Trường từ vựng
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Thế nào là trường từ vựng?
- Ví dụ:
- Các từ: thầy giáo, công nhânm nông dân, thầy thuốc, kỹ sư… đều có một nét nghĩa chung là: người nói chung xét về nghề nghiệp.
- Các từ : đi, chạy, nhảy, bò, bơi, trườn… đều có một nét nghĩa chung là: hoạt động dời chỗ.
- Các từ: thông minh, nhanh trí, sáng suốt… ngu đần, dốt, chậm… đều có chung nét nghĩa: tính chất trí tệu của con người.
- Khái niệm: Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét nghĩa chung.
2. Một số điểm lưu ý
- Tuỳ theo mức độ khái quát của ý nghĩa, một trường từ vựng có thể chia thành nhiều trường từ vựng nhỏ hơn.
Ví dụ:
Trường từ vựng “Hoạt động của con người” bao gồm các trường nhỏ hơn:
- Hoạt động của trí tuệ: nghĩ, suy nghĩ, ngẫm, nghiền ngẫm, phán đoán…
- Hoạt động của các giác quan để cảm giác: nhìn, trông, ngó, ngửi, nếm, nghe, sờ…
- Hoạt động dời chỗ: đi, chạy, nhảy, trườn, bò, bay…
- Hoạt động thay đổi tư thế: đứng, ngồi, cúi, lom khom, ngửa, nghiêng, vắt (chân)…
- Các trường từ vựng nhỏ trong trường từ vựng lớn có thể thuộc về nhiều từ loại khác nhau.
Ví dụ:
- Trường từ vựng “các bộ phận của tay”: cánh tay, bàn tay, ngón tay, móng tay, đốt tay… đều là danh từ.
- Trường từ vựng chỉ “Hoạt động của tay”: vẫy, cầm, nắm, ném, ôm… đều là động từ.
- Do hiện tượng nhiều nghĩa, một từ có thể thuộc nhiều trường từ vựng khác nhau:
Ví dụ:
- Mắt
- Trường bộ phận của cơ thể: mắt, miệng, tay, chân, tai, mũi….
- Trường hoạt động: nhìn, ngó, trông, theo…
- Chữ “sắc” trong các trường hợp sau thuộc về những trường từ vựng khác nhau:
- Dao mài rất sắc.
- Mắt sắc như dao.
- Chè nấu nhiều đường quá, ngọt sắc lên.
- Trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong văn chương, sử dụng cách chuyền từ vựng, thường nhằm mục đích tăng thêm tính nghệ thuật của ngôn từ thông qua các phương thức: nhân hoà, so sánh, ẩn dụ…
Ví dụ:
Khăn thương nhớ ai.
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên!
Đêm qua, em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên mọi bề.
Ca dao
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
1. Hãy đặt tên trường từ vựng cho mỗi dãy từ dưới đây:
- Cày, cuốc, thuổng, mai, bừa, đào, …
- Dao, cưa, rìu, liềm, hái, …
- Tủ, rương, hôm, vali, chạn, thúng, mủng, nong, nia, chai, lọ, vại, hũ, bình, …
- Hiền, hiền lành, dữ, ác, độc ác, tốt bụng, rộng rãi, …
- Buồn, vui, giận, căm phẫn, kích động, xao xuyến, …
Gợi ý:
- Dụng cụ để xới đất.
- Dụng cụ để chia cắt
- Dụng cụ để chứa đựng.
- Tính chất tâm lý.
- Trạng thái nội tâm.
- Các từ gạch chân trong đoạn văn sau, thuộc trường từ vựng nào?
Làng mạc bị tàn phá, nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa, nếu tôi có ngày trở về. Ở mảnh đất ấy, tháng giêng, tôi đi đốt bãi, đào ổ chuột; tháng tám nước lên, tôi đi đánh giậm, úp cá, đơm tép; tháng chín, tháng mười, đi móc con da dưới vệ sông.
(Nguyễn Khải)
Gợi ý:
Các từ gạch chân thuộc trường từ vựng: Hoạt động tác động đến một đối tượng khác ngoài chủ thể.
2. Từ “ướt” trong câu sau đây thuộc trường từ vựng nào?
Em thấy cơn mưa rào
Ướt tiếng cười cả bố
(Phan Thế Cải)
Gợi ý:
Từ “ướt” trong câu, thuộc trường từ vựng xúc giác, do phép chuyển nghĩa ẩn dụ.
3. Các từ sau đây đều thuộc trường từ vựng “người”, hãy xếp chúng vào những trường từ vựng nhỏ hơn:
Đàn ông, trẻ em, nhi đồng, đàn bà, thầy giáo, nam, nữ, giáo viên, thiếu niên, thanh niên, công nhân, học sinh, cụ già, trung niên, thầy thuốc, bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, lái xe,…
Gợi ý:
- Người nói chung xét về giới tính: đàn ông, đàn bà…
- Người nói chung xét về tuổi tác: trẻ em, nhi đồng, thanh niên…
- Người nói chung xét về nghề nghiệp: thầy thuốc, thầy giáo…
4. Tìm các từ thuộc trường từ vựng sau:
- Hoạt động của con người tác động đến đối tượng.
- Tính chất ngoại hình của cơ thể
- Dụng cụ để nằm
Gợi ý:
- Hoạt động của con người tác động đến đối tượng: đá, ném, quăng, lôi, kéo…
- Tính chất ngoại hình của cơ thể: cao, thấp, béo…
- Dụng cụ để nằm: giường, phản…
-
Trường từ vựng