Sự Ra Đời Của Liên Hiệp Quốc
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Câu 2. Căn cứ vào quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay thì lịch sử thế giới được phân chia làm mấy thời kỳ ? Hãy cho biết đặc điểm nổi bật của từng thời kỳ. Tại sao có thể khẳng định sự ra đời của Liên hợp quốc là một thành công to lớn trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai ?
Hướng dẫn làm bài.
1. Căn cứ vào quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay thì lịch sử thế giới được phân chia làm 2 thời kỳ :
– Thời kì trong “Chiến tranh lạnh” (1945 – 1989) : là thời kì trên thế giới đã hình thành “trật tự hai cực Ianta” và từ 1947 là thời kỳ Chiến tranh lạnh do Mĩ phát động làm cho tình hình thế giới ở trong tình trạng căng thẳng, gay gắt, phức tạp với các cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp và đấu tranh giữa hai 2 cực đối lập Xô – Mĩ và hai khối Đông – Tây.
– Thời kì sau “Chiến tranh lạnh” (từ sau năm 1989) : là thời kì một trật tự thế giới mới đang hình thành theo hướng đa cực, nhiều trung tâm. Từ xu thế đối đầu chuyển sang xu thế đối thoại.
+ Từ cuối năm 1989 đến năm 1991: Cuộc “chiến tranh lạnh” kéo dài trên 40 năm đã chấm dứt (cuối năm 1989), trong quan hệ quốc tế từ xu thế đối thoại, hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau cùng tồn tại hoà bình. Tình hình thế giới trở nên dịu hơn, các cuộc tranh chấp và xung đột khu vực đã và đang dần dần được giải quyết (vụ xung đột ở Nam Phi có liên quan đến Namibia và cuộc nội chiến kéo dài ở Ăngôla, vấn đề Ápganitxtan, vấn đề Campuchia, vấn đề Nicaragoa ở Trung Mĩ, vấn đề hoà bình và ổn định ở Trung Cận Đông…
+ Từ năm 1991 đến nay : “Trật tự hai cực Ianta” bị sụp đổ, Mĩ ra sức vươn lên “thế một cực” trong trật tự thế giới mới, còn các cường quốc khác cố gắng duy trì “thế đa cực”, trong đó, Đức và Nhật Bản đang đòi hỏi trở thành hai cực nữa trong thế giới “đa cực” này.
-> Từ đầu những năm 90, một trật tự thế giới mới, đang dần dần hình thành và đã xuất hiện một số đặc điểm và xu thế phát triển. Xu thế đối thoại hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hoà bình đang ngày càng trở thành xu thế chủ yếu trong các mối quan hệ quốc tế; 5 nước lớn là uỷ viên thường trực hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiến hành thương lượng, thoả hiệp và hợp tác với nhau trong việc duy trì trật tự thế giới; tất cả các quốc gia dân tộc đều đang đứng trước những thử thách những thời cơ để đưa vận mệnh đất nước mình tiến lên kịp với thời đại.
2. Sự ra đời của Liên hợp quốc là một thành công to lớn trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai bởi vì:
– Tại Hội nghị Ianta (2 – 1945), Liên Xô, Mĩ, Anh nhất trí thành lập một tổ chức quốc tế để gìn giữ hoà bình, an ninh và trật tự thế giới…. Từ ngày 25 – 4 đến 26 – 6 – 1945, Hội nghị đại biểu của 50 nước đã họp tại Xan Phranxixcô để thông qua Hiến chương và thành lập Tổ chức Liên hợp quốc.
– Ngày 24 – 10 – 1945, Liên hợp quốc chính thức thành lập (ngày Hiến chương Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực). Trụ sở đặt tại New York (Mĩ).
– Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ mục đích của tổ chức này là duy trì hòa bình và an ninh thế giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.
+ Với tư cách là tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, Liên Hiệp Quốc đã tạo diễn đàn quốc tế vừa hợp tác vừa đấu tranh để giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột ở nhiều khu vực, duy trì hoà bình, an ninh thế giới, tiến hành giải trừ quân bị, hạn chế chạy đua vũ trang và nhất là các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt ; giải quyết những tranh chấp xung đột (thành công ở Namibia, Môdămbích, Campuchia, Đông Timo,…).
+ Thủ tiêu chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc:
Năm 1960 ra “Tuyên ngôn về việc thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân và trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa”; năm 1963 ra “Tuyên ngôn về việc thủ tiêu tất cả các hình thức của chế độ phân biệt chủng tộc”.
+ Thúc đẩy các quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, giúp đỡ các quốc gia, dân tộc đang phát triển về kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, nhân đạo với phương châm “Giúp người để người tự cứu lấy mình”…thông qua hàng loạt các chương trình khá hiệu quả của các tổ chức của Liên hợp quốc xây dựng và triển khai như các chương trình của Quỹ Nhi đồng (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục (UNESCO).
Dạng câu hỏi tương tự :
Quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay trải qua những thời kỳ nào ? Nêu đặc điểm của từng thời kỳ.
(Đề thi HSG cấp THPT, tỉnh Thừa Thiên – Huế, năm 2006)