Tại Sao Triều Tiên Lại Bị Chia Cắt Làm 2 Quốc Gia
Câu 25. Tại sao trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai quốc gia với hai chế độ chính trị xã hội khác nhau ? Quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên có những biến chuyển gì kể từ những năm 70 của thế kỉ XX đến năm 2000 ? (Đề thi HSG cấp THPT, Hà Nội, năm 2008)
Hướng dẫn làm bài.
1. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai quốc gia với hai chế độ chính trị xã hội khác nhau do :
– Theo thoả thuận của ba cường quốc Liên Xô, Anh, Mĩ ở Hội nghị Ianta (2 – 1945), bán đảo Triều Tiên bị phân chia làm hai khu vực để giải giáp quân đội Nhật; ranh giới tạm thời là vĩ tuyến 38º. Quân đội Liên Xô sẽ đóng tại phía Bắc vĩ tuyến 38º, phía Nam là quân đội Mĩ. Song việc thành lập chính phủ chung cho cả hai nước không được thực hiện. Đất nước Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền, lập nên hai quốc gia riêng biệt, thù địch lẫn nhau.
– Vấn đề thống nhất hai miền không được thực hiện do bối cải “Chiến tranh lạnh”. Sự đối đầu giữa Liên Xô và Mĩ làm cho việc xúc tiến thành lập chính phủ chung của hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên không được thực hiện.
– Mỗi miền, chịu ảnh hưởng của mỗi nước, đã thành lập một nhà nước riêng :
Tháng 5 – 1948, ở miền Nam Triều Tiên, Mĩ giúp đỡ các lực lượng tư sản thành lập nhà nước lấy tên là Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc).
Tháng 9 – 1948, miền Bắc Triều Tiên, Liên Xô giúp đỡ các lực lượng dân chủ thành lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Cuối năm 1948, quân đội Liên Xô rút ra khỏi miền Bắc Triều Tiên.
2. Quan hệ hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên :
– Hai nước trên bán đảo ra đời năm 1948.
– Từ những năm 50 – 60 của thế kỉ XX, quan hệ giữa hai miền là đối đầu.
+ Năm 1950, cuộc chiến tranh lớn giữa hai miền đã nổ ra kéo dài 3 năm (1950 –1953).
+ Đến tháng 7 – 1953, hai bên đã kí hiệp định đình chiến lấy vĩ tuyến 38º làm ranh giới quân sự giữa hai miền Bắc, Nam.
+ Từ đó, hai miền Nam, Bắc trở thành hai quốc gia theo những định hướng phát triển khác nhau. Song nguyện vọng nhân dân hai miền là thống nhất đất nước.
– Từ những năm 70 (thế kỉ XX), đặc biệt khi chấm dứt Chiến tranh lạnh, hai miền bước vào thời kì đối thoại. Những sự kiện chứng tỏ hai miền bước vào đối thoại là :
+ Năm 1990, các nhà lãnh đạo nhất trí :
Xoá bỏ tình trạng đối đầu về kinh tế, quân sự.
Tiến hành hợp tác nhiều mặt.
+ Tháng 6 – 2000, hai nhà lãnh đạo cao nhất của 2 nước có 1 cuộc gặp gỡ tại Bình Nhưỡng kí hiệp định hoà hợp.