Thuyết minh về đặc điểm các thể thơ Lục Bát

Đề bài.

Thuyết minh về đặc điểm các thể thơ Lục Bát.

Bài làm:

Bắt nguồn từ ca dao, dân ca, được phát triển qua các truyện thơ Nôm… thơ lục bát đã đạt đến sự hoàn thiện hoàn mĩ với Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du. Trong thơ ca hiện đại, thơ lục bát vẫn được tiếp tục phát huy qua thơ Nguyễn Bính, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa… và nhiều nhà thơ khác, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong lòng người đọc.

Có thể nói rằng không người Việt Nam nào mà lại không biết đến thơ lục bát, một thể thơ thuần túy dân tộc, xuất hiện đã hàng ngàn năm nay. Từ thuở nằm nôi, nằm võng, theo lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, thơ lục bát đã ngấm vào tim óc, làm nên đời sống tâm hồn phong phú của mỗi con người.

Nghiên cứu về đặc điểm của các thể thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng, chúng ta cần lưu ý đến các mặt như: số tiếng, số câu, cách gieo vần, phối thanh và ngắt nhịp.

Đơn vị cơ bản của thơ lục bát gồm một cặp câu: câu lục (sáu tiếng) và câu bát (tám tiếng). Số câu trong bài không hạn định, ít nhất là hai, nhiều có thể lên tới hàng ngàn, vài ngàn câu như các truyện thơ Nôm mà tiêu biểu nhất là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Trong ca dao, có những bài chỉ vẻn vẹn hai câu mà đủ sức thể hiện, khái quát một nội dung, một vấn đề nào đó của xã hội, hay một trạng thái tình cảm của con người. Bên cạnh đó là những truyện thơ lục bát trường thiên kể về bao biến cố trong suốt cuộc đời dài dằng dặc của nhân vật. Điều đó chứng tỏ độ dài ngắn của thơ lục bát là hoàn toàn phụ thuộc vào chủ định của người sáng tác.

Vần trong thơ lục bát có hai loại: vần lưng và vần chân. Hai dòng lục bát hiệp theo vần lưng có nghĩa là tiếng thứ sáu của câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát. Nếu tiếp tục kéo dài thì tiếng thứ tám của câu bát lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục bên dưới. Đó là vần chân. Ví dụ:

Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
(Việt Bắc – Tố Hữu)

Ngoài dạng lục bát nguyên thể như trên, còn có dạng lục bát biến thể đôi chút bằng cách thêm bớt một số tiếng hoặc xê dịch về cách hiệp vần hay phối thanh.

Ví dụ:

Cơm ăn mỗi bữa lưng lưng,
Uống nước cầm chừng, để dạ thương em.
(Ca dao)

Tiếng thứ sáu của câu lục lại vần với tiếng thứ tư của câu bát, tuy vậy đọc lên vẫn thấy du dương. Trường hợp thêm chữ như câu ca dao sau đây:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.
(Ca dao)

Câu lục đã được thêm vào hai tiếng (gió đẩy). Nếu bớt đi hai tiếng này thì hai câu lục bát trên sẽ trở lại dạng nguyên thể về vần, nó vẫn tuân thủ theo cách hiệp vần lưng.

Quy luật phối thanh của thơ lục bát khá linh hoạt, uyển chuyển. Thường thường thì các tiếng ở vị trí thứ hai, bốn, sáu, tám là thanh bằng, vị trí thứ tư là thanh trắc. Còn các tiếng ở vị trí lẻ một, ba, năm, bảy thì có thể là bằng hay trắc đều được cả.

dac diem ve tho luc bat

Ví dụ:

Bần thần hương huệ thơm đêm
b             t               b
Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết Bàn
B             t               b              b
Chân nhang lấm láp tro tàn
b             t               b
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào.
b             t               b              b
(Mẹ và em – Nguyễn Duy)

Nếu ở câu lục có hiện tượng tiểu đối thì luật bằng trắc có thể thay đổi.

Ví dụ:

Khi tựa gối, khi cúi đầu,
t           b         b
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Tiếng thứ hai thanh trắc, tiếng thứ tư thanh bằng, khác với cách phối thanh của câu lục bình thường.

Nhịp trong thơ lục bát phần lớn là nhịp chẵn, tạo nên âm điệu êm đềm, thong thả, thích hợp làm lời hát ru, hát ngâm.

Ví dụ:

Vì mây / cho núi / lên trời,
Vì chưng / gió thổi / hoa cười/ với trăng.

Hay:

Gió sao / gió mát / sau lưng
Dạ sao / dạ nhớ / người dưng / thế này ?
(Ca dao)

Nhưng khi cần biểu đạt một nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định nào đó, người ta có thể biến đổi nhịp thơ cho thích hợp. Ví dụ như lời Thúy Kiều nói với Hoạn Thư trong cảnh Kiều báo ân báo oán:

Dễ dàng / là thói / hồng nhan,
Càng / cay nghiệt lắm / càng / oan trái nhiều Ị

Rõ ràng là giọng đay nghiến, chì chiết khi Thúy Kiều nhắc tới máu ghen đáo để có một không hai của tiểu thư họ Hoạn.

Thơ lục bát đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Cái hay, cái đẹp của nó là kết tinh tinh hoa ngôn ngữ tiếng Việt. Với những ưu điểm trong cách gieo vần, phối thanh, ngắt nhịp… biến hóa linh hoạt, uyển chuyển, thơ lục bát dễ nhớ, dễ đi sâu vào tâm hồn. Điều quan trọng là thơ lục bát đủ khả năng diễn tả đời sống tình cảm phong phú, đa dạng của người Việt. Cho đến nay, giữa rất nhiều thể thơ khác nhau, thì thơ lục bát vẫn có vị trí xứng đáng và vẫn được đông đảo bạn đọc yêu mến. Sau kiệt tác Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã tôn vinh thơ lục bát lên tới đỉnh cao của nghệ thuật thi ca, các bài thơ lục bát của Nguyễn Bính, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa và một số nhà thơ khác vẫn kế tục và phát huy thế mạnh của thể thơ thuần túy dân tộc, để thơ lục bát mãi mãi là niềm tự hào – là sản phẩm tinh thần vô giá của non sông, đất nước.

Thảo luận cho bài: Thuyết minh về đặc điểm các thể thơ Lục Bát