Cảm nhận khi đọc bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Tham khảo bài làm của bạn Nguyễn Thị Vân Anh lớp 8A trường THCS Nguyễn Trãi – Đông Hà
Bài thơ vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác tỏ chí, khẳng định chí hướng, lí tưởng của mình. Câu vào bài rất tự nhiên, pha chất tự trào, đùa tếu, biểu hiện ngay thái độ coi thường hiểm nguy, tinh thần không nao núng của tác giả :
“Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”.
Hào kiệt là kẻ tài trí hơn người. Sách Hoài Nam tử xưa nói trí hơn vạn người gọi là anh, trí hơn nghìn người gọi là tuấn, trí hơn trăm người gọi là hào, trí hơn mười người gọi là kiệt. Phong lưu vừa có nghĩa là anh hùng, tuấn kiệt. Câu đầu tiên có nghĩa là hoàn cảnh có thay đổi, nhưng phong độ anh hùng, tư thái phong lưu vẫn không thay đổi.
“Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu”
Không phải là Phan Bội Châu đã thấy mọi chân, mà là giả định như một cuộc dừng chân sau chặng đường dài mọi mệt, coi như một việc bình thường trong cuộc sống.
Đó là cách biến việc nghiêm trọng thành việc bình thường của nhà cách mạng để tự động viên, an ủi.
Hai câu tiếp theo tự nói về cảm nhận thân thế của mình :
“Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu”.
Người Trung Quốc có câu thành ngữ « Tứ hải vi giai », nghĩa là xem bốn biển là nhà. Tình cảnh của Phan Bội Châu còn bi đát hơn : Ông đa bỏ nhà xuất dương hoạt động, làm khách không nhà trong bốn biển – nơi nào cũng xa lạ, không có chỗ dựa, cực tả nỗi phiêu bạt, lênh đênh. Người có tội là người bị theo dõi, truy nã ráo riết, nơi nào cũng có nguy cơ bắt bớ, không nói nào được yên ổn.
Đem câu này đối chiếu với hai câu trước mới thấy hết cái khí phách anh hùng của tác giả : dù hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt vẫn giữ vững chí khí, tác phong hào kiệt.
“Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù”
Hai câu luận đã bày tỏ được khát vọng mãnh liệt mà cụ Phan từng ôm ấp: Khát vọng kinh bang tế thế (lo nước cứu đời). Hình ảnh thơ có tính chất lãng mạn kiểu anh hùng ca khiến nhân vật trữ tình dường như không còn là con người thật, con người nhỏ bé bình thường trong vũ trụ nữa mà vụt lớn lên, từ tầm vóc đến năng lực đều trở nên hết sức lớn lao, thần thánh.
Nếu trước đây người đời đã từng ngưỡng mộ hoài bão và khí phách của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, thì lúc này đây, họ càng thêm cảm phục bản lĩnh của cụ Người anh hùng ấy, dù trong cảnh tù đầy vẫn Dang tay ôm chặt bồ kinh tế và Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Bài thơ khép lại bằng hai câu thơ khẳng định ý chí sắt son bất khuất:
“Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu”
Một lần nữa ta cảm nhận được tư thế hiên ngang của con người đứng cao hơn cái chết. Lời thơ dõng dạc, dứt khoát như chính ý chí gang thép của người tù cách mạng. Kẻ thù có thể giam cầm, đầy đọa, thậm chí sát hại những người yêu nước, những người cách mạng, nhưng niềm tin sắt son của họ, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của họ thì chúng làm sao có thể khuất phục. Đối với những người cách mạng như Phan Bội Châu, còn sống là còn chiến đấu.
Bài thơ khép lại mà âm hưởng hào hùng của nó như còn ngân vang mãi trong lòng độc giả. Càng đọc bài thơ, ta càng xúc động bởi nguồn cảm xúc trữ tình mãnh liệt của tác giả đã truyền sang ta. Chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên vẻ đẹp kì diệu cho hình tượng thơ và tạo nên phong cách trữ tình cách mạng Phan Bội Châu. Và cũng chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn không gì cưỡng lại được của thơ ca Phan Bội Châu