuộc xung đột, nội chiến.
+ Trong số 43 quốc gia mà Liên hợp quốc xác định nghèo nhất thế giới (năm 1997), thì ở châu Phi có 29 nước.
– Tổ chức thống nhất Châu Phi (OAU) được thành lập vào tháng 5 – 1963, đến năm 2002 đổi tên là Liên minh châu Phi (AU) đã và đang triển khai nhiều chương trình phátntriển của châu lục.
– Tuy nhiên, những năm gần đây với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế (viện trợ, cử chuyên gia sang tư vấn và giúp đỡ), nhân dân các nước châu Phi đã tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vụ xung đột, khắc phục về kinh tế,thành lập các tổ chức khu vực lớn nhất là tổ chức thống nhất châu Phi (Liên minh châu Phi, AU). Con đường phát triển của châu Phi còn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.
* Bổ sung kiến thức : Những đặc điểm riêng biệt của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là gì ?
Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) thành lập vàO ngày 25 – 5 – 1963 (đến năm 2002, đổi tên thành Liên minh châu Phi – AU) giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp hành động và thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các nước châu Phi.
Do giai cấp tư sản lãnh đạo cuộc đấu tranh vì giai cấp vô sản chưa trưởng thành, chưa có chính đảng lãnh đạo độc lập.
Hình thức đấu tranh chủ yếu là đấu tranh chính trị và thương lượng.
Mức độ độc lập và sự phát triển không đồng đều (vùng châu Phi xích đạo chậm, vùng Bắc Phi phát triển nhanh chóng).
*Dạng câu hỏi tương tự :
1. Trình bày nét chính các giai đoạn phát triển và thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945). Những đặc điểm riêng biệt của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai là gì ? (Đề thi HSG Quốc gia – Bảng A, năm 2003 )
2. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những nhân tố nàO đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi ? Cuộc đấu tranh giành độc lập ở châu Phi đã diễn ra như thế nào ? Vì sao cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi được gọi là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ?
(Đề thi HSG cấp THPT, Hà Nội, năm 2009 )