Những Biến Đổi To Lớn Ở ĐNA Từ 1945-2000
Câu 28. Nêu những biến đổi to lớn của khu vực Đông Nam Á trong quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và hội nhập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 2000. Liên hệ những biến đổi ấy với thỏa thuận Ianta về Đông Nam Á, rút ra nhận xét?
Hướng dẫn làm bài.
a) Biến đổi trong quá trình giành độc lập…
– Trước Thế chiến thứ hai, Đông Nam Á là thuộc địa của các đế quốc Âu – Mĩ, sau đó là Nhật Bản (trừ Thái Lan). Sau khi Nhật Bản đầu hàng nhiều nước đã tuyên bố độc lập hay giải phóng phần lớn lãnh thổ (Ngày 17 – 8 – 1945, Inđônêxia tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Inđônêxia; Cách mạng tháng Tám 1945 của nhân dân Việt Nam thành công dẫn tới sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 – 9 – 1945; nước Lào tuyên bố độc lập vào ngày 12 – 10 – 1945. Miến Điện, Mã Lai và Philíppin giải phóng phần lớn lãnh thổ khỏi ách thống trị của quân phiệt Nhật Bản).
– Ngay sau đó, các nước đế quốc Âu – Mĩ lại tái chiếm Đông Nam Á, trải qua quá trình đấu tranh kiên cường, các nước Đông Nam Á đã giành được thắng lợi hoàn toàn và tuyên bố độc lập (Inđônêxia năm 1950, ba nước Đông Dương năm 1975). Brunây độc lập năm 1984. Đông Timo độc lập năm 2002.
b) Biến đổi trong quá trình xây dựng đất nước…
+ Nhóm 5 nước sáng lập ASEAN (Inđônêxia, Philippin, Xingapo, Thái Lan, Malaixia):
– Sau năm 1945 đến những năm 60, các nước này tiến hành đường lối công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ và đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, chiến lược này dần bộc lộ những hạn chế nhất là nguồn vốn, nguyên liệu và công nghệ.
– Từ những năm 60 đến 70, các nước này chuyển sang chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu – mở cửa nền kinh tế. Sau khi thực hiện chiến lược kinh tế hướng ngoại, các nước này đã đạt được những thành tựu, tỉ trọng công nghiệp trong nền kinh tế lớn hơn nông nghiệp, mậu dịch đối ngoại tăng nhanh (năm 1980, tổng kim ngạch xuất khẩu của 5 nước đạt 130 tỉ USD). Xingapo với tốc độ phát triển kinh tế là 12% (1966 – 1973) và trở thành “con Rồng kinh tế” của châu Á.
+ Nhóm các nước Đông Dương : vào những năm 80 – 90 (thế kỉ XX), các nước Đông Dương đã chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường và đã đạt được một số thành tích như: từ năm 1986, Lào tiến hành đổi mới ; Campuchia tiến hành khôi phục kinh tế, sản xuất công nghiệp tăng 7% (1995).
+ Các nước Đông Nam Á khác :
– Brunây : toàn bộ nguồn thu dựa vào dầu mỏ và khí tự nhiên. Từ giữa những năm 1980, chính phủ tiến hành đa dạng hóa nền kinh tế.
– Mianma : Trước thập niên 90 (thế kỷ XX), thi hành chính sách “đóng cửa”. Đến 1988, chính phủ tiến hành cải cách kinh tế và “mở cửa”, kinh tế có nhiều khởi sắc…
c) Biến đổi trong quá trình hội nhập…
+ Từ năm 1967 đến năm 1999, hầu hết các nước Đông Nam Á đều gia nhập tổ chức ASEAN… Từ đây, ASEAN đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình ổn định để cùng phát triển.
+ Từ tháng 11 – 2007, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 đã thông qua Hiến chương ASEAN nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN có vị thế và hiệu quả cao hơn.
d) Liên hệ với thỏa thuận Ianta :
Trong thỏa thuận Ianta qui định các nước Đông Nam Á vẫn thuộc phạm vi truyền thống của Phương Tây, nhưng các nước Đông Nam Á đã đứng lên đấu tranh lần lượt giành và giữ độc lập, điều đó đã làm chủ nghĩa thực dân mất dần ảnh hưởng và tan rã. Hiện nay, Đông Nam Á với tổ chức ASEAN năng động đang góp phần vào việc hình thành một quan hệ quốc tế mới.
Dạng câu hỏi tương tự:
1. Hãy trình bày nhận xét của anh/chị về các con đường đấu tranh giành độc lập và xu hướng phát triển của các nước Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
(Đề thi HSG cấp THPT, TP.Hồ Chí Minh, năm 2003)
2. Trình bày đặc điểm quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của các nước Đông Nam Á từ năm 1945 đến nay.
(Đề thi HSG cấp THPT, TP.Hồ Chí Minh, năm 2004)
3. Qua những sự kiện lịch sử cụ thể, hãy nêu những biến đổi to lớn về mặt chính trị xã hội của các nước Đông Nam Á trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).
(Đề thi HSG Quốc gia, bảng A, năm 2002)
4. Trình bày và phân tích những biến đổi về các mặt chính trị, xã hội của các nước trong khu vực Đông Nam Á trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
(Đề thi HSG Quốc gia, bảng B, năm 2002)